Thứ Tư, 27 tháng 12, 2017

‘Đả hổ diệt ruồi’ của Tổng Bí Thư Trọng sẽ phát triển đến đâu?

‘Đả hổ diệt ruồi’ của Tổng Bí Thư Trọng sẽ phát triển đến đâu?

Phạm Chí Dũng
clip_image002
Ông Nguyễn Phú Trọng có hơi hướng “Tập Cận Bình hóa.” (Hình: Brendan Smialowski/AFP/Getty Images)
Vẫn còn quá sớm để dự đoán về quy mô và phạm vi của chiến dịch “chống tham nhũng,” hay còn gọi “đả hổ diệt ruồi” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng sự thật hiển nhiên không thể phủ nhận là “lao đã phóng đi,” và kẻ phóng lao phải theo lao.
Phóng lao theo lao
Đó là quyết định bắt giam cựu Ủy Viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng – một hành động mang sắc thái tâm lý rất đặc trưng: Nguyễn Phú Trọng đã vượt qua tâm lý “mình mà bắt nó thì khi mình nghỉ thằng khác sẽ bắt mình” được xem là rất phổ biến trong giới quan chức cao cấp.
Hoàn toàn có thể xem vụ bắt Đinh La Thăng là một thắng lợi của ông Trọng, sau thắng lợi đầu tiên trước Nguyễn Tấn Dũng tại đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016.
Và cũng có thể xem vụ bắt Đinh La Thăng là một bước ngoặt chuyển đổi về trạng thái tâm lý và nhận thức của Nguyễn Phú Trọng. Mà một chính khách khi đã có một thay đổi lớn về nhận thức và tâm lý thì sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn về hành động chính trị.
Hành động chính trị ấy đang và sẽ rất có thể là cuộc chơi một mất một còn của ông Trọng với các đối thủ chính trị của ông, cũng như với các nhóm lợi ích mà đảng của ông Trọng đã vừa buông lơi vừa dung túng trong quá nhiều năm để khiến đất nước và người dân trở nên tàn tạ trong đau đớn.
Sau một năm rưỡi kể từ thời điểm phát chủ trương “việc cần làm ngay” nhưng chẳng đạt được kết quả gì đáng kể, ngày 8 Tháng Mười Hai, 2017, có thể được xem là thời điểm mà chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng Bí Thư Trọng chính thức bước vào giai đoạn 2. Đặc trưng của giai đoạn này là không hô hào suông mà hành động thực chất.
Vụ bắt Đinh La Thăng ở Việt Nam vào năm 2017 rất có thể mang tính tương đồng với một mốc khởi đi trong cuộc chiến “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình ở Trung Quốc vào năm 2012: Chỉ ít lâu sau khi trở thành chủ tịch nước kiêm tổng bí thư, Tập đã phát lệnh cách chức Bạc Hy Lai – ủy viên Bộ Chính trị và bí thư tỉnh Trùng Khánh, sau đó khởi tố và tống giam nhân vật này, mở màn cho quá trình tiêu diệt những “hổ” khác như Chu Vĩnh Khang – bộ trưởng Công An, Từ Tài Hậu – phó chủ tịch Quân ủy Trung ương… cùng vô khối quan chức tham nhũng khác.
Sẽ “làm thịt cả phe ta?”
Nhưng cho tới nay, kể cả giới cán bộ lão thành mang tư tưởng bảo thủ ở Việt Nam vẫn mang nặng mối hoài nghi về tương lai Nguyễn Phú Trọng có thể làm được một cái gì đó tương tự như Tập Cận Bình trong cuộc chiến “chống tham nhũng.”
Lý do đơn giản là trong suốt một thời gian dài, ông Trọng đã bỏ phí nhiều cơ hội và thái độ “chống tham nhũng” của ông khá phập phù thăng trầm mà đã khiến nhiều dư luận thất vọng. Hơn nữa khi đã phát một vài tín hiệu bắt bớ nhóm quan chức tham nhũng, ông Trọng lại khiến người ta nghĩ rằng ông ta chỉ “chống tham nhũng một bên,” tức chỉ “chống tham nhũng thời kỳ trước” – thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng, trong khi nhóm quan chức tham nhũng thuộc “thời kỳ này”, đặc biệt những trường hợp cộm cán như Nguyễn Thị Kim Tiến – bộ trưởng Y tế, Võ Kim Cự – cựu bí thư Hà Tĩnh… lại vẫn “trong vòng tay trìu mến” của Tổng Bí thư Trọng.
Mối hoài nghi đang dần chuyển thành nghi ngờ trên đặt ông Trọng trước một bài toán phức hợp: Hoặc ông từ bỏ ngay chủ trương “chống tham nhũng” của mình, hoặc đã làm thì phải “công bằng,” nghĩa là phải cho khởi tố và bắt cả những quan chức thuộc “phe ta.”
Vào Tháng Mười Hai, 2017, ngay sau vụ cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng bị khởi tố và tống giam, vụ bắt năm cựu lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam đã cho thấy chiến dịch “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng đã bước sang một giai đoạn mới, cứng rắn hơn nhiều, không chỉ nhắm vào phe phái Nguyễn Tấn Dũng mà phần nào còn có thể mang tính “công bằng” khi tấn công luôn cả những phe phái và nhóm lợi ích khác, nhỏ hơn và “ruồi” hơn, và đặc biệt là tạo tiền lệ “hồi tố” đối với giới quan chức đã nghỉ hưu và tưởng đã “hạ cánh an toàn” một số năm.
Xác suất Nguyễn Phú Trọng “làm thịt” ngay cả “phe ta” đang từ từ dâng lên. Được xem là “người Mohican cuối cùng” trong đảng về tính thanh sạch (dù có thể chỉ là một sự sạch sẽ tương đối), ông Trọng đang ở trong trạng thái chẳng có gì phải “lăn tăn” với các quan chức đã đớp hốt ngân sách quá nhiều. Từ chủ trương “việc cần làm ngay” của ông Trọng phát ra vào giữa năm 2016, có thể hình dung tư tưởng của ông đang hướng về hình ảnh của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với “những việc cần làm ngay” ba chục năm về trước, tức ghi dấu ấn trong sử xanh cho một đời tổng bí thư.
Một trạng thái tâm lý khác của ông Trọng có thể đang hình thành và dâng tràn là hơi hướng “Tập Cận Bình hóa.” Rất có thể những thành quả và hình ảnh độc tôn vời vợi của Tập đã khiến ông Trọng nhận ra đó là một mục tiêu cần phải theo đuổi.
Cũng bởi thế, Việt Nam trong ít ra vài năm tới sẽ sôi sục bởi chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” cùng tham vọng cá nhân của tổng bí thư. Dù có thể quy mô của chiến dịch này là không thể so sánh được với quy mô mà Tập Cận Bình đã mở ra ở Trung Quốc, nhưng sẽ có không ít quan chức của “phe địch” lẫn “phe ta” được ông Trọng tống vào “lò”.
2018: Những vụ nào sẽ vào “lò”?
Lẽ đương nhiên, chiến dịch được xem là “chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Trọng không thể dàn trải khắp các bộ ngành và các địa phương, mà phải trọng tâm hóa vào một số vụ trọng điểm. Đó là những vụ nào?
Vào cuối năm 2016, các cơ quan chức năng đã thống kê được 12 dự án đắp chiếu gây lãng phí đến nhiều chục ngàn tỷ đồng: Nhà máy Ðạm Ninh Bình (Ninh Bình), nhà máy Xơ Sợi Ðình Vũ (Hải Phòng), nhà máy Nhiên Liệu Sinh Học Bio-Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), công trình mở rộng nhà máy Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (Thái Nguyên), nhà máy Bột Giấy Phương Nam (Long An), Ðạm Hà Bắc, Ðạm DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, liên danh Khai Thác Mỏ Quý Sa, nhà máy Gang Thép Lào Cai.
Chỉ tính riêng năm dự án đắp chiếu bị phát hiện trong số 22 dự án trùm mền, ước tính tổng giá trị đầu tư của những dự án này đã lên tới hơn 30.000 tỷ đồng (hơn $1,3 tỷ)!
Một vụ việc khác rất có thể sẽ trở thành “đại án” là vụ “Mobifone mua AVG”.
Từ khoảng giữa năm 2017, trên mạng xã hội bắt đầu rộ lên những thông tin về, nhưng không chỉ quy kết “trách nhiệm hình sự” đối với bộ trưởng thông tin và truyền thông thời những năm trước là Nguyễn Bắc Son, mà còn “bắn ý” đến trường hợp ông Trương Minh Tuấn – khi đó là thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đặc biệt hơn, thông tin trên mạng xã hội còn được điểm xuyết bằng những công kích của blogger Huy Đức đối với ông Trương Minh Tuấn, cũng liên quan mật thiết đến vụ “Mobifone mua AVG”. Theo đó, khi còn là thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trương Minh Tuấn đã ký quyết định phê duyệt để ông Lê Nam Trà của công ty Mobifone ký hợp đồng mua công ty AVG. Trong khi giá trị thực sự của AVG là 8.900 tỷ đồng (hơn $392,2 triệu), hợp đồng mua AVG chỉ có 300 tỷ đồng (hơn $13,2 triệu). Vậy số tiền còn lại chạy đi đâu, và ai được “lại quả” từ số tiền đó?
Vào thời điểm Huy Đức “gọi tên” Trương Minh Tuấn, vụ Mobifone-AVG lại được đích thân Nguyễn Phú Trọng xem xét và thúc đẩy. Gần đây, tổng bí thư đã phát ra tín hiệu sẽ “làm căng” vụ này. Vụ việc này hứa hẹn sẽ “làm rõ” hàng loạt quan chức cao cấp, không loại trừ một số quan chức cao cấp sẽ phải ra tòa.
Ở một tuyến đánh án khác là khối ngân hàng thương mại cổ phần. Có ít nhất 20% ngân hàng đã dính dáng sâu đậm vào các phi vụ làm ăn cố ý làm trái, lừa đảo và tham ô. Chiến dịch “bắt ngân hàng” trong năm 2017 chỉ là bước tiếp nối của làn sóng quan chức ngân hàng tra tay vào còng những năm trước.
Năm 2018 rất có thể là năm sẽ diễn ra nhiều vụ khởi tố, bắt bớ và xét xử chóng vánh đối với các cựu lãnh đạo của nhiều tập đoàn và tổng công ty nhà nước, tức sẽ xảy ra nhiều đại án cỡ Vinashin và Vinalines trước đây.
P.C.D.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.