Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

Thuật ngữ quân sự mới: Nhà hàng, sân golf là ‘lá chắn phòng thủ’!

Thuật ngữ quân sự mới: Nhà hàng, sân golf là ‘lá chắn phòng thủ’!

bauxitevnTue 8:32 AM

Thiền Lâm
(VNTB) - Vụ “sân golf trong sân bay” ở Sài Gòn đang đầy ắp dấu hiệu “nhiệm vụ quốc phòng an ninh” như lối ngụy biện trấn áp dân trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng Đồng Tâm ở thủ đô của Bộ Chính trị.
Đầy đến nỗi, nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết trên báo Dân Việt phải mỉa mai rằng không thể viện “quốc phòng an ninh” để xem nhà hàng, khách sạn, sân golf là “lá chắn phòng thủ” ở khu vực Tân Sơn Nhất.
clip_image002
Thuật ngữ quân sự mới: Nhà hàng, sân golf là ‘lá chắn phòng thủ’!

Tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2017, hẳn nhóm lợi ích sân golf Tân Sơn Nhất và Bộ Quốc phòng đã bị bất ngờ bởi một làn sóng “đấu tố” quyết liệt từ đại biểu Quốc hội về nạn “sân golf trong sân bay”.
Đến nỗi, lần đầu tiên đã hiện ra một viên tướng quân đội - Thiếu tướng Lâm Quang Đại, Phó chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, phát ngôn thay cho Bộ Quốc phòng: “Bộ Quốc phòng thống nhất sẽ thu hồi sân golf trong Tân Sơn Nhất bất cứ thời điểm nào khi có nhu cầu về quốc phòng hoặc khi có chỉ thị của cấp trên”.
Không hiểu ông Lâm Quang Đại có được viên tướng Bộ trưởng Quốc phòng là Ngô Xuân Lịch ủy quyền hay không? Hoặc nếu được ủy quyền để phát ngôn như vậy thì khi nào mới có “nhu cầu về quốc phòng”?
Nhưng dù gì, phía quân đội vẫn chỉ viện dẫn “nhu cầu quốc phòng” mà cố tình bỏ qua một thực tế khốn quẫn là nhu cầu về dân sự của một sân bay Tân Sơn Nhất không còn chỗ len chân, trong khi sân golf Tân Sơn Nhất có thể đủ để làm cả một sân bay mới.
Gần đây, “người phát ngôn Bộ Quốc phòng” Lâm Quang Đại còn cố gắng bao biện cho nhóm lợi ích quân đội: “Tôi nghĩ sân golf chiếm diện tích nhỏ thôi, chỉ 132 ha trong số 157 ha. Còn giai đoạn 2 xây dựng một số hạng mục liên quan đến thể thao thì vẫn chưa triển khai”, đồng thời chỉ ra “giải pháp”:  “Sự tồn tại của sân bay hiện nay tôi thấy đã vô lý rồi. Nếu xảy ra sự cố hàng không, chuyện về chiếc máy bay là đương nhiên, nhưng ở mặt đất tai nạn sẽ khôn lường”.
Cái cách ông Đại nói là “vô lý” của sân bay hiện hữu cũng chính là “giải pháp” của nhóm lợi ích đã vận động chính phủ thời Nguyễn Tấn Dũng, Quốc hội để thông qua dự án sân bay Long Thành lên đến 18 tỷ USD.
Vào tháng 3/2017, một bài viết trên Facebook Chống quan tham còn nêu ra một khả năng cực kỳ đáng lo ngại: một khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động và toàn bộ hành khách của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ chuyển về sân bay Long Thành, 800 ha đất vàng của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ rơi vào tay một đại gia của nhóm lợi ích quân đội là ông Dương Công Minh.
Còn nhớ vào cuối năm 2015, hoàn toàn ngược pha với cơn bức xúc của nhiều đại biểu Quốc hội về gánh nợ công quốc gia chồng chất như núi, hàng loạt sóng PR từ mặt báo, hội thảo đến “vận động hành lang” nơi nghị trường cho việc thông qua dự án sân bay Long Thành đã trở nên dồn dập và hết sức lộ liễu. Nhiều lý do “lợi ích kinh tế” và kể cả “ích lợi dân sinh” được nhóm PR dàn dựng, trong đó luôn nhấn mạnh đến nguyên nhân “sân bay Tân Sơn Nhất quá tải” và do đó cần phát triển hướng mới sang sân bay Long Thành.
Cũng trong thời gian trên, sân bay Tân Sơn Nhất “vô tình” bị liệt vào một trong 10 sân bay tệ nhất thế giới, được báo chí Việt Nam vừa vô tình vừa hữu ý ồn ào lan tỏa. Dù từ lâu đã bị cảnh “sân golf lấn sân bay,” nhưng chưa bao giờ trong lịch sử của mình, Tân Sơn Nhất lại bị hắt hủi rẻ rúng đến thế. 
Đến sát thời điểm Quốc hội chuẩn bị “bỏ phiếu” về dự án sân bay Long Thành, vụ sập nguồn ở sân bay Tân Sơn Nhất bất ngờ nổ tung. 
Ngay lập tức, một luồng dư luận bùng nổ, đề cập đến một âm mưu có thể đã được những bàn tay ma quái và tàn nhẫn nào đó sắp xếp nhằm biến sân bay Tân Sơn Nhất thành một hệ quả không thể không thay thế, bất chấp tai nạn hàng không tang thương hoàn toàn có thể xảy ra do sự cố mất điện.
Chỉ sang năm 2016 mới lộ hẳn vụ Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh đã chiếm dụng 157 ha đất của sân bay dân sự Tân Sơn Nhất từ nhiều năm qua. Dự án sân golf trong sân bay này cũng do Tập đoàn Him Lam làm chủ đầu tư…
Câu chuyện “lá chắn phòng thủ” chính là như thế.
T.L.
VNTB gửi BVN 
Bài đã đăng trên VNTB: 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.