Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

Dân không “ngu” mãi

Dân không “ngu” mãi

bauxitevnMon 8:06 AM

Tô Văn Trường
Ông Tôn Trung Sơn trở nên vĩ đại và thành công trong Cách mạng Tân Hợi là bởi chủ nghĩa Tam dân "Dân tộc-độc lập, Dân quyền-tự do, Dân sinh-hạnh phúc". Độc lập - Tự do - Hanh phúc cũng đã nằm trong tiêu đề các văn bản hành chính ngay sau khi ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 
Trong câu nói sâu sắc và nổi tiếng của mình "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh", Cụ Phan đã chỉ ra một lộ trình rõ ràng mà việc đầu tiên là phải "khai dân trí", hiểu nôm na là phải làm cho dân khôn ra đã. Cụ Hồ cũng thấm nhuần điều này nên ngay sau Ngày Độc lập, Cụ đã coi giặc dốt nguy hiểm không kém gì giặc đói và giặc ngoại xâm và một trong những văn bản hành chính quan trọng đầu tiên mà Cụ ký chính là thành lập Nha Bình dân học vụ. Như thế đủ hiểu rằng các bậc tiền nhân đã thấu hiểu và quan tâm sâu sắc thế nào đến việc làm cho dân không “ngu” mãi. 
Nhà nước ta là của dân, do dân, vì dân. Xuất xứ câu nói “của dân, do dân, vì dân” thực ra là của Pericles, một nhà tư tưởng thời cổ đại trước Thiên chúa giáng sinh, sau đó, được Tổng thống Mỹ và nhiều người khác nhắc lại.
Đối với một đất nước, một dân tộc thì đường lối, chính sách là bậc vĩ mô, “sai một ly sẽ đi cả dặm” do đó, các cấplãnh đạo, giới chức sắc cần nghiêm túc và thật lòng khi thăm dò ý dân, hòa nhã nghiêm túc khi nghe người dân phản biện.

Dằn vặt 
Có lẽ chỉ có những người vô tâm mới có thể yên tâm trước thực trạng đất nước ta hiện nay. Chừng nào còn lương tâm, biết yêu, biết ghét thì làm sao mà yên tâm, mà không dằn vặt được. Có một điều mà người lãnh đạo ở bất cứ cấp nào không thể được quên: Dân mà mất lòng tin là mất tất cả. Mất dân là mất nước. Và khi đó học thuyết, thể chế này nọ còn nghĩa lý gì? Đừng quên dân đẻ ra chính quyền, ra Đảng và cả hệ thống chính trị này đều sống được là nhờ tiền thuế của dân. 
Ngẫm suy về tình hình đất nước, tôi mới nhận được lời nhắn nhủ gan ruột của Anh Nguyễn Trung rất đang suy ngẫm nguyên văn như sau: “Nhiều đảng viên khác có lẽ cũng như tôi, khi tuyên thệ vào Đảng là tuyên thệ sống chết theo đuổi thực hiện lý tưởng cao đẹp cho tổ quốc của chúng ta, mà lúc ấy Đảng là tượng trưng, là kết tinh. Điều đau lòng là Đảng nói chung (nghĩa là có các đảng viên chúng ta) và lãnh đạo Đảng nói riêng mấy chục năm nay đã mất cảnh giác cao độ với quá trình tha hóa của Đảng, đến nỗi chính tự tay mình dần dần vun mọc lên một chế độ toàn trị đi ngược lại lợi ích của đất nước. 
Trong nhiều bài viết, và trong cả các tiểu thuyết tôi viết, tôi đã phải nói rạch ròi: Để đất nước ta đến nông nỗi này, không một đảng viên nào (trong đó có tôi) có thể nói mình vô can! Không dưới một lần tôi kêu lên như xé lòng: "Đảng trong tim tôi và đảng ngoài đời hôm nay là hai đảng khác nhau mất rồi!" 
Tôi nghĩ, tất cả các đảng viên yêu nước chúng ta nợ đất nước mình và nợ đảng của mình một trách nhiệm không thể thoái thác: Phải từ trong đảng tha hóa hôm nay giành lại bằng được "Đảng của Việt Nam" - như chính Chủ tịch Hồ Chí Mình đã tuyên bố dứt khoát trước mọi thách thức của quốc gia như "trứng để đầu đẳng" hồi đó! Phải như thế, Trường ạ. Phải như thế các đồng chí và các bạn ạ!”.
Hồi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, blogger Nguyễn Phương Mai (PhD on International/Intercultural Communication, Utrecht University; hiện là Associate Professor in Intercultural Communication and Management, Amsterdam University of Applied Sciences, Netherlands) đã viết như thế này:
"Nếu có một ông Bụt hiện lên từ những bồng bềnh trắng phau ngoài cửa sổ, vuốt chòm râu bạc rồi hỏi: “Tại sao con khóc?”, một con bé đầm đìa nước mắt sẽ ghé nhìn xuống nông thôn Tây Âu trù phú xanh tươi lấp ló qua các tầng mây mà rằng: “Bụt ơi, đậu đen đậu xanh bị dì ghẻ trộn lẫn, con ngồi từ ngày này qua ngày khác rồi cũng sẽ phân loại xong. Nhưng cánh đồng nhà con giờ đã thoái hóa, đậu ra hạt xanh đen lẫn lộn, tốt xấu khó lường, hỏng từ trong gốc. Con khóc vì cây đậu chân chính trong sạch cuối cùng đã ra đi. Hóa ra tôi không hẳn là thương cây đậu. Tôi thương những cánh đồng Việt Nam của tôi!”.
Làm cho dân không “ngu” mãi
Có lẽ nước Việt mình chưa khi nào lại nóng với nhiều chuyện không đáng có. Ngay tại chốn cung đình Quốc hội cũng lắm điều nửa buồn cười, nửa muốn khóc. Sân golf Tân Sơn Nhất, Sơn Trà, Yên Bái, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hoá, nợ công, nợ xấu, đầu tư công, thu không đủ chi, tham nhũng, lãng phí… với nhiều điều ngang tai, trái mắt được nói khá “bình thường” trên diễn đàn Quốc hội, bởi lẽ các sự kiện này đã quá phổ biến và trở thành những sự thật không còn tranh cãi hồ nghi đến đau lòng.
Đại biểu QH đặt ra nhiều câu hỏi mà Bộ trưởng ngành hữu quan khó trả lời mà ngay cả đến Tổng bí thư cũng còn im tiếng, vì "dứt dây động rừng" như mổ xẻ về sân golf Tân Sơn Nhứt đụng đến nhóm lợi ích của quân đội, v.v.
Hình như cái nắng oi bức lớn nhất trong lịch sử ở thủ đô chưa đủ độ, nên người ta lại dáng thêm một tin gây sốc: Công an TP. Hà Nội quyết định khởi tố vụ án hình sự xã Đồng Tâm. 
Một vị lão thành cách mạng kể lại cho tôi nghe Bộ Chính trị đã phải họp hai ngày rồi mới giao cho ông Nguyễn Đức Chung về Đồng Tâm với lệnh không được đàn áp dân. Đó là quyết định chính xác bởi đàn áp thì lôi thôi to chưa biết rồi sẽ đi đến đâu. Ông Chung mạnh dạn ký là có lệnh rồi. Nhưng bây giờ lại lèo lá, xảo quyệt để lừa dân cho tạm yên, rồi “xử trí” sau. Sự im lặng đến khó hiểu của lãnh đạo cấp cao về vụ khởi tố hình sự xã Đồng Tâm dù là khôn ngoan, lẩn tránh, đùn đẩy, cài bẫy hay là gì gì đi nữa thì vẫn không phải là cách hành xử của người thông minh, bản lĩnh, trách nhiệm và khôn khéo.
Lâu nay, người dân cứ nghĩ rằng Chương 1 của câu chuyện “cổ tích thời hiện đại” mang tên Đồng Tâm đã khép lại với bản lĩnh và trách nhiệm của Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, và sau 45 ngày sẽ là Chương 2 thông báo kết quả thanh tra toàn diện xác định rõ ai sai, ai đúng trong việc sử dụng đất đai ở Đồng Tâm. Thực chất dân phản ứng vì “của đau con xót” và cách hành xử bất công của chính quyền địa phương. Vụ Đồng Tâm, đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ dân và chính quyền, có thể tạo “cú hích” để đặt lại chủ trương một cách thực chất khi coi đất của dân là "tài sản toàn dân"! 
Chương 2 theo mơ ước đã hết hạn chưa thấy đâu thì xuất hiện Chương Khởi tố vụ Đồng Tâm làm cho dư luận lại dấy lên sự bất an thực sự. Bà con Đồng Tâm sau 45 ngày an tâm đang chuyển sang trạng thái bất an. Có lẽ mọi nhận xét về Chương Khởi tố còn quá sớm. Người ta sẽ khởi tố việc lãng phí hàng chục hec ta “tấc đất, tấc vàng” do lạm dụng con bài “đất quốc phòng” hay sẽ khởi tố việc bắt dân như bắt cóc? 
Người ta sẽ khởi tố việc đập phá các phương tiện của những người đi bắt cóc và cũng sẽ khởi tố chuyện dám bắt giam "lương thiện" hàng chục cán bộ chiến sỹ cảnh sát cơ động tinh nhuệ, trong đó có cả thượng tá, trung đoàn phó? Và cũng có thể, người ta sẽ truy cứu trách nhiệm quân nhân của những cán bộ, chiến sỹ gần như không kháng cự, vì vũ khí, khí tài gần như còn nguyên để chịu “bị” dân “bắt cóc”? Bàn tay sắt thô bạo hay bàn tay sắt bọc nhung sẽ được sử dụng? Nhưng đừng quên rằng nhìn ra thế giới, cảnh sát chống bạo động Ukraine năm 2014 đã từng quỳ gối xin lỗi người biểu tình, để yên lòng dân. 
Vẫn nhiều câu hỏi lửng lơ cho cả Chương Thanh tra và Chương Khởi tố. Nhưng xem ra, Chương cuối khó mà có hậu khi có những điều trái ngược giữa bản cam kết viết tay của Chủ tịch thành phố Hà Nội vốn là Giám đốc Công an Hà Nội với những gì đang diễn ra. Vậy nên, “khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau!”
Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu nói rất hay: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu; khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Người còn nói: “Quan tham vì dân dại". Đúng thế, quan cộng sản không những tham của, mà cái tham ghê tởm hơn là tham quyền, tham nhũng quyền lực. Đông Kinh Nghĩa Thục từng khẳng định "dẫu quan có tài giỏi thì cũng không bằng dân tài giỏi". Vấn đề không phải là van xin đảng hãy sửa đổi tu tâm dưỡng tính mà là phải cảnh báo nhiều hơn để nhắc nhau cùng làm cho dân không “ngu” mãi nữa. 
Một xã hội có dân trí cao sẽ là tài sản vô giá của một dân tộc. Nó là sức mạnh vô địch để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Dân trí cao thì lo gì không có "quan giỏi". Quan giỏi, người thực tài cũng chính từ đây mà ra! 
Tiền bối Phan Chu Trinh có chủ trương: “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh”. Rất hay, nhưng Cụ còn chưa nhấn đồng thời điều kiện thực hiện, công cụ thực thi là quyền lực nhà nước. Nay có quyền lực Nhà nước rồi, có đủ điều kiện thực hiện "lộ trình" của cụ Phan. Nói lộ trình tức là nói thứ tự ưu tiên, phải từ dân trí trước vì “Dân nào thì Chính phủ” ấy! Khơi thông nguyên khí của sự phát triển của đất nước: vẫn là cái biên của sự phát triển khi lãnh đạo quyết định luyện đan đến huyệt nào? Hạn điền, trung điền hay thượng điền? Phải chăng triển khai đầu tiên là đầu tư vào "hạnh phúc của con người"? 
Nhìn lại lịch sử, Cụ cử Can tổ chức lớp học nhằm nâng cao dân trí cho thanh niên Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung thực là cách tân cho một dân tộc bị tách rời với thế giới phẳng bởi phong kiến và thực dân. Rất nhanh chóng, Cụ cử Can cùng một số đồng chí bị Pháp bắt giam, rồi đầy biệt xứ, vì họ thấy nâng cao dân trí là một tiền đề của bạo loạn nhằm giải phóng dân tộc. 
Khi còn ở Nhật, cụ Phan Bội Châu được một triết gia cách mạng người Trung Quốc khuyên: "Ông nên chấn hưng dân chúng đã, thì cách mạng phản đế mới thành công được". Thực tế cho thấy là Chính phủ Nhật Bản khi đó cũng chỉ nghĩ cho nước họ, dân họ, mà thời đại Meiji đã giúp giải phóng một phần quan trọng trong cách tân nước Nhật, và họ đã kết hợp với Pháp đàn áp dân ta.
Cụ Hồ đã huấn luyện một số cán bộ làm cách mạng và đã thành công, nhưng dân trí vẫn còn thụ động, cán bộ ta có yêu nước, nhưng không có dân luôn luôn giáo dục để nuôi dưỡng lòng yêu nước đó, và truyền thống yêu nước bị mất dần khi thực dân Pháp không còn nữa. Các thế hệ cán bộ tiếp nối không còn như cha ông, họ nghĩ và hành động chủ yếu vì quyền lợi riêng của họ. Chúng ta nói mãi về CNXH, nhưng chúng ta không tin vào chính những điều đã nói, xin hỏi làm sao người dân nghe theo những điều đó được? 
Tư duy nhiệm kỳ 
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trong phiên trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội vừa qua, ông nói: ”Ai có tư duy nhiệm kỳ thì người đó không xứng đáng với vị trí của mình”. Nhiệm kỳ là một khái niệm để chỉ thời gian chứ bản thân nó không có gì để đánh giá là xấu hay tốt. Xấu hay tốt trong một nhiệm kỳ hay một giai đoạn anh được giao trọng trách lại hoàn toàn phụ thuộc vào bản chất, năng lực và dấu ấn của anh để lại với ngành hay địa phương chứ sao lại đổ lỗi cho thời gian được!
Ngẫm suy, ông Trương Hòa Bình dùng cụm từ "tư duy nhiệm kỳ" với nghĩa riêng, cái nghĩa tiêu cực mà lâu nay xã hội đã gán cho cụm từ ấy: "Chỉ nghĩ ngắn hạn, không lo lâu dài". Có người "tư duy nhiệm kỳ" theo kiểu chỉ cốt làm sao hoàn thành nhiệm kỳ của mình một cách yên ổn, không nghĩ đến việc xây dựng nền móng cho phát triển lâu dài. Có người đề ra những kế sách rất hoành tráng, chỉ cốt đánh bóng tên tuổi của mình, mặc cho dân và những người kế nhiệm gánh hậu quả. Có người tranh thủ vơ vét cho hết, cho nhanh mọi quyền lợi trong nhiệm kỳ của mình, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Với thái độ thì xuê xoa, dễ dãi, tiếc thay ông Bình chưa chỉ được ra nguyên nhân. Tư duy, hành động theo nhiệm kỳ xấu như thế, hại cho dân cho nước như thế mà chỉ bị đánh giá là "không xứng đáng" và xử lý theo kiểu "cần rút kinh nghiệm" thì làm sao khắc phục được tư duy nhiệm kỳ!
Ông Trường Chinh và các vị lãnh đạo cùng thời có thể có nhiều cái sai, tầm nhìn có lúc hạn chế. Nhưng họ là những người chỉ lo cho cái chung, cho sự phát triển lâu dài. Họ cũng không bị giới hạn thời gian cầm quyền. Cho nên, nhìn chung, họ không mắc "tư duy nhiệm kỳ".
Có lẽ, phần đông "các quan" bây giờ không vì cái chung, mà vì cái riêng, nhiệm kỳ lại bị giới hạn, nên họ đâu có nghĩ xa cho dân, cho nước. Cho nên lúc nào cũng nói đến chiến lược, quy hoạch mà chẳng có chiến lược, quy hoạch gì cho đến đầu đến đũa; thay đổi chiến lược, quy hoạch nhanh như người ta thay váy. Tất cả chỉ do cái "cơ chế cha chung" tạo ra thôi.
Lời kết
Hãy làm việc đầu tiên là "khai dân trí - làm cho dân không “ngu” mãi!". Khẩu hiệu đơn giản dễ hiểu đến thế mà sao đến nay chúng ta vẫn loay hoay chưa có cách làm cho đến nơi đến chốn. Để rồi hễ có chuyện lộn xộn gì đó trong xã hội là không ít quan chức Nhà nước lại đổ cho tại "dân trí" kém. 
Trong một xã hội dân chủ, khi ấy người ta hoàn toàn có thể đặt ra những cặp câu hỏi: "Có đúng là dân trí kém không? Làm thế nào để dân không “ngu” mãi?", và “Còn quan trí có kém không? Làm thế nào để các quan khôn lên theo hướng có lợi cho dân chứ không phải làm hại dân?".
T.V.T.
Tác giả gửi BVN 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.