Nhà nước với côn đồ qua lời cảnh báo của tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế
bauxitevnTue 7:40 AM
1. HRW: Giới hoạt động nhân quyền Việt Nam 'không chốn dung thân'
Người dân biểu tình phản đối vụ bắt nhà hoạt động Hoàng Bình; Diễn Châu, Nghệ An, 15/5/2017
Phúc trình của Human Rights Watch phổ biến hôm 19/6/ 2017 nói rằng tại Việt Nam các blogger và các nhà tranh đấu cho nhân quyền bị đánh đập, đe dọa, và hăm dọa trừng phạt. Chính phủ Việt Nam phải ra lệnh chấm dứt tình trạng này và buộc những kẻ vi phạm chịu trách nhiệm. Các chính phủ cấp viện phải yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt trấn áp, và rằng đàn áp tự do Internet, phát biểu ôn hòa và hoạt động tranh đấu sẽ gánh chịu những hậu quả.
Phúc trình 65 trang nhan đề 'Không chốn dung thân cho các nhà hoạt động vì nhân quyền - Các nhà vận động dân chủ và blogger ở Việt Nam bị tấn công' nêu rõ 36 trường hợp những kẻ không rõ lai lịch, mặc thường phục hành hung những người tranh đấu cho nhân quyền và các blogger trong khoảng thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 4/2017, và thường gây ra thương tích trầm trọng. Các nạn nhân thuật lại rằng nhiều vụ hành hung diễn ra ngay trước mắt công an mặc sắc phục mà họ không can thiệp.
Ông Brad Adams, Giám đốc châu Á của HRW, nói: "Tình trạng các nhà hoạt động ở Việt Nam có nguy cơ bị bỏ tù vì nói lên ý kiến của mình là đã quá tệ rồi, giờ đây họ lại còn phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn hàng ngày, chỉ vì thực thi các quyền cơ bản của mình. Chính phủ Việt Nam cần phải nói nói rõ rằng kiểu hành xử đó sẽ không được dung thứ, và chấm dứt chiến dịch tấn công những người vận động cho nhân quyền theo cách thức đó".
Human Rights Watch ghi nhận một chiến thuật hành hung các blogger và các nhà tranh đấu cho nhân quyền trên khắp cả nước, từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, và Vũng Tàu, và tại các tỉnh như Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Dương, Lâm Đồng, và Bắc Giang.
Nhiều vụ hành hung xảy ra trước công chúng, ngay trên những đường phố ở Việt Nam, như vụ hồi tháng 7/2016 khi nhà hoạt động tranh đấu cho môi trường Lã Việt Dũng bị tấn công khi đang trên đường về nhà sau buổi sinh hoạt xã hội với Câu lạc bộ No-U Football ở Hà Nội. Những kẻ không rõ lai lịch đã dùng gạch đập vào đầu, làm chấn thương sọ não ông Dũng.
Tháng 5/2014, những kẻ lạ mặt dùng cây sắt đánh nhà tranh đấu cho nhân quyền Trần Thị Nga làm bà gãy đầu gối và cánh tay trái. Những vụ hành hung xảy ra ngay tại những nơi công công cộng, như trong quán cà phê. Hồi tháng 6/2016, một kẻ không rõ lai lịch đã đấm vào mặt nhà vận động cho dân chủ Nguyễn Văn Thành trong một quán cà phê ở Đà Nẵng. Công an đến hiện trường thay vì điều tra vụ hành hung, họ lại bắt ông Thành nhiều giờ đồng hồ để thẩm vấn ông vế các bài viết chính trị.
Trong các vụ khác, những kẻ lạ mặt cưỡng ép các nhà hoạt động lên xe hơi hay xe van, hành hung họ và thả họ ra giữa những nơi hoang vắng. Điển hình là vào tháng 4/2017, một nhóm người mặc thường phục, đeo khẩu trang bắt cóc hai nhà hoạt động cho nhân quyền Huỳnh Thành Phát và Trần Hoàng Phúc ở Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, đưa họ lên xe van để đánh đập bằng bằng cây gậy và dây thắt lưng rồi bỏ hai nhà hoạt động này ở giữa rừng. Tháng 2/2017, một nhóm côn đồ mặc thường phục bắt cóc nhà tranh đấu cho nhân quyền Nguyễn Trung Tôn và bạn của ông là Nguyễn Việt Tứ, cũng tại Ba Đồn, lôi họ lên xe van và chở đi. Những tên này lột quần áo của ông Tôn và ông Tứ, lấy áo jacket trùm đầu họ và đánh họ bằng ống sắt rồi thả họ ra giữa rừng. Ông Nguyễn Trung Tôn bị đa chấn thương và phải đi bệnh viện phẫu thuật chữa trị.
Ông Adams nói: “Tình trạng những kẻ thủ ác bắt cóc các nhà hoạt động giữa ban ngày, cưỡng ép họ lên xe, hành hung họ, phơi bày hành động trừng phạt nhắm vào các nhà hoạt động. Chính phủ Việt Nam phải hiểu rằng việc dung thứ các hành vi bạo lực như thế sẽ dẫn tới tình trạng vô luật pháp và hỗn loạn chứ không phải trật tự và ổn định xã hội như họ tuyên bố đang cố gắng hướng tới".
Các nhà hoạt động cũng bị hành hung sau khi tham gia các sự kiện của công chúng, chẳng hạn như các cuộc biểu tình vì môi trường, các cuộc biểu tình kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động, hoặc các sự kiện liên quan đến nhân quyền. Tháng 12/2015, nhà vận động cho nhân quyền Nguyễn Văn Đài khi rời buổi nói chuyện về nhân quyền và Hiến pháp tại một Giáo xứ ở Nam Đàn, Nghệ An, cùng với ba người bạn, đã bị một nhóm người đeo khẩu trang chặn xe taxi của họ lại, lôi các nhà hoạt động này lên xe của bọn chúng và đánh đập họ.
Ngay cả những hành động bày tỏ tình đoàn kết như đi thăm các cựu tù nhân chính trị hay chào đón một tù nhân chính trị trở về cũng mở màn cho những hành vi bạo động nhắm vào các nhà hoạt động. Tháng 8/2015, một nhóm blogger và các nhà hoạt động, gồm Trần Thị Nga, Chu Mạnh Sơn, Trương Minh Tâm, Lê Thị Hương, Phan Văn Khanh và Lê Đình Lương đi Lâm Đồng thăm nhà tranh đấu chính trị Trần Minh Nhất sau khi ông được thả khỏi tù sau 4 năm vì bị kết tội tham gia một đảng chính trị ở nước ngoài bị Việt Nam đặt ngoài vòng pháp luật. Khi các nhà hoạt động này sau đó lên các chuyến xe đò khác nhau để về nhà thì những kẻ lạ mặt mặc thường phục cũng lên những chuyến xe đó, kéo họ xuống và hành hung họ trước mặt mọi người.
Trong hầu hết các vụ, Human Rights Watch nhận thấy không ai bị truy cứu trách nhiệm hành hung, bất chấp các nhà hoạt động đã trình báo công an về các vụ hành hung. Ngược lại, một số nạn nhân, trong đó có các nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài và Trần Thị Nga sau đó bị truy tố với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước: theo điều 88 của bộ luật hình sự. Tình trạng này nêu lên những câu hỏi về những mối quan hệ giữa nhà cầm quyền với những kẻ tấn công trong những trường hợp này.
Phúc trình dẫn chứng những vụ được truyền thông báo chí nước ngoài loan tải, như Đài Á châu Tự do, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, BBC, SBTN, các mạng truyền thông xã hội như Facebook và YouTube, các trang web độc lập chính trị như Dân Làm báo, Dân luận, Việt Nam Thời báo, Tin mừng cho Người nghèo, Bảo vệ cho những Người bảo vệ, và các trang blog cá nhân. Nhiều vụ hành hung các nhà hoạt động được nêu lên trong phúc trình này chưa bao giờ được loan tải trên truyền thông báo chí bằng tiếng Anh, và cũng không được đăng tải trên truyền thông báo chí của nhà nước Việt Nam.
Ông Adams cho biết: “Kiểm duyệt truyền thông báo chí của nhà nước Việt Nam xóa bỏ nhiều tiếng nói chỉ trích ôn hòa tại Việt Nam muốn bày tỏ những lo ngại của họ trên mạng Internet. Hình thức hành hung các blogger và các nhà hoạt động kiểu này rõ ràng là nhắm mục đích làm câm những tiếng nói chỉ trích, những người mà trong nhiều trường hợp không có cách nào khác để bày tỏ những lo ngại chính đáng của họ”.
Xu hướng gia tăng những vụ hành hung được ghi nhận xảy ra cùng lúc với xu hướng giảm sút tạm thời số vụ bắt bớ chính trị trong khoảng thời gian mà Việt Nam đang thương thảo với Hoa Kỳ về hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam là một điểm quan trọng của các cuộc thương lượng đó và của các cuộc tranh luận của Quốc hội Mỹ. Có lẽ Chính phủ Việt Nam muốn chứng tỏ số vụ bắt bớ và xét xử chính trị giảm xuống, nhưng theo đuổi các biện pháp trấn áp những người bất đồng. Điều mỉa mai là nhiều nạn nhân bị hành hung là những cựu tù nhân chính trị, như ông Trần Minh Nhật, Nguyễn Đình Cường, Chu Mạnh Sơn, và Mai Thị Dung. Tuy nhiên những bằng chứng mới đây cho thấy một làn sóng bắt bớ mới lại nổi lên song song với các vụ hành hung côn đồ nhắm vào các nhà hoạt động.
Ông Adams nói: “Các nhà hoạt động và các blogger dũng cảm này đang cam chịu ngược đãi hàng ngày, nhưng họ không từ bỏ lý tưởng. Các nhà cấp viện quốc tế và các đối tác thương mại với Việt Nam phải ủng hộ tinh thần đấu tranh của họ bằng cách thúc giục Chính phủ Việt Nam ngưng đánh đập, hành hung họ và buộc những kẻ tấn công phải chịu trách nhiệm”.
2. HRW: Các nhà hoạt động 'không chốn dung thân' ở VN
Ảnh: FB HOANG BINH - Hai nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền (trái, đang bị truy nã) và Hoàng Đức Bình (đang bị giam)
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) công bố bản phúc trình mới nhất về các nhà vận động dân chủ và blogger ở Việt Nam bị hành hung.
Bản phúc trình dài 65 trang được HRW công bố hôm 19/6 "là một nỗ lực bổ sung vào phần còn thiếu", bằng cách tường trình 36 vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây, khi các nhà hoạt động nhân quyền bị "côn đồ" đánh đập ở Việt Nam.
Theo tài liệu này, nhìn từ vụ tấn công Luật sư Nguyễn Văn Đài và bạn bè ông có thể thấy một xu hướng đáng lo ngại ở Việt Nam: các nhóm hành hung các nhà hoạt động, dường như nhận được "sự chỉ đạo hoặc cho phép của những người có thẩm quyền".
Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của HRW, cho biết: "Tình trạng các nhà hoạt động ở Việt Nam có nguy cơ bị bỏ tù vì phát ngôn ý kiến của mình đã đủ tồi tệ rồi, giờ đây họ lại còn phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn hàng ngày, chỉ vì thực thi các quyền cơ bản của mình".
"Chính phủ Việt Nam cần tuyên bố rõ rằng kiểu hành xử đó sẽ không được dung thứ, và chấm dứt chiến dịch đối phó với những người vận động cho nhân quyền theo cách thức này."
"Hiện tượng côn đồ bắt cóc các nhà hoạt động giữa ban ngày, dùng vũ lực cưỡng ép họ lên xe rồi đánh đập cho thấy có sự miễn trừ trách nhiệm trong việc đàn áp các nhà hoạt động".
"Chính quyền Việt Nam cần phải hiểu rằng việc dung thứ các hành vi bạo lực như thế sẽ dẫn tới tình trạng vô luật pháp và hỗn loạn chứ không phải trật tự và ổn định xã hội như họ tuyên bố đang cố gắng hướng tới".
Bản phúc trình của tổ chức nêu trên viết: "Tần suất và hậu quả của loại tấn công được ghi nhận trong phúc trình này, thực chất là một hình thức đàn áp ngoài hệ thống pháp luật, nhận được quá ít sự chú ý".
Tất cả các vụ hành hung được ghi nhận diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 4/ 2017, từ vụ của nạn nhân Huỳnh Công Thuận đến vụ gần đây là Huỳnh Thành Phát và Trần Hoàng Phúc.
"Một số vụ hành hung diễn ra ngay trước mắt công an mặc sắc phục mà họ không can thiệp. Nhiều vụ đánh đập xảy ra cùng thời điểm, và dường như để trợ giúp chính quyền áp dụng các biện pháp đàn áp nhằm vào các nhà hoạt động bị để ý," tài liệu viết.
"Trong hầu hết các vụ việc, các nhà hoạt động bị "côn đồ" để mắt tới cũng phải chịu các biện pháp đàn áp chính thức của chính quyền, kể cả bị bắt giữ".
Ảnh: FB NGUYEN VAN DAI - Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt từ tháng 12/2015 nhưng vẫn chưa đưa ra xét xử
'Ngày càng kết nối'
Theo HRW, dù mối liên hệ chính xác giữa những kẻ côn đồ và chính quyền thường không thể minh xác được, "nhưng trong một nhà nước công an trị sát sao như Việt Nam, gần như không có gì phải nghi ngờ về việc những kẻ này có quan hệ với, và hành động theo sự chỉ đạo của mật vụ nhà nước".
Bản phúc trình ghi nhận: "Thông tin về những thể loại tấn công này không thể đầy đủ do bị hạn chế về tiếp cận tin tức và kiểm duyệt báo chí ở Việt Nam".
HRW ghi nhận trong năm 2016, có ít nhất 21 nhà vận động nhân quyền bị kết án và ít nhất 20 vụ hành hung xảy ra với hơn 50 nạn nhân.
"Bàn tay đàn áp tàn bạo, kể cả việc hành hung thân thể đương nhiên đã làm một số người ở Việt Nam ngại tham gia hoạt động, nhưng nhiều người khác vẫn dũng cảm tiếp tục lên tiếng kêu gọi xây dựng một xã hội dân chủ và tôn trọng nhân quyền - Tổ chức Theo dõi Nhân quyền
"Trong rất nhiều vụ tấn công, những kẻ thủ ác thường đeo khẩu trang. Có một số vụ, như đã nêu ở trên, các nhà hoạt động cho biết rằng công an mặc sắc phục có mặt tại đó nhưng không làm gì để ngăn chặn việc hành hung", phúc trình viết.
"Trong hầu hết các vụ, không có ai bị truy cứu trách nhiệm vì hành vi hành hung. Rất nhiều nhà hoạt động đã trình báo công an về các vụ hành hung, nhưng việc điều tra hầu như chưa bao giờ được tiến hành".
HRW được biết chỉ có một vụ duy nhất những kẻ thủ ác và cán bộ công an được cho là phải chịu trách nhiệm về vụ hành hung bị điều tra.
Tổ chức này ghi nhận, "bất chấp những rủi ro lớn về an toàn và tự do cá nhân, cộng đồng blogger và các nhà hoạt động nhân quyền tiếp tục lớn mạnh ở Việt Nam".
Được sự trợ giúp của Internet, nhất là các mạng xã hội như Facebook và Youtube, những nhà vận động nhân quyền "ngày càng kết nối và hỗ trợ nhau chặt chẽ hơn trong cuộc đấu tranh vì các quyền tự do chính trị và các quyền cơ bản của con người".
"Bàn tay đàn áp tàn bạo, kể cả việc hành hung thân thể đương nhiên đã làm một số người ở Việt Nam ngại tham gia hoạt động, nhưng nhiều người khác vẫn dũng cảm tiếp tục lên tiếng kêu gọi xây dựng một xã hội dân chủ và tôn trọng nhân quyền".
Tháng 5/2017, Báo Nghệ An đưa tin bắt giữ 'phản động' Hoàng Đức Bình và đăng lệnh bắt giữ ký ngày 13/5, theo đó cáo buộc ông vi phạm điều 257, 258 Bộ luật Hình sự về tội 'Chống người thi hành công vụ; lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân'.
Bản tin Thời sự truyền hình Nghệ An hôm 15/5 cho thấy ông Hoàng Bình viết: "Tôi không đồng ý vì công an Nghệ An đã đánh đập tôi và bắt tôi..."
Hà Nội thường bác cáo buộc vi phạm nhân quyền từ các tổ chức quốc tế và nói rằng các nhà hoạt động bị bắt "vì vi phạm pháp luật".
Tháng 3/2017, một trong các nhà hoạt động, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh với giải thưởng Phụ nữ Quả cảm Quốc tế 2017, sự kiện ngay lập tức bị phía Việt Nam phản đối và coi là "hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai nước".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.