Những hiểm họa Trung Quốc tại Việt Nam đã được ngăn chặn như thế nào?
bauxitevnTue 7:32 PM
Lê Anh Hùng | Việt Nam Thời Báo
LTS.
Tôi viết bài này để tỏ lòng biết ơn của mình đối với những người đã đồng hành với tôi suốt bao năm qua. Ngoài ra, tôi cũng muốn qua đây để truyền đi một thông điệp rằng, công cuộc cứu nước nhà khỏi âm mưu thôn tính của Trung Quốc không bao giờ là vô vọng, và đó là trách nhiệm chung của mọi người dân VN, cả trong lẫn ngoài hệ thống hiện hành.
CSVN sớm muộn gì cũng sụp đổ, nhưng nếu đất nước rơi vào tay Trung Quốc thì sẽ rất lâu, hoặc thậm chí là không bao giờ chúng ta có thể giành lại được đất nước, vì thế việc chống lại bè lũ Hán tặc cướp nước, Việt gian bán nước và ngăn chặn những hiểm hoạ “made in China” tại VN là điều hết sức cấp bách và cần thiết.
- Lê Anh Hùng
|
Xưa nay, nhiều dự án không hợp lòng dân bị công chúng phản đối mạnh mẽ nhưng rốt cuộc chúng vẫn cứ được triển khai như thể không có chuyện gì xẩy ra với nhà cầm quyền Việt Nam. Vì thế có lẽ ít ai tin một “nhà báo lề dân” lẻ loi như tôi lại có thể góp phần khiến 8 dự án liên quan đến Trung Quốc bị dừng lại - tất cả đều nhờ những bài báo được đăng tải trên VOA. Dưới đây là danh sách cụ thể các dự án đó.
1) Ngày 11/02/2014, VOA đăng bài “Báo động: Người Trung Quốc lại sắp lập căn cứ ở Quảng Trị”. Bài báo đưa tin, Cty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu Việt Nam, trước đây thuộc C.P. Group của Thái Lan, nhưng đã bị Trung Quốc thâu tóm từ năm 2011) sắp được giao hơn 96ha đất, kéo dài hơn 2km dọc theo bờ biển, gần cảng Cửa Việt, để thực hiện dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Tại thời điểm đó, chủ đầu tư gần như đã thoả thuận xong việc đền bù với chính quyền địa phương và người dân có đất thuộc diện thu hồi. Sau khi bài báo được đăng, người dân địa phương biết là có mấy đoàn từ Hà Nội về tìm hiểu và cuối cùng dự án đã bị huỷ. (Ngày 1/3/2014, trang nguyentandung.org đăng bài “Trung Quốc đang có âm mưu gì ở Quảng Trị?”, trong đó họ sử dụng cả thông tin lẫn 2 bức ảnh từ bài báo của tôi trên VOA mà không ghi nguồn).
2) Ngày 20/04/2015, VOA đăng bài “Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân và hiểm hoạ mất nước”. Bài báo cho biết, trong 4 dự án nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân thì có đến 3 dự án rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Đặc biệt, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 lại do 2 Cty Trung Quốc làm chủ đầu tư; còn nhà máy lớn nhất là Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 thì do Cty Cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3 làm chủ đầu tư, mà Cty này gồm 3 cổ đông, trong đó cổ đông lớn nhất, chiếm 49% cổ phần, là Cty OneEnergy Ventures Ltd. của Trung Quốc.
Đầu tháng 6/2015, gần hai tháng sau khi bài báo được đăng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao EVN thay chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3. (Mặc dù vậy, ngày 18/7/2015, nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, với hai doanh nghiệp Trung Quốc nắm đến 95% cổ phần, vẫn được khởi công, mở đường cho đội quân phương bắc cắm chốt lâu dài tại khu vực xung yếu này).
3) Ngày 07/09/2015, VOA đăng bài “Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối - Hải Vân: mưu đồ thâm độc của Trung Quốc?”. Theo bài báo, ngay từ năm 2009 tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp 100ha đất ở khu vực Bãi Chuối cho Cty TNHH MTV Bãi Chuối để xây dựng khu nghỉ dưỡng. Bãi Chuối thuộc khu vực đèo Hải Vân, một khu vực đặc biệt trọng yếu về an ninh quốc phòng. Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Bãi Chuối là người Hoa.
4) Ngày 08/10/2015, VOA đăng bài “Người Trung Quốc lại sắp lập căn cứ ở Lăng Cô - Thừa Thiên Huế?”. Bài báo cho biết, ngoài 100ha đất trên đèo Hải Vân, Công ty TNHH MTV Bãi Chuối còn được giao 200ha để thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng ở Lăng Cô. Khu vực dự án nằm ngay cạnh bờ biển, cách đường quốc phòng chạy quanh núi Hòn Dòn (nơi có kho vũ khí của Bộ Quốc phòng) khoảng 1km, cách Cảng Chân Mây chừng 4km, cách đèo Phú Gia trên QL 1A hơn 1 km, và cách đèo Hải Vân khoảng 7km.
Điều đáng nói là Cattigara One Ltd., công ty mẹ của Cty TNHH MTV Bãi Chuối, là một công ty ma do Bắc Kinh lập ra ở Singapore rồi lấy pháp nhân Singapore để dễ dàng được giao đất dự án ở những khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng.
Sau khi hai báo báo trên được đăng, cả hai dự án của “nhà đầu tư” Cattigara One Ltd. đều bị tạm dừng.
5) Ngày 09/12/2015, VOA đăng bài “Hiểm hoạ Trung Quốc ở Bình Định”. Theo bài báo, ngoài ba doanh nghiệp Trung Quốc tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, hiểm hoạ “made in China” ở đây còn tiềm ẩn trong một đại dự án dầu khí sắp triển khai. Ngày 2/12/2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải quyết định bổ sung Dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội (Victory) vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến 2015 và định hướng đến 2025. Đây là dự án do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) làm chủ đầu tư, vốn đầu tư giai đoạn 1 lên tới 22 tỷ USD. Theo kế hoạch, dự án được khởi công vào quý I năm 2017 và vận hành quý I năm 2021.
Pailin Chuchottaworn - Chủ tịch kiêm CEO PTT - là một người Thái gốc Hoa, trong khi các tỷ phú người Hoa ở Thái Lan thường liên hệ mật thiết với Bắc Kinh. Đại dự án nằm trên diện tích hàng ngàn ha này hoàn toàn có thể trở thành một Formosa Hà Tĩnh thứ 2 ở địa bàn chiến lược Nam Trung Bộ, bởi việc sang nhượng cổ phần vừa không thể cấm đoán, vừa khó kiểm soát, trong khi PTT chỉ thu xếp được 5/22 tỷ USD tổng vốn đầu tư. Ngoài ra, dự án còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - “cha đẻ” của hàng loạt hiểm hoạ Trung Quốc như Formosa Hà Tĩnh, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân hay 264 ngàn ha rừng đầu nguồn, v.v. - bất chấp những quan ngại của giới chuyên gia về tình trạng “bội thực” các nhà máy lọc dầu cũng như nguy cơ ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp của chúng.
Đến cuối tháng 7/2016, UBND tỉnh Bình Định đã quyết định loại bỏ dự án.
6) Ngày 5/4 và 11/4/2016, VOA đăng bài “Chuyện chỉ có ở VN: Dự án nhiệt điện hàng tỷ USD được giao cho một công ty chuyên doanh… mực in!!!” và bài “Trung Quốc lại sắp lập căn cứ ở Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu?” Hai bài báo đã vạch trần “nhóm lợi ích Tàu” trong bộ máy đã phù phép để giao một dự án nhiệt điện lên tới 3,5 tỷ USD tại một vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng cho một công ty chuyên kinh doanh mực in của Malaysia.
Ngày 20/4/2016, trang quochoi.org và trang nguyentandung.org đã đăng hai bài (i) Những khuất tất đằng sau dự án Nhiệt điện Sông Hậu 2 (Kỳ 1), và (ii) Bóng ma Trung Quốc trong dự án Nhiệt điện Sông Hậu 2 (Kỳ 2). Cả hai bài này đều bê gần như nguyên xi 2 bài trên VOA của tôi.
Ngày 10/5/2016, tức một tháng sau khi VOAđăng 2 bài điều tra nói trên và được nhiều trang mạng khác đăng lại, Dân Trí đăng bài “Một doanh nghiệp mực in được làm nhà máy điện 2000 MW?“. Bài viết đã lấy một số thông tin từ hai bài trên của tôi. Kể từ đấy, cái tên TOYO INK cùng dự án nhiệt điện Sông Hậu 2 hoàn toàn biến mất trên truyền thông. Dự án coi như đã bị khai tử.
7) Ngày 29/05/2016, VOA đăng bài “Báo động: Người Trung Quốc đã lập căn cứ sát nách Cửa Việt - Quảng Trị”. Bài báo cho biết Trung Quốc lại đang lập một căn cứ khác sát nách cảng Cửa Việt thông qua thủ đoạn núp bóng người Việt để thâu tóm một doanh nghiệp thuỷ sản ở địa phương - đó là Chi nhánh Quảng Trị của Công ty Cổ phần Phát triển Thuỷ sản Huế tại thôn Phú Hội, xã Triệu An, huyện Triệu Phong.
Sau khi bài báo đăng, hoạt động xây dựng của doanh nghiệp Trung Quốc trá hình kia đã bị dừng lại.
8) Ngày 20/07/2016, VOA đăng bài “Vì sao Trung Quốc lại sốt sắng với Dự án Nhiệt điện Kiên Lương?”
Ngày 18/4/2017, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh Kiên Giang về việc thu hồi chủ trương đầu tư dự án nhiệt điện Kiên Lương.
(Nếu có thể kể thêm thì ngày 21/09/2016, VOAcòn đăng bài “Hiểm hoạ Trung Quốc trọng dự án thép Cà Ná”. Dự án sau đó đã bị tạm dừng vào tháng 4/2017. Kết quả này là nỗ lực chung của cả cộng đồng; tôi chỉ là người phân tích những hiểm hoạ về mặt an ninh quốc phòng tiềm ẩn trong dự án).
Tất nhiên, những gì trên đây không phải là toàn bộ âm mưu của Trung Quốc ở Việt Nam. Nhiều âm mưu của họ khi tôi phát hiện ra thì dự án vỏ bọc của nó hoặc đang được thực hiện hoặc thậm chí đã hoàn thành và đi vào hoạt động.
Đó là (i) dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và sòng bài rộng đến 30ha trên bãi biển Sơn Trà - Điện Ngọc và ngay trước mặt sân bay quân sự Nước Mặn của Silver Shores, một công ty ma của do Trung Quốc lập ra ở Hồng Kông và mở chi nhánh ma ở Mỹ rồi lấy pháp nhân Mỹ để đầu tư vào Đà Nẵng - bài “Ai đã ‘rước’ một công ty TQ trá hình vào cắm chốt những vị trí hiểm yếu ở Đà Nẵng?” (sau khi bài báo được đăng, chính quyền Đà Nẵng cùng truyền thông nhà nước mới vào cuộc và phát hiện ra người Trung Quốc đã thâu tóm hàng trăm lô đất xung quanh hòng biến khu vực này thành một “China Town”); (ii) ba dự án của Trung Quốc tại Khu Kinh tế Nhơn Hội trong bài “Hiểm hoạ Trung Quốc ở Bình Định”; (iii) dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 trong bài “Báo động: Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải sắp trở thành căn cứ của Trung Quốc”; (iv) dự án Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam trong bài “Nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam: một Formosa Hà Tĩnh mới ở đồng bằng sông Cửu Long?”; (v) dự án toà nhà Capital Garden tại 102 Trường Chinh, Hà Nội trong bài “Thêm một âm mưu hiểm độc của tình báo Hoa Nam ở Hà Nội?”; (vi) dự án khu nghỉ dưỡng và sòng bài Hồ Tràm Strip trong bài “Hồ Tràm Strip: hiểm họa Trung Quốc trong một đại dự án mờ ám” (đây là một dự án vô cùng tinh vi, quỷ quyệt - Bắc Kinh đã lập một công ty ma ở Canada rồi lấy pháp nhân Canada để cùng một nhà đầu tư mạo hiểm của Mỹ đầu từ vào Hồ Tràm, một vị trí xung yếu về an ninh quốc phòng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, theo kiểu “hồn Trung Hoa, da Mỹ-Canada”); (vii) dự án xây dựng bến số 3 cảng Chân Mây ở Thừa Thiên - Huế trong bài “Hải cảng chiến lược Chân Mây sắp rơi vào vòng kiểm soát của Trung Quốc?”.
Dĩ nhiên, các ông chủ Trung Nam Hải còn nhiều âm mưu tinh vi quỷ quyệt trên dải đất hình chữ S nữa mà chúng ta chưa phát hiện ra, còn bản thân tôi thì không phải lúc nào cũng có điều kiện tiếp cận hiện trường các dự án.
Việc một số trang mạng nhà nước trá hình sử dụng bài của tôi rồi đăng dưới tên “bạn đọc” là bằng chứng cho thấy trong bộ máy có những tiếng nói “đồng thanh tương ứng” với tôi. Và đó chính là những tiếng nói đã góp phần ngăn chặn những hiểm hoạ “made in Zhongnanhai” sau khi VOA đăng tải các bài viết mang tính cảnh báo kia.
Dù vậy, những gì họ làm được vẫn còn xa mới tương xứng với trách nhiệm của họ hay đòi hỏi của nhân dân. Vì quyền lợi cá nhân ích kỷ của họ mà những hiểm hoạ như Formosa Hà Tĩnh vẫn tiếp tục lơ lửng trên đầu dân tộc, đe doạ sự tồn vong của giống nòi, cho dù “tác giả” của nó cùng hàng loạt hiểm hoạ Trung Quốc khác đã bị tôi vạch trần trong một vụ tố cáo công khai và đúng pháp luật hơn 9 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được nhà chức trách giải quyết đúng pháp luật.
L.A.H.
Tác giả gửi BVN và một số trang khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.