Đất quốc phòng: đề tài ‘nóng’ ở quốc hội
bauxitevnSun 8:41 AM
Đường phố bị chặn khi diễn ra biểu tình ở Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, vì tranh chấp gần 50 ha đất của xã mà chính quyền muốn giao cho quân đội quản lý. Đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng chính phủ đòi minh bạch hóa việc sử dụng đất quốc phòng.
Tranh luận về việc làm rõ đất quốc phòng là một vấn đề được bàn thảo tại kỳ họp Quốc hội giữa lúc vụ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm đang nóng trở lại, và những bức xúc trong dân chúng đang bùng lên quanh vụ sân golf-sân bay Tân Sơn Nhất.
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 khai mạc hôm 13/6, đúng ngày cơ quan Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự để điều tra dấu hiệu bắt giữ người “trái pháp luật” ở xã Đồng Tâm do xung đột về tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân.
Cùng trong thời gian này, có nhiều sức ép từ dư luận và báo chí trong nước, yêu cầu bộ Quốc phòng trả lại đất để thành phố Hồ Chí Minh mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đang ngày càng quá tải.
Đại biểu Dương Trung Quốc của Đồng Nai, chất vấn thủ tướng chính phủ và đòi chính phủ phải công khai và minh bạch vấn đề đất quốc phòng.
“Liên quan đến việc quản lý đất đai, nhân vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm, lâu nay người ta cứ đưa ra khái niệm “đất quốc phòng”, Người Lao Động trích lời đại biểu Quốc hội đại diện tỉnh Đồng Nai nói. “Đương nhiên đất quốc phòng tự thân nó là một điều gì đó rất thiêng liêng và nghĩa vụ của toàn dân phải bảo vệ Tổ quốc”.
Ông Quốc đặt câu hỏi “Liệu đất quốc phòng có bị lạm dụng? Cho nên đã xác định đất nào là đất quốc phòng thì phải công khai, minh bạch”.
VOA-Việt Ngữ không liên lạc được với đại biểu Dương Trung Quốc để yêu cầu ông giải thích thêm về phát biểu này.
Một góc nhìn của sân bay Tân Sơn Nhất nơi đang trở thành điểm nóng trong thời gian gần đây khi truyền thông và công chúng gây sức ép lên chính quyền muốn giành lại đất từ dự án sân golf mà bộ Quốc phòng quản lý để mở rộng sân bay này.
Nhận xét về việc sử dụng đất quốc phòng ở Việt Nam, Trịnh Bá Phương, một nhà hoạt động tranh đấu cho quyền đất đai cho VOA Việt Ngữ biết: “Hoàn toàn sai mục đích. Mục đích của họ là để kinh doanh thương mại".
Trong mấy ngày qua, báo chí trong nước đặt ra những câu hỏi về ai là chủ sở hữu thực sự của khu đất rộng 157 ha được gọi là “đất dự phòng của quốc phòng”, do quân đội quản lý “để bảo vệ thành phố HCM và sân bay Tân Sơn Nhất?”. Một phần trong vùng đất này đã trở thành sân golf thuộc quyền sở hữu của bộ.
Bình luận về chất vấn của đại biểu quốc hội, một bạn đọc báo Người Lao Động có tên Trần Kim Anh viết “Đất Quốc phòng mà ký thu hồi rồi giao kinh doanh thì thôi rồi. Nhưng chẳng có ai giám sát cả.”
Vụ xung đột giữa dân và chính quyền ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức ở Hà Nội, lên tới đỉnh điểm khi người dân bắt giữ 38 cảnh sát, cũng xuất phát từ vụ tranh chấp gần 50 ha đất của xã này mà chính quyền muốn giao của công ty Viettel của Bộ Quốc phòng quản lý.
Các tranh cãi về sở hữu đất đai trong nhiều năm gần đây là một trong những nguyên nhân gây bất ổn xã hội. Đất đai là một trong những vấn đề nóng bỏng nhất trong mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân ở Việt Nam. Số liệu trong báo cáo 2035 của chính phủ và Ngân hàng Thế giới cho thấy 70% trong số khoảng 700.000 đơn khiếu nại gửi đến chính quyền trong giai đoạn 2009-2011, có liên quan đến vấn đề thu hồi và mâu thuẫn về đất đai.
Ngoài Đồng Tâm, người dân Dương Nội, huyện Hà Đông cũng đã có 10 năm xung đột với chính quyền về những vấn đề liên quan đến đất đai. Đại biểu Dương Trung Quốc nói với phóng viên VietNamNet bên lề Quốc hội hôm 14/6 rằng “cái gốc là vấn đề quản lý đất đai”.
Người dân Dương Nội kêu gọi trả tự do cho những người bị bắt giữ vì đấu tranh cho quyền sử dụng đất của người dân. Đồng Tâm và Dương Nội là 2 trong số nhiều nơi ở Việt Nam có người dân đấu tranh với chính quyền để giành lại đất đai bị mất vì những dự án mang tên "đất quốc phòng."
Mặc dù có những sửa đổi trong luật đất đai trong mấy năm qua nhưng chính phủ Việt Nam chưa công nhận quyền sở hữu đất đai của dân. Anh Trịnh Bá Phương, cư dân xã Dương Nội, nói chính phủ đã tăng những hạn chế đối với người dân trong điều luật này.
"Khi thu hồi đất là vì mục đích phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng và không cho người dân được lựa chọn quyền lợi trên mảnh đất đó," theo anh Phương. "Họ đã gạt người dân sang một bên và lợi nhuận trên lô đất đó thuộc về doanh nghiệp và chính quyền. Người dân chỉ nhận được một phần đền bù mà thực tế đó là một phần bố thí rất là nhỏ - giá trị rất là nhỏ".
Theo anh Phương, hiện không có cơ quan độc lập nào để giám định giá đất tại Việt Nam nên các cơ quan chính quyền tự áp giá “thì hoàn toàn không khách quan và khó có thể đi đến thay đổi so với tình trạng hiện nay”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói tại một cuộc họp tổng kết công tác năm 2016 của ngành tài chính vào đầu năm nay, rằng nguồn lực công, đặc biệt từ đất đai không được định giá chính xác là tâm điểm của tham nhũng và lợi ích nhóm.
Nhiều chính sách về kinh tế xã hội ở Việt Nam đang được cho là để phục vụ những nhóm lợi ích có tiền và quyền lực. Theo nhà báo Bùi Tín, có khoảng 30.000 quan chức Việt Nam nằm trong những nhóm lợi ích đó.
"(Những nhóm lợi ích này) cấu kết với nhau, sử dụng mọi phương thức để đàn áp người dân với mục đích chiếm đất đai của người dân", theo nhà hoạt động quyền đất đai Trịnh Bá Phương. "Họ có quyền lực, có nhà tù và có cả vòng số 8 với mục đích vẽ nên các dự án về đất quốc phòng, đất sân golf trải dài khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, sau đó họ sang tên đổi chủ và đem ra bán cho chính người dân, cho chính những người đã bị thu hồi đất trước đó với giá gấp hàng trăm lần."
Anh Phương là một trong hơn 300 người, gồm cả những nhà hoạt động và trí thức trong nước, ký tên vào một bản kiến nghị yêu cầu Đảng và chính phủ sửa đổi luật đất đai và công nhận quyền sở hữu đất đai của người dân. Cơ chế quản lý đất đai yếu kém và không khách quan đã làm cho 10 triệu người nông dân bị ảnh hưởng vì sự chiếm dụng của những nhóm lợi ích, theo anh Phương. Tình trạng bất ổn sẽ tiếp tục tăng lên nếu vấn đề này không được giải quyết và anh Phương cho biết cục khủng hoảng người dân mất đất có thể dẫn đến “phong trào người nông dân nổi dậy” trong tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.