Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

Nhà nước kiến tạo phát triển có thực sự phù hợp với Việt Nam?

Nhà nước kiến tạo phát triển có thực sự phù hợp với Việt Nam?

bauxitevnTue 7:39 PM

Nguyên Minh
Tác giả gửi tới Dân Luận
…điều phù hợp hơn với Việt Nam là tiến hành tự do hóa nền kinh tế, tiến tới một nền kinh tế thị trường tự do. Song song với đó là tự do hóa chính trị…
Gần đây ở Việt Nam nói nhiều đến mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, coi đó là lựa chọn hợp lý cho sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện tại. Trong bài viết này chúng tôi muốn đưa ra một số đánh giá riêng về mô hình này, xem nó có phù hợp với Việt Nam hay không.
Trong lịch sử, xét về mức độ can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế để thúc đẩy phát triển, thì có ba mức độ sau: không can thiệp, can thiệp hoàn toàn, và can thiệp một cách có giới hạn.
- Phần lớn các nước phương Tây theo đuổi chính sách không can thiệp vào nền kinh tế mà để cho nó vận hành theo các nguyên tắc của thị trường tự do. Nhà nước chỉ đi củng cố các nguyên tắc này, như bảo vệ quyền tư hữu, tự do kinh doanh, chống độc quyền.

- Trong khi đó, các quốc gia theo chế độ cộng sản lại lựa chọn các can thiệp hoàn toàn vào nền kinh tế, hay nói đúng hơn là loại bỏ thị trường, để cho nhà nước kiểm soát toàn bộ nền kinh tế từ kế hoạch, sản xuất, đến phân phối.
- Ngoài ra, có một số quốc gia công nghiệp mới NICs, áp dụng cách tiếp cận trung gian, tức cho phép nhà nước can thiệp một cách có chủ đích vào thị trường, tập trung nguồn lực cho một số ngành phát triển mũi nhọn để tạo ra lợi thế trên thị trường thế giới, qua đó thúc đẩy phát triển nhanh chóng. Và các nhà nước theo đuổi chính sách như vậy được gọi là nhà nước kiến tạo phát triển.
Có thể nói rằng ngày nay, sau sự thất bại của Liên Xô và các nước Đông Âu, thì ngày nay không ai còn tin vào mô hình kế hoạch hóa tập trung nữa.
Mô hình thị trường tự do chắc chắn mang lại sự phát triển như chúng ta thấy ở các nước phương Tây, tuy nhiên nó thường không đạt được sự phát triển cao như từng xảy ra ở các nước công nghiệp mới NICs. Đó là bởi vì nhà nước của họ chiu áp lực từ công chúng (họ là các nền dân chủ), do đó không thể thực thi các chính sách lớn, và dài hạn. Nói điều này không có nghĩa rằng, dân chủ không tốt cho phát triển. Dân chủ tốt cho phát triển kinh tế, nhưng sự phát triển này còn phải đi cùng với các giá trị khác như bảo vệ các quyền và tự do của người dân. Một điều chắc chắn là các nước dân chủ, thị trường tự do có sự phát triển bền vững, và không trải qua các thảm họa kinh tế như từng xảy ra ở các mô hình khác, bởi đơn giản là họ luôn chịu sự giám sát của người dân, họ theo đuổi các chính sách vừa phải, được điều chỉnh liên tục, và dựa trên các nền tảng chắc chắn như quyền tư hữu, tự do kinh doanh.
Tuy nhiên, trước sự thành công kinh ngạc của các nước công nghiệp mới NICs, với vai trò quan trọng của nhà nước trong việc can thiệp vào thị trường, khiến cho nhiều quốc gia đang phát triển xem xét lựa chọn mô hình này thay vì mô hình thị trường tự do, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thành công của các nhà nước kiến tạo phát triển, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đó là sự tự trị của nhà nước trong việc làm chính sách, và thực thi chính sách. Khi nhà nước không chịu áp lực từ công chúng, họ có thể theo đuổi các chính sách dài hạn có lợi cho phát triển, và nếu các chính sách này đúng đắn, việc thực thi chính sách tốt, thì chắc chắn sẽ dẫn đến thành công. Điều này giải thích tại sao sự thành công của mô hình nhà nước kiến tạo phát triển chỉ tập trung vào các nước Đông Bắc Á với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và gần đây là Trung Quốc. Bởi đây là khu vực có truyền thống nhà nước mạnh, tự trị. Tuy nhiên, vai trò này của nhà nước chỉ có ý nghĩa khi quốc gia đang phát triển ở tầm thấp, phát triển theo kiểu bắt trước. Khi quốc gia phát triển cao hơn, dựa trên sự sáng tạo, thì nó đòi hỏi một môi trường tự do và đảm bảo hơn. Và lúc đó không còn con đường nào khác là phải trở lại với mô hình thị trường tự do, nhà nước rút lui khỏi thị trường, chỉ đóng vai trò bảo vệ các nguyên tắc của thị trường như tư hữu, tự do kinh doanh. Đây là điều đã xảy ra với Hàn Quốc, Đài Loan, và Nhật Bản trong giai đoạn phát triển sau đó.
Rõ ràng rằng, Việt Nam không thuộc về khu vực Đông Nam Á, mà thuộc về khu vực Đông Bắc Á, với các giá trị văn hóa tương đồng. Và tương tự như vậy, Việt Nam cũng có một nhà nước mạnh. Do đó, rất dễ hiểu vì sao nhiều người lại ủng hộ Việt Nam theo đuổi mô hình nhà nước kiến tạo, nhằm theo đuổi mục tiêu phát triển nhanh chóng đất nước. Tuy nhiên, có một số thực tế này cần phải nhìn nhận.
- Thứ nhất, không phải đến nay Việt Nam mới sử dụng mô hình nhà nước kiến tạo. Từ khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, Việt Nam đã bắt trước mô hình kinh tế của các nước Đông Bắc Á, như của Hàn Quốc, Trung Quốc. Tuy nhiên, nền kinh tế thị trường với vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong việc dẫn dắt, mà xương sống là các tập đoàn kinh tế, các quả đám thép đã thất bại ở Việt Nam. Việt Nam đã không thể tạo ra các Chaebol như Daewoo, Hyundai, Samsung của Hàn Quốc, mà đã tạo ra các Vinashin, Vinashinlines.
- Thứ hai, từ sự thất bại của các tập đoàn kinh tế nhà nước, từ việc không đóng góp gì của nó cho sự phát triển, cho thấy rằng, sự phát triển của Việt Nam trong mấy chục năm qua đến từ kinh tế tư nhân, từ sự tự do hóa nền kinh tế quốc gia.
- Thứ ba, để theo đuổi mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, đòi hỏi nhà nước phải có năng lực làm chính sách, và sự tự trị rất lớn. Sự tự trị này không phải chỉ trước đòi hỏi của người dân, mà còn từ các phe nhóm lợi ích. Thứ nhất, rõ ràng rằng năng lực làm chính sách và thực thi chính sách của Việt Nam là có vấn đề, bởi trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc có thể thành công với các mô hình tương tự, còn ta thì không. Thứ hai, nhà nước Việt Nam có sự tự trị rất lớn trước dân chúng, tuy nhiên điều này không đúng với các nhóm lợi ích. Việc các nhóm lợi ích chi phối vào chính sách dường như đang nổi lên là vấn đề quan trọng nhất trong nền chính trị quốc gia. Việt Nam có một nhà nước mạnh nhưng không hiệu quả, và ngày càng trở thành một nhà nước thân hữu, tham nhũng. Với một nhà nước như vậy, việc trao cho một quyền lực và sự tự trị quá lớn sẽ chỉ dẫn đến thảm họa kinh tế, như đã xảy ra.
Từ những thực tế trên, ta thấy rằng Việt Nam không nên theo đuổi cái gọi là nhà nước kiến tạo phát triển. Việc ủng hộ điều này chỉ tạo ra tính chính danh cho nhà nước trong việc can thiệp vào nền kinh tế và xã hội, ngăn chặn quá trình tự do hóa đang diễn ra. Điều phù hợp hơn với Việt Nam là tiến hành tự do hóa nền kinh tế, tiến tới một nền kinh tế thị trường tự do. Song song với đó là tự do hóa chính trị, tiến tới thiết lập các nền tảng cho sự phát triển bền vững như quyền tư hữu, cũng như các cơ chế kiểm soát quyền lực để ngăn chặn làm quyền, qua đó ngăn chặn tham nhũng, quản lý yếu kém. Tốt nhất, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, hãy để cho xã hội được tự do phát triển.
N.M.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.