Đại biểu quốc hội của Hà Nội ở đâu?
bauxitevnWed 4:21 PM
Nguyễn Duy Nghĩa
Câu hỏi lớn
Trong cuộc dàn hòa giữa chính quyền với bà con Đồng Tâm, tháng 4/2017, có mặt ba vị thuộc Quốc hội. Đó là Dương Trung Quốc, người Hà Nội xịn nhưng đăng vị là đại biểu quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai mấy khóa liền; Lưu Bình Nhưỡng ĐBQH tỉnh Bến Tre; Đỗ văn Đương ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh khóa XIII, Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội khóa XIV, chứng kiến và ký vào Biên bản. Sự kiện đó chỉ một loáng là nổi đình đám, tiếng tăm bay khắp toàn cầu. Nhiều tờ báo chạy tít đậm ngợi ca công đức của bộ ba quý ông, nhất là Dương Trung Quốc - lừng giời với nhiều bộ mặt.
Nhưng ngay lúc đó, tự dưng bật lên câu hỏi: Thế ĐBQH của Hà Nội đi đâu. Họp Quốc hội thì chưa đến ngày hay các vị đang tiếp xúc cử tri bí mật tại một mật khu tựa như ATK (An toàn Khu) thời kháng chiến. Phải dùng đến hai chữ “mật” vì thường ra khi có các sự kiện công khai này, các phương tiện thông tin chính tắc vồ được lập tức rầm rộ quảng bá. Đại biểu dân đã quen qua TV còn cử tri… chuyên nghiệp ai chả nhẵn mặt.
Biến không thành có
Khi trong dòng chữ “cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự” chữ “không” biến hóa thành chữ “có” thì lúc này đây mới thấy tài ảo thuật của bậc anh minh thời nay chuyên “biến không thành có”. Cũng lập tức từ lúc đó tờ Biên bản tháng 4/2017 nổi đình đám, đẹp mặt các vị bao nhiêu thì giờ đây đầy tai tiếng, làm dày mặt các vị bấy nhiêu. Biên bản này sẽ đi vào lịch sử của nền pháp quyền quốc gia chuyên chính khi Ngài Thị trưởng Thủ đô phải ký vào một tờ giấy học sinh và còn có ba vị thuộc cơ quan quyền lực tối cao bút xa vào công việc ở một… xã. Nhưng vào thời khắc nóng hổi biến không thành có, hai vị trong số ba vị nói trên là Ông Trung Quốc và Ông Bình Nhưỡng vội vàng nói leo. Lời khuyên bảo dân của hai vị theo các phương tiện thông tin thoắt đã bay đến Đồng Tâm và những ai… đồng tâm với Đồng Tâm. Bà con bản địa đang bận tâm với ông Chung nên chưa kịp ngỏ lời với hai vị Quốc - Nhưỡng, nhất là chưa kịp trí ân nụ cười thương cảm của Quốc Nghị sỹ - chậu cảnh sống biết làm dáng, thấy lợm giọng.
Lạ, lại một lần nữa lại không thấy ĐBQH Thủ đô ỏ e một lời. Chắc các vị đang bận công việc của Kỳ họp và giương súng lên trời sẵn sàng bắn… chỉ thiên. Nhưng suy cho cùng, việc cả hai lần các vị mất hút đều logic.
Khi các ưu tú viên của Hà Nội khi được vợt lên trên bàn hiệp thương để các vị ngồi vào Nghị trường, nào có thấy mặt mũi bà con Đồng Tâm tung hô. Khi bỏ phiếu thì danh sách đấy, gạch ai, giữ ai họp cả rồi. Bỏ quách cho xong còn đi làm, tổ bàu cử đạt cờ thi đua. Chẳng hàm ơn thì chớ các vị còn giật thột nghi ngờ chính số phiếu không bầu là của Đồng Tâm khiến mình không được 100%. Lãnh đạo tuyệt đối mà không được tuyệt đối số phiếu, các vị lãnh đạm là phải.
Hà Nội không vội được đâu
Vô tình câu vần điệu “Hà Nội không vội được đâu” lại khoác cái vẻ rêu phong cỏ mọc cho Kinh thành vào độ nghìn năm tuổi, ứng vào khung cảnh này không kệch cỡm. Các vị ĐBQH Hà Nội có vội cũng không được vì là đại biểu cho cả Hà Nội chứ đâu cho riêng Đồng Tâm. Hà Nội to thế, nếu tính theo tỷ lệ % với diện tích quốc gia thì có lẽ là Thủ đô nước ta đứng hàng đầu thế giới, nhưng các tiêu chí khác thì hạng nhất luôn. Thử hỏi có thủ đô nào lại có dân tộc ít người, rừng rậm, núi cao, tiều phu đẵn gỗ trên rừng núi Tản Viên (Ba Vì) nơi phát tích chuyện Sơn Tinh, Thủy tinh. Lại có thủ đô nào cứ vào vụ gặt lại bị khói bụi bao vây vì công dân Hà Nội đốt rơm, thay cho bầu sương khói phủ quanh trời từng làm nên nét huyền ảo của Kinh kỳ.
Mà chuyện đất đai ở Hà Nội đâu chỉ có ở Đồng Tâm. Gần đây nhất là Vụ đất đai của Giáo xứ Thái Hà và Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà. Trước nữa là Dương Nội - Hòa Đức, Uy Nỗ - Đông Anh, đều đau đầu các nhà hữu trách. Chuyện im nhưng chưa yên.
Hà Nội đâu chỉ lo giải quyết đất đai đai. Vỉa hè không dành cho người đi bộ. Xe dẹp trật tự Công an - Trật tự như hòn đá ném xuống ao bèo. Xe qua vỉa hè như cũ. Vụ 20 lần vỡ ông nước Sông Đà, chả màng tới kẻ chủ mưu lúc miễn tố, khi lại tra hỏi vì ngay ngáy lo thiếu nước. Nhà 8B Lê Trực vẫn chềnh ềnh, từ đỉnh cao đó soi tỏ chốn thâm cung bí sử. Vụ 1.300 cây đang định xử lý phải nhớ đến chuyện vụ Thế Thảo năm 2015 (nghĩa Hán Việt: “thế” là thay - “thảo” là cây, “thế thảo” là thay cây). Đường sắt trên cao càng lênh khênh cao chưa biết thông xe hôm nào để bớt kẹt xe. Lại cũng có thể do các vị chưa được phân công nên xin rước các vị đại biểu tỉnh ngoài đến Đồng Tâm trước sẽ công tâm hơn. Công nghiệp địa phương đầu vị của Hà Nội bao năm rồi vẫn là màn tuyn, bóng đèn phích nước. Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã đến năm thứ hai mươi mà giải phóng mặt bằng còn dang dở. Rút cuộc quanh năm bận bịu, bốn mùa khẩn trương. Là đại biểu cho cơ quan quyền lực tối cao ngay ở thánh địa Thăng Long hẳn ngày đêm các vị phải lăn lưng vào giám sát cả núi việc, không có giây phút ngả người vào ghế đệm êm để có giấc mơ hoa, chưa có thì giờ lai vãng đến Đồng Tâm.
Đại biểu Quốc hội chứ đâu phải sai nha hợp đồng cầm gậy dẹp ngõ, tuýt còi đuổi chợ, muốn xông vào đâu nào thì vào. Là ĐBQH muốn tới với dân đều phải theo quy trình, ngày giờ đi phải được ghi vào lịch trình để bảo vệ dọc hành trình, chương trình làm việc phải được chuẩn y và khi về phải trình bẩm. Mọi khâu phải đúng nguyên tắc, khớp định hướng trên tinh thần chưa dân chủ thế bao giờ, nhưng đáp ứng được mong đợi của cử tri. ĐBQH phải nghe chỉ đạo của trên lại phải nói tiếng nói của dân, có tính phản biện mạnh mẽ chứ không phải đến nghị trường rồi chỉ ngồi vỗ tay, dơ tay và gật.
Thực tình, được cử đến Đồng Tâm có sung sướng gì, biết đâu lại mang vạ. Chả thế mà Đoàn Thành phố rầm rộ chỉ về đến Huyện đường, rồi về tay không. Đến với Đồng Tâm không vung vinh như đến dự Lễ mừng công, đón nhận bảng vàng, cắt băng khánh thành… đãi đằng linh đình, quà cáp hậu hĩ. Về Đồng Tâm mà không đồng tâm với bà con chắc cũng nghẹn lời, nhưng trót đồng tâm với bà con mà trái ý trên thì khó giữ ghế, dễ bật bãi.
Đồng Tâm ơi chớ tin, đừng đợi
Cổng làng Đồng Tâm luôn mở, tấm lòng bà con luôn rộng, mời các vị ĐBQG Hà Nội dón tay làm phúc đến với Đồng Tâm - xã Anh hùng cơ mà.
Nhưng sự cố biến không thành có càng nóng bỏng, khiến bà con “kinh cung chi điểu”(1), Đồng Tâm ơi chớ tin, đừng đợi/ Tự cứu mình phải đứng lên thôi ./.
__________
(1) Thành ngữ “kinh cung chi điểu” có trong điển tích Chiến Quốc sách. Canh Luy đứng trước Ngụy Vương, giương cung không có tên, giả bắn một phát, con chim nhạn rơixuống. Canh Luy giải thích với vua rằng: ”Sở dĩ như vậy là vì con chim này bị thương, vết thương chưa lành và lòng khiếp sợ chưa tan, cho nên thấy giương cung lên là sợ hãi”. Cũng có giải thích dân dã, con chim đã bị cánh cung bắn hút chết, nay hễ thấy cành cây cong cứ ngỡ là cánh cung, hốt hoảng bay vù.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.