Nước Pháp khát đổi mới trong cuộc đua vào Quốc hội
bauxitevnThu 8:34 AM
Trần Thu Dung
Sau bầu cử tổng thống Pháp, cả thế giới bất ngờ vì đảng Tiến bước do Macron - một cựu đảng viên đảng Xã hội cũ tách ra - thành lập mới hơn một năm, số đảng viên chưa tới 300 ngàn, nhưng đã giành thắng lợi ngoạn mục trước các đảng kỳ cựu như đảng thuộc cánh hữu và cánh tả cắm rễ lâu đời ở Pháp. Một tổng thống trẻ trung 39 tuổi với ý tưởng đổi mới và mở cửa ra thế giới đang là kỳ vọng cho nước Pháp. Nước Pháp đã chán với những lời hứa của các đảng Cộng hòa và đảng Xã hội - hai đảng thường xuyên thay nhau nắm chính quyền. Một phần do làn sóng di cư người nước ngoài và nhiều vụ khủng bố do các phần đạo Hồi quá khích, nên đảng Mặt trận dân tộc do cha con Marie Le Pen dù mang tư tưởng hẹp hòi dân tộc đã chiếm được gần 30% số phiếu cử tri trong đợt bầu cử tổng thống và lọt vào vòng hai tranh đua với Manuel Macron. Nhưng nước Pháp với khát vọng một cuộc cách mạng mới, mở rộng cánh cửa ra thế giới, sự tôn trọng giá trị Tự do Bình đẳng Bác ái của nền cộng hòa, Macron đã chiến thắng.
Hôm 11 tháng sáu vừa qua, nước Pháp lại tiếp tục nóng vì đợt bầu cử Quốc hội phục vụ cho một chính quyền mới do Macron đứng đầu. Các đảng lao vào vận động. Đảng nào với số phiếu chiếm hơn 50% số ghế trong Quốc hội sẽ có thế mạnh đối với chính phủ Macron. Mọi người đều nghĩ Đảng Tiến bước của Macron mới thành lập, dường như rất khó hy vọng chiếm được đại đa số. Nếu đảng «Tiến bước» của Macron không giành được thế mạnh ở Quốc hội, việc cải cách của chính phủ Macron sẽ gặp khó khăn do cản trở của Quốc hội. Trong lịch sử của nền cộng hòa Pháp, thông thường chỉ có đảng Xã hội và đảng cánh Cộng hòa thay phiên nhau chiếm đại đa số ghế trong Quốc hội.
Trước cuộc bầu cử Quốc hội, các đảng viên tích cực đi phát tờ rơi tuyên truyền cho ứng cử viên của họ. Đặc biệt các cuộc họp đảng không bao giờ lấy giờ hành chính, làm việc để họp, vì đó chính là sự ăn cắp giờ và lợi dụng quyền lực. Giờ làm việc là tiền bạc là sản phẩm của dân. Các đảng muốn giành thắng lợi đều với mục đích phục vụ dân, nên hội họp trù bị hay tổ chức mít tinh của các đảng chỉ tổ chức vào các ngày nghỉ cuối tuần, hoặc buổi tối để không lạm dụng giờ làm việc. Trong một xã hội đa đảng, các đảng viên tham gia làm việc trên các lĩnh vực xã hội không ai có thể lợi dụng thời gian vàng bạc của dân. Sự lợi dụng sẽ bị đảng viên đảng khác đưa ra phê phán và sẽ mất điểm. Filon một ứng cử viên tổng thống nặng ký đã bị thất bại trước Macron vì bị vạch ra tội tham nhũng, lợi dụng chức quyền và lấy tiền Quốc hội để khai lương cho vợ con… Nếu không dính vụ tham nhũng, chắc chắn chức tổng thống đã rơi vào tay Fillon. Người Pháp dân trí rất cao, họ không ủng hộ chính sách mặt trận dân tộc của Marie Le Pen đi ngược với xu hướng «mở cửa và chung sống hòa bình». Chính vì vậy Marie Le Pen với chính sách cánh cửa chật chội đã thua Macron trong chiến dịch cuối cùng của vòng bầu cử tống thống.
Đợt bầu cử Quốc hội vòng một hôm qua, thật bất ngờ, mặc dù số lượng đảng viên rất ít so với các đảng kỳ cựu, Đảng «Tiến bước» của Macron đã giành thắng lợi ở vòng đầu ở nhiều khu vực. Tuy nhiên số người đi bầu không nhiều. Gần 50% cử tri không tham gia bỏ phiếu. Lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử quốc hội, đảng Xã Hội và đảng Cộng hòa đã bị mất nhiều số ghế vì rất ít ứng cử viên của đảng lọt vào vòng hai.
Do nhiều đảng tham gia vòng đầu, nên hiếm ứng cử viên nào chiếm được quá 50% số phiếu, vì vậy vòng hai mới là cuộc chạy đua gay cấn. Hai người đầu bảng ở các khu vực sẽ vào vòng hai để tranh ghế Quốc hội.
Sự liên minh các đảng lúc này là quan trọng. Marie Le Pen đã lên tiếng chỉ trích đảng cánh hữu không ủng hộ bà trong cuộc đua cuối cùng tranh cử tổng thống. Nếu toàn bộ cánh hữu dồn phiếu Marie Le Pen đã thắng Macron. Nhưng nhiều đảng viên cánh hữu tuyên bố ủng hộ Macron để bảo vệ giá trị nền cộng hòa Pháp.
Nhiều ứng cử viên mới của Macron đã thắng đại đa số ở vòng đầu trong đợt đua mới này.
Văn nghệ sỹ vốn khát vọng tự do, chung sống hòa bình trên quả địa cầu. Nhiều người đã tham gia ủng hộ chính phủ mang tư tưởng cách tân đổi mới. Việc tách ra khỏi đảng Xã hội, lập đảng mới chứng tỏ tân tổng thống đã nhìn thấy sự cổ hũ, và vài chính sách lỗi thời của đảng cần phải cải tổ. Mọi chính sách đều phải «tiến và chuyển động» không thể bất di bất dịch. Tên của đảng đã thể hiện tư tưởng đó. Xã hội luôn tiến triển tại sao chính sách của đảng không thay đổi ? Đó là tư tưởng của Macron. Macron từng mê nhà hí kịch Molière - người đầu tiên đưa lên sân khấu những tiếng cười sảng khoái về sự lố bịch lỗi thời của đám trưởng giả, nhà viết kịch dám phá bỏ những quy ước của hàn lâm viện chọc các thói hư tật xấu của những người quý tộc và lãnh đạo.
Để ủng hộ tư tưởng chung sống hòa bình, một họa sĩ đường phố đã vẽ chân dung 9 người hàng xóm đại diện cho các sắc tộc ở khu phố trên bức tường cho phép vẽ tranh đoản thọ (tức là được giữ trong một thời gian ngắn quy định). Bức tranh hoành tráng đã thu hút được nhiều người. Cuộc sống là dân. Ngã tư đường, những bức tường công, họa sỹ đã vẽ những khuôn mặt đời thường có thể gặp thường xuyên ở chợ, trên đường phố, đâu cần nhất thiết vẽ dựng chân dung lãnh đạo giữa đường. Ở ngay trung tâm ngã tư thành phố vệ tinh Arcueil một cửa ngõ giao thông chính vào Paris, có tượng một con bò đầy màu sắc và khu phố vẫn mang tên rất xưa «khu bò đen», với những tên phố Lê Nin, Stalingrad, Salvador Allende, vì thành phố nằm trong vành đai đỏ một thời đảng Cộng sản từng thắng thế ở đây và khu mới xây dựng trước là trại nuôi bò. Quá khứ vẫn giữ. Tương lai và sự phát triển thành phố mới là điều mọi người quan tâm. Cái tên chỉ là tượng trưng và kỷ niệm. Đảng nào, ai có công cho nhân loại đều được lịch sử ghi danh. Những chú bò là biểu tượng phát triển nông nghiệp ở Pháp. Thành phố cũng sinh ra và lớn lên nhờ nông nghiệp.
Tượng hai con bò giữa ngã sáu cửa ngõ vào Paris ở thành phố Arcueil
Ngoài ra, những bức tường công cộng không để quảng cáo doanh nghiệp mà dành cho cho họa sĩ thả hồn vào cây cọ. Tường là của chung, là sân chơi của tất cả những người cầm cọ. Tất nhiên để bức tranh được phép tồn tại trong thời gian quy định, họa sĩ đường phố đều phải xin phép tòa thị chính. Mọi bức tranh vẽ không xin phép có thể bị xóa hoặc đang vẽ bị cảnh sát hỏi giấy và bị phạt.
Chung sống hòa bình, mở cửa là mong muốn của tất cả. Mở cửa nghệ thuật chính là cởi trói tư tưởng. Quan tâm đến dân chính là quan tâm đến cuộc sống hàng ngày chứ không phải chỉ thuần túy quan tâm đến dựng tượng vĩ nhân đã mất.
Bức tranh tường hoàng tráng «cùng nhau chung sống» ở ngoại ô Paris, Créteil, Emouleuses nơi có nhiều sắc tộc chung sống.
Từ cuộc sống thường ngày đi vào nghệ thuật
Kết quả đợt bầu cử quốc hội vòng một ở Pháp là hồi chuông cảnh tỉnh cho các đảng kỳ cựu. Cuộc sống cần đổi mới về tư duy. Xã hội ngày nay với những phương tiện truyền thống hiện đại không thể đóng cửa dạy bảo nhau kiểu làng xã. Trước kia giáo hội từng đứng vị trí áp đảo nắm toàn bộ quyền châu Âu, từng giam cầm và hành hạ những nhà khoa học tiến bộ như Galillée khi ông tuyên bố quả đất quay tròn, không phải đứng yên như giáo hội dạy trong trường. Nhờ những nhà khoa học, văn nghệ sỹ, các nhà triết học như Voltaire, Rousseau dám nói sự thật và khát vọng tìm sự thật nên xã hội châu Âu đã tiến nhanh và đổi mới. Giáo hội dần dần mất chỗ đứng nhường chỗ cho một xã hội tự do dân chủ và khoa học.
Bầu cử quốc hội và tổng thống ở Pháp là một bằng chứng của một xã hội tự do dân chủ bình đẳng. 13 đảng tham gia ứng cử ở các khu vực. Để bảo đảm tính khách quan của bầu cử, các cơ sở trường học công và tòa thị chính sẽ là những cơ sở để tổ chức bầu cử. Các trụ sở đảng không không bao giờ là nơi tổ chức bầu cử. Tòa thị chính và các đảng cử người tham gia trong ban kiểm phiếu. Danh sách ban kiểm phiếu của các đảng cử đến, tòa thị chính sẽ trộn lẫn và sắp xếp ngẫu nhiên ở các cơ sở bầu cử khu vực. Vì để tránh xếp hàng chờ đợi, có nhiều phòng bầu cử, và mỗi nơi chỉ cần 4 đến 6 người điều hành. Vì vậy không cần 13 thành viên của mỗi đảng có mặt. Sự sắp xếp ban bầu cử là ngẫu nhiên mang tính khách quan.
Sáng sớm 7h45, ban kiểm phiếu có mặt để chứng kiến chủ tịch phòng phiếu cắt niêm phòng máy hay hộp bỏ phiếu và giao chìa khóa cho các thành viên có mặt. Sau khi thử máy chạy an toàn, giấy được in ra và ban kiểm phiếu ký vào. 8 giờ sáng các cử tri bắt đầu đến. Thỉnh thoảng các đại diện của đảng hoặc thị trưởng đích thân đi quan sát sự hoạt động của các phòng phiếu. Ứng cử viên khu vực cũng đi một vòng để xem xét. Để đề phòng khủng bố, cảnh sát khu vực chỉ ngó vào hỏi «có ổn không» nhưng không được vào để tạo một sự bình yên lựa chọn.
Nhiều người lưỡng lự trong sự lựa chọn người tài đứng rất lâu để đọc quảng cáo danh sách ứng cử viên. Một số chưa quen với lối bầu cử bằng vi tính, nhưng ban kiểm phiếu không ai được phép đứng sau lưng chỉ dẫn, vì đề phòng mang tiếng ép cử tri. Chiếc máy đặc biệt với tên các cử tri được che ba phía và kín đáo bảo đảm tính dân chủ. Những người tàn tật hay khiếm thính cũng không ai giúp bỏ phiếu. Tất cả được chỉ dẫn bên ngoài. Mọi ủy quyền bầu cử đều phải ra cảnh sát làm giấy tờ. Những người nằm trong bệnh viện đều tham gia bầu cử bằng cách ủy quyền. Họ sẽ ký vào tờ giấy ủy quyền cho ai đó, và bệnh viện sẽ gửi về sở cảnh sát. Sau đó sở cảnh sát sẽ cử người điều tra đến tận bệnh viện để kiểm tra để tránh gian lận trong bầu cử. Để tạo điều kiện cho cử tri tham gia, mọi giấy tờ tùy thân như thẻ căn cước, hộ chiếu, bằng lái xe, thẻ sức khỏe, thẻ gia đình đông con… miễn là có ảnh, có ngày sinh đúng đều được sử dụng, vì những thẻ này đều do nhà nước cấp. Các thẻ này dù đã hết hạn cũng được sử dụng, vì nhiều người chưa có thời gian đi gia hạn. Do khi ra đăng ký để lấy thẻ cử tri, mọi công dân đều phải trình giấy tờ ở tòa thị chính. Mất thẻ cử tri vẫn được bầu. Chỉ việc đưa căn cước là ban kiểm phiếu sẽ tìm ra danh sách và trao số thẻ cử tri. Bầu cử xong thì phải ký vào sổ.
Cứ tưởng bầu cử bằng máy xong là xong. Nhưng lúc đóng hòm phiếu, ban kiểm phiếu tiếp tục làm việc. Số phiếu trong máy phải bằng tổng chữ ký bên ngoài thì mới nhẹ công việc. Kết quả in ra được ông chủ tịch đọc và tuyên bố và các thành viên trong ban kiểm phiếu ký vào, và mỗi người được tặng 1 bản không chỉ để làm kỷ niệm mà có thể dùng để điều tra khi cần thiết.
Liệu vòng hai đảng nào sẽ chiếm đại đa số ghế ở quốc hội? Tất cả những ứng cử viên đang trên đường đua cuối cùng. Xứ tự do, không câu nệ, tất cả đều lớn lên như mọi người. Họ cùng các đảng viên ra đứng giữa các khu đông người như chợ, bến tàu điện, bến xe để phát tờ rơi kêu gọi ủng hộ. Nhiều người đang làm thị trưởng của các tỉnh để giành phiếu cũng không quan cách, dành ngày nghỉ quý báu cuối tuần gặp các cử tri để vận động bầu cử, để các cử tri làm quen và biết đến.
Trước bến tàu điện ngầm, tác giả và bà Albane Gaillot, một ứng cử viên đảng Tiến bước thắng vòng một đang đứng vận động bầu cử vòng hai để tranh đua với ứng cử viên của đảng «Nước Pháp không quật khởi» ở khu Val de Marne.
Mọi người đang hồi hộp chờ kết quả đại biểu quốc hội Pháp. Xứ tự do, đa đảng, việc dồn phiều của các đảng sẽ tạo ra những bất ngờ ở phút chót.
Khát vọng đổi mới, đảng «Tiến bước» của Macron cũng đầy lo âu và hồi hộp. Làm tổng thống một xứ tự do thật vất vả, đầy lo âu về số ghế của đảng trong quốc hội và luôn phải cố gắng thực hiện các lời hứa trong nhiệm kỳ để tiếp tục giành phiếu cho những đợt bầu cử hội đồng nhân dân cấp xã trong năm tới.
Đợt bầu cử quốc hội vòng một với sự thắng phiếu áp đảo của đảng Tiến bước chứng tỏ nước Pháp đang khát vọng đổi mới ở tân tổng thống trẻ Macron.
T.T.D.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.