Đồng Tâm, hệ quả một biện pháp phi pháp lý
bauxitevnTue 7:33 PM
Công an lạy tạ dân làng Đồng Tâm sau khi được phóng thích ngày 22 tháng Tư. (REUTERS/Kham)
Như mọi người đã biết, vào khoảng trung tuần tháng 4-2017, khoảng 6000 người dân thuộc xã Đồng Tâm, Huyên Mỹ Đức thuộc ngoại thành Hà Nội, đã bắt giữ khoảng một trung đội cảnh sát cơ động đến cưỡng chế giải tỏa dất đai của họ, để cho tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) sử dụng làm ăn kinh tế.
Sau gần một tuần những nhân viên công lực thi hành lệnh cưỡng chế mới được nhân dân thả ra, khi Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là Nguyễn Đức Chung, ngày 22-4-2017 đích thân đến Xã Đồng Tâm điều đình và ký vào giấy cam kết gồm hai điểm chính: (1) Trong 45 ngày sẽ xem xét và giải quyết việc sử dụng đất đai cho quân đội, an ninh quốc phòng theo đúng pháp luật; (2) và “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhân dân xã Đồng Tâm”, với sự chứng kiến của luật sư và các đại biểu quốc hội.
Thế nhưng, nay theo báo chí trong nước hôm 13/6 đưa tin rằng cơ quan cảnh sát điều tra (Công an Hà Nội) đã khởi tố vụ án hình sự liên quan việc bắt giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) để điều tra về tội ‘bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật’ (theo điều 123 Bộ luật Hình sự) và ‘Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản’ (theo điều 143 Bộ luật Hình sự)”. Quyết định bất ngờ này, khiến người dân xã ngoại thành Hà Nội “phẫn nộ” và thu hút sự quan tâm của công luận trong và ngoài Việt Nam.
Theo nhận định của chúng tôi, thì đây là hệ quả tất nhiên của một biện pháp phi pháp lý được thực hiện bởi một viên chức đứng đầu chính quyền địa phương không có thẩm quyền tư pháp (công tố quyền) là ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội. Đúng ra khi điều đình với tập thể nhân dân xã Đồng Tâm, Ông Chung chỉ có thẩm quyền giải quyết nguyên nhân đưa đến việc người dân bắt giữ người thi hành công vụ là cam kết (1) “Trong 45 ngày sẽ xem xét và giải quyết việc sử dụng đất đai cho quân đội, an ninh quốc phòng theo đúng pháp luật”; nhưng không được quyền cam kết (2) là “Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhân dân xã Đồng Tâm”, vì khởi tố hay không là thẩm quyền của cơ quan tư pháp (là công an Hà Nội trong hiện vụ). Do đó đứng về mặt tư pháp cam kết (2) của ông Nguyễn Đức Chung là vô hiệu, đưa đến hệ quả dây chuyền sau đây về mặt thực tế.
1- Hệ quả một là nếu đã đem lại hiệu quả nhất thời giúp nhà cầm quyền địa phương giải cứu được con tin và giải tỏa được một tình huống bạo động có thể lan rộng bằng biện pháp thương lượng chứ không trấn áp bằng sức mạnh của công an quân đội; nhưng lại đưa đến hậu quả tai hại về mặt tôn trọng pháp luật nhà nước, tạo ra một tiền lệ đưa đến việc nhân dân sau này có thể bắt giữ người thi hành công vụ mỗi khi cần con tin để buộc nhà cầm quyền phải quan tâm giải quyết các yêu sách của mình.
2- Hệ quả hai, do từ hậu quả tai hại trong hệ quả 1, cơ quan tư pháp có thẩm quyền công tố (là công an Hà Nội trong hiện vụ) không thể làm ngơ trước một hành vi phạm pháp tập thể (bắt giữ người thi hành công vụ…) nên đã phải “khởi tố vụ án hình sự” dựa trên các Điều 123 và 143 Bộ luật Hình sự hiện hành.
3- Hệ quả ba, do từ việc “khởi tố vụ án hình sự” trong hệ quả 2 đã đưa đến hậu quả làm mất uy tín của chính quyền, bị coi là “lừa bịp nhân dân” để thoát hiểm, đã vi phạm lời cam kết của người đứng đầu chính quyền địa phương là Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
4- Từ ba hệ quả trên đã dẫn đến hệ quả thứ tư là sự mâu thuẫn gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng và nhà cầm quyền CSVM về cách thức và biện pháp giải quyết các mâu thuẫn giữa nhân dân nói chung và các tập thể nhân dân cá biệt nói riêng.
Thực ra, cả bốn hệ quả trên đã không phải chỉ xảy ra lần đầu ở xã Đồng Tâm, mà trong quá khứ đã từng xảy ra ở một số nơi khác… Nhà cầm quyền cũng đã từng giải quyết theo sách “mềm nắn, rắn buông” để thoát hiểm, bằng bất cứ biện pháp nào, với bất cứ thủ đoạn gian trá nào theo phương châm “cứu cánh biện minh cho hành động”. Nghĩa là tạm “lùi một bước” để sau đó “tiến hai bước”.
Đây cũng là những hệ quả tất nhiên của chủ trương, đường lối, chính sách cai trị của chế độ độc tài toàn trị cộng sản tại Việt Nam bao lâu nay.Vì trong chế độ này, Đảng CSVN cầm quyền không dựa vào uy tín mà dựa vào các công cụ chuyên chính là công an quân đội để trấn áp, cai trị dân. Vì vậy, Đảng và nhà cầm quyền CSVN không sợ mất uy tín (vì có uy tín đâu mà sợ mất). Do đó, Đảng và nhà cầm quyền CSVN đã không ngần ngại sử dụng mọi thủ đoạn gian trá, lừa lọc, tàn ác trong mọi tình huống đối với người dân bị trị, vì biết rằng thân phận người dân như cá nằm trên thớt, cuối cùng cũng chẳng làm gì được trước bạo quyền.
Mặt khác, nhà cầm quyền trong chế độ độc tài toàn trị CSVN bao lâu nay không cai trị bằng pháp luật mà cai trị bằng nghị quyết hay nghị luật của một đảng độc quyền thống trị. “Đảng là pháp luật, pháp luật là Đảng ta”! Đồng thời nguyên tắc phân quyền tam lập ở các nước dân chủ vẫn chưa được Đảng và nhà cầm quyền CSVN chấp nhận. Vì vậy, không chỉ trong vụ việc Đồng Tâm, người đứng đầu nhà cầm quyền Hà Nội đã có hành động vượt quyền là “Cam kết không khởi tố nhân dân xã Đồng Tâm”, để rồi nay chính ông an Hà Nội dưới quyền ông lại “lật lọng” ra lệnh “Khởi tố thành vụ án hình sự đối với nhân dân Đồng Tâm”. Trước đây nhiều vụ việc đã xảy ra và sau này, các vụ việc tương tự sẽ tiếp tục xảy ra, ngày nào Việt Nam còn tồn tại chế độ độc tài toàn trị cộng sản, với những hệ quả như vừa phân tích trình bày.
Chúng tôi xin mượn lời nói của cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu để gửi đến nhân dân trong nước thay lời kết, là “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm” để cảnh giác và luôn luôn cảnh giác để không bị lừa bịp mà thiệt hại đến nhân thân.
T.Y.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.