Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

Sức ép tăng đòi quân đội trả đất cho sân bay Tân Sơn Nhất

Sức ép tăng đòi quân đội trả đất cho sân bay Tân Sơn Nhất

bauxitevnTue 8:34 AM

clip_image001
sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng quá tải
Sức ép tăng cao những ngày này trong dư luận và báo chí Việt Nam, đòi quân đội trả lại đất để thành phố Hồ Chí Minh mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Báo chí trong nước tường thuật tình trạng sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng quá tải, nhưng chưa thể mở rộng vì vướng “đất quốc phòng”, đây là đề tài nóng trong các cuộc thảo luận tại kỳ họp quốc hội đang diễn ra, cũng như trong công chúng.

Khu vực đất gây nhiều tranh cãi rộng 157 hecta được gọi là “đất dự phòng của quốc phòng”, do quân đội quản lý trên danh nghĩa “để bảo vệ tp. HCM và sân bay Tân Sơn Nhất”. Trước đây là vùng đất trống, từ năm 2015 một phần lớn khu đất đã trở thành một sân golf thuộc quyền sở hữu của Bộ Quốc phòng và một số công ty thương mại.
Dự án liên doanh này đã bị phản đối quyết liệt cách đây 6 năm khi nó bắt đầu hình thành. Ở thời điểm đó, trung tá Lê Trọng Sành, cựu Trưởng phòng Quản lý bay, sân bay Tân Sơn Nhất, đã phân tích rất kỹ trên báo Thanh Niên về những hệ lụy của dự án sân golf đối với vấn đề an toàn bay. Nhưng sau đó dự án này vẫn được tiến hành.
Giờ đây các dự án này lại bị chỉ trích mạnh mẽ hơn giữa lúc tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng thêm nghiêm trọng.
Theo quy hoạch được Bộ Giao thông-Vận tải quyết định hồi tháng 9/2015, sân bay quốc tế của thành phố lớn nhất Việt Nam có công suất phục vụ 25 triệu khách/năm. Tuy nhiên, trên thực tế ngay năm đó lượng khách đi, đến qua sân bay đã đạt 26,5 triệu. Trong năm tiếp theo, 2016, lượng khách tăng mạnh 22,6%, đạt 32,5 triệu.
Sự gia tăng này gây ra tình trạng quá tải mọi mặt liên quan đến sân bay, từ việc các sảnh đợi đông nghịt người xếp hàng làm thủ tục, đến máy bay xếp hàng dài chờ cất cánh, hay phải bay vòng tròn trên trời đợi hạ cánh, cho đến tắc nghẽn giao thông trên các tuyến đường quanh sân bay.
Bức xúc dường như lên đến mức cao nhất từ trước đến nay khi vấn đề sân golf của quân đội cản trở việc mở rộng sân bay được đem ra mổ xẻ tại kỳ họp Quốc hội.
Theo tường thuật của báo Người Lao Động, sáng 12/6, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: "Do yêu cầu của cuộc sống, do nhu cầu cấp thiết, thấy cần cho quốc gia, cái gì lợi nhất, cái gì tốt nhất thì cũng phải làm kể cả việc bỏ sân golf Tân Sơn Nhất".
Trong công chúng, nhiều người lên tiếng trên mạng xã hội cho rằng sân golf là một hình ảnh phản cảm. Cùng lúc, có những người khác coi nó như một khối u gây nhức nhối cho hàng triệu người, cần phải cắt bỏ.
Trên báo chí chính thống, nhiều chuyên gia nhấn mạnh “cần xử lý ngay” sân golf trong lòng sân bay.
Phát biểu với báo Thanh Niên, PGS TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học Kỹ thuật Môi trường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tp. HCM, nhận xét “đất sân bay là phải làm nhiệm vụ phục vụ sân bay; an ninh quốc phòng cũng phải cho sân bay”. Ông bình luận thêm rằng việc các bên liên quan không trả lại đất “thể hiện ý thức kém của các cán bộ thực thi thể chế, tầm nhìn hạn hẹp, đặt quyền lợi cá nhân, lợi ích nhóm lên trên lợi ích của dân, của nước”.
Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học, kỹ thuật tp. HCM, nói trong một bản tin của VOV rằng “vấn đề rất bức xúc” nên phía nhà nước và quốc hội cần phải đưa ra “chủ trương giải phóng nhanh khu vực sân golf”.
Nhận định về trình tự thu hồi đất sẽ dễ dàng hay khó khăn, luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội viện dẫn Điều 50 khoản 2 của Nghị định 43 về thực hiện Luật đất đai để phân tích với VOA.
Ông Hải cho biết điều luật quy định rằng nếu một đơn vị không sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích quốc phòng, chính quyền cấp tỉnh có thẩm quyền thông báo và yêu cầu đơn vị đó sử dụng đúng mục đích quốc phòng, nếu không, chính quyền có quyền thu hồi đất và giao cho người khác.
Nhưng trên thực tế, có thể chính quyền tp. HCM sẽ cần “đèn xanh” từ lãnh đạo đảng cộng sản và nhà nước. Ông Hải nói thêm:
“Trong vụ này, UBND tp. HCM sẽ là người quyết định. Tuy nhiên, đất này liên quan đến không quân, Bộ Quốc phòng, cho nên UBND tp. HCM và cả thành ủy nữa chắc họ sẽ thận trọng hơn. Họ có thể gửi các thư thông báo đấy đến Quân chủng Phòng không-Không quân, Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, còn gửi đến Bí thư Quân ủy Trung ương là ông tổng bí thư và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh là ông chủ tịch nước để báo cáo việc này. Nếu làm đúng thủ tục rồi, sau một năm mà những người đứng đầu Quân ủy Trung ương và Hội đồng Quốc phòng An ninh không có ý kiến gì, đương nhiên ông [chính quyền thành phố] thực hiện quyền của mình là thu hồi, sau một năm từ ngày thông báo”.
Trong một bài báo của Dân Trí, PGS TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, trường Đại học Bách khoa tp. HCM, khẳng định việc thu hồi sân golf để mở rộng sân bay là “khả thi”. Ông Tống nhấn mạnh “khả năng thu hồi đất sân golf để phát triển sân bay Tân Sơn Nhất là nằm trong quyền lực của Chính phủ”.
Nhà khoa học này cho rằng việc này giúp sân bay Tân Sơn Nhất giải được 3 bài toán là kẹt xe ở cổng ra vào sân bay, ngập nước trong sân bay, và quá tải ở cả bên dưới lẫn bầu trời vì thiếu đường băng.
Báo chí Việt Nam dẫn lời Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa nói chiều 12/6 cho hay vào chiều tối cùng ngày, chính phủ họp để bàn vấn đề mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Tại phiên họp, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến giải trình với chính phủ về tính khả thi của việc xây đường băng và nhà ga sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trên khu đất hiện là sân golf theo đề nghị của các chuyên gia.
Các phản ứng trên mạng xã hội cho thây công chúng Việt Nam kỳ vọng chính phủ sẽ ra quyết định thu hồi sân golf, thay vì đẩy nó lên tầm cao nhất trong hệ thống chính trị của đất nước là Tổng bí thư Đảng, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.