Khoảng Trống Ngành Luật
Kỹ thuật và trình độ lập pháp của chúng ta đang thực sự có vấn đề. Thế nên những bộ luật quan trọng nhất nước với hàng chục dự thảo, hàng năm ròng chuẩn bị, góp ý khi được ban hàn ra vẫn đầy những vấn đề sai sót cơ bản.
Ví dụ đơn giản như, tội dâm ô với trẻ em là một tội mà khung hình phạt cao nhất là ở mức rất nghiêm trọng (12 năm tù). Và điều 12 Bộ luật Hình sự quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi loại tội mà mình thực hiện. Nhưng điều 116 lại quy định khi lập pháp về mặt chủ thể "người nào đã thành niên (tức đủ 18 tuổi trở lên) thực hiện hành vi dâm ô thì...". Một sự mâu thuẫn lạ lùng và điều này tước bỏ hiệu lực điều kia.
Tiếp nữa, cũng tại Điều 116 này (BLHS 1999), nay đã được đổi thành điều 146 (Dự thảo BLHS 2017), lại có quy định tạo ra khoảng trống về mặt con số. Ví dụ ở khung 2 của điều luật thì có tình tiết định khung là "gây tổn hại đến sức khoẻ cho nạn nhân dưới 45%". Và khung 3 của cùng điều luật này lại quy định "gây tổn hại đến sức khoẻ cho nạn nhân từ 46%...". Vậy khoảng từ 45% đến dưới 46% thì sẽ thế nào? Kể cả việc làm tròn hoặc không có số lẻ về tỷ lệ thương tích, nhưng khi có sự thay đổi về cách tính mà có số lẻ thì sẽ ra sao? Khi thuơng tích bằng 45.5% thì sẽ áp vào khoản 2 hay khoản 3 của điều luật đó? Và không chỉ điều luật này mà các điều luật về gây tổn hại sức khoẻ đều có một khoảng trống lạ lùng (và cả buồn cười) như vậy.
Hơn nữa, về mặt kỹ thuật lập pháp, chúng ta đang thiếu hẳn mặt lập luận và diễn giải nội hàm mặt khách quan ngay trong từng điều luật. Gây ra sự khó khăn và nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng cùng một điều luật, hoặc ở những địa phương khác nhau, hoặc ở những cấp xét xử của toà án.
Nên để có một Bộ luật Hình sự khoa học và chuẩn mực thì cần phải có một trình độ lập pháp khác, chuyên nghiệp và trí tuệ hơn. Từ đó mói có những bộ luật tới hàng nghìn điều, hàng ngàn trang, và rõ ràng tới từng chi tiết để có thể áp dụng như các xứ văn minh đã tạo lập nên một nền luật pháp đồ sộ cho họ vận hành và thực thi ổn định tới hàng trăm năm.
Sự đồ sộ, nhưng rõ ràng và chuyên sâu, chắc chắn sẽ làm cho sự vận hành và áp dụng luật pháp được trơn tru. Nếu càng chung chung và mơ hồ, càng dễ dẫn tới sự rối rắm và sự hiểu không đúng các quy định. Đó là lý do của sự tuỳ tiện trong việc thực thi luật pháp dẫn tới tệ trạng như hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.