Hãy Chọn Lại Mục Tiêu Phê Phán
Khi đối diện với những bức xức trong xã hội, người mình thường qui trách nhiệm cho Đảng Cộng sản, và chửi, âm thầm hay công khai. Nó có thể giúp giải tỏa những bức xức, nhưng có lẽ khó mà thay đổi được cục diện xã hội, và vì vậy mà có lẽ chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận.
Đảng Cộng sản là ai? Đó là tên chung cho tất cả 4 triệu đảng viên và nếu nhìn lại thì 3 chữ Đảng Cộng sản như một tấm màn mà nếu bạn chửi hay đánh thì nó chẳng hề hấn gì mấy đến mấy triệu đảng viên đứng sau.
Nó không chỉ làm họ, những đảng viên, đoàn kết nhau hơn mà còn làm bạn trở nên khó thay đổi xã hội hơn, vì họ giống như một bó đũa vậy, khi bạn ép họ thì họ càng dính chặt vào nhau và khó mà bẻ một bó cùng một lúc được. Ngược lại, nếu bạn tách riêng từng chiếc đũa thì sẽ dễ dàng bẽ gẫy hơn.
Đó cũng là mấu chốt của chiến lược: chọn lại mục tiêu. Thay vì mục tiêu của bạn là Đảng Cộng sản chung chung, thì hãy ngay từ bây giờ chỉ rõ ra mục tiêu của bạn là những cá nhân cụ thể. Những con người chịu trách nhiệm chính hay những yếu nhân nắm vai trò cai trị bộ máy. Đó là những gót chân A-sin mà tập trung vào đó có thể làm thay đổi nhanh chóng cục diện của thế trận.
Khi những người xuống đường đòi dân chủ trong cuộc Cách mạng Mùa xuân Ai Cập, họ chỉ đòi một cách đơn giản là Hosni Mubarak phải ra đi. Họ tập trung tất cả các áp lực vào một mình Hosni Mubarak. Và nếu để ý, những cuộc xuống đường đòi dân chủ khác cũng vậy, họ tập trung vào một vài cá nhân then chốt chịu trách nhiệm cho sự tồn tại của chế độ.
Đó là bởi vì sức mạnh của lực lượng dân chủ là có giới hạn, và đối phó với một hay vài người nó dễ dàng hơn khi đối phó với cả một hệ thống.
Gỡ bỏ những cá nhân này đi không chỉ khiến lực lượng dân chủ có thêm tự tin và sức mạnh, mà còn khiến những cá nhân khác trong chế độ hoảng sợ và chế độ thêm lung lay.
Thêm nữa, bất cứ một dự án nào hay một thể chế nào nó cũng được dựng xây và duy trì bởi những cá nhân, và muốn cho thể chế thay đổi thì phải tập trung vào thay đổi những cá nhân nhất định, đó là những cá nhân đóng vai trò then chốt duy trì nên chế độ.
Khi mà lực lượng dân chủ có thể tập trung áp lực làm thay đổi hành vi của một cá nhân trong chế độ, điều đó sẽ đặt nên tiền lệ và gây áp lực cho những cá nhân khác trong chế độ khi họ muốn làm điều sai trái.
Nhiều người sẽ cho rằng trong chế độ cộng sản, tất cả các quyết định là quyết định tập thể. Điều đó chỉ đúng một nữa. Những quyết định của họ đạt được sự đồng thuận, nhưng cuối cùng vẫn có người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm. Và người đó là mục tiêu của tất cả các áp lực.
Sẽ có câu hỏi rằng khi một dự án đã được thông qua bởi người tiền nhiệm thì sao? Vậy thì người tiền nhiệm có trách nhiệm thông qua, nhưng người đương nhiệm phải chịu trách nhiệm xử lý. Muốn ngăn chặn một dự án thì trước hết gây áp lực lên cá nhân người đương nhiệm, đồng thời lên án cá nhân người tiền nhiệm.
Vậy ai là người chịu trách nhiệm chính về các vấn đề lớn của đất nước hiện nay? Đó chính là ông Tổng bí thư, người đứng đầu Đảng Cộng sản cầm quyền, và ông thủ tướng, người đứng đầu chính phủ cầm quyền. Thay vì bất cứ sự việc nào của đất nước bạn chửi tổ chức Đảng Cộng sản chung chung thì hãy chuyển sang mục tiêu cá nhân cụ thể và hai người này là người chịu trách nhiệm giải quyết tình hình hiện nay.
Cho dù họ không được dân bầu, nhưng với tư cách là lực lượng tiếm quyền và thao túng quyền lực, họ có trách nhiệm đối với tất cả những điều đang xảy ra trên đất nước ngay hôm nay.
Cuối cùng, xin nhắc lại một lần nữa, là thay vì chúng ta chửi hay than vãn chung chung về Đảng Cộng sản, hãy chỉ đích danh từng cá nhân cụ thể chịu trách nhiệm xử lý then chốt trong mỗi dự án hay chiến lược. Chúng ta có thể không thể bẽ gẫy ngay một bó đũa nhưng chắc chắn sẽ dễ dàng hơn khi bẽ gẫy từng chiếc một.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.