Từ Fukushima tới Formosa: Fukushima tròn 6 năm thảm họa
bauxitevn8:05 AM
Thục Quyên(SaveVietnam´s Nature)
Nhật báo Mainichi chào đón ngày 11/03/2017, ngày kỷ niệm tròn sáu năm thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi, bằng một lá thư toà soạn với tựa đề rất lớn đăng ngay ở trang đầu
“Các lý do để Nhật Bản rời bỏ điện hạt nhân hôm nay càng rõ ràng hơn bao giờ hết” (1)
“Điều quan trọng nhất – tờ báo viết – là tất cả những nạn nhân vẫn không thấy được một tia hy vọng mong manh nào về cái ngày có thể an toàn trở lại chốn cũ, và điều đáng lo không kém, là mọi cố gắng không ngừng nghỉ suốt 6 năm cho tới hôm nay, vẫn gần như không giúp chúng ta hiểu được những gì đang xảy ra trong các lò phản ứng bị hư hại”.
Nói tóm lại, con người không những không làm chủ được tình thế, mà tất cả những lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima ngày đêm là một mối hiểm nguy đang âm ỷ, bất cứ lúc nào cũng có thể thức giấc, hoành hành.
Không ai thực sự hiểu và để ý suy nghĩ về nguy cơ có thể xảy ra
Hai ngày sau khi tai nạn xảy ra tại Fukushima, bác sĩ Atsushi Kumagai, chuyên gia y tế về đối phó thảm họa (2), cùng với hai y tá, một kỹ thuật viên bức xạ và một nhà sinh vật học xạ trị lên trực thăng quân đội để bay đến Bệnh viện Đại học Fukushima.
Họ đã cùng nhau thành lập một khu riêng biệt tạm thời trong khuôn viên của bệnh viện đại học để đối phó với tình thế khẩn cấp.
Không một người nào tại Fukushima lúc đó biết cách xử lý tiếp xúc với phóng xạ, điều này có nghĩa là BS Kumagai và nhân viên của ông, cùng một lúc, phải vừa huấn luyện nhân viên của bệnh viện Đại học Fukushima, vừa điều trị, lo cho các bệnh nhân.
Tình trạng kéo dài với những ngày làm việc tiếp nối, chỉ được ngưng vài tiếng đồng hồ ban đêm để ngủ, ngay trên sàn, trong một khu trống của tòa nhà.
“Mỗi đêm, chúng tôi ngồi quây quần thảo luận về tất cả những gì đã và đang xảy ra”, BS Kumagai nói, một tay đặt trên tim, “chúng tôi trao đổi những cảm xúc và lo lắng, nói với nhau về ý nghĩa của cuộc sống và đặt câu hỏi liệu mọi người có thể sống sót không? Chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện thâm sâu với nhau, và nhiều người đã khóc. Thẳng thắn mà nói, trước khi tai nạn xảy ra, không ai trong chúng ta quan tâm đến điện hạt nhân ...
Đó là vấn đề lớn: chúng ta không ai quan tâm ...”
Bài học quý giá: ý thức của người dân
Khác với tình trạng bưng bít tin tức của Nga sô khi thảm họa Chernobyl xảy ra, khiến người dân trong vùng hoàn toàn không hay biết trong một thời gian rất lâu, 25 năm sau, khi thảm họa hạt nhân xảy ra tại một nước Nhật dân chủ, thì những nhà khoa học, những chuyên viên hạt nhân có tinh thần trách nhiệm đã mau chóng lên tiếng báo động, khiến người dân Fukushima và các vùng lân cận ý thức nhanh chóng vấn đề để tập họp thành rất nhiều nhóm xã hội dân sự, bắt liên lạc với những chuyên viên, hầu tìm hiểu, học hỏi và tổ chức cách tự vệ.
Một trong những nhóm đó sau này đã thu thập kinh nghiệm đối phó với trường hợp thảm họa trong một cuốn sách nhỏ với tựa đề 10 bài học từ Fukushima để gửi như một thông điệp trực tiếp của người dân đến người dân, của người dân Nhật Bản đến người dân các quốc gia khác.
Cuốn 10 bài học từ Fukushima đã được dịch ra 12 thứ tiếng. Bản dịch tiếng Việt do nhóm Save Vietnam´s Nature đảm trách.
Lời tựa ấn bản tiếng Việt
Phóng xạ là một hiểm họa không màu, không mùi, không vị, không biên giới, cho mọi loài và kéo dài ảnh hưởng lên nhiều thế hệ. Nhiễm độc phóng xạ từ Chernobyl đã bay qua tới Scandinavia, rác phóng xạ từ Fukushima đã tràn xuống Thái Bình Dương, trước sự chứng kiến bất lực của con người.
Từ giữa thế kỷ 20, kỹ nghệ năng lượng hạt nhân thường được coi là điều kiện để phát triển. Nhưng thảm họa Fukushima (13/03/2011) đã đánh dấu sự tỉnh giấc của thế giới văn minh.
Phát triển không thể chỉ được hiểu qua nghĩa hẹp là “phát triển kinh tế”.
Đối với con người, sức khoẻ và môi trường sống của chúng ta, của con cái chúng ta, phải là chính yếu. Để làm gì những phương pháp và công cụ kỹ thuật càng ngày càng tinh vi mong phục vụ cho sản xuất, nếu chúng ta và nhất là thế hệ con cháu không tồn tại được vì những phế liệu,rác và chất độc đã phá hoại môi trường sống?
Không có vàng bạc của cải nào cho đủ để mang lại sức khoẻ cho một con người đã bị khuyết tật hay đã bị trọng bệnh. Nếu không khí thở và nước uống ngày mai vì ô nhiễm mà trở thành nguyên do gây bệnh tật thì sự sống không còn nữa!
Trong ánh sáng của sự hiểu biết này, thế giới văn minh đã và đang dồn sức phát triển những kỹ nghệ Năng lượng Xanh như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng và năng lượng địa nhiệt: Năng lượng hạt nhân không hề là giải pháp bền vững và rẻ nhất để thay thế năng lượng hóa thạch, mà còn là một nguy cơ tiềm tàng cho sự sống còn của nhân loại.
Phân tích cho thấy những quốc gia hoặc có kế hoạch, hoặc đã từ bỏ điện hạt nhân, đều là những quốc gia tự do, dân chủ, với dân trí cao. Người dân của các nước này có môi trường thích hợp để tìm hiểu, suy nghĩ và lựa chọn, nhờ ở trình độ giáo dục học đường cũng như trình độ văn hóa, tự do, và tinh thần trách nhiệm của ngành thông tin.
Chúng tôi mong rằng tập sách nhỏ này sẽ đưa được những đóng góp hữu hiệu vào nỗ lực phổ biến hiểu biết về tầm tai hại nặng nề của năng lượng hạt nhân. Đây là một tập sách do những nhà khoa học trong tư thế của những người dân viết cho những người dân, trong tư thế của những bậc cha mẹ viết cho những bậc cha mẹ khác: dễ hiểu và dễ ứng dụng.
Sự hiểu biết khoa học của họ, kiểm chứng bởi hơn 60 năm kinh nghiệm cộng với những gì đã và còn đang xảy ra tại Fukushima, đã chứng minh rằng một nền kinh tế nhân bản không thể được xây dựng trên sự sử dụng năng lượng hạt nhân. Nắm vững những hiểu biết này, người dân sẽ không bị những thế lực kinh doanh dùng thủ thuật để sai sử họ. Do đó trao truyền những hiểu biết này là cung cấp một khí giới để tự bảo vệ cho sự sống còn của nhiều thế hệ người dân những quốc gia có nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, hoặc đang được khởi công, hoặc đang được trù tính xây dựng, hay đang bị sự đe dọa của những nhà máy điện hạt nhân của một quốc gia láng giềng.
Với bản dịch tiếng Việt 10 bài học từ Fukushima, chúng tôi muốn nói lên sự cảm động và lòng biết ơn của chúng tôi đối với sự cao thượng và lòng từ tâm của người dân Nhật Bản, đại diện bởi Ủy ban Xuất bản Tập sách Fukushima, trong khi còn đang hứng chịu hậu quả của thảm họa hạt nhân tại Nhà máy điện Fukushima Daiichi, đã chủ động nghĩ tới chia sẻ những kinh nghiệm đau thương và hướng dẫn người dân các nước khác có những biện pháp giảm thiểu và phòng ngừa những tình trạng khổ đau tương tự.
Sách có thể đọc hoặc tải xuống miễn phí tại:
T. Q.
___________________________________________________________________________
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.