Tập sống dân chủ từ thuở còn thơ
bauxitevnTue 7:36 AM
Ngô Nhân Dụng
Chắc các thầy cô ở Việt Nam có thể cho học sinh tham dự những cuộc chơi mua bán để học cách vận hành hệ thống kinh tế thị trường. Nhưng có lẽ không ai dám cho học sinh tập cái thói quen đứng lên tranh đấu đòi tự do, đòi bình đẳng, và tập sử dụng các phương pháp đấu tranh ôn hòa, hợp pháp, ngay từ lúc mới mười tuổi!
Nhà văn Bùi Thanh Hiếu kể chuyện cuộc đời anh “Từ Ngõ Phất Lộc đến Weimar,” một đoạn đời hơn 40 năm đầy biến cố. Anh chỉ dành rất ít trang viết về thời đi học – bởi vì anh bị đuổi học khi mới lớp 10. Nhưng anh ghi nhớ tấm lòng tốt của một cô giáo dạy văn, một cô giáo đơn côi và hay đau ốm. Riêng với Hiếu, cô Dung đã tặng sách cho em đọc để luyện môn văn cho giỏi hơn. Cô khuyên Hiếu hãy chăm chỉ, bớt nghịch ngợm, cô nói mỗi lần thấy Hiếu bị phạt cô buồn lắm. Cô thường nói với học sinh, “Các em cố học giỏi cho cô mừng nhé!”
Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió) giỏi môn văn, nên được cử đi thi môn văn của cả thành phố Hà Nội. Cô Dung đưa cho Hiếu cây bút, dặn dò: “Cô cho em mượn bút đi thi, bút đầy mực đấy. Chiều em thi xong, mai trả cô.” Chiều hôm đó, Hiếu không thể đi thi. Hiếu mang cơm cho mẹ ăn trưa. Mẹ bán dép nhựa rong, loanh quanh bờ Hồ Gươm. Mẹ đang ăn, Hiếu báo động công an tới, cơm canh đổ cả ra lề đường. Mẹ bị đuổi, bị bắt về đồn; Hiếu theo mẹ vào đồn công an. Sau khi hối lộ mỗi anh công an đôi dép nhựa, và nộp một số tiền phạt mới nhìn mẹ đã trợn tròn mắt, mẹ im lặng gánh hàng ra ngoài đường. Ði một quãng mẹ mới dừng chân, ngửa cổ lên trời nấc tiếng kêu: “Trời cao đất dày ơi! Sao số tôi khổ thế này!”
Cậu bé Bùi Thanh Hiếu làm cô giáo thất vọng vì không nói thật cho cô giáo biết lý do tại sao anh không đi thi. Con người can trường, tự trọng không muốn kể cảnh khổ của mình cho người khác mủi lòng. Cô giáo không bao giờ nhìn mặt Hiếu nữa. Nhưng anh vẫn biết ơn cô suốt đời, cho nên thuật lại ngay ở chương thứ hai, lúc anh bắt đầu kể chuyện cuộc đời mình. Cô giáo chỉ muốn các học sinh mình giỏi, “cho cô mừng.” Tôi đã làm nghề dạy học trước năm 1975, có thể làm chứng lời cô giáo rất thành thật. Thầy, cô nào cũng mừng khi thấy học sinh, sinh viên học giỏi. Mừng không phải vì mình, bởi lẽ nếu học trò giỏi hơn thì thầy cô cũng không mấy ai được khen thưởng. Nhưng vẫn mừng, vì thấy tương lai đứa trẻ sẽ khá hơn. Nếu nhiều học sinh lớn lên đều giỏi giang, thì cả xã hội chắc cũng khá hơn.
Những nhà giáo như cô giáo Dung của blogger Người Buôn Gió sống ở khắp nơi trong nước Việt Nam, cũng như khắp thế giới. Ai cũng muốn học sinh giỏi hơn. Ai cũng tìm cách giúp học sinh giỏi hơn. Nhưng tùy theo hoàn cảnh mỗi quốc gia, chữ “giỏi hơn” có nghĩa khác nhau.
Hôm nay tôi xin kể câu chuyện mới nghe, về những cố gắng của một cô giáo để giúp các học trò của mình “giỏi hơn.”
Cháu Vi mới 11 tuổi, học lớp 5 một trường công lập ở thị xã Fountain Valley. Cô giáo cháu tên là cô Smith. Ðầu năm học, cô Smith phát cho mỗi học sinh một số “tiền” do cô phát hành, cô đóng vai ngân hàng trung ương. Lâu lâu cô mở một cuộc bán hàng, những sách, vở, học cụ, đồ chơi, quần áo, vân vân, đủ thứ, không biết cô đi lạc quyên từ đâu ra. Mỗi lần cô mở cửa hàng là một cuộc đấu giá, ai trả giá cao nhất thì được mua. Học sinh cũng dùng đồng “đô la cô Smith” trao đổi hàng hóa với nhau.
Cô giáo cũng thuê học sinh làm việc và trả công. Những việc như làm vườn, tưới cây, nhặt cỏ dại, đến việc đọc sổ điểm danh, thông báo các tin tức trong lớp, xếp dọn bàn ghế, quét nhà, lau cửa, mở và tắt các máy vi tính trong lớp, vân vân; ai làm xong được lãnh một số thù lao tùy theo việc nặng nhẹ. Có tiền, các cháu có thể chờ ngày bán đấu giá đem tiền ra mua hàng. Lớp học trở thành một “nền kinh tế” với thị trường hàng hóa, dịch vụ và thị trường lao động.
Nhưng trong thị trường lao động có một vấn đề. Cô giáo trả thù lao không đồng đều. Cùng một việc, cô trả mỗi nam sinh một đô la thì chỉ trả cho nữ sinh 79 xu thôi!
Một hôm cháu Vi phản đối, hỏi tại sao cô giáo lại bất công như vậy? Cô nhún vai, nói, đó là luật cô đặt ra. Luật như thế, thì cứ theo như thế! Cô nói thêm, sau này lớn lên các con sẽ thấy, ở đời vẫn có cảnh đối xử phân biệt như vậy, đừng có ngạc nhiên.
Nhưng bé Vi không chấp nhận dễ dàng như vậy. Cháu nói: Con không đồng ý! Cô giáo: Con có thể không đồng ý, con thôi đừng làm việc cho cô nữa! Nhưng con vẫn muốn làm việc! Bây giờ, cô chỉ cho con, con phải làm gì? Cô giáo bảo: Thường thường, khi gặp cảnh này, người ta viết một “kiến nghị” (petition)! Bé Vi chưa hiểu, hỏi: Petition nghĩa là gì? Cô giáo dạy: Viết petition để kêu gọi mọi người ký tên chung với mình, đòi phải thay đổi luật lệ!
Bé Vi về nhà viết một bản kiến nghị đòi cô giáo phải trả thù lao cho con trai và con gái bằng nhau. Em gọi là “Equal Pay,” Lương Công Bằng! Em đem kiến nghị đi xin các bạn ký vào. Bạn con gái ai cũng thích, ký tên ngay. Con trai, có anh ký, có anh không. Có anh ký tên rồi, nghe cô giáo dọa, lại đòi rút tên ra. Có cậu lúc đầu không ký, sau nổi lòng vị tha lại hoặc máu anh hùng, tới xin ủng hộ.
Bé Vi đưa kiến nghị cho cô giáo, cô lắc đầu. Luật lệ không thay đổi! Bé và các bạn bèn đem kiến nghị qua các lớp khác, kể cả các lớp nhỏ hơn, xin chữ ký. Rất đông học sinh ủng hộ; nhiều thầy cô ở lớp khác cũng ký tên và khích lệ phong trào “Trả Lương Công Bằng!”
Hai chữ Equal Pay trở thành một khẩu hiệu. Các học sinh, nam cũng như nữ, viết khẩu hiệu Equal Pay lên các tờ giấy lớn và cứng, đi diễu ngoài hành lang và trong sân trường! Nhiều học sinh tình nguyện viết khẩu hiệu Equal Pay trên các áo sơ mi chữ T trắng của các bạn khác. Các em mặc áo Equal Pay khi đi học! Bé Vi cùng mấy người bạn lên phòng ban giám hiệu, xin được chữ ký ủng hộ của thầy hiệu trưởng nữa!
Bé Vi kể chuyện cuộc vận động Equal Pay của em cho tôi nghe cách đây hai ngày. Cho tới lúc đó, cuộc tranh đấu của các em vẫn chưa có kết quả. Nhưng bé Vi cho biết các bạn em đã đồng ý sẽ đem vấn đề này lên cấp cao hơn, nếu cô giáo không nhượng bộ! Các em đang đi hỏi học khu ở chỗ nào, nếu cần sẽ tranh đấu tới học khu! Cuộc đấu tranh đòi bình đẳng sẽ còn tiếp tục!
Bé Vi kể chuyện “cuộc chơi lớn” với vẻ mặt hăng say! Cháu sẽ nhớ suốt đời!
Bây giờ thì mình hiểu tại sao dân Mỹ hay tranh đấu công khai, biểu tình, kiến nghị, đòi cho được những quyền lợi của họ. Nhiều người Việt Nam sống ở Mỹ mấy chục năm vẫn không hiểu tâm lý và động cơ của những người đi biểu tình.
Còn nhà văn Bùi Thanh Hiếu? Trong “Từ Ngõ Phất Lộc đến Weimar” (tên tác phẩm) anh kể câu chuyện cô giáo Dung cho mượn bút và khuyến khích anh chăm học, đi thi, không nghịch, đến chuyện bà mẹ anh bị công an bắt, bị phạt tiền (Trời cao đất dày ơi! Sao số tôi khổ thế này!) Có lẽ hai câu chuyện liên tiếp trong một ngày đó cũng làm cho anh nhớ suốt đời. Tấm lòng yêu thương học trò của một cô giáo, nỗi khốn khổ của người mẹ đã góp phần hun đúc nên con người của anh. Cho nên, khi trưởng thành, sau bao nhiêu lần ở tù, anh thành blogger Người Buôn Gió. Anh mở tấm lòng mình ra để chia sẻ những nỗi khổ đau nhục nhã của những người dân Việt bị đàn áp. Anh đứng vững không khuất phục, hiên ngang và bình thản khi đối diện với bạo quyền. Những kỷ niệm thời thơ ấu, vào tuổi thiếu niên tạo nên tư cách và thái độ con người, suốt cả đời.
Một thầy giáo hay cô giáo ở Việt Nam bây giờ có thể tổ chức những cuộc chơi như ở trường bé Vi đang học hay không?
Trước hết, các thầy cô có thói quen “bày trò” cho học sinh chơi để các cháu có cơ hội học hỏi hay không? Lương bổng của họ có đủ sống để họ chuyên tâm đào tạo những con người cho tương lai tổ quốc hay không? Họ có thời giờ để làm thêm những việc ngoài chương trình bắt buộc phải dậy theo hay không? Nếu có sáng kiến “bày trò” để dạy học sinh đời sống thực tế, họ có được những người chung quanh, xã hội chung quanh hoan nghênh và khích lệ hay không?
Chắc các thầy cô ở Việt Nam có thể cho học sinh tham dự những cuộc chơi mua bán để học cách vận hành hệ thống kinh tế thị trường. Nhưng có lẽ không ai dám cho học sinh tập cái thói quen đứng lên tranh đấu đòi tự do, đòi bình đẳng, và tập sử dụng các phương pháp đấu tranh ôn hòa, hợp pháp, ngay từ lúc mới mười tuổi!
Nhưng các thầy cô vẫn có thể đào luyện tâm tình, tánh khí của học sinh. Họ có thể bày tỏ tình yêu thương, lòng hy vọng, khích lệ học sinh hãy noi theo những tấm gương tranh đấu chống cường quyền của các anh hùng trong lịch sử, nước ta hay nước khác. Những người tận tụy với công việc, đặt công ích trên tư lợi, sẽ nêu gương cho học sinh mãi mãi. Một thầy giáo, cô giáo được học sinh thương yêu và kính trọng sẽ gây ảnh hưởng trên các em suốt đời. Cách họ đối xử với học trò công bình, chính trực, tôn trọng các ý kiến khác với mình, không đàn áp các em không đồng ý với mình, tôn trọng lẽ phải và luật pháp; đó cũng là những bài học sống tự do dân chủ, sẽ tác động các em, không bao giờ quên được!
N.N.D
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.