Ông Bùi Kiến Thành: Không có đũa thần cho kinh tế Việt
bauxitevnWed 8:16 AM
(Doanh nghiệp) - "Chúng ta đặt mục đích đi sang bên kia sông, mà không biết bơi, không học bơi, cũng chẳng xây cầu thì sẽ vượt sông bằng cách nào?"
Trong cuộc trao đổi với báo điện tử Đất Việt, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã thẳng thắn chỉ ra TPP không phải là cây đũa thần giúp kinh tế Việt Nam cất cánh. Điều chúng ta cần làm dù có hay không có TPP là nâng cao nội lực của nền kinh tế.
PV: Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh xóa bỏ TPP, phủ nhận những sứ mệnh của Hiệp định Thương mại đặc biệt này. Nhiều người cho rằng, hai tháng vừa qua lẽ ra phải là khoảng thời gian để Việt Nam tĩnh tâm suy xét, đánh giá thấu đáo những tác động của quyết định trên đối với nền kinh tế Việt Nam. Ông có đồng tình với quan điểm đó không? Xin ông chia sẻ những đánh giá của ông với độc giả báo điện tử Đất Việt.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP từng đặt mục tiêu xây dựng một cộng đông thịnh vượng chung châu Á – Thái Bình Dương. Với việc gia nhập TPP, các quốc gia thành viên sẽ đồng thời gia nhập thị trường mở quy mô 800 triệu dân. Đối với các nền kinh tế còn yếu kém như Việt Nam, TPP sẽ đưa ra các thể chế và cơ chế để giúp nó hội nhập, tự nâng cao năng lực của chính mình, mà trước hết là năng lực sản xuất sản phẩm để đưa vào thị trường chung nói trên.
Đã từng có không ít những dự đoán lạc quan rằng, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Sau khi những kỳ vọng TPP bị gạt sang một bên, lại có quan điểm, không có TPP cũng không ảnh hưởng gì nhiều tới nền kinh tế Việt Nam. Điều đáng suy nghĩ là cả hai nhận định đó đều được mặc nhiên chấp nhận. Vì sao vậy?
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Có một câu hỏi dường như đã không được nhiều người đặt ra trong khi đàm phán TPP cũng như sau khi Mỹ rút khỏi TPP: Việt Nam sẽ có gì để bán cho thị trường 800 triệu dân đầy tiềm năng của TPP? Vì sao trong tổng kim ngạch xuất khảu, tỷ lệ sản phẩm nội địa chưa đạt được 30%?
Hơn chục năm thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta đã đặt ra mục tiêu phải phát triển công nghiệp phụ trợ. Kết quả là tới thời điểm này, tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung, Việt Nam chưa đóng góp được nổi một chiếc ốc vít.
Cũng khoảng thời gian ấy, Việt Nam nuôi giấc mơ ô tô. Tới thời điểm hiện tại, những người trong cuộc vẫn đang tranh cãi, chúng ta đã hay chưa làm được chiếc trục khuỷu.
Trong chuỗi sản xuất, Việt Nam đang chấp nhận ở mức gia công, mang lại ít giá trị nhất. Cũng không khó để lý giải thực tế buồn này bởi không nhìn thấy những thương hiệu Việt chiếm lĩnh được thị trường trong nước cũng như đặt vững bước chân ra thế giới.
Có thể kể ra đây nhiều ví dụ: P/S vốn của Việt Nam nhưng hiện đã bị Unilever mua mất, xà phòng Việt có nhưng không tạo được thương hiệu nên vẫn chỉ ăn miếng bánh còn dư của Unilever và P&G.
Thậm chí, đối với những sản phẩm dệt may đã có thương hiệu, Việt Nam cũng chưa bán được trực tiếp cho các nhà phân phối nước ngoài mà phải thông qua kênh trung gian, với tỷ lệ lợi nhuận rất mong manh.
Tôi được biết, có một lãnh đạo ngành dệt may đã ước ao rằng, chỉ cần bán được 5% lượng sản phẩm trực tiếp cho nhà phân phối thì đã có thể lời thêm được 30% trong kế toán cuối năm.
Những vấn đề kể trên chúng ta có biết không? Tôi tin rằng, chúng ta đều biết. TPP đứng trước tình trạng không giải quyết được những vấn đề đã nói thì tham gia hay không tham gia là vấn đề ta cần phải cân nhắc, vì nền kinh tế của chúng ta không có nội lực.
Chúng ta đặt mục đích đi sang bên kia sông, mà không biết bơi, không học bơi, cũng chẳng xây cầu thì sẽ vượt sông bằng cách nào? Chẳng những chúng ta không vươn ra được các thị trường nưóc ngoài mà còn có nguy cơ bị hủy diệt trên thị trường nội địa bởi các sản phẩm và dịch vụ nước ngoài ồ ạt kéo vào với chất lượng, giá thành, và hệ thống phân phối tốt hơn.
PV: Thưa ông, như vậy, Việt Nam cần phải tập trung vào việc nâng cao nội lực của nền kinh tế, để có thể trụ vững dù có hay không có TPP. Vậy chúng ta phải làm như thế nào?
Ông Bùi Kiến Thành: Nội lực của nền kinh tế là bức tranh phản chiếu nội lực của các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế. Giúp cho các doanh nghiệp mạnh lên, cũng đồng nghĩa là giúp cho nền kinh tế mạnh lên. Vậy chúng ta cần phải làm những gì?
Muốn doanh nghiệp có nội lực, đầu tiên, chủ doanh nghiệp phải được trang bị và cập nhật kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh.
Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, phải cung cấp cho họ thông tin về sản phẩm, thị trường, đối thủ cạnh tranh, hệ thống phân phối. Đến khi họ vạch ra được ý tưởng kinh doanh, phải tư vấn cho họ về tổ chức sản xuất, lựa chọn công nghệ, quản lý tài chính… theo từng giai đoạn phát triển.
Đối với những doanh nghiệp đang tồn tại, phải xem những vấn đề doanh nghiệp đang chưa tối ưu, tiềm năng phát triển thị trường... Nếu thấy sản phẩm tốt, thị trường lớn mà thị phần của sản phẩm có thể phát triển được mạnh phải giúp cho họ phát triển thêm, từ dây chuyền công nghệ tới chiến lược tiếp thị, bán hàng.
Ở các nước phát triển, nhà nước cũng như các hiệp hội nghề nghiệp thực hiện rất tốt vai trò này. Ví dụ như bên Mỹ, cơ quan SMALL BUSINESS ADMINISTRATION của chính phủ Liên Bang hổ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ khâu xây dựng đề án đến khởi nghiệp, phát triển và trưởng thành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.