Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Mục sư Nguyễn Trung Tôn, mục tiêu đàn áp của côn đồ chính trị

Mục sư Nguyễn Trung Tôn, mục tiêu đàn áp của côn đồ chính trị

bauxitevnSat 8:20 AM

Nguyễn Tường Thụy 
Ngày 27-2-2017 Mục sư Nguyễn Trung Tôn và anh Nguyễn Viết Tứ từ Thanh Hóa đi Giáo xứ Cồn Sẻ. Khi đến thị xã Ba Đồn, còn cách Cồn Sẻ 7 km thì hai người bị đánh tàn bạo. Anh bị 6, 7 tên, nói giọng Thanh Hoá, Quảng Bình bắt cóc rồi đánh đập từ lúc 21hh30 đến 1h sáng hôm sau. Chúng dùng gậy sắt vụt vào chân tay, lấy giầy đạp, thúc vào người. Đánh mệt chúng lục đồ ăn của hai anh ra ăn. Ăn xong, chúng lại đánh tiếp. Chúng cướp hết quần áo, điện thoại, đồng hồ, ví tiền của hai anh. Đánh chán, chúng chở ngược họ lại, vứt tại địa phận xã miền núi Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, cách xa 140 km vào giữa đêm khuya. Tại đây các anh được người dân dịa phương giúp đỡ. Gia đình phải cho người vào Hà Tĩnh đi đón về.
clip_image001
VNTB - Mục sư Nguyễn Trung Tôn, mục tiêu đàn áp của côn đồ chính trị
Mục sư Tôn bị đánh đau hơn. Khắp người bầm dập vết thương. Hôm nay, anh đã đi chụp các vết thương. Tuy không bị gẫy chân nhưng bị dập cơ cả chân phải lẫn tay phải. Chân phải không nhấc lên được. Cả năm ngón tay phải đều bị sưng vù, không thể cử động. Nguyễn Viết Tứ, bạn đồng hành thì bị chúng trói giật cánh khuỷu rồi đánh từ lưng xuống đùi, thương tích cũng rất nặng.

Chúng đánh hai người như một lũ khát máu
Đây không phải là lần đầu tiên, Mục sư Nguyễn Trung Tôn bị đàn áp. Hồi tháng 9, tháng 10 năm 2016, Đài truyền thanh xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá là nơi anh sống đã liên tục cho truyền đi nội dung bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của Mục sư Tôn, tuyên truyền anh là đối tượng phản động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống đối chính quyền. Họ kích động quần chúng tẩy chay, xa lánh gia đình anh. Chị Nguyễn Thị Lành, vợ Mục sư Tôn liên tục bị những kẻ côn đồ tấn công hành hung ở nhà, ở nơi kinh doanh. Chúng đến quầy hàng của chị ở chợ Lăng, xã Quảng Yên, Quảng Xương, Thanh Hóa đập phá, đổ mắm tôm trộn dầu nhớt vào hàng hóa của chị. Họ tuyên bố gia đình Mục sư Tôn sẽ không thể buôn bán làm ăn, không thể sinh sống gì trên mảnh đất Thanh Hóa này được. 
Chúng còn ném chất bẩn, mắm tôm vào nhà Mục sư Tôn, chửi bới, đe doạ tính mạng của anh và gia đình. Không chỉ có thế, chúng còn đổ chất bẩn vào khu mộ của gia đình Mục sư Tôn. 
clip_image002
Trước những hành động khủng bố như vậy, Mục sư Nguyễn Trung Tôn đều làm đơn trình báo kèm theo bằng chứng là những đoạn video quay được gửi tới các cơ quan có trách nhiệm nhưng không hề được hồi âm. 
Mục sư Tôn còn thường xuyên bị canh gác, sách nhiễu, cản trở việc đi lại, đánh đập nhiều lần khác. 
Mục sư Nguyễn Trung Tôn từng bị bắt ngày 15-1-2011 tại Nghệ An. Sau đó, anh bị cáo buộc tội “Tuyên truyền chống nhà nước…” rồi bị kết án 2 năm tù giam và 2 năm quản chế mà không hề có căn cứ pháp luật (cùng vụ án, chị Hồ Thị Bích Khương bị kết án 5 năm tù giam và 3 năm quản chế). Mục sư Tôn cũng là người tự ứng đại biểu Quốc hội khóa 14 với mục tiêu vạch trần cái gọi là dân chủ trong bầu cử ở Việt Nam. 
Mục sư Nguyễn Trung Tôn là một người yêu nước, thương nòi. Bản tính anh hiền lành, sống chân thành với bạn bè, thương yêu đồng bào nghèo khổ, bị áp bức. Tấm lòng của anh rộng lớn. Là một chức sắc tôn giáo, anh còn là người hoạt động trong phong trào dân chủ đã nhiều năm, với một sự dấn thân dứt khoát, kiên định và mạnh mẽ. Chính vì vậy, nhà cầm quyền luôn cho anh là đối tượng nguy hiểm nên tìm mọi cách để ngăn cản hoạt động của anh, đánh đập anh để dằn mặt. 
Nhiều năm nay, gia đình Mục sư Nguyễn Trung Tôn luôn sống trong nỗi lo sợ và căng thẳng. Cách đối xử của công an, nhà cầm quyền đối với Nguyễn Trung Tôn làm vợ con anh cũng khổ lây, việc kiếm sống cho cả gia đình của chị Lành luôn luôn bị đe dọa. 
FTA và ràng buộc nhân quyền
Ngày 23/2/2017 có một cuộc gặp giữa Tiểu ban nhân quyền của EU và một số người hoạt động xã hội dân sự độc lập xung quanh Hiệp định thương mại FTA. Chúng tôi nêu ý kiến yêu cầu Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam phải có những điều khoản về nhân quyền, được xác định rõ ràng và có tính ràng buộc. 
Về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, chúng tôi nhấn mạnh rằng VN có luật pháp nhưng giới chức chính quyền quen hành xử theo luật rừng, thích bắt thì bắt, thích đánh thì đánh, thích bỏ tù thì bỏ tù và nạn nhân không bao giờ kiện được họ. Một hiệp định thương mại nếu không có ràng buộc về nhân quyền thì chỉ có lợi cho các nhà đầu tư, tư bản đỏ, làm cho nhà cầm quyền VN mạnh hơn để đàn áp nhân dân chứ không có lợi cho người dân… Chúng tôi khuyến nghị trong quá trình đàm phán, EU đừng tin những gì phía VN khoe về nhân quyền, đặc biệt đừng vội tin những gì họ cam kết, hứa hẹn mà phải hết sức cảnh giác. Thực tế đã quá đủ để chứng minh nhà cầm quyền VN nói một đằng, làm một nẻo. Vụ đánh đập tàn bạo Mục sư Nguyễn Trung Tôn chỉ 4 ngày sau đó đã chứng minh những nhận định và khuyến nghị của chúng tôi là không thừa. 
Được biết Việt Nam đang bị đề nghị “tái hòa nhập” CPC. Một bản báo cáo mang tên “Tự do Tôn giáo tại Việt Nam: Đánh giá việc đưa vào danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm (CPC) 10 năm sau khi rút tên” vừa được công bố. 
Nhận định về tình hình nhân quyền ở VN trong thời gian gần đây, Nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng, chính sách dỡ bỏ CPC của Hoa Kỳ đối với Việt Nam vào năm 2006 là sai lầm. 
Vụ đàn áp tàn bạo Mục sư Nguyễn Trung Tôn thêm một bằng chứng chứng minh tình hình nhân quyền ở VN tiếp tục trong tình trạng tồi tệ và chưa hề có dấu hiệu được cải thiện. Với phong trào dân chủ, việc cần làm ngay trước mắt là tìm mọi cách bảo vệ, giúp đỡ Mục sư Nguyễn Trung Tôn và những người hoạt động đang trong tình trạng nguy hiểm như anh. 
N.T.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.