Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

Láng giềng Trung Quốc tức giận vì lệnh cấm đánh cá

Láng giềng Trung Quốc tức giận vì lệnh cấm đánh cá

bauxitevnSun 8:20 AM

Ralph Jennings
clip_image002
Các tàu đánh cá neo đậu tại cảng Thọ Quang, Đà Nẵng, 26/3/2016. 
Bắc Kinh nói sẽ ra lệnh cấm tất cả các tàu thuyền qua lại trên vùng biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông) nơi có nguồn hải sản dồi dào, từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, ngay cả ở vùng biển mà Việt Nam và Philippines cũng có tuyên bố chủ quyền.

Các chuyên gia nói rằng kế hoạch của Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá một cách cứng rắn và khác thường ở Biển Đông trong năm nay đe dọa mối quan hệ với các nước láng giềng, mặc dù đã có một cuộc đối thoại trong vài tháng gần đây và lệnh cấm này có thể vi phạm phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế năm 2016. 
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc vào tháng Hai cho biết sẽ áp đặt một lệnh cấm đánh bắt cá nghiêm ngặt nhất bắt đầu vào tháng 5 để bảo vệ nguồn cá. Lệnh tạm ngưng sẽ áp dụng cho cả khu vực Biển Đông đến vĩ tuyến 12, trong đó có các vùng biển mà Đài Loan, Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền. 
Bắt đầu từ đợt cấm đầu tiên vào 1995 cho đến nay, Bắc Kinh đã thực thi các lệnh cấm khai thác hải sản ở Biển Đông bằng cách bắt giữ các tàu đánh cá. Các nhà phân tích nói nếu năm nay Trung Quốc ra lệnh cấm nữa sẽ gặp rủi ro đánh mất mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam và Philippines. 

Ông Fabrizio Bozzato, một nhà nghiên cứu chuyên về các vấn đề quốc tế tại Đại học Tamkang, Đài Loan, nói: "Trung Quốc ra thông báo về lệnh cấm đánh bắt cá mà không có sự tham khảo ý kiến với các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền, những quốc gia có lợi ích đáng kể ở Biển Đông. Vấn đề sẽ hoàn toàn khác đi nếu như Trung Quốc có tham khảo ý kiến với các quốc gia như Việt Nam hoặc Philippines để thực hiện một lệnh cấm đánh bắt cá chung. Thông điệp mà Bắc Kinh muốn chuyển tải là Biển Đông là biển hoàn toàn thuộc Trung Quốc và Trung Quốc độc quyền đối với các nguồn tài nguyên". 
Đài Loan thường im lặng trong tranh chấp lãnh hải, nhưng Việt Nam và Philippines thì thẳng thắn hơn về việc bành trướng lãnh hải của Trung Quốc, bao gồm việc bồi đắp và thiết lập các cơ sở quân sự trên các hòn đảo đang tranh chấp. 
Theo ông Termak Chalermpalanupap, thành viên của Viện ISEAS Yusof Ihsak ở Singapore, cả hai quốc gia Việt Nam và Philippines đều không thừa nhận lệnh cấm của Trung Quốc, cả hai nước đều cho phép thuyền đánh cá của ngư dân tự khai thác trên vùng biển, dù có vi phạm hay không. 
Ông Termsak nói: "Điều này phụ thuộc vào ngư dân địa phương, họ biết rằng họ có nguy cơ bị lực lượng tuần duyên Trung Quốc bắt giữ. Thực tế họ đã bị bắt nhiều lần rồi.” 
Ông Herman Kraft, nhà khoa học chính trị thuộc trường Đại học Diliman, nói rằng chính phủ Philippines có lẽ sẽ không khuyến cáo các tàu đánh cá phải rút khỏi khu vực cấm, vì bất kỳ cảnh báo nào của Philippines sẽ cho thấy Philippines nhượng bộ Trung Quốc. 
Ông Kraft đề cập đến một đảo nhỏ ở phía tây bắc Manila khi bị các tàu Trung Quốc chiếm đóng vào năm 2012: "Nếu có xảy ra hành vi quấy rối rất dữ dội, như những gì đã xảy ra ở bãi cạn Scarborough. Có lẽ sẽ làm giảm đi sự hiện diện của ngư dân Philippines ở những khu vực này.” 
Khác với những tổng thống tiền nhiệm, vào tháng 10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gặp gỡ nhà lãnh đạo Bắc Kinh để bàn về khả năng cùng khai thác vùng biển tranh chấp. Các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Việt Nam đã gặp nhau từ tháng 9 cũng để xem xét khả năng hợp tác về hàng hải. 
Tuy nhiên, theo một bài bình luận của Viện Lawfare ở Hoa Kỳ, lệnh cấm đánh cá của Bắc Kinh đe doạ mối quan hệ đang ấm lên giữa Trung Quốc và Philippines. 
Ông Zhang Hongzhou, nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nói: Việt Nam sẽ phản đối nhưng có lẽ không khuyến khích các ngư dân "thách thức" lệnh cấm. 
Một số nhà phân tích nói rằng lệnh cấm vận của Trung Quốc cũng vi phạm phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế ở La Haye. Phán quyết đưa ra vào tháng 7 năm 2016 cho vụ kiện của Manila cho biết một lệnh cấm tương tự của Trung Quốc vào năm 2012 đã khước từ quyền lợi của người dân Philippines trong việc quản lý ngư trường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (tức khoảng 370 kilomet). 
Ông Chalermpalanupap nói: "Có lẽ thách thức của các quốc gia ven biển có thể lớn hơn, do phán quyết của tòa án trọng tài rằng Trung Quốc thực sự không có cơ sở pháp lý để đòi quyền kiểm soát trong nhiều khu vực tranh chấp." 
Nhưng ông nói thêm các lệnh cấm đánh cá cũng giúp Trung Quốc khẳng định việc "kiểm soát hợp pháp" các khu vực tranh chấp. Các quan chức Trung Quốc đã cực lực bác bỏ phán quyết của tòa án quốc tế. 
Ông Zhang nói rằng Trung Quốc sẽ "hoàn thành nghĩa vụ của mình" theo Luật biển của Liên Hiệp Quốc thông qua việc kiểm soát việc đánh bắt quá mức. 
Theo một báo cáo của cơ quan Địa lý Quốc gia vào giữa năm 2016, vùng biển này có năng suất 16,6 triệu tấn cá mỗi năm và ngành khai thác thủy sản có khoảng 3,7 triệu lao động, nhưng trữ lượng đang giảm sút sau nhiều thập kỷ bị khai thác. 
Tuy nhiên, ông Zhang cho rằng các vùng đặc quyền kinh tế được mỗi nước áp dụng "không cố định" và ranh giới đường 9 đoạn như Trung Quốc tuyên bố đối với hầu hết biển Đông "vẫn còn chưa rõ ràng." 
Theo tờ Nhân dân Nhật báo, lệnh cấm năm nay sẽ kéo dài đến giữa tháng 8, dài hơn năm trước một tháng, và hạn chế nhiều loại hình hoạt động đánh bắt hải sản. Theo lời bình luận Viện Lawfare, lệnh cấm không đề cập đến các quốc tịch của ngư dân và chỉ cho phép sử dụng dụng cụ câu cá và đánh lưới đơn. 
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên vùng Biển Đông trải dài 3,5 triệu cây số vuông. Brunei và Malaysia có một số vùng biển có tranh chấp với Trung Quốc, nhưng các khu kinh tế biển của cả hai nước này đều nằm ở phía nam ngoài khu vực cấm đánh cá năm 2017. 
R. J.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.