Luật đạo đức trong chính quyền Mỹ: Chi tiết đến từng hạng mục
Theo:luatkhoa.org
Hoàng Kim Phượng – Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII có một scandal (bê bối) bên lề, đó là việc báo chí đưa tin về dinh thự của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền và ông Truyền nói ngôi nhà đó giá trị không lớn, “một phần là tiền của tích cóp của gia đình, một phần từ sự giúp đỡ của nhiều người bạn cho đá, cho gạch”. Vụ việc đưa đến những câu hỏi về luật kê khai tài sản quan chức và cơ chế bảo đảm sự công khai, minh bạch. Về vấn đề này, Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu một đạo luật của Hoa Kỳ, có tên “Đạo đức trong chính quyền”, để bạn đọc tham khảo.
Đạo luật có tên “Đạo đức trong chính quyền” [Ethics in Government Act] (năm 1978) là một luật của liên bang, được thông qua trong bối cảnh chính trường Mỹ vừa nghiêng ngả vì vụ Watergate. Luật này quy định về việc kê khai tài chính và tiền sử công việc của các quan chức cũng như thân nhân trực hệ của họ.
Ai là đối tượng phải kê khai tài sản?
Theo quy định của luật “Đạo đức trong chính quyền”, thành viên Quốc hội (tức là thượng nghị sĩ và dân biểu/hạ nghị sĩ), nhân viên cao cấp trong Quốc hội, người ứng cử vào các cơ quan của liên bang, ứng viên vào các vị trí hành pháp, thành viên nội các, Tổng thống và Phó Tổng thống, Chánh án Tòa Tối cao, phải nộp báo cáo hàng năm để kê khai tình hình tài chính cá nhân.
Kê khai cho ai?
Việc tuân thủ và thực thi luật “Đạo đức trong chính quyền” chịu sự giám sát của các ủy ban về đạo đức của Quốc hội, các cơ quan về đạo đức của cơ quan nhà nước; và trong trường hợp người phải kê khai là quan chức hành pháp, thì do Văn phòng Đạo đức Chính phủ giám sát.
Bản kê khai phải được công bố ra công chúng chỉ một thời gian ngắn sau khi đệ trình lên các ủy ban.
Kê khai những gì?
Về căn bản, nội dung phải kê khai bao gồm: thu nhập do cá nhân người kê khai kiếm được, cũng như thu nhập không phải do ông/bà ta tạo ra; tài sản và các giao dịch liên quan; nợ; các khoản đóng góp thay thế cho thù lao; quà tặng; chức vụ trong các tổ chức phi chính phủ do ông/bà ta nắm giữ; chi phí đi lại mà ông/bà ta được thanh toán; và những hợp đồng/thỏa thuận khác nhau mà ông/bà ta tham gia.
Trong nhiều trường hợp, thông tin liên quan đến vợ/chồng hoặc con cái của người kê khai (trong độ tuổi mà ông/bà ta còn phải nuôi) cũng phải được báo cáo.
Dưới đây là mô tả sơ lược các hạng mục phải kê khai.
Thu nhập [incomes]
Quan chức phải khai báo nguồn gốc và giá trị quy ra tiền của các khoản thu nhập bên ngoài và thu nhập mà ông/bà ta kiếm được, nếu khoản đó vượt mức 200 USD.
Lương chính phủ trả cho quan chức không nhất thiết phải được báo cáo, nhưng cũng là những số liệu công khai [public record]. Hồ sơ cho thấy, từ năm 2009 đến nay, đa số các nhà lập pháp kiếm được 174.000 USD/năm. Thu nhập hàng năm của Chủ tịch Hạ viện là 223.000 USD, còn của Chủ tịch Thượng viện, lãnh đạo phe đa số và thiểu số trong Hạ viện và Thượng viện, đều là 193.400 USD.
(Thu nhập như vậy tương đối cao so với mức trung bình. Để bạn đọc hình dung: Học bổng của một du sinh Việt Nam, theo học sau đại học tại bang Pennsylvania, dao động từ 14.400 USD – 21.600 USD/năm).
Mỗi khoản thu nhập của vợ/chồng quan chức, nếu hơn mức 1000 USD, cũng phải được báo cáo về nguồn gốc.
Quan chức dân cử và nhân viên cấp cao bị hạn chế về mức thu nhập bên ngoài mà họ có thể kiếm được trong thời gian tại vị: Kể từ năm 2009, mức tối đa họ có thể kiếm khi tại vị là 26.100 USD. Tuy nhiên, nếu khoản thu nhập đã được phê duyệt từ trước, và nếu đó là tiền nhuận bút ứng trước cho việc viết sách, thì không bị giới hạn.
Thù lao [honoraria]
Quan chức dân cử và nhân viên cấp cao bị cấm nhận thù lao cho các bài phát biểu, bài báo hoặc cho những lần họ xuất hiện trước công chúng. Tuy nhiên, họ được phép nhận thù lao nếu sau đó, tiền ấy được hiến cho mục đích từ thiện.
Họ phải công khai nguồn gốc và con số thù lao (quy ra tiền) trước công chúng. Thông tin về tổ chức nhận từ thiện được báo cáo kín với các ủy ban đạo đức của Quốc hội.
Tài sản [assets]
Tài sản nhằm mục đích đầu tư hoặc tạo thu nhập, nếu có trị giá hơn 1000 USD, tính ở thời điểm cuối năm dương lịch, phải được kê khai. Khoản này bao gồm chứng khoán, bất động sản (không tính chỗ ở chính của quan chức, trừ phi bất động sản đó tạo ra thu nhập, và không tính tài khoản lương hưu của liên bang), cơ sở kinh doanh mà ông/bà ta sở hữu, tài khoản ngân hàng và các khoản cho vay của ông/bà ta.
Quan chức phải kê khai giá trị, hình thức của từng tài sản, và khoản thu nhập mà chúng tạo ra.
Nói chung, những tài sản tạo ra hơn 200 USD thu nhập trong năm phải được kê khai bất kể giá trị của chúng là bao nhiêu vào thời điểm cuối năm.
Các giao dịch [transactions]
Các khoản mua sắm, bán, và trao đổi tài sản có giá trị hơn 1000 USD trong năm dương lịch phải được kê khai, cùng với thông tin về ngày tháng và số tiền giao dịch. Đạo luật Chứng khoán 2012 quy định quan chức phải báo cáo tất cả các giao dịch chứng khoán trong khoảng thời gian từ 30 đến 45 ngày sau giao dịch.
Các khoản nợ [liabilities]
Bất kỳ khoản nợ nào của quan chức, vợ/chồng của quan chức, hoặc con cái trong độ tuổi phải nuôi của quan chức, nếu có trị giá hơn 10.000 USD vào bất kỳ thời điểm nào của năm dương lịch, thì đều phải được báo cáo. Khoản này bao gồm cả tiền vay để mua nhà – nơi ở chính của quan chức.
Quan chức phải kê khai chủ nợ, loại hình nợ, và mức nợ lớn nhất trong thời kỳ báo cáo.
Những khoản vay nào dùng để mua tài sản cá nhân không tạo ra thu nhập (ví dụ, tiền vay để mua xe) thì được miễn báo cáo. Trước khi luật Chứng khoán được thông qua (năm 2012), tiền vay mua nhà – nơi ở chính của quan chức – cũng được miễn kê khai.
Chức vụ [positions]
Quan chức phải báo cáo các cương vị mà họ nắm giữ ở các tổ chức phi chính phủ, trừ trường hợp đó là các tổ chức tôn giáo, xã hội, ái hữu, hoặc tổ chức chính trị. Ngoài ra, nếu chức vụ mang tính chất thuần túy là danh dự, thì cũng được miễn khai báo. Chức vụ của vợ/chồng hay con cái trong độ tuổi mà quan chức đó còn phải nuôi, cũng không phải kê khai.
Các hợp đồng [agreements]
Quan chức phải báo cáo về các hợp đồng với những cơ quan trước, trong đó, phải trình bày rõ các điều kiện tái tuyển dụng, tiền trợ cấp thôi việc, hợp đồng mua lại [buyout agreements, một loại hợp đồng lao động, rất phổ biến trong thể thao, ví dụ bóng đá, trong đó người chủ lao động phải thanh toán tiền công cho người lao động theo đúng thời gian và giá trị thỏa thuận, bất kể sau đó người lao động có đáp ứng công việc hay không – ND], hoặc các thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận khác.
Các hợp đồng/thỏa thuận về viết sách cũng phải được kê khai. Hạ viện yêu cầu, tất cả các hợp đồng viết sách phải được sự chấp thuận bằng văn bản từ các ủy ban đạo đức. Hạ viện cũng cấm tác giả (tức là vị quan chức) nhận tiền nhuận bút ứng trước, nghĩa là phải viết xong sách mới được nhận tiền. Thượng viện không có hạn chế nào tương tự, nhưng đã có vài trường hợp trong đó thành viên Thượng viện phải xin các ủy ban đạo đức chấp thuận cho một số hợp đồng, tiêu biểu là khoản trả trước hàng triệu đô-la cho Hillary Clinton sau khi bà đắc cử thượng nghị sĩ vào năm 2000.
Tuy nhiên, cả Hạ viện lẫn Thượng viện đều không đặt giới hạn nào cho nhuận bút, như họ vốn hạn chế mức thu nhập bên ngoài của quan chức trong thời gian tại vị.
Đi lại [travel]
Tiền thanh toán cho việc đi lại hoặc các khoản thanh toán liên quan đến đi lại, nếu được chi trả bởi một nguồn duy nhất và trị giá hơn 305 USD (tính cho cả năm và liên quan đến công việc chính thức của quan chức), phải được báo cáo, cùng với thông tin về nguồn gốc, ngày tháng, mục đích của việc đi lại, và lịch trình cụ thể.
Quà biếu [gifts]
Nếu món quà – từ một người duy nhất – có trị giá vượt quá 305 USD, thì quan chức nhận quà phải kê khai nguồn gốc, giá trị, và mô tả rõ về món quà. Đề phòng trường hợp người tặng quà chia nhỏ món quà thành nhiều khoản, luật quy định mỗi khoản đó nếu trị giá hơn 122 USD thì người nhận cũng vẫn phải báo cáo.
Báo cáo tài chính cá nhân của một dân biểu nổi tiếng với người Việt Nam là bà Loretta Sanchez kê khai cả một món quà bà được nhận cách đây ít lâu, đó là một chuyến đi thăm Trung Quốc do một viện nghiên cứu quan hệ quốc tế ở Trung Quốc tài trợ.
Trên đây chỉ là mô tả sơ lược về các hạng mục quan chức Mỹ phải kê khai, theo quy định của luật “Đạo đức trong chính quyền”. Trên thực tế, luật này quy định rất tỉ mỉ, chi tiết về từng hạng mục. Mọi số liệu đều được công bố công khai trên mạng và/hoặc công khai tại văn phòng của các cơ quan liên quan, để mọi người dân đều có thể truy cập, tìm hiểu nếu cần biết.
Lược dịch từ tài liệu của Open Secrets
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.