Cuốn sách về một điệp viên không hoàn hảo
Tháng 10 31, 2014
Phạm Thị Hoài
Khi nghe Thomas A. Bass, một tác giả và giáo sư văn chương ở New York, kể rằng cuốn sách của ông về Phạm Xuân Ẩn đang được dịch để xuất bản tại Việt Nam, thú thật tôi đã không chú ý lắm. Lại một cuốn nữa ư? Trong khoảng mười năm gần đây, sách báo, tài liệu, phim ảnh về nhà tình báo tài ba của Việt Nam, một “điệp viên hoàn hảo” như nhan đề một cuốn sách cũng của một giáo sư Mỹ, liên tục ra đời và chỉ khác nhau ở chỗ ngày càng rầm rộ hơn, hoành tráng hơn, thậm chí cũng giật gân hơn, có lẽ để làm ông còn hoàn hảo hơn. Song ở đất nước lạm phát cả kẻ thù lẫn anh hùng này, cách chắc chắn nhất để triệt hạ sức hấp dẫn của một nhân vật là bắc loa phóng thanh ca ngợi người đó từ sáng đến tối. Nếu cứ tiếp tục như thế, một lúc nào đó tác phẩm duy nhất còn thiếu về Phạm Xuân Ẩn sẽ là cuốn Giết một anh hùng như thế nào.
Khi được nghe kể tiếp là cuốn sách của Thomas A. Bass gặp rắc rối với kiểm duyệt, tôi thầm nghĩ, một học giả phương Tây định in sách ở Việt Nam, dù chỉ viết, chẳng hạn, về trang phục trên đầu người Việt, khăn, lá, mũ, nón, cũng phải chuẩn bị tinh thần chơi mèo vờn chuột với kiểm duyệt. Chuyện đó ông phải hiểu. Mà trái khoáy nhất là trí thức phương Tây càng thiên tả, thậm chí thân cộng hay cộng sản nòi, càng bị xét nét. Chắc ông cũng biết chuyện những trí thức Pháp và Đức từng đi theo Việt Minh đều lần lượt nếm mùi nghi kị của Việt Minh; đến tờ tạp chí văn hóa của Đảng Cộng sản Pháp Les Lettres françaises một thời còn bị ngờ là “thế lực phản động”, có lẽ lỗi của nó là hay hơn mức các cán bộ văn hóa Việt Nam cho phép. Tôi rất hay tự hỏi, điều gì sẽ còn lại dai dẳng nhất, sau khi tất cả những giáo điều cộng sản, những u mê, ấu trĩ và cuồng tín, những thói quen, nếp hằn và thông lệ khủng khiếp của chế độ ấy qua đi. Có lẽ là sự nghi kị, ngờ vực đó. Chúng ta chỉ còn cách kiên nhẫn. Tôi rộng rãi cho nó một lịch trình ít nhất là một nửa thế kỉ.
Thomas A. Bass có vẻ không muốn đợi lâu đến thế. Khi tôi gần như đã quên hẳn câu chuyện còn bỏ dở, ông thông báo, đầy buồn phiền, rằng cuốn sách của ông bị kiểm duyệt tệ hại và ngỏ ý xem tôi có thể giúp được gì không. Tôi rất sẵn lòng viết thư cho nhà xuất bản của ông ở Việt Nam, Nhã Nam, hỏi han, chuyển sự buồn phiền từ New York qua ngả Berlin về Hà Nội, hi vọng, ấn tượng của cá nhân tôi về công ti xuất bản này là rất dễ chịu. Tôi an ủi ông rằng Nhã Nam là một lựa chọn tốt. Nếu có thể, họ đã in cuốn sách của ông không sót một dấu phẩy và còn cộng thêm một dấu chấm than tán dương. Song kiểm duyệt là môn thể thao tinh thần ở những quốc gia hậu cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam, nó đòi hỏi một tinh thần “thượng võ” có thể gọi là mỉa mai, nhưng cũng có thể gọi là thuần túy thực dụng. Tác giả củaDeng Xiaoping and the Transformation of China, ông Ezra Vogel, một giáo sư Harvard, cho rằng bản dịch tác phẩm của ông ở Trung Quốc giữ được 90% thì vẫn hơn là 0%, nếu nó không được xuất bản. Nó đã được xuất bản, và bán được gần 700.000 cuốn. Bộ phim Tử địa Skyfall chấp nhận cắt phăng cảnh một nhân viên bảo vệ ở Thượng Hải bị bắn gục; Đặc vụ áo đen 3 chấp nhận hi sinh cảnh toàn bộ nhân viên một nhà hàng Tàu là bọn giặc ngoài hành tinh. Bù lại bằng thị phần của Hollywood ở Trung Quốc, những tổn thất đó xem ra rất nhỏ. Vấn đề là sức chịu đau của từng người. Tôi chịu đau kém, nói đúng ra là không thể chịu nổi dù chỉ một nhát cắt, nên việc xuất bản ở Việt Nam là không đặt ra, trừ khi đã tự xử lí mình trước để tránh tay người ngoài.
Nhưng Thomas A. Bass còn vượt xa tôi. Chỉ cần nhìn thấy cái kéo kiểm duyệt là ông đã rên rỉ. Tiếng la của ông khiến tôi tò mò và bắt đầu đọc. The Spy Who Loved Us. The Vietnam War and Pham Xuan An´sDangerous Game quả nhiên là một cuốn sách khác về Phạm Xuân Ẩn. Với tất cả thiện cảm dành cho cuộc chiến đấu giành độc lập của người Việt và sự ngưỡng mộ không che giấu cho nhà tình báo vĩ đại, Thomas A. Bass quan tâm đến con người Phạm Xuân Ẩn đằng sau anh hùng Phạm Xuân Ẩn, đến những bí ẩn của một nhân cách đa diện đằng sau những bí mật của một cuộc đời hai mặt, đến những xung đột nghiêm trọng đằng sau trò chơi hai mang, đến những hoàn cảnh và số phận người Việt đằng sau các bản tin thời sự, đến những câu hỏi sẽ ám ảnh thời hậu chiến ngay đằng sau những sự kiện còn nóng hổi của Chiến tranh Việt Nam, đến điều chưa và không thể nói ra đằng sau những phát ngôn chính thức, đến sự thật khó khăn đằng sau những lớp hỏa mù dày đặc. Ông vẽ chân dung của một điệp viên không hoàn hảo trong một thời đại đầy lỗi lầm. Đôi khi tôi có cảm giác, tác giả không mong gì hơn là Phạm Xuân Ẩn chỉ là một nhân vật tiểu thuyết và Chiến tranh Việt Nam chỉ là một hư cấu. Nhưng cả hai đều thuộc chắc nịch vào hiện thực, một hiện thực kéo dài mà đến lượt mình, tác giả của cuốn sách cũng bị cuốn vào.
Cuốn vào và cuối cùng ông đã chấp nhận kiểm duyệt để điệp viên của mình trong vai “kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ” được ra mắt tại Việt Nam tháng Ba năm nay. Bù lại là một thương lượng làm giàu cho chúng ta, người đọc, người chứng kiến bước chuyển, dù quá chậm, quá gian nan, của Việt Nam về hướng cởi mở hơn, tự do hơn, đỡ ngại ngần ngờ vực nghi kị hơn. Nhã Nam đồng ý để tác giả công bố bản dịch trọn vẹn, không kiểm duyệt, trên mạng, sau sáu tháng phát hành bản bị kiểm duyệt tại Việt Nam. Tôi hân hạnh được dùng trang nhà của mình cho việc này. pro&contra sẽ lần lượt đăng tải phần so sánh những chỗ bị kiểm duyệt và phần hiệu đính, cũng như toàn bộ bản dịch đã được khôi phục và bổ sung. Và cùng với nó là những ghi chép của Thomas A. Bass về câu chuyện xuất bản cuốn sách của ông ở Việt Nam, “ghi lại công việc của các nhà kiểm duyệt, ghi lại những ưu tư và lo lắng của họ”, như “một cái máy đo địa chấn văn học”. Như chương vĩ thanh, nếu một ngày Điệp viên yêu chúng ta được xuất bản tại Việt Nam, nguyên vẹn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.