Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

CHUYỆN ĐỜI CỦA ÔNG TÂY BÁN XÚC XÍCH DẠO NỔI TIẾNG SÀI GÒN

CHUYỆN ĐỜI CỦA ÔNG TÂY BÁN XÚC XÍCH DẠO NỔI TIẾNG SÀI GÒN

Tiết lộ lý do dẫn đến quyết định khác lạ của mình, Dieter nói rằng, điều đó hoàn toàn xuất phát từ tình yêu đất nước, con người Việt Nam và ông muốn cảm nhận cuộc sống ở đất nước này.
Ông Tây mê hàng rong
 
Thời gian gần đây, người dân Sài thành đã quen thuộc với hình ảnh người đàn ông ngoại quốc dáng cao gầy đứng bán xúc xích trên vỉa hè đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Ông giới thiệu mình tên Tony Dieter, 54 tuổi, quốc tịch Đức, gia đình có nghề làm đồ ăn nhanh truyền thống tại thành phố Berlin (Đức). Từ nhỏ, ông đã giúp bố mẹ trong việc sản xuất xúc xích.
 
Kể lại duyên cớ về Việt Nam bán xúc xích bằng vốn tiếng Việt bập bẹ, thỉnh thoảng, ông lại “pha” cả tiếng Anh nếu cảm thấy quá khó để diễn đạt. Dieter kể rằng, trong một lần đến thăm thành phố Huế của Việt Nam, ông vô cùng ấn tượng bởi hương vị tuyệt vời của các món ăn trên vỉa hè ở cố đô như cơm hến, bún hến, bún Huế, bánh bèo… Buổi sáng, những con đường phố ở Huế không thức dậy một cách vội vã. Có lẽ nhộn nhịp nhất chỉ có khu vực cầu Tràng Tiền với những dòng xe cộ ngược xuôi chở hàng hóa… Những gánh hàng rong từ các vùng lân cận cũng theo đó rảo bước nhanh về phố cho kịp phục vụ bữa sáng cho mọi người. Điều đó khiến anh ấp ủ ý định mang xúc xích Đức đến mảnh đất chữ S, cùng các “tiểu thương” cảm nhận sự thi vị của cuộc đời như những gánh hàng rong bình dị kia.
 
 Ông luôn phục vụ tận tình mọi khách hàng, không khác gì những người Việt bán bánh mì, bán xôi buổi sáng gần đó.
 
Trong suy nghĩ của ông lúc đó về đất nước kỳ lạ này là không biết gánh hàng rong đã gắn bó với số đông người Việt tự bao giờ? Chỉ biết rằng, hàng rong không chỉ có ở đô thị sầm uất như: Hà Nội, Sài Gòn hay cố đô Huế...mà còn xuất hiện ở bất cứ tỉnh thành nào trên đất nước này.   
 
Sau đó, khi quay lại Việt Nam du lịch, ông mang theo một ít vốn lẫn kinh nghiệm trong việc chế biến đồ ăn nhanh của gia đình từ Đức để hiện thực hóa giấc thành gã hàng rong “thứ thiệt” trên phố phường Sài Thành.
 
Dieter sớm thừa hưởng những kĩ năng chế biến thức ăn thượng hạng của gia đình, nhưng khi lớn lên, ông lại không theo nghề gia truyền mà tìm nghề khác để mưu sinh. 

Theo ông Dieter, hồi ở Đức, ông làm nghề bán hoa tươi suốt một thời gian dài. Năm 2003, trong một lần sang Việt Nam, ông rất thích cuộc sống tại đây. Đến năm 2013, ông quay lại Việt Nam và lập gia đình tại đây. "Tôi muốn ở lại luôn nên tìm cách sinh sống và nghĩ ra việc gì đó để làm. Ban đầu, tôi quyết định đi dạy học, được một thời gian mới chuyển sang bán món xúc xích Đức".

Việc nghĩ ra nghề mới để mưu sinh tại Sài Gòn đối với một người Đức như ông Dieter quả là không dễ dàng, bởi vốn tiếng Anh và tiếng Việt vẫn còn bập bẹ. Thử làm nhiều nghề nhưng đều thất bại, ông chợt nhớ đến nghề truyền thống gia đình và quyết định bỏ vốn đầu tư bán xúc xích trên chiếc xe mới mua lại. 
 
Dù bạn bè, gia đình đều phản đối quyết định có phần ngược đời trên nhưng “ông Tây” vẫn quả quyết sắp xếp hành lý về Việt Nam. Bạn bè và người chị gái của ông ở Đức sau khi biết chuyện Dieter nướng xúc xích bán vỉa hè Sài Gòn đều chê cười ông đã bỏ ngang cuộc sống ổn định ở trời Tây để đi làm ông lão bán rong tại một đất nước xa xôi. Thế nhưng với Dieter, điều quan trọng là công việc tạo được cho mình niềm vui và hứng thú, thế là đủ.
 
Đầu năm 2013, nhờ một số người bạn thân ở Việt Nam, ông được chỉ dẫn thuê một căn nhà tại quận 7, TP. HCM, rồi mượn xe, mua lò nước, đặt bánh mì, xúc xích để chuẩn bị hành trang cho cuộc đời bán xúc xích dạo tại Sài Gòn và hiện thực hoá dự định ấp ủ bấy lâu.
 
Ông tâm sự: "Khi bán ở đây thì tôi quen được bà xã là người Việt Nam. Cô ấy giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc ghi thực đơn và cách kết hợp xúc xích Đức với bánh mì Việt Nam cho dễ bán. Bên cạnh đó, tôi rất thích thú với việc bán hàng lưu động như thế này". Hiện tại, vợ ông cũng bán bánh mỳ tại một địa điểm thuộc địa bàn quận 4, TP.HCM, 2 vợ chồng ông vẫn chưa có con.
 
Ba tháng đầu, do bất đồng ngôn ngữ, chưa quen với môi trường mới nên ông đẩy xe đi bán dạo khắp nơi mà vẫn không mấy hiệu quả. Dieter không chịu bỏ cuộc, ông bỏ ngoài tai hàng chục cuộc điện thoại khuyên trở về nước từ gia đình và bạn bè ở Đức, ngày ngày mang lò than ra đứng ở các góc đường nướng từng mẻ xúc xích bán dạo gây dựng thương hiệu. Dieter không ngần ngại xách xe đi khắp đường phố Sài Gòn, ra tận các vỉa hè khác nhau nướng xúc xích mời khách ăn thử. Dần dần, chiêu tiếp thị độc đáo cũng mang lại hiệu quả, thời gian sau, nhiều khách hàng “nghiền” xúc xích do Dieter chế biến đã tự tìm tới.
 
Cảm thông với những người lao động nghèo
 
Cứ tờ mờ sáng, ông Dieter đã thức dậy để chạy đến các lò bánh mì quen, đặt sẵn mấy chục chiếc bánh mì để chuẩn bị có mặt tại điểm chốt hàng rong ở gần ngã tư Hàng Xanh trên đường Điện Biên Phủ. Quán bán xong lúc 18h30 nhưng dọn dẹp xong thì cũng phải 19h.  
 
 
Được biết, xúc xích ông Dieter mua tại Việt Nam, còn nước sốt, dưa chua ông tự làm theo công thức từ Đức và một số loại bánh mì, hamburger nhỏ cũng do ông tự tay làm và nướng tại nhà.
 
Tay thoăn thoắt lật nướng những cây xúc xích vàng ươm, “ông Tây” hồ hởi "bật mí" tất cả quá trình chế biến xúc xích đều do một tay mình đảm nhận. Để đảm bảo chất lượng, ngoại trừ thịt heo, thịt bò phải mua ở Việt Nam; còn lại các loại gia vị như muối, tương ớt, bao bì… Dieter đều tự lên Google tìm tòi để mua từ các siêu thị đảm bảo chất lượng.  
 
“Tôi chế biến y hệt khẩu vị người Đức, chỉ giảm độ cay do khí hậu Việt Nam nắng nóng, ăn cay nhiều không tốt. Tuyệt đối không dùng bất kỳ chất bảo quản nào, không cần trộn thêm bột nhưng xúc xích vẫn cứng, giòn. Điều quan trọng nằm ở kỹ thuật pha trộn gia vị và cách nướng”, Dieter bập bẹ chia sẻ bằng tiếng Việt. 
 
Theo ông, khách hàng vẫn thường hay mua bánh mì kẹp xúc xích hơn. Với mỗi cây xúc xích được bỏ vào trong lòng bánh mì, ông thu với giá 25.000 đồng.

Đa số khách hàng đều thấy lạ mắt với hình ảnh người Tây đứng bán ở vỉa hè nên thường ghé vào ăn thử. 

Không chỉ bán bánh mì kẹp xúc xích, ông Dieter còn tự chế biến nhiều món ăn khác làm từ loại nguyên liệu đặc trưng của quê hương ông để bán cho khách. Đã có nghề từ nhỏ nên các thao tác nướng xúc xích hay chế biến các món đều rất nhanh chóng, không làm khách hàng mất thời gian chờ đợi.

Những ngày thời tiết thuận lợi, mỗi ngày ông bán được 70-100 ổ bánh mì kẹp xúc xích Đức. "Nếu thời tiết không ủng hộ thì coi như không lời được bao nhiêu. Trời mưa là khổ, không ai mua hết, hôm đó sẽ phải ăn cơm với xúc xích”.

Mỗi khi vắng khách, ông Dieter lại lấy điện thoại của mình cắm tai nghe vừa nướng bánh vừa nhún nhảy theo điệu nhạc.

Món xúc xích Đức của ông Dieter đã hòa vào thói quen thưởng thức ẩm thực đường phố của người Việt tại Sài Gòn.
 
Ông chỉ tay vào chiếc lò nướng cho hay, đấy là “gia sản” đầu tiên ông mang về Việt Nam khởi nghiệp nghề xúc xích. Dieter tự tin nói, nhờ chế biến nguyên chất nên ở điều kiện bình thường, sản phẩm xúc xích của ông có thể sử dụng trong thời gian 5 ngày từ lúc ra lò. Nếu bảo quản trong môi trường chân không, hay tủ lạnh, hạn sử dụng lên tới 5 tuần lễ vẫn giữ nguyên vẹn hương vị. 
 
Ông Dieter luôn tỉ mỉ nướng từng cây xúc xích sao cho đạt chuẩn nhất, không cho phép mình ngồi mà phải đứng liên tục. Nhiều khách hàng từng mua xúc xích dạo của ông là những ông chủ, bà chủ ở công ty, siêu thị, họ đã ngỏ lời mời Dieter về sản xuất sản phẩm độc quyền cho họ nhưng ông từ chối: “Tôi làm việc này vì tình yêu Việt Nam, nếu cần danh vọng và ngập ngừng với những chuyến phiêu lưu, tôi đã chấp nhận ở Berlin chứ không sang đây”.
 
Tiết lộ lý do dẫn đến quyết định “dị” của mình, Dieter nói hoàn toàn xuất phát từ tình yêu đất nước, con người Việt Nam và đặc biệt ông yêu hình ảnh những gánh hàng rong, muốn sống và cảm nhận cuộc sống cùng với họ.
 
Theo Màn Ảnh Sân Khấu - 08:57 26/10/2014
TIN BÀI KHÁC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.