7 nghi vấn trong vụ cướp tàu Sunrise 689
(PLO) – Khi tàu Sunrise 689 về đến Việt Nam, một cuộc điều tra được giao cho công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện nhằm tìm ra sự thật về vụ cướp biển xảy ra với con tàu này hôm 3-10 vừa qua.
Hiện tàu Sunrise 689 được neo đậu ở mũi Gành Rái thuộc phường 2, thành phố Vũng Tàu để phục vụ công tác điều tra. Thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng và các thuyền viên đã trải qua những buổi tường trình với cơ quan công an về toàn bộ quá trình bị cướp biển khống chế, hút đi khoảng 1.500 tấn dầu trên biển.
Căn cứ trên lời khai của những người có liên quan, kết hợp với kinh nghiệm thực tế của một số chuyên gia có kinh nghiệm và móc nối các sự việc, một số vấn đề còn nghi vấn được đặt ra. Nhiều ý kiến hồ nghi về tính xác thực của vụ cướp do còn nhiều chi tiết không hợp lý.
Dưới đây là một số câu hỏi được dư luận đặt ra về vụ cướp dầu "bí ẩn" này.
1- Tại sao bọn cướp có thể đột kích, khống chế con tàu lớn như Sunrise 689 trong tích tắc?
Tổng số thuyền viên trên tàu Sunrise 689 là 18 người. Vào thời điểm bị cướp, 18 thuyền viên này không ở cùng một vị trí. Trong khi đó, nhóm cướp biển có 10 tên, mặc dù có trang bị vũ khí là súng và dao nhưng ngay tức thì bọn cướp biển cũng không thể khống chế cùng lúc tất cả các thuyền viên, đặc biệt là thuyền trưởng lúc này đang ở trong cabin buồng lái.
Cướp biển áp sát tàu Sunrise 689 bằng canô trong khi thành tàu chở dầu này rất cao, việc lên tàu không thể diễn ra nhanh chóng đến mức thuyền viên không kịp phản ứng, để đến nỗi cả đội bị “tóm”.
Con tàu Sunrise 689 thuộc loại tàu rất lớn
Hơn nữa, theo lời ông Đào Văn Quảng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Đóng tàu Thủy sản Hải Phòng (chủ quản tàu Sunrise 689), có thuyền viên còn kịp chạy về phòng cất tài sản mà lại không cấp báo cho thuyền trưởng để kịp thời nhấn nút báo động hoặc tự mình phát tín hiệu cầu cứu bằng điện thoại và nhiều phương tiện khác có trên tàu.
Chính thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng cũng nhận định nhóm cướp này không… chuyên nghiệp nhưng thủy thủ đoàn cũng hoàn toàn bất lực trước chúng.
2- Tại sao có những lời khai vô lý?
Đại tá Trần Công Hiểu, chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết qua điều tra ban đầu, vụ việc có nhiều vấn đề cần xác minh tiếp. Ông Hiểu cho rằng có thể do hoảng loạn, tâm lý chưa ổn định nên lời khai các thuyền viên chưa rõ ràng.
Trong khi đó, có nguồn tin cho rằng lời khai của các thuyền viên không thống nhất, thậm chí phi lý. Ví dụ, các thuyền viên khai họ bị gom lại, nhốt trong phòng máy trưởng thì nhìn thấy tàu chuyên dụng của cướp biển và một tàu cá áp sát tàu Sunrise 689 để hút dầu. Thậm chí các thuyền viên còn nhìn thấy bọn cướp biển hút thuốc lá nhãn hiệu Việt Nam. Thế nhưng khi cơ quan chức năng vào căn phòng này thì nó là một phòng kín, không ai có thể nhìn thấy bên ngoài.
Các thuyền viên đang tường trình lại vụ việc
3- Tại sao con tàu hoàn toàn không phát tín hiệu báo động?
Tàu chở dầu là một trong những loại tàu hiện đại nhất trong số các loại tàu chở hàng hóa. Ông Quảng khẳng định: “Đây là tàu hiện đại nhất hiện nay với hệ thống an ninh đảm bảo tuyệt đối và tốc độ cũng đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế”.
Tất cả các tàu đều có một hệ thống báo động toàn cầu. Hệ thống này chỉ có thuyền trưởng nắm rõ. Tàu Sunrise 689 cũng có thiết kế hai nút báo động. Khi gặp nạn, thuyền trưởng chỉ cần ấn một cái nút là hệ thống hàng hải trên tất cả thế giới đều biết tàu gặp nạn.
Thời gian bọn cướp lên tàu, tấn công đầu tiên ở trên boong, thuyền trưởng có điều kiện nắm được tình hình và thao tác nhanh trước khi bọn cướp xông đến cabin. Tuy nhiên, con tàu đã mất tích một cách im ắng, không phát ra bất kỳ tín hiệu kêu cứu nào.
4- Tại sao có cơ hội ở ngoài tầm khống chế của bọn cướp nhưng thủy thủ đoàn không có hành động gì?
Theo lời thuyền viên Phạm Văn Công kể lại, khi thấy cướp anh này leo từ phòng ra ngoài và chạy lên khu vực ống khói của tàu. “Nhiệt độ trong ống khói khoảng 40-50 độ C. Tôi đứng núp trong đó gần bốn tiếng, không đóng cửa. Khi bọn cướp ép anh em trên tàu đi tìm, gọi tên khi đó tôi mới ra và cũng bị đưa đi nhốt”.
Như vậy, không chỉ một mình thuyền viên Công mà các thuyền viên khác cũng có một số cơ hội ở ngoài tầm kiểm soát của bọn cướp nhưng họ không xoay chuyển được tình hình.
5- Tại sao cướp biển lại "lạy ông tôi ở bụi này"?
Theo lời tường trình của thủy thủ đoàn, phao, xuồng cứu sinh, ống khói và phía trước tàu đều được nhóm cướp biển dùng sơn đỏ sơn lại để không ai nhận ra tàu Sunrise 689.
Tuy nhiên, với một con tàu bình thường, nếu có những dấu sơn đỏ nguệch ngoạc che đi phần chữ trên thuyền cứu sinh như vậy càng gây tò mò. Cũng giống như xe chạy ngoài đường nhưng che đi biển số chỉ càng khiến thiên hạ chú ý.
Chữ "Hải Phòng" bị sơn đỏ
Hơn nữa, trong ngành hàng hải, người ta không chỉ dựa vào thông tin trên phao cứu sinh hay màu sắc của ống khói mà biết đó là tàu nào, thực ra cái này ít ai biết vì có đến hàng ngàn, vạn con tàu trên biển. Cái quan trọng nhất chính là tên con tàu được sơn to, nổi bật phía sau đuôi và thân tàu.
Số hiệu tàu trên cabin bị sơn đỏ
6- Chiếc điện thoại may mắn ở đâu trong suốt nhiều ngày?
Điện thoại của thuyền trưởng giấu được, không bị bọn cướp phát hiện nhưng lại không thực hiện cuộc gọi nào trong suốt 6 ngày con tàu Sunrise 689 mất tích. Về chi tiết này, ông Quảng cho rằng đó là việc bình thường, khi mà điện thoại không dùng đến, cướp biển không lục soát hết được hoặc bằng hình thức nào thủy thủ có thể giữ lại được.
Theo lời thuyền trưởng Thắng, tất cả điện thoại di động trên tàu bị gom vào một bịch để ở khu nhà ăn. Lợi dụng lúc bọn cướp không để ý, thuyền viên đã lấy được một chiếc. Lại đúng chiếc có sim Việt Nam và có cài roaming để gọi quốc tế. May mắn này có hi hữu quá chăng?
7- Tọa độ tàu Sunrise bị cướp thực ra là ở đâu?
Cho đến hôm nay, cơ quan chức năng vẫn chưa nắm chính xác tọa độ tàu Sunrise 689 bị cướp. Bọn cướp biển đã mất nhiều thời gian để lai dắt tàu đến một địa điểm khác mới bơm dầu, rồi lại muốn đi tiếp đến điểm thứ hai để hút dầu tiếp. Lúc này, sau 6 ngày bị bỏ đói, khủng bố tinh thần, các thuyền viên lại đủ sức chống đối, kháng cự lại quyết liệt với bọn cướp và khiến bọn này rút đi, bất chấp việc rất có thể chúng đã chuẩn bị được một con tàu thứ hai để cướp thêm dầu.
Thông thường cướp biển chỉ đánh nhanh, thắng gọn. Hiếm có trường hợp đi "dạo" trên biển nhiều ngày như vậy.
Mặc dù giả thuyết đây là một vụ cướp được dàn dựng khó thuyết phục số đông. Song nhiều người cho rằng việc bọn cướp nắm được rành rẽ đường đi nước bước, cách bố trí trên tàu, tấn công bất ngờ, không mất sức mà dễ dàng khống chế toàn bộ thủy thủ đoàn, cướp đi 1/3 số dầu (hơn 1.500 tấn dầu là con số rất lớn, cần có tàu lớn chuyên dụng để chuyển đi) cho thấy có sự sắp xếp nhịp nhàng, chặt chẽ, chính xác trong phi vụ này và với những người đa nghi thì họ không loại trừ khả năng ở đây có sự thông đồng, tiếp sức từ bên trong.
Sự thật của vụ việc vẫn đang tiếp tục được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ và các câu hỏi nêu trên cần phải được trả lời bằng những thông tin, bằng chứng thuyết phục. Có như vậy dư luận mới giải được hết mối ngờ xung quanh vụ cướp dầu bí ẩn này, đồng thời trả lại công bằng cho thủy thủ đoàn.
Vụ cướp trị giá 30 tỉ đồng
“Số dầu còn lại trên tàu Sunrise 689 vào khoảng 3.500 tấn, mất hơn 1.500 tấn so với khi tàu xuất phát từ Singapore”. Đó là kết quả đo lượng dầu trên tàu Sunrise 689 do cơ quan chức năng thực hiện trong ngày 12-10. Tính theo giá thị trường, 20 triệu đồng/m3 x 1.500 m3, số tiền bị cướp khoảng 30 tỷ đồng.
Số dầu còn lại này sẽ phải kiểm tra để xem có đúng với chủng loại trong đơn hàng hay không. Cuộc điều tra sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày tới.
|
An Khương (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.