Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

8 năm, 2 triệu USD và nhiều bài học quý

8 năm, 2 triệu USD và nhiều bài học quý

T/S Alan Phan rời Việt Nam sang Mỹ làm ăn: 8 năm, 2 triệu USD và nhiều bài học quý
1363242595-tham-nhung
Đặng Thuý thực hiện – Dân Việt – 22 Oct 2014
“Tôi đã đầu tư thử nghiệm tại Việt Nam và mất khoảng 2 triệu USD trong cuộc chơi này. Nhưng đó chỉ là thất bại nhỏ” -Tiến sĩ (TS) Alan Phan cho biết trong cuộc trò chuyện với phóng viên NTNN – Dân Việt về quyết định rời Việt Nam đến Mỹ lập nghiệp ở tuổi 69.
Thưa TS, sau 8 năm gắn bó đi về với Việt Nam, ông lại có quyết định ra đi để lập nghiệp ở Mỹ, Phải chăng, Việt Nam đã khiến ông thất vọng?
AP:  Quả tình tôi khá thất vọng về sự trì trệ tiếp diễn của kinh tế và xã hội Việt Nam, nhất là với một cơ chế phát sinh từ một tư duy giáo điều lạc hậu. Trong quãng đời làm ăn của tôi, tôi đã từng đối diện với tình huống tương tự tại nhiều quốc gia khác. Nhưng tôi không có cảm xúc gì như lần này vì những nơi đó không phải là “quê hương” với những ký ức và kỷ niệm êm đềm trong quá khứ.
Tuy nhiên, luôn có nhiều lý do trong mọi quyết định. Lần này, lý do chính là tôi bắt đầu nhàm chán với công việc hàng ngày, hiệu năng và kỹ năng của mình… trong một môi trường sống đã trở nên tệ hại hơn trên nhiều lĩnh vực. Tôi muốn bắt đầu một “trang sử” mới cho cá nhân mình.

Khi Alan Phan trở về Việt Nam cách đây 8 năm, giới kinh doanh Vn đã chờ đợi sự đột phá dưới bàn tay “thầy phù thủy Alan”, song thực tế, người ta thường thấy một Alan Phan xuất hiện ở Việt Nam trong vai trò là cố vấn về tình hình kinh tế chứ không phải là một nhà đầu tư, vì sao vậy?
AP: Tôi đã đầu tư thử nghiệm tại Việt Nam và mất khoảng 2 triệu đô la trong cuộc chơi này. Nhưng đây chỉ là một thất bại nhỏ, không quan trọng khi nhìn từ đại cuộc. Tôi không lao hết lực vào dự án nào ở Việt Nam vì sau khi nghiên cứu khảo sát cẩn thận, tôi thấy kỹ năng và tư duy làm ăn của mình hoàn toàn không thích hợp…  
Và cũng xin minh định tôi không phải là “phù thuỷ”. Qua 44 năm kinh doanh, tỷ lệ thắng thua của tôi chỉ vào khoảng 65/35. Hơn trung bình một chút.
Nhiều người bi quan cho rằng, TS Alan Phan rời Việt Nam là tín hiệu cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam không mấy sáng sủa trong tương lai. Liệu đó có phải là sự thật không?
AP: Tôi nghĩ rằng môi trường làm ăn tại Việt Nam sẽ tiếp tục trì trệ trong nhiều năm tới. Chữ “tái cấu trúc” hay “ tiến triển tốt đẹp” đã bị lạm dụng bởi các chính trị gia để PR. Tuy nhiên, cơ hội vẫn rất nhiều và rất tốt cho những doanh nhân biết nắm bắt; nhất là những đại gia có quan hệ sâu rộng với quyền lực nhà nước. Số một là các ông cò chạy dự án ODA. Các thành phần kinh tế khác có nhiều triển vọng là nhà đầu tư FDI, quỹ mạo hiểm, doanh nghiệp gia công và xuất khẩu.
Cũng cần nói thêm là mặc cho sự suy sụp kinh tế tại Việt Nam, các doanh nhân trẻ năng động, sáng tạo và tự tin không nên nản chí. Thế giới đã liên thông rộng rãi. Không ai có thể ngăn những tài năng phát triển ra ngoài biên giới: gần như ASEAN, hay xa hơn như Âu Mỹ. Đừng chửi rủa hoàn cảnh; hãy bước ra ngoài hộp và ngẩng mặt cao.
40 năm trước, các thuyền nhân tị nạn của Việt Nam đã chịu trăm ngàn đắng cay và thử thách để tồn tại và chiến thắng. Ngày nay, các bạn chỉ cần một quyết tâm và cái hộ chiếu.
Mới đây, Trung Quốc đã chiếm vị trí của Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới (dựa trên sức mua), vậy ông có tự tin khi trở lại Mỹ lập nghiệp ở tuổi 69?
AP: Tôi tự tin là mình sẽ đóng góp hữu hiệu cho các đối tác và nhân viên song hành trong công việc hàng ngày. Tuy nhiên, sự thành công của một doanh nghiệp tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố, quá phức tạp để có thể dự đoán chính xác. Cứ đem hết khả năng tham dự cuộc chơi và để “số phận” định đoạt thành bại? Quan trọng là phong cách chơi của mình có đáng để tự hãnh diện.
TS có thể tiết lộ chi tiết hơn về kế hoạch thiết lập một doanh nghiệp mới dựa trên công nghệ in 3D tạo ra sản phẩm đặc thù, mà ông đang ấp ủ không?
AP:  Theo ý tưởng của vài đối tác, chúng tôi muốn sản xuất một thiết bị dùng công nghệ in 3D cho các công trình hạ tầng cơ sở.  Các chuyên viên của công ty đang thu góp dữ liệu để lập kế hoạch cho dự án. Ấp ủ là một chuyện, còn việc khả thi thì cần đến những con số chính xác và thực tế. Chúng tôi cần biết rõ thêm nhiều yếu tố ảnh hưởng và các dự đoán để quyết định đầu tư trong vài tháng tới.
Điều khó khăn nhất khi bắt đầu cuộc chơi mới ở tuổi 69 là gì, thưa ông?
AP: Sức khoẻ là quan tâm hàng đầu. Sau đó là sự năng động để ứng phó với thử thách và kiên nhẫn để chịu đựng và vượt qua những lỗi lầm.Bù lại cho các khó khăn này là sự bình thản về kết quả sau khi đã trải qua quá nhiều thành công và thất bại suốt 44 năm qua.
TS có lời hứa hẹn ngày trở lại Việt Nam không?
AP: Mọi khởi nghiệp đều chiếm rất nhiều thời gian; nên tôi nghĩ là thời gian để đi về Á Châu thường xuyên sẽ bị nhiều giới hạn. Nhưng quê hương vẫn là quê hương. Tôi lại có niềm tin hơi nghịch lý là cuộc diện vĩ mô để tạo một định mệnh mới cho dân tộc Việt sẽ thay đổi tận cốt lõi trong vài năm tới.
Xin cảm ơn ông!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.