Sống ăn bám (Welfare Lifestyle)
Sống ăn bám
Tác giả: Hoàng Xuân – Theo VNExpress – 2/3/2014
Năm đó tôi được những người phụ nữ ở một vùng núi huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận kéo vào một cuộc uống rượu hàng ngày của họ.
Cảnh tượng thật khó quên: trong bóng tối mờ mịt dần phủ sẫm núi rừng và ngôi nhà bé nhỏ, những người đàn bà địu con nhỏ, chuyền tay nhau uống một thứ rượu bắp tự nấu, đục lờ lờ, chứa trong chiếc ly thủy tinh cặn và lớp lớp mồ hôi tay bám dày. Uống từ khoảng 3h chiều, uống mãi đến khi ai đó đốt lên một cây đuốc, chẳng ai đi nấu ăn. Chiếc cối giã bắp khoét từ một khúc gỗ đổ nghiêng ngoài sân, lớp bột bắp trong lòng cối chưa vét sạch, vài con gà ngó nghiêng, nhảy vào mổ mổ, rồi toẹt một bãi.
Trong nhà, ánh lửa nhập nhoạng đổ bóng đen lên những khuôn mặt đàn bà và ly rượu vẫn chuyền tay đều đặn. Vài người say đứng lên quay vòng, múa, hát. Những người còn lại nở nụ cười thật hiền lành, càng hiền lành hơn khi hơi men đã ngấm. Uống đi, uống đi, uống cho vui mà. Đứa trẻ chạy quanh xin uống, mẹ nó cũng đồng ý.
Đám đàn bà tập trung ở đây. Đàn ông ở nhà khác. Họ uống không cần biết trời đất, uống hết rượu thì thôi. Tôi cáo từ ra về. Đến nửa đêm, từ ngôi nhà kiểm lâm nhìn xuống, những ánh đuốc mới bắt đầu chập chờn tỏa ra trong thung lũng.
Trong cả cái thôn ấy, không có lấy một người đủ ăn. Một vài ngôi nhà có kho bắp đằng trước, gọi là kho, nhưng nó toen hoẻn nhỏ xíu như cái chuồng gà, đan bằng những thân nứa đập dập, gác lên bốn cây cao tránh mối. Toàn bộ lương thực sản xuất được chứa trong đó. Họ chỉ trồng bắp, phải kiếm chỗ nào gần suối trỉa bắp được, trỉa xong cứ để đó, được nhiêu trái thì nhiêu. Chừng chục thùng (thùng 15 kg) là đã quá dư dật họ không làm nữa và đi chơi. Bắp giã ra nấu ăn thì ít, nấu rượu thì nhiều. Nấu hết luôn cũng được, rồi lại lên rừng, đào củ, hái lá cho vô bụng. Nhà nước không để đói đâu mà. Đói ít lâu là có gạo, bắp, có tiền nữa mang lên cứu trợ. Tiếp tục vòng quay cũ. Gạo, bắp nấu cơm ít, nấu rượu nhiều. Tiền mau hơn, ra quán mua rượu.
Trưa hôm sau, tôi lang thang trong thôn. Những ngôi nhà mái tôn sáng loáng (mái tôn nhà nước cấp), nhưng cửa cài im ỉm. Dưới chân vách gỗ nhiều ổ mối đùn lên lổm ngổm. Cây bụi trong nhà mọc thò ra lối đi, vắng ngắt. Đàn ông lại lên rẫy rồi. Một tuần về một ngày như hôm qua, hôm sau lại đi.
Tôi lên ngôi nhà sàn khá rộng. Trong góc, một người đàn bà đắp chăn nằm im lìm. Bụng độn lên cao như sắp vỡ toang. Một đứa trẻ chừng 3 tuổi, mặc mỗi cái áo bẩn thỉu tun ngủn, tha thẩn bên bếp củi nguội lạnh. Một nồi gang to bắc trên bếp, giở ra thấy một thứ lợn cợn gì đó, gồm rau băm nhỏ nấu lên với bắp, màu cháo lòng ngả xanh xanh, mùi chua chua như thứ người ta vẫn nấu cho heo ăn. Người đàn bà không còn sức, chỉ đưa mắt nhìn. Đứa bé tự lấy cái chén cáu bẩn, múc thứ đó ra ăn, rồi tha thẩn chơi tiếp. Ông trưởng thôn cho tôi hay chị ta bị xơ gan cổ trướng, chồng đi rẫy không có nhà.
“Không có thuốc thì sao?” “Thì chết đó. Nó cũng sắp chết rồi’ – ông nói. Trên miệng ông luôn nở nụ cười rất hiền lành, cái vẻ hiền lành gần như trì độn tôi đã thấy trên nét mặt những người đàn bà cùng uống rượu hôm trước. Tôi chỉ muốn hét to.
Hôm ấy và những chuyến công tác sau nữa, lên những vùng núi khác ở các huyện Ba Tơ, Tây Trà tỉnh Quảng Ngãi, tôi luôn đặt cùng câu hỏi cho những người dân và cán bộ chính quyền: Nhà nước có cứu trợ không? Người dân sử dụng đồng tiền cứu trợ như thế nào?
Họ trả lời: ban đầu chính quyền cứu trợ bằng tiền, dân mua rượu uống hết. Chính quyền đổi sang cấp bò. Dân không chịu chăn bò đi ăn, kiếm cỏ cho bò ăn, kêu mất công quá, chỉ cột bò ở gốc cây rồi lại về nhà uống rượu. Bò đói ăn, bệnh, chết. Hết gạo dân lại kêu van và chính quyền không thể làm ngơ.
Cách đây mấy ngày, tôi lại đọc được câu chuyện hai vợ chồng trúng số độc đắc 8 tỷ đồng ở Long An phải đi trốn, vì thiên hạ kéo đến vạ vật khóc lóc trước cửa xin tiền nhiều quá, trong mấy ngày Tết người ta cũng không tha. Thậm chí nhiều người không quen biết còn gửi thư đến ủy ban xã nhờ chuyển cho vợ chồng ông, cũng chỉ nhằm mục đích xin tiền.
Cái sự xin xỏ, dựa dẫm sao mà phổ biến. Bạn tôi vừa đi định cư ở một nước khá giàu kể, mới tiết kiệm được ít tiền gửi về tính xây nhà cho mẹ thì họ hàng nhào vô mượn sạch. Một người bạn khác hàng chục năm quần quật ở Mỹ, khi về nước thăm nhà thì lỉnh kỉnh va ly, khi quay lại Mỹ chỉ còn đúng bộ quần áo trên người. Cái đồng hồ trên tay cũng lột ra cho em trai nốt. Đến khi biết cả bốn, năm gia đình em trai, em gái suốt hơn chục năm hầu như không đi làm việc, chỉ sống nhờ tiền anh gửi về thì anh thề độc, từ nay chỉ lo bản thân, không bao giờ cho ai một đồng nữa.
Tôi chắc các bạn cũng như tôi, không ít lần chứng kiến người nào đó tức tối kể người thân của họ mới trúng số hoặc mới ở nước ngoài về hay có con cái ở nước ngoài giàu thế… mà không cho họ cái gì đáng kể cả. Và họ ấm ức: “Giàu nứt đố đổ vách mà chẳng rặn cho họ hàng được vài cây”.
Dù rất chênh lệch về mức sống, học vấn, thu nhập, nhưng chẳng khác gì những người luôn chờ trợ cấp trong câu chuyện đầu tiên, trong không ít người, tâm lý dựa dẫm, xin xỏ rất phổ biến, đến mức như được mặc định. Thậm chí có những trường hợp thái quá đến mức cười ra nước mắt.
Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm ngoái, đại biểu Quốc hội Lê Văn Lai (tỉnh Quảng Nam) kể có trường hợp con cái muốn đưa cha mẹ ở tuổi 70 ra ở trong một căn lều để được xếp vào hộ nghèo, được hỗ trợ. Khi xét hộ nghèo ở các địa phương thì tổ, thôn rất sợ vì người ta kiên quyết không chấp nhận thoát nghèo, nếu đưa vào diện thoát nghèo lập tức bị hiềm khích, bị lên án và oán trách, điều này là một thực tế mà chúng tôi thấy.
Là vì khi thuộc diện nghèo, họ được nhà nước giúp đỡ như miễn phí 100% chi phí mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền ăn khi đi bệnh viện, giảm tiền khám chữa bệnh, miễn học phí cho học sinh, sinh viên, giảm lãi suất khi vay vốn ngân hàng, được các quỹ tài trợ, cấp vốn đồng thời cũng là đối tượng đầu tiên của nhiều nhà tài trợ sẵn từ tâm và tiền bạc nhưng lại thiếu hiểu biết.
Cơ quan cũ của tôi có chương trình cấp học bổng cho học sinh nghèo. Một lần em phóng viên đi khảo sát về, giận phừng phừng vì tức. Ra là hôm trước nhận học bổng xong, sáng sau hàng xóm báo em vừa ra mua cái điện thoại xịn!
Ở các nước văn minh, người ta xem sự được nhà nước trợ cấp khi thất nghiệp là một nỗi xấu hổ, cho thấy mình thua kém người khác nên phải tìm mọi cách nhanh chóng thoát khỏi. Ở ta thì “được” nghèo có khi là khôn khéo, ma lanh!
Cái tâm lý hèn nhược bệnh hoạn đó xuất phát từ đâu? Ở một bộ phận dân cư nhỏ, nó bắt nguồn từ nếp sống tùy tiện truyền thống, sau đó được dung dưỡng bằng các chính sách cáng đáng nhiều khi cảm tính của nhà nước. Ở một bộ phận lớn hơn, nó chính là mặc cảm vừa tự ti, vừa ghen ghét với người giàu, phải “lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo” mới là “công bằng”?
Nhưng người giàu thì vẫn giàu, đơn giản họ không bao giờ chấp nhận sự ăn bám. Còn với những người đang hể hả vì “mới cấu của nó được một miếng”, tâm lý này chỉ góp phần hủy hoại giá trị cuộc sống của chính họ.
Hoàng Xuân
Đà Nẵng hết kiên nhẫn với người ‘nghèo, lười’
Tác giả: Đặng Hoàng Giang Theo Tuần Việt Nam – 20/4/2014
Đầu năm nay, Đà Nẵng hết kiên nhẫn và tuyên bố “kiên quyết không thực hiện hỗ trợ chính sách đối với những hộ nghèo nhưng lười lao động.” Đây là địa phương đầu tiên làm động tác mạnh tay này.
Người nghèo không có lỗi
Ai cũng đã từng nhìn thấy hình ảnh này đâu đó ở vùng núi: người dân ngủ lăn lóc bên vệ đường, xe máy vứt lỏng chỏng bên cạnh. Trước đó, họ đã ra chợ bán đi mấy bó củi hay con gà, rồi mua rượu uống say tuý luý. Nếu xuống làng của họ, sẽ thấy thêm nhà nào cũng uống, người nào cũng uống. Đây là những làng mà bao nhiêu trợ cấp cũng bị tiêu hết mà không làm ra được cái gì, tiền hỗ trợ cho trẻ con đi học thì bị người lớn lấy để mua điện thoại di động, dùng vài tuần rồi vứt lăn lóc. Đến thóc giống được phát cũng “nẩy mầm” thành rượu.
Trẻ em thì lớn lên trong hoang dã, không ai đoái hoài.
Nhìn những cảnh đó, khó mà kiềm chế được cảm giác bực bội. Hình dung lãng mạn về người nghèo của chúng ta vẫn là những bà mẹ tần tảo chợ búa, những người cha gầy gò cặm cụi kéo xe. Nhưng thực tế trần trụi là ở nhiều nơi, người nghèo sống một cuộc sống vật vờ, thậm chí ốm thì cũng đắp chiếu nằm đó chứ không thiết đi chữa bệnh.
Thời gian gần đây có thể nhận thấy có một sự sốt ruột từ phía chính quyền và dư luận xã hội với những người nghèo. “Anh chị mà còn nghèo”, họ lên tiếng, “thì là lỗi tại các anh chị, chứ còn của ai nữa”.
Đầu tháng 3, trong bài “Sống ăn bám” trên VNexpress, tác giả Hoàng Xuân mô tả sự lười biếng, buông xuôi nát rượu ở một làng quê ở Ninh Thuận, nơi người dân có “cái vẻ hiền lành gần như trì độn” làm tác giả “chỉ muốn hét to”. Người nghèo quen xin xỏ, dựa dẫm, được cấp cho con bò thì buộc cọc bỏ đói, có cơ hội thì “đào mỏ” tới cạn kiệt những họ hàng khá giả hơn. Tâm lý ăn bám, hèn nhược bệnh hoạn, tác giả kết luận, là lý do khiến nhiều người nghèo vẫn hoàn nghèo. Bài viết nhận được hưởng ứng của khá đông đảo bạn đọc và được share gần 1000 lần qua Facebook.
Giữa năm ngoái, trang mạng của đảng bộ Điện Biên dẫn ý kiến của nhiều vị lãnh đạo tỉnh: “nguyên nhân căn bản cản trở mục tiêu giảm nghèo của địa phương là bệnh lười khá phổ biến trong tư tưởng người nghèo”. Với những người này, “có nỗ lực tuyên truyền, vận động, giúp đỡ bao nhiêu thì tất cả cũng trở thành vô nghĩa.”Một phát ngôn khá táo bạo với một tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo chính thức là 38%.
Đầu năm nay, Đà Nẵng hết kiên nhẫn và tuyên bố “kiên quyết không thực hiện hỗ trợ chính sách đối với những hộ nghèo nhưng lười lao động.” Đây là địa phương đầu tiên làm động tác mạnh tay này, và sẽ không ngạc nhiên khi trong thời gian tới quan điểm quản lý này được các địa phương khác noi theo.
Quan điểm “nạn nhân có lỗi” này không chỉ có ở Việt Nam. Ở các nước Trung Âu, nhiều cộng đồng người nhập cư vẫn được coi là “nát rượu” và là “máy đẻ”, lợi dụng lòng hảo tâm của nhà nước. Dân Di-gan thì khỏi nói, bị liệt luôn vào dạng mọi rợ, cộng thêm với lưu manh vặt, tóm lại là vô phương cứu chữa. Ở Mỹ, nhiều người lớn tiếng là đã tới lúc người nghèo phải tắt ti vi đi và nhấc cái mông béo ú ra khỏi sô pha mà đi tìm việc, thay vì sống triền miên bằng trợ cấp xã hội.
Thực ra, đây là một quan niệm rơi rớt lại từ tư duy của cách đây hai thế kỷ. Ở London thời Victoria, tầng lớp giàu có cho rằng nghèo đói là do lười nhác, nghiện ngập, cờ bạc và chi tiêu vô tội vạ (giống hệt những gì tác giả Hoàng Xuân kể về cái làng ở Ninh Thuận), và do đó, chính phủ không nên và không cần can thiệp. Samuel Smiles, tác giả có ảnh hưởng lớn của cuốn Self-Help nổi tiếng, xuất bản năm 1859, còn cảnh cáo là “bất cứ cố gắng nào của chính quyền nhằm giúp đỡ người nghèo sẽ chỉ làm cho họ thêm phung phí trong tiêu pha và không lao động chăm chỉ để cải thiện bản thân”. Ở điểm này, có vẻ ông Samuel Smiles và chính quyền Đà Nẵng có cùng suy nghĩ.
Suy nghĩ này tuy xuôi tai (và dễ nhận được sự đồng tình từnhững người làm từ thiện mãi rồi nản), nhưng lại nhìn nhầm vấn đề. Điểm chung của người nghèo ở Việt Nam bây giờ và người bần cùng ở London cách đây 150 năm là: không phải cái lối sống của họ dẫn họ tới nghèo đói, mà nghèo đói đã tạo cho họ lối sống như vậy. Nói khác đi, cái nghèo cha truyền con nối đã biến họ thành những con người có thái độ sống buông xuôi, những người mà một cán bộ địa phương ở Vân Canh, Bình Định mô tả một cách rất chính xác là “ngày ngày cứ ra đường ngồi chống cằm rồi về… uống rượu.”
Người nghèo phải chịu một mức độ stress cao hơn rất nhiều, do bệnh tật, thiếu thốn, đói kém và rủi ro triền miên đem lại. Một cách tự nhiên, con người phản ứng với tình trạng stress này bằng hai cách: hoặc giận dữ, hung hăng, hoặc thụ động, buông xuôi; và nhiều khi họ chạy từ thái cực này sang thái cực khác. Theo các nghiên cứu về thần kinh, trong khi các cú stress ngắn hạn có tác dụng làm tăng sự tập trung và linh lợi, stress mãn tính gây hại tới “hồi hải mã” (hippocampus), một phần của não trước đảm nhiệm việc lưu giữ thông tin, ngôn ngữ, hình thành ký ức dài hạn và khả năng định hướng trong không gian.
Các quan sát lâu năm cũng cho thấy, ở các trẻ em lớn lên trong nghèo khổ, vùng tiền não thuỳ (prefrontal cortex) – đây là vùng liên quan tới khả năng kiểm soát bản thân và điều phối cảm xúc – bị ảnh hưởng, tương tự như ở người trầm cảm. Điều này cũng giải thích cái cho vẻ mặt “hiền lành gần như trì độn” mà bài báo VNexpress quan sát được.
Các nghiên cứu về hành vi gần đây cũng chỉ ra là sự thiếu thốn và bất an làm giảm thiểu các tài nguyên liên quan tới nhận thức, hay là công suất não, dẫn tới những hành vi không hợp lý và các quyết định không hiệu quả. Năm ngoái, một loạt các thí nghiệm trong bối cảnh Mỹ của ĐH Princeton kết luận rằng nghèo khổ có hậu quả tương đương với mất đi 13 điểm của chỉ số IQ. Cái nghèo làm cho người ta thiếu những kỹ năng sống cơ bản, cũng như năng lực nhận thức để có thể làm chủ bản thân và cuộc sống. “Mụ mẫm vì nghèo” là một cách diễn đạt khác.
Và như vậy, yêu cầu những người sinh ra và lớn lên trong một môi trường cùng cực, thậm chí qua nhiều thế hệ, là họ phải có nghị lực, quyết tâm, chăm chỉ, cần cù, suy nghĩ sáng tạo, quyết định hợp lý, tiết kiệm, sử dụng đồng tiền đúng chỗ, thì không khác gì yêu cầu dân văn phòng, những người vốn không quen sử dụng cơ thể của mình, phải có sự khéo léo, uyển chuyển, dẻo dai, động tác chính xác, cử chỉ nhịp nhàng, duyên dáng như một vận động viên nhảy cầu.
Hãy hình dung bạn có một người em nghiện ngập, nhu nhược, lười biếng, và hay làm những việc điên rồ khiến bạn muốn phát điên. Bạn phải làm gì? Chu cấp mãi thì không ổn, mà phủi tay bỏ đi thì cũng không xong. Trước hết, bạn dừng lại các chê trách và lên án. Và sau đó, bạn tìm cách giúp người đó nhen nhóm lên sự tự tin, tạo thói quen bắt tay vào việc dù rất nhỏ, kiên nhẫn hướng dẫn, khích lệ để họ đạt được những bước tiến dù bé xíu, gây dựng cho họ niềm hy vọng về chính bản thân, một cảm giác họ không phải là phế thải.
Một cộng đồng nghèo cũng cần được đối xử như vậy. Nó khó hơn nhiều là chỉ quyên góp tiền hay hỗ trợ thóc gạo, nhưng không có cách nào khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.