Xã hội dân sự: Ngầm dưới sông băng(P2)
Tháng 5 21, 2014
The Economist
Phan Trinh dịch
Không ở trong lòng cũng không nằm ngoài luồng như hai trường hợp trên là anh Mã Quân (Ma Jun). Vốn là nhà báo, năm 1999 anh Mã cho phát hành một cuốn sách rất đáng chú ý về môi trường, cuốn Khủng hoảng nước ở Trung Quốc. Anh Mã điều hành Viện Công vụ và Môi trường (IPE), một tổ chức hợp pháp. Cũng giống như ông Đông nói trên, anh Mã nhìn nhận rằng sự hợp tác với chính quyền là cần thiết. Anh nói “Chúng ta đều đi chung thuyền, và không ai muốn thuyền lật.” Nhưng anh lại không hợp tác nhiều với các GONGO quốc doanh. Khi đang có quá nhiều vụ biểu tình vì vấn đề môi trường, rõ là Đảng hiện ngày càng lo lắng về các cuộc vận động xanh. Trong khi đó, anh Mã lại đang ở vị trí tiên phong trong việc phối hợp hoạt động giữa các NGO liên tỉnh, một điều cấm kỵ khác của Đảng. Đảng luôn e ngại hiện tượng những người cùng chí hướng có cùng một mục tiêu lại có thể liên kết với nhau trên phạm vi cả nước. Vì điều này mà các NGO chưa được phép đăng ký mở chi nhánh tại các tỉnh thành khác nhau. Hiện IPE là một phần của mạng lưới gồm 50 nhóm bảo vệ môi trường được gọi là Liên minh Chọn lựa Xanh, một liên minh có khả năng lên tiếng như một tổ chức duy nhất. Có thể nói anh Mã đang đi dây, điều đáng ngại là dây lơ lửng có thể rung lắc mạnh. Nếu như vài năm trước chính quyền ca ngợi ông Hứa Chí Vĩnh, rồi gần đây kết án ông bốn năm tù như trên đã nói, thì điều gì có thể xảy ra với anh Mã, người bây giờ cũng đang được họ ca tụng?
Một vế khác của câu chuyện là chính quyền cũng đi hàng hai trong cách họ ứng xử với các NGO. Tháng 7/2013, Bộ Môi trường đã tổ chức cuộc hội thảo tại Bắc Kinh và lần đầu tiên có mời những hội đoàn như của anh Mã tham dự. Mười năm trước thì việc này quả là điều không tưởng. Theo lời kể của một người tham dự, và cho rằng đó là một hội thảo gây chấn động, thì quan chức chính quyền đã khuyến khích các NGO mạnh dạn “đối đầu với các thế lực mạnh” – tức những nhóm lợi ích cấu kết chặt chẽ trong vùng. Tuy chấn động như vậy, nhưng cùng lúc, chính quyền vẫn có những nước cờ nhằm hạn chế khả năng của các NGO bảo vệ môi trường trong việc kiện các chính quyền địa phương ra toà. Cũng có một tài liệu Đảng, gọi là Tài liệu Số 9, được phổ biến tới mọi phòng ban các cấp năm 2013, tố cáo các NGO là đang tìm cách làm nảy nở các “lực lượng chống Trung Quốc”. Biên tập viên Shawn Shieh gọi tình trạng này là tình trạng hai mặt kiểu “tâm thần phân liệt”. Ông Tăng Phi Dương, nhà hoạt động bênh vực người lao động nhắc đến ở đầu bài, cũng nói rằng mặc dù được mời đăng ký NGO của mình, ông vẫn bị quấy nhiễu như thường.
Khả năng đi hàng hai của Đảng còn nằm ở chỗ họ có thể siết chặt hoạt động của NGO sau khi cho nới lỏng một thời gian. Giáo sư Trần Kiện Dân (Chan Kin-man) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Dân sự thuộc Đại học Trung văn Hongkong cho rằng các NGO tuy bùng nổ về số lượng nhưng ảnh hưởng lại không nhiều. Ông cũng lập luận rằng phạm vi hoạt động của xã hội dân sự thực ra đang bị thu hẹp. [Giáo sư Dân cũng là nhà hoạt động vì dân chủ cho HK, so với tự do rộng rãi trước năm 1997, khi HK được Anh trả về TQ, không gian dân sự tại HK đúng là đang hẹp dần]. Một số biểu hiện của việc đàn áp chính trị, chẳng hạn như luật chống tung tin đồn, có vẻ như khẳng định lập luận của giáo sư Dân. Tuy nhiên, các quan sát viên khác lại phản biện rằng không nhất thiết cứ phải đối đầu với chính quyền mới có phạm vi hoạt động rộng hơn, mà phạm vi hoạt động rộng hơn có được nhờ thương lượng với chính quyền vẫn là khoản không gian có giá trị. Trong khi đó, nhiều người khác cũng thấy rằng sự phân biệt của Đảng giữa các NGO dịch vụ xã hội và NGO dấn thân sẽ nhoà dần. Một nhân viên NGO nước ngoài ở Bắc Kinh nói “Không thể nào làm dịch vụ xã hội cho người già mà lại không trở nên người dấn thân vận động để đòi những quyền lợi lớn hơn cho người già.”
Đi về đâu, hỡi Hoa?
Một số nhà hoạt động trong các NGO lo rằng khi họ để cho bản thân bị chính quyền điều hướng là họ đang vô tình củng cố quyền lực độc tài của Đảng Cộng sản, vì họ đang góp phần giúp Đảng giải quyết những vấn đề lớn nhất về quản lý xã hội. Vị hội trưởng người Trung Quốc của một NGO, hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm là tài trợ và giúp đỡ những công nhân bị thương tật lao động, kể rằng bạn bè ông bảo: Sao không cứ để cho hệ thống cộng sản “mục ruỗng rồi sụp đổ” thay vì cứu vãn nó. Điều đáng nói là ngay khi NGO của ông được công chúng quan tâm, thông qua bài viết trên các blog, thì chính quyền đã cung cấp vài triệu nhân dân tệ để hỗ trợ công việc họ đang làm. Ông nói “Khi mình tạo được điểm nhấn cho một vấn đề gì đó thì chính quyền sẽ phải nhập cuộc thôi.”
Không rõ là Đảng có thật lòng tin tưởng xã hội dân sự hay không. Nhưng rõ là Đảng xem các NGO như công cụ hữu dụng để đạt mục đích riêng. Nhưng khi chính trị từ trên xuống không giải quyết được những vấn đề xã hội từ dưới lên, và khi có một tầng lớp trung lưu mới muốn tham dự việc xã hội nhiều hơn, thì việc gia tăng vai trò cho xã hội dân sự là điều không thể né tránh. Vì vậy, có thể nói một hợp đồng ngầm đã được hình thành giữa Đảng và xã hội dân sự, trong đó hai bên đều sẵn sàng thoả hiệp để đạt được các mục tiêu ngắn hạn, và cùng lúc cả hai đều hy vọng tương lai sẽ diễn ra theo hướng có lợi cho mình.
Những cấm đoán và bất mãn vẫn còn đầy dẫy. Những thay đổi trong luật lệ đăng ký NGO sẽ chỉ có tác động chậm chạp đối với đời sống hàng ngày của thường dân Trung Quốc. Bên cạnh đó, những vấn đề xã hội và tài chính có thể sẽ còn tăng gấp bội, làm vô hiệu hoá bất cứ nỗ lực nào nhằm xây dựng một xã hội dân sự lớn mạnh hơn. Tuy vậy, bằng cách của mình, các tổ chức phi chính phủ NGO đang bắt đầu trở thành chất keo kết dính xã hội lại với nhau, vào lúc nhà nước thì thoái lui, cấu trúc gia đình thì xáo trộn và những giềng mối quan hệ giữa người với người trong xã hội đang bị giằng xé đến độ có thể rách toạc. Các NGO hiện nay đang được một tầng lớp những người Trung Quốc trung lưu mới ủng hộ, họ là những người có cuộc sống khá giả hơn đại đa số và có ý thức rõ ràng về quyền hạn của mình. Đảng sẽ không thể dễ dàng tiếp tục hất ngược họ trở về đất đen được nữa.
Nguồn: “Beneath the Glacier”, The Economist, 12/4/2014, tường trình từ Bắc Kinh, Thành Đô, Quảng Châu. Các ghi chú trong ngoặc vuông là của người dịch.
Bản tiếng Việt © 2014 Phan Trinh & pro&contra
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.