Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Bí ẩn tâm hồn Nga (Bài 6) – Một công cụ vô dụng

Bí ẩn tâm hồn Nga (Bài 6) – Một công cụ vô dụng

Tháng 5 7, 2014
Alexei Varlamov
Bài phỏng vấn do Dmitry Babich và Andrei Zolotov Jr. thực hiện
Phạm Nguyên Trường dịch
Khái niệm tâm hồn Nga là khái niệm có ích khi giải thích nền văn hóa phóng khoáng của những dân tộc chưa được văn minh.
Alexei Varlamov, 47 tuổi, là một trong những nhà văn Nga đương đại xuất chúng nhất. Ông trình làng với những truyện ngắn hồi cuối những năm 1980 và trở nên nổi tiếng vào năm 1995 với cuốn tiểu thuyết bán tự truyện Lokh (tạm dịch: Thằng ngu), tiếp theo là Rozhdenie (Sinh), giúp ông giành giải thưởng Anti-Booker danh giá.
Với sự chia rẽ chính trị quyết liệt trong giới văn chương Nga thời hậu Xô-viết thành “yêu nước” và “dân chủ”, Varlamov gần như là trường hợp có thái độ trung lập đặc biệt. Thế giới quan và văn phong của ông ban đầu gần với “văn chương nông thôn” truyền thống Nga, nhưng cuối cùng ông đã xuất bản trên các tạp chí theo trường phái tự do.
Năm 2006 Varlamov nhận Giải thưởng Alexander Solzhenitsyn cho “một tác phẩm đầy màu sắc về quyền lực và sự mong manh của tâm hồn con người và số phận của nó trong thế giới hiện đại”, cũng như giúp “tìm hiểu con đường của văn học Nga trong thế kỷ XX trong thể loại tiểu sử của nhà văn.” Trong những năm gần đây, Varlamov đã xuất bản tiểu sử các nhà văn Nga thời Liên Xô như Mikhail Prishvin, Alexei Tolstoy và Mikhail Bulgakov, cũng như tiểu sử một nhà thần bí đầy tranh cãi là Grigory Rasputin.
Phóng viên: Đối với ông, một nhà văn và một người nghiên cứu lịch sử văn chương, khái niệm “tâm hồn Nga” có thực hay không?
Alexei Varlamov: Tâm hồn tất nhiên là có thực. Nhưng “tâm hồn Nga” có thực hay không lại là một câu hỏi lớn. Tôi cảm thấy trong chuyện này phần huyền thoại nhiều hơn. Tôi chưa bao giờ thao tác với khái niệm đó. Xin nói đấy là một công cụ mà người ta có thể sử dụng để mô tả nhận thức của chúng ta về thế giới, về lịch sử và thời hiện đại của chúng ta. Nhưng nó không phải là công cụ phổ quát. Nó là một ẩn dụ, nói được một điều gì đó với một người nào đó. Nhưng với cá nhân tôi, nó không nói được nhiều.
Tôi không biết ai phát minh ra nó – Người Nga hay người nước ngoài. Nhiều khả năng là người nước ngoài. Tôi thấy trong đó một cái gì cảm động, nhưng đầy vẻ kẻ cả. Giống như khi lần đầu tiên đặt chân lên đất Nhật, nơi tất cả mọi thứ đều xa lạ, người châu Âu đã phát minh ra một phép ẩn dụ để giải thích tất cả cùng một lúc. Nước Nga thì cũng thế: một thực thể xa lạ, ích kỉ. “Tâm hồn Nga” có lẽ là một công cụ tiện dụng để phân tích thực thể này.
Vì vậy, đối với người ngoại quốc, có lẽ nó không phải là một công cụ tồi. Nhưng đối với những người sống ở đây và là một phần của nền văn hóa này, thì nó là thừa.
Phóng viên: Lần đầu tiên Nga giáp mặt đồng loạt với phương Tây là vào cuối thế kỷ XVII, dưới thời Peter Đại đế. Có thể nói về tâm hồn Nga như một cái gì thúc đẩy Nga trở thành một phần của nền chính trị châu Âu không?
Alexei Varlamov: Tôi không nghĩ thế. Tâm hồn Nga là một khái niệm lãng mạn. Rất có thể nó có nguồn gốc vào thế kỷ XIX, khi nước Nga trở nên nổi tiếng không chỉ vì những khẩu pháo của nó, mà khi văn hóa Nga bắt đầu có ý nghĩa nào đó. Khái niệm “tâm hồn Nga” trở thành một nhu cầu khi người ta cần dùng nó để giải thích làm thế nào mà những kẻ mọi rợ này lại có một nền văn hóa như thế.
Phóng viên: Solzhenitsyn viết về nước Nga như một đất nước không có đường biên giới phía Đông. Tâm hồn Nga có liên quan gì đến sự đa dạng hoặc sự mù mờ của bản sắc – khi cả Mikhail Bulgakov và những người nghiện rượu hết thuốc chữa, lẫn những người Hồi giáo và dân của nền văn hóa Tây Âu đều được coi là người Nga?
Alexei Varlamov: Tất nhiên là lãnh thổ rộng lớn của chúng ta có vai trò ở đây. Nga luôn là đất nước có lịch sử bùng nổ, đứt quãng. Chúng ta liên tục bị đe dọa chia cắt. Đấy là lý do vì sao xã hội Nga luôn cần những ràng buộc để giữ nó thành một khối. Những mối ràng buộc đó là nhà nước, giáo hội và văn hóa. Ở mức độ nào, có lẽ có thể nói về tâm hồn Nga như một mối ràng buộc như thế, nhưng là mối ràng buộc mang tính huyền thoại, có thể giúp chúng ta nói rằng Bulgakov và những kẻ nát rượu hạng bét cùng thuộc về một dân tộc.
Nhưng tôi luôn luôn thận trọng trước các khái niệm về đặc thù dân tộc, trước hết là vì tôi không biết rõ các quốc gia khác thế nào. Tôi chỉ nghĩ rằng với sự bành trướng và sự phân cực của chúng ta, những mối ràng buộc vẫn giữ chúng ta lại với nhau là quá rõ ràng. Nhưng tôi chưa bao giờ nghiên cứu những vấn đề này.
Phóng viên: Ông đã viết một cuốn tiểu sử Grigory Rasputin. Xin hãy nói về Rasputin như một biểu hiện cực đoan của tâm hồn Nga. Một người của dân chúng, một nhân vật thần bí, một tên côn đồ, một Kitô hữu, một thày thuốc, một người đàn ông đam mê, một người bạn của Nga hoàng và một kẻ chống giới quyền uy, tất cả trong cùng một con người!
Alexei Varlamov: Các huyền thoại về Rasputin rõ ràng là đã làm lu mờ con người thực sự của ông ta. Nếu chúng ta cố gắng tổng hợp các dữ liệu tương đối đáng tin cậy về Rasputin thì rõ ràng ông ta là một người cực kỳ tài năng, một sản phẩm độc đáo của tầng lớp nông dân.
Đối với tôi, một trong những nguồn đáng tin cậy nhất về Rasputin là cuốn hồi ký của Tổng Giám mục Veniamin Fedchenkov, người đã gặp Rasputin khi ông ta vừa đến St Petersburg, lúc đó Veniamin là nghiên cứu sinh. Rasputin đã gây ấn tượng rất tốt với ông này bằng lòng mộ đạo và lòng nhiệt tình đối với tôn giáo của mình. St Petersburg là một thành phố đã già yếu về mặt tinh thần, và ông ta đã “căng như một cây cung,” Veniamin viết. Tôi tin những lời này: Rasputin đến St Petersburg như là một hiện tượng tâm linh. Nhưng có thể ông ta đã không giữ được chiều cao tâm linh đó. Ông ta là sự kết hợp của những đặc điểm rất khác nhau. Chúng ta biết chắc chắn rằng ông ta là một người rất mộ đạo, nhưng không chắc chắn liệu ông ta có là một kẻ ngoại tình hay không. Có lẽ chỗ này có chuyện gì đó, nhưng ở chỗ này truyền thuyết chắc chắn là vượt quá thực tế.
Có lẽ, Rasputin là một Anh hề Thánh thiện đã thất bại – một người tìm cách thực hiện cái kì tích là trở thành anh hề có chủ tâm của Chúa Kitô, và vì một số nguyên nhân nào đó đã không thể chịu đựng được chuyện này.
Phóng viên: Nhưng có thể đây chính là một biểu hiện của tâm hồn Nga? Có thể ông ta nghĩ rằng hai việc – cầu nguyện và ngoại tình, tội lỗi và thánh thiện – trên thực tế có thể kết hợp được với nhau? Như người ta thường nói, nếu không phạm tội thì sẽ không có sám hối. Chúng ta thấy cả trong văn chương nữa. Như nhà văn Valery Popov nói về một trong những nhân vật của mình, “ông đã giết sáu người, nhưng linh hồn ông ta trong sạch…”
Alexei Varlamov: Chúng ta lại đoán mò rồi. Tôi cũng có thể thấy anh em nhà Karamazov trong Rasputin, bởi vì rõ ràng ông ta là sự kết hợp giữa lòng mộ đạo của Alexei, niềm đam mê của Dmitry, sự hóm hỉnh của Ivan và lòng ham muốn của Fyodor Pavlovich. Nhưng, như một nhà sử học, tôi không thể nói chắc chắn rằng chính xác là như vậy. Tuy nhiên, chắc chắn ông ta có một tính cách rất phong phú, đáng tiếc là ông ta đã không hoàn tất được vai mà ông ta muốn đóng. Chắc chắn là ông ta không muốn làm điều xấu đối với hoàng gia hay điều xấu cho đất nước mình. Vào thời điểm, khi mà nhiều người đã phản bội Nga hoàng thì ông ta vẫn trung thành với hoàng gia cho đến cuối cùng. Người ta có thể nói nhiều điều tốt về ông ta hơn là những điều xấu. Nhưng không may là, vai trò mà ông ta đã đóng trong lịch sử nước Nga xét một các khách quan thì lại khác – ông ta đã khiến Nga hoàng chống lại tất cả những gì có thể chống – từ Duma, nhà thờ, quân đội, xã hội, đến các thành viên khác của hoàng gia.
Có hai chị em được phong thánh – Hoàng hậu Alexandra và Đại Công nương Elizabeth: một người hoan nghênh kẻ giết Rasputin và gửi điện chúc mừng tới tên sát nhân Felix Yusupov, người kia khóc than về cái chết của bạn mình. Chẳng bao lâu sau cả hai đã tử đạo và đều được phong thánh. Có thể trên thiên đường họ đã hòa giải với nhau, nhưng ở trần thế thì có lẽ không. Vì vậy mà chúng ta đang nói về một sự đổ vỡ lớn trong lịch sử nước Nga.
Phóng viên: Có lí thuyết cho rằng lịch sử nước Nga được tạo thành từ những vụ đổ vỡ, đứt đoạn – Thời kì rắc rối trong những năm đầu thế kỷ XVII, năm 1917 và năm 1991. Ông có thấy nhiều điểm chung giữa năm 1917 và 1991 hay không?
Alexei Varlamov: Tôi nghĩ rằng có rất ít sự tương đồng, có chăng thì chỉ là hời hợt và ảo tưởng. Cuộc cách mạng năm 1917 chắc chắn là một thảm kịch, nó đã phá vỡ con đường phát triển tự nhiên của nước Nga và dẫn đến những thiệt hại to lớn về con người, máu đổ, huynh đệ tương tàn và cuối cùng là ngõ cụt. Những sự kiện của năm 1991, dù chúng ta có thể phê phán như thế nào một số khía cạnh và hậu quả của chúng, thì vẫn có một số thứ mà tôi coi là sự phát triển tích cực. Chúng ta không nên chối bỏ tất cả những vụ đổ máu ở ngoại vi của đế chế Nga. Nhưng nó không phải là một hệ quả trực tiếp của tháng Tám năm 1991. Nó là hậu quả của tất cả những mâu thuẫn đã tích lũy được trong 70 năm của thời kỳ Xô-viết. Tôi nghĩ rằng cuối cùng chúng ta đã tìm cách thoát ra được với ít máu hơn là số máu có thể đổ.
Nhà thờ Chính thống giáo Nga thường bị cáo buộc là không làm được bất cứ chuyện gì trong suốt 20 năm tự do vừa qua. Tôi nghĩ rằng đó là một tuyên bố rất hời hợt. Nhà thờ không hứa hẹn bất cứ điều gì. Nhưng trong những năm 1990 – khi mà tất cả các giáo phái, sự phân li và xung đột nội bộ đang xé đất nước thành từng mảnh, đang đe dọa một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn – Nhà thờ đã giữ cho đất nước gắn kết. Tôi nghĩ rằng một phần là nhờ Nhà thờ mà chúng ta đã giữ được đất nước. Khác hẳn tình hình cách mạng năm 1917, đấy là lúc Nhà thờ bị nhục mạ và bị đẩy ra rìa. Tôi có thể rất phê phán Tổng thống Boris Yeltsin và không thích chính sách của ông ta, nhưng tôi sẽ không đánh đồng Vladimir Lenin với Yeltsin.
Chúng ta thường nghe nói về Mikhail Gorbachev xấu xa, về Yeltsin xấu xa, Putin xấu xa. Tôi nói rằng chúng ta phải là những người thực tế về mặt lịch sử. Đất nước do Lenin, Stalin, Nikita Khrushchev, Leonid Brezhnev hay Konstantin Chernenko cai trị không thể sinh ra được tướng Charles De Gaulle hay Franklin Delano Roosevelt. Không thể tìm đâu ra những người như thế! Chúng ta phải là những người thực tế và xét cho cùng, chúng ta phải cảm ơn Gorbachev, cảm ơn Yeltsin, cảm ơn Putin. Nga đang bò dần lên từ một cái hố và chúng ta không nên chờ đợi bất kỳ phép lạ nào ở đây hết.
Phóng viên: Anh vừa nói đến nhà nước, nhà thờ và văn hóa như ba sợi dây ràng buộc nước Nga lại với nhau. Có thể nói gì về tình trạng và thái độ của tâm hồn Nga đối với chính quyền? Nhiều người tin rằng một mặt, người Nga dễ mắc vào chủ nghĩa độc đoán, và mặt khác, có xu hướng nổi loạn mang tính phá hoại không kiểm soát được. Người Nga có quan hệ như thế nào với nhà nước?
Alexei Varlamov: Tôi không biết trong thế kỷ XIX thì như thế nào, nhưng trong thế kỷ XX, tôi nghĩ người Nga không tin nhà nước. Đồng thời, những nhà văn Nga thế kỷ XX mà tôi nghiên cứu – Mikhail Prishvin, Alexei Tolstoy và Mikhail Bulgakov – tất cả đều là những người ủng hộ nhà nước.
Prishvin là một trường hợp thú vị. Năm 1918 ông là kẻ thù không đội trời chung với những người Bolshevik. Trong những năm đầu tiên sau cách mạng, từ năm 1919 đến năm 1921, ông về sống ở nông thôn và bắt đầu chuyển dần sang phía những người Bolshevik, vì ông sợ tính chất không thể kiểm soát được của cuộc bạo loạn của dân chúng. Cuối cùng, ông đi đến kết luận rằng trong cách mạng, dân chúng trở thành những kẻ dã man, mà chỉ có một lực lượng tàn bạo và khát máu như những người Bolshevik mới có khả năng làm cho họ tỉnh ngộ. Ông không chấp nhận Lenin, đối với ông, Lenin là lực lượng cách mạng mang tính phá hoại, nhưng ông chấp nhận Stalin, coi ông này lực lượng nhà nước mang tính xây dựng.
Thật thú vị là, Alexei Tolstoi, một người có quan điểm hoàn toàn khác, cả về mặt xã hội lẫn văn chương, lại cũng có logic tư duy hệt như thế. Tại sao ông ghét Nga hoàng Nicholas II? Vì ông cho rằng Nicholas II là một nhà cầm quyền yếu kém, đã làm nước Nga thua trong Thế chiến I và làm cho Bolshevik phải bán đất của Nga. Nhưng khi thấy những người Bolshevik bắt đầu thu hồi lại những vùng đất của Nga thì ông đứng về phía họ, bởi vì, trong mắt ông, họ đang trở thành những người hữu ích cho nhà nước Nga. Họ là những người nhận thức được rằng một nhà nước mạnh là có lợi cho đất nước rộng lớn và đông dân này, làm khác đi là tự sát.
Sứ mệnh của nền văn học Nga là cố gắng làm cho nhà nước này trở thành nhân từ nhất trong khả năng cho phép. Tôi nghĩ rằng đây là tư tưởng của tác phẩm Con gái viên đại úy của Alexander Pushkin, trong đó có câu: “Lạy trời để các bạn không phải trông thấy vụ bạo loạn của người Nga – thật vô nghĩa và tàn nhẫn.” Yemelyan Pugachyov được thể hiện như một con tin của cuộc nổi loạn này của người Nga. Cuối cùng, chúng ta thấy Nữ hoàng Catherine đã được lý tưởng hóa thành một người nhân từ. Trong tác phẩn Kỵ sĩ đồng, Pushkin còn chỉ ra mâu thuẫn giữa cá nhân và nhà nước, và ông không đứng về bên nào.
Nói cách khác, đây là bi kịch chủ yếu trong cuộc sống của người Nga, bởi vì nhà nước sẽ luôn luôn xâm phạm vào quyền cá nhân, còn cá nhân thì luôn luôn hoài nghi nhà nước. Ở đây sẽ không bao giờ là một bản giao hưởng lý tưởng. Người ta phải cố gắng để giữ cho hệ thống này trong một kiểu cân bằng nào đó, bởi vì khác đi sẽ là máu và khói lửa, hoặc khủng bố tàn bạo hoặc nổi loạn hoang dã.
Là người Nga, tôi có một thái độ lưỡng lự đối với những việc diễn ra tại Moscow vào ngày 31 hàng tháng. Tôi không đi biểu tình. Tôi không phải là người trung thành với Putin và không phải là người hâm mộ nhiệt tình của phe đối lập để có thể tham gia biểu tình. Nhưng khi thấy hình ảnh cảnh sát đánh người trên Internet, tôi kinh sợ, tôi bị sốc và khinh bỉ. Một mặt, tôi hiểu rằng cảnh sát là “người của Nga hoàng” và họ phải làm công việc được giao. Tôi rất không thích là những sự kiện này đang cung cấp dưỡng chất cho lòng hận thù giữa hai bên. Theo một nghĩa nào đó, cả hai bên đều thân thiết với tôi. Cả hai bên đều là người Nga, cả hai bên đều là đồng bào của tôi. Nhưng lòng thù hận thì đang gia tăng. Giống như lòng thù hận đang gia tăng giữa cảnh sát giao thông và những người lái xe vậy. Là người lái xe, tôi cảm thấy nó. Nhưng nếu bạn nghĩ về nó, bạn sẽ nhận ra rằng nếu bỏ cảnh sát giao thông thì tình hình sẽ chỉ tồi tệ thêm mà thôi, dù họ có là những kẻ ăn hối lộ đến đâu thì cũng thế.
Những vụ va chạm này làm tôi sợ. Tôi nghĩ rằng reo rắc tình trạng thù địch này là chính quyền đang hành xử cực kì bất hợp lý. Họ cần phải làm ngược lại – chữa những cơn đau này, thiết lập một cuộc đối thoại trong xã hội, văn minh hóa nó. Nhưng họ hành xử đầy ngạo mạn, họ không thèm quan tâm.
Phóng viên: Người ta thường nói rằng dân Nga là những người thích huyền bí hoặc theo thuyết định mệnh. Rằng họ thiếu lý trí hay như Aristotle nói là thiếu “tính chừng mực.”
Alexei Varlamov: Tôi nghĩ người Nga đầu thế kỷ XX khác xa người Nga đầu thế kỷ XXI. Và một câu hỏi lớn đặt ra là thời kỳ Xô-viết đã làm méo mó chúng ta đến mức nào. Hiện nay chúng ta có bao nhiêu phần Nga và bao nhiêu phần Xô-viết? Tôi không nghĩ rằng nhân dân Nga hiện nay là những người đặc biệt thần bí. Chúng ta đã bị đẩy về phía tham lam, về phía chủ nghĩa thực dụng và kiếm thật nhiều tiền đến mức không có chỗ cho chủ nghĩa thần bí nữa. Trong những năm 1990 đã từng có một sự ám ảnh nào đó với thần bí, nhưng tôi cảm thấy điều đó cũng đã qua rồi. Đối với tôi, người Nga hiện đại là người cứng rắn, biết mình muốn gì. Nhưng không phải là người phương Tây. Dự định của một người Nga, tốt xấu không biết, đều phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của hoàn cảnh. Nhưng, chúng ta là những người không thể dự đoán trước và là có thể làm người khác ngạc nhiên. Đấy dường như là điều quan trọng nhất.
Nguồn: Alexei Varlamov, “A Superfluous Instrument“, Russia Profile 07/7/2010
Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Nguyên Trường & pro&contra
Share SHARE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.