Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

ý Kiến Trúc phỏng vấn Hà Sĩ Phu và Mai Thái Lĩnh – Phần 1: Nhóm Đà Lạt

Lý Kiến Trúc phỏng vấn Hà Sĩ Phu và Mai Thái Lĩnh – Phần 1: Nhóm Đà Lạt

Tháng 5 25, 2014
Trong dịp về nước thăm quần đảo Trường Sa theo lời mời của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cuối tháng Tư vừa qua, nhà báo Lý Kiến Trúc từ Nam California có dịp gặp gỡ hai thành viên của nhóm Thân hữu Đà Lạt, ông Hà Sĩ Phu và ông Mai Thái Lĩnh. Cuộc phỏng vấn sau đây diễn ra vào đầu tháng Năm tại nhà riêng của ông Hà Sĩ Phu.
Được những người tham gia tin cậy, tôi đã biên tập bài phỏng vấn này dựa trên bản ghi chép từ băng ghi âm, trong tinh thần giữ đúng nội dung chính, chỉ lược bớt những chi tiết rườm rà không tránh khỏi của một cuộc trò chuyện không định trước, kéo dài khoảng một tiếng rưỡi.
Phạm Thị Hoài
____________
Ngày 5/5/2014, đại diện cho tờ Văn hóa Magazine California, tôi hân hạnh được gặp và trò chuyện với hai nhà tranh đấu dân chủ ở Đà Lạt, ông Hà Sĩ Phu và ông Mai Thái Lĩnh.
Ông Hà Sĩ Phu nổi tiếng với loạt bài: “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” (1988), “Chia tay ý thức hệ” (1995). Nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh để đời với luận chứng “Sự thật về Thác Bản Giốc[1], gần đây tạo ra cuộc tranh biện gắt gao với ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Việt Nam.
Lý Kiến Trúc
*
Lý Kiến Trúc: Thưa ông Mai Thái Lĩnh, ông có thể kể sơ qua về hoàn cảnh xuất thân được không?
Mai Thái Lĩnh: Tôi không sinh ra tại Đà Lạt. Bố tôi là người Thanh Hóa, mẹ tôi là người Hà Tĩnh, vào vùng cao nguyên này khoảng năm 1942-1943. Bố tôi tham gia Việt Minh năm 1945 tại Đồng Nai Thượng tức là vùng Di Linh ngày nay, cách đây khoảng 80 km. Khi mẹ tôi mang thai tôi năm 1946, chưa sinh thì người Pháp trở lại Đồng Nai Thượng, bố tôi và tất cả những người trong Ủy ban Kháng chiến phải rút ra ngoài rừng về vùng Bình Thuận, và từ đó coi như chúng tôi mất liên lạc. Có thể nói từ khi sinh ra tôi không hề biết mặt bố tôi, mãi đến sau năm 1975 tôi mới được gặp. Mẹ tôi sau đó tái giá với một người khác và tôi có một số em cùng mẹ khác cha nhưng sống với tôi từ nhỏ đến lớn, và hiện nay hầu như toàn bộ đều ở hải ngoại: ba người em ở Canada, hai người em ở Hoa Kỳ. Coi như ở đây chỉ còn mình tôi. Tôi sống ở Di Linh đến năm 14 tuổi; hết cấp 2 lên Đà Lạt học tiếp và từ đầu thập niên 1960 trở đi thì gia đình tôi mới chuyển lên Đà Lạt. Cho nên tuy không sinh ra tại Đà Lạt, nhưng tính thời gian cư trú ở đây (và có lẽ cho đến cuối đời) thì Đà Lạt là nơi mà tôi sinh sống lâu nhất. Cho nên tôi cũng coi đây như là một quê hương sâu nặng, ngoài cái nơi mà tôi sinh sống suốt thời thơ ấu là Di Linh.
Lý Kiến TrúcTrước đây, thời sinh viên ông cũng đã có những hoạt động tranh đấu ở Sài Gòn?
Mai Thái Lĩnh: Vâng, thật ra trước kia tôi không tham gia tranh đấu. Khi về học ở Sài Gòn thì từ khoảng năm 1965 tôi tham gia các hoạt động “công tác xã hội” và cùng với anh Nguyễn Đức Quang và anh Đinh Gia Lập là một trong những người sáng lập Phong trào Du ca Việt Nam. Thế nhưng tới những năm mà tình hình thời sự ở Miền Nam có những diễn biến rất là sôi động thì tôi bị lôi kéo giữa hai luồng tư tưởng, trong đó đặc biệt có một số anh em bạn bè bị ảnh hưởng bởi phong trào phản chiến. Lúc đó tôi cũng mong muốn có được một đất nước hòa bình, thống nhất, và một phần cũng do nguồn gốc của mình, rồi cũng do một số ảnh hưởng từ trong các trường đại học mà tôi theo học – nhất là từ các giáo sư học ở Pháp về, nên có xu hướng phản chiến – người ta thường gọi là lực lượng thứ ba. Tất nhiên bây giờ nhìn lại thì rõ là có những điều bồng bột, xốc nổi, có những cái mình suy nghĩ không chín chắn, hoặc là “con đường thứ ba” có một cái gì đó mơ hồ, không có đường lối rõ ràng, vì thế nó dẫn đến những thiệt hại cho dân tộc. Nhưng vào thời tuổi trẻ thì tôi bị lôi cuốn như thế. Năm 1969 tôi tốt nghiệp cử nhân. Năm 70-71 tôi giảng dạy tại Đại học Văn khoa Đà Lạt. Chính trong thời gian đó một số người trong phong trào đấu tranh và bên phía Đảng Cộng Sản biết được “nguồn gốc” của tôi, nên họ tìm cách móc nối. Sau đó đến năm 1972 thì tôi vào trường sĩ quan Thủ Đức, nhưng sau khi ra trường tôi không ra đơn vị mà bỏ ngũ, và sau Hiệp định Paris tôi thoát ly ra ngoài rừng và ở đó cho đến năm 75 mới trở về thành phố.
Từ sau năm 1975, tôi trở về lại ngành giáo dục. Tôi vốn là cử nhân giáo khoa triết học, mà cử nhân giáo khoa triết học thì đối với chế độ này chỉ là con số 0. Họ cho rằng ai học triết là bị nhiễm độc về mặt tư tưởng, cho nên nhiều người tốt nghiệp Cử nhân Triết học như tôi chỉ được chuyển xuống dạy cấp 2 hoặc dạy một môn khác. Chẳng hạn một ông thầy dạy triết của tôi ở đại học bị chuyển sang dạy môn Pháp văn. Trong hoàn cảnh đó, tôi được đưa về một trường trung học làm Phó Hiệu trưởng, nhưng lúc bấy giờ nhiều người trong ngành giáo dục không bằng lòng. Họ cho rằng “anh này là cử nhân giáo khoa triết học mà bây giờ làm phó hiệu trưởng thì sao ảnh làm được”. Lúc đó, một vị lãnh đạo ở đây mới nói với tôi là phải hợp lý hóa bằng cách cho tôi đi học Trường Đảng, tức là tôi lại được đi học triết học một lần nữa, lần này là triết học Mác-Lênin, để “hợp pháp hóa” văn bằng cử nhân. Sau hơn một năm rưỡi đi học tại Trường Đảng, tôi còn phải học thêm mấy tháng trong vài mùa hè nữa thì mới được cấp một cái bằng gọi là Đại học Sư phạm môn Chính trị. Như vậy là tôi tốt nghiệp hai cái bằng: một cái là bằng Cử nhân Giáo khoa Triết học của chế độ Việt Nam Cộng hòa và cái thứ hai là bằng Đại học Sư phạm Chính trị của chế độ cộng sản.
Tôi công tác trong ngành giáo dục đến năm 1988. Do thấy không có kết quả gì đáng kể và cũng do lúc bấy giờ có một số bài báo của tôi đụng chạm đến chế độ, tôi cảm thấy mình làm việc không còn có tác dụng nữa nên xin từ chức lãnh đạo. Ngành giáo dục giải quyết bằng cách “anh không làm lãnh đạo thì anh cũng không thể ở trường này được, vì anh còn ở đây thì không ai lãnh đạo được anh”, do đó tôi chuyển qua trường sư phạm. Lúc bấy giờ thì có lời đề nghị của một vị lãnh đạo thành phố Đà Lạt mời tôi về làm việc, cho nên sau đó tôi ứng cử Hội đồng Nhân dân Thành phố và trúng chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố. Tôi làm hết khóa đó (nhiệm kỳ 1989-94), sau đó thì tôi bỏ việc, và từ đó tới giờ tôi là một thường dân. Đó là tóm tắt hoạt động của tôi, có lẽ là hơi dông dài.
Lý Kiến TrúcỞ trên ông đã nhắc đến Phong trào Du Ca. Ban nhạc Trầm Ca do ông sáng lập phải không ạ?
Mai Thái Lĩnh: Không phải một mình tôi. Trong thời gian học ở Sài Gòn, tôi chơi với một số bạn trong đó có có các anh Nguyễn Đức Quang, Hoàng Kim Châu, Trần Trọng Thảo, Nguyễn Quốc Văn, Đinh Gia Lập. Lúc đầu chỉ có mấy anh em cựu học sinh trường Trần Hưng Đạo thôi, được gọi là ban Trầm Ca. Ban Trầm Ca gồm anh Quang và chúng tôi; trong thực tế thì anh Quang là đầu tàu, là nhạc sĩ duy nhất, bọn tôi về âm nhạc chỉ biết đàn hát cho vui thôi. Sau đó thì chị Phương Oanh ở bên trường âm nhạc cùng tham gia, và chúng tôi trở thành ban Trầm Ca nổi tiếng thời bấy giờ. Chính ban Trầm Ca đó là tiền thân để sau này hình thành nên Phong trào Du Ca. Có thể coi đó là cái sở thích thứ hai của tôi.
Lý Kiến Trúc: Thưa ông Hà Sĩ Phu, là một trí thức xuất thân ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ông đã vào miền Nam từ năm nào?
Hà Sĩ Phu: Cuối 1983 đầu 1984, lúc ấy tôi đang là cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Việt Nam ở Hà Nội, tôi làm để tài nghiên cứu cấy mô cây sâm và cây tam thất là hai cây đòi khí hậu lạnh. Tôi đã làm xong thí nghiệm trong phòng thí nghiệm, tiếp theo là muốn dùng cái điều kiện tự nhiên ôn đới để phát triển hai cây đó, nên tôi xin chuyển vào Trung tâm Khoa học Đà Lạt để làm tiếp đề tài. Nhưng sau khi tôi vào rồi thì tình hình xã hội của mình thay đổi và những công trình nghiên cứu cơ bản đó cũng không làm được.
Lý Kiến Trúc: Có lẽ đây là cái nhân duyên lạ lùng cho sự gặp gỡ ngày hôm nay, giữa những nhân vật từ nhiều nhánh trong dòng chảy dân tộc Việt Nam. 
Mai Thái Lĩnh: Tôi gặp anh Hà Sĩ Phu vào một giai đoạn sau khi có sự kiện được gọi là “Đổi mới” của Đảng Cộng Sản tức là sau năm 1986, và cũng có thể nói là có “cơ duyên”… Thật ra, lúc đó chúng tôi không cùng làm việc trong một môi trường. Tôi cũng không nhớ lần đầu tiên gặp nhau vào lúc nào, nhưng có lẽ là thông qua một hình thức sinh hoạt ở Hội Văn nghệ tỉnh Lâm Đồng. Anh Hà Sĩ Phu và tôi không phải là dân văn nghệ, đúng ra không phải là nhà văn, nhà thơ. Hội Văn nghệ Lâm Đồng lúc bấy giờ được thành lập năm 1987, anh Bùi Minh Quốc và anh Tiêu Dao Bảo Cự là Chủ tịch và Phó Chủ tịch, anh Hà Sĩ Phu và tôi tham gia trong nhóm được gọi là lý luận nhưng chúng tôi không chuyên về lý luận văn học. Anh Hà Sĩ Phu tuy là dân sinh học nhưng lại thích viết về triết, về tư tưởng chính trị, v.v…, tôi cũng thiên về triết, về tư tưởng chính trị. Lúc đó Hội Văn nghệ Lâm Đồng ra một tờ báo, tờ Lang Bian, mà chúng tôi có tham gia một số bài viết. Có thể coi là một cái hoa mới vừa nở lên và cũng khá nổi tiếng, nhưng chỉ được 3 số thì bị “dứt”. Tiếp theo là sự kiện anh Bùi Minh Quốc và anh Bảo Cự tổ chức một chuyến đi xuyên Việt, đến mỗi tỉnh lại thu thập chữ ký để làm một kiến nghị về vấn đề văn học nghệ thuật. Khi về lại Đà Lạt hai anh bị khai trừ Đảng, anh Hà Sĩ Phu và tôi cùng ở trong một nhóm ký kiến nghị để bảo vệ hai anh đó. Chúng tôi kiên quyết cho rằng việc khai trừ hai ảnh là sai, thế là giữa chúng tôi và lãnh đạo tỉnh sinh ra đụng chạm, từ đó chúng tôi bắt đầu thân nhau. Và cũng trong dịp đó anh Hà Sĩ Phu viết một số bài, bài đầu tiên là “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”, ảnh tên thật là Nguyễn Xuân Tụ nhưng dùng bút danh Hà Sĩ Phu. Khi bài viết được tung ra thì mọi người chưa biết là của ai, thế là lãnh đạo các ngành an ninh, văn hóa tư tưởng cứ đi thăm dò, người bảo là của ông Phan Đình Diệu, người lại bảo của ông này ông kia… Cuối cùng vẫn không biết bài đó là của ai, thế mà nó bị vài chục bài trên báo Đảng và báo lý luận đánh tơi bời, làm ầm ầm lên, nên nó trở thành nổi tiếng.
Từ đó chúng tôi bị cuốn vào cùng một dòng chảy. Nói chung chúng tôi đều là những người cầm bút. Tôi thì dù sao cũng đã từng là đại biểu hội đồng nhân dân và cũng đã từng phụ trách cơ quan dân cử ở đây là Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Lạt. Tôi cũng không thể nhắm mắt làm ngơ để anh em trí thức bị đánh, bị vùi dập trong một vùng đất có thể gọi là quê hương của tôi được. Vì vậy mà tôi và một số anh em khác – những người không cầm bút như anh Huỳnh Nhật Hải và anh Huỳnh Nhật Tấn (như anh biết, thường được gọi là “hai anh em họ Huỳnh”, là những người ra Đảng rất sớm), chúng tôi cùng nhau ra sức bảo vệ các nhà trí thức này, thế là tự nhiên hình thành một tình thân hữu và một nhóm. Có những lúc rất khó khăn, các anh ấy bị công an gác rồi quản chế, v.v…; đi thăm mấy ảnh mọi người rất ngại, chỉ có bọn tôi đi tới đi lui thôi. Tình thân giữa chúng tôi bắt đầu vào khoảng 1988-89.
Lý Kiến Trúc: Thưa ông Hà Sĩ Phu, điểm nào ông thấy đắc ý nhất khi gặp gỡ ông Mai Thái Lĩnh và những anh em khác trong cái bối cảnh lúc đó?
Hà Sĩ Phu: Nhóm thân hữu chúng tôi thì cũng đông, nhưng có bốn anh em gần như là trung tâm, là người khởi xướng, có anh Mai Thái Lĩnh, nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự và tôi. Bốn chúng tôi không ai giống ai, xuất thân khác nhau lắm. Tôi vốn chỉ biết nghiên cứu, tức là ở phòng thí nghiệm và bục giảng, không liên quan một tí tẹo nào đến hoạt động xã hội. Nhất là con nhà nho thường kín đáo nhu mì chứ không có gì gọi là xông xáo hoạt động xã hội cả. Mỗi người một khác, cái duyên gắn với nhau nó rất lạ. Nó như thế này: đầu tiên tôi xin vào Đà Lạt để làm khoa học. Như đã nói, tôi làm về cây sâm và cây tam thất. Hai cây thuốc quý đó, sản xuất để nhân dân mình có thuốc dùng, nhưng khi tôi định vào đây để làm thì lúc bấy giờ ta đã có quan hệ với Trung Quốc khá là rộng rãi rồi. Ở Trung Quốc họ trồng sâm, trồng tam thất rẻ lắm. Người ta có sẵn, mình mua, chứ đâu cần phải cầu kỳ sản xuất bằng việc nhân tạo khó khăn, nên công trình đó không có ý nghĩa thực tiễn nữa, tôi phải bỏ.
Rồi đúng lúc anh Bùi Minh Quốc được Tỉnh ủy mời vào đây làm trưởng ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Lâm Đồng. Cái vốn nho học của tôi từ xưa, làm thơ làm câu đối, lại trở nên gần gũi với giới văn nghệ của các anh ấy. Trước khi có cái hội đó, tôi cũng đã viết một số bài thơ đăng báo Lâm Đồng rồi.
Bấy giờ văn học chỉ là cái phương tiện chở tư duy của mình. Lúc đó đất nước đang chuyển đổi, không khí đổi mới ập đến, tất cả chúng tôi bốn người khác nhau lại cùng có mặt trong Hội Văn nghệ Lâm Đồng. Và chúng tôi đều có quan hệ với những người cộng sản ly khai, đổi mới trước tiên ở đất nước này, ví dụ chúng tôi đều thân với ông Nguyễn Hộ ai cũng biết, có tác phẩm Quan điểm và cuộc sống. Ông ấy từng có ý định lập chiến khu mà. Sau đó là thân với ông Trần Độ. Có một thời kỳ, không gọi là thân nhưng chúng tôi rất có thiện cảm với ông Võ Văn Kiệt, một người cộng sản cao cấp nhưng có những tư tưởng không đồng nhất với ý kiến đa số.
Bốn người chúng tôi từ bốn phương trời khác nhau, khả năng khác nhau, anh làm thơ, anh làm văn, anh thì giảng dạy nghiên cứu về triết, còn tôi thì một anh về khoa học tự nhiên. Xin nói tại sao khoa học tự nhiên mà lại dính vào chuyện này: ngay từ khi theo học cái khoa Sinh học ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, lúc ấy dạy Mác-Lênin còn nặng lắm, tôi thấy Sinh học và triết học Mác-Lênin mâu thuẫn với nhau vô cùng. Lúc bấy giờ xã hội còn rất ổn định, coi Mác-Lênin là duy nhất khoa học không ai được cãi nửa câu. Nhưng trong những cuộc thảo luận tổ sinh viên tôi đã là người cãi bướng, vì tôi thấy ông Mác, ông Lênin nói nhiều câu chẳng khoa học gì cả. Cái mầm nó có từ đó, cho nên khi vào đây tham gia Hội Văn nghệ thì anh em thấy “ông này với cái tư duy khoa học chiếu vào cái triết học xã hội này có nhiều điểm được lắm”.
Có một hôm tôi với chị Việt Nga, con gái ông Trường Chinh, cùng ngồi nghe báo cáo thời sự. Chị Nga bảo, này anh Tụ, những ý tưởng anh phát biểu làm tôi rất sáng ra; khi nào anh tổng kết lại, nói có hệ thống một chút cho anh em nghe! Thế là có một cuộc mạn đàm, có thêm cả hai nhà khoa học xã hội là Hoàng Ngọc Hiến và Phạm Vĩnh Cư, cả hai đều nghiên cứu về văn học và học ở Nga rất lâu. Buổi đó tôi vẽ một cái sơ đồ như báo cáo khoa học, nghe xong mọi người bảo phải viết ngay bài này ra, đây sẽ là một quả bom. Tôi bảo viết cái này để nó bắt cho thì chết à? Ông Quốc thì bảo không chừng ông Mác còn bảo vệ cho ông đấy, vì ông Mác cũng có nói một câu giống Phật: muốn giác ngộ thì phải nghi ngờ, phải có phản biện. Thì ông cứ phản biện đi!
Thế là tôi bắt tay vào viết bài đầu tiên, dài có 10 trang đánh máy, chính là cái bài “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”. Lúc ấy còn quá tin tưởng vào tính xây dựng của mình nên viết xong tôi gửi cho báo Nhân dân, báo Đảng Cộng sản, Hội Nhà văn Việt Nam… Nhiều cơ quan trả lời là rất đồng ý, ví dụ tạp chí Sông Hương hứa sẽ đăng ngay trong số sau, Hội Nhà văn Việt Nam viết thư cám ơn… Ai ngờ chỉ ít lâu sau, ông Đào Duy Tùng vác cái bài đó đi khắp các hội nghị đều nói rằng có một nhóm tập thể nào đó lấy tên Hà Sĩ Phu dám dạy chúng ta về Mác! Thế là thành một câu chuyện rất to. Báo Nhân dân, báo Quân đội, tạp chíCộng sản… có hơn 30 bài đánh lại bài của tôi, một cái bài rất nhỏ không thấy đăng ở đâu, thậm chí cả triết gia Trần Đức Thảo cũng viết một bài phê phán bài đó. Thành ra…, một thằng khoa học tự nhiên không bao giờ dính vào chính trị, chỉ vì lý luận động vào cái nền tảng chính trị của các ông ấy mà bỗng nhiên bị chính trị hóa. Thế là tôi bị biến thành một nhân vật chính trị. Đồng thời phía hải ngoại lại hoan nghênh, tôi nhớ lúc đấy ông Nguyễn Ngọc Lan và ông Đỗ Mạnh Tri đã giúp tôi, khen một bài viết như thế này sao lại không được đăng, bên ngoài cũng rất ủng hộ, đến bài “Chia tay ý thức hệ” thì đài RFA cũng đọc mấy tháng liền.
Thế là một anh trước giờ chỉ biết phòng thì nghiệm, chỉ biết bục giảng, tự nhiên bị hai bên đẩy vào chính trị, và trong bốn người chúng tôi thì tôi là người bị đẩy vào chính trị sâu nhất, cho nên bị ngay cái án tù một năm, từ năm 95 tới năm 96. Tóm lại cơ sở để bốn người chúng tôi, người thì Bắc người thì Nam, mỗi người chuyên môn khác hẳn nhau, cùng chia sẻ là tư duy khoa học, nhất là tôi với anh Lĩnh, tư duy triết và toán, dùng luận lý khoa học để thấy sự phi lý của cái lý luận chính trị này. Muốn thành người trí thức thì phải dấn thân cho xã hội, bởi vì thành người trí thức là mình nợ xã hội, xã hội cho mình bao nhiêu thứ mình mới thành người trí thức. Chết đi mà mang cái tri thức đó đi thì mình thành ăn quỵt. Chính với cái tư duy đó và cái tấm lòng là phải trả nợ áo cơm, trả nợ kiến thức cho xã hội nên bốn người chúng tôi đều nghĩ giống nhau, đều thấy phải dùng cái vốn của mình vào công cuộc đổi mới. Vậy gặp nhau là gặp nhau ở cái trí, cái đầu, và gắn nhau ở trái tim.
Còn phải kể đến một yếu tố thứ ba, yếu tố ngẫu nhiên, khiến một anh đang ở Hà Nội lại nhảy vào Đà Lạt, rồi do hoàn cảnh đưa đẩy một anh theo cách mạng chính thống từ Miền Bắc như anh Quốc với hai ông gọi là “phong trào” trong Miền Nam là ông Lĩnh với ông Cự lại gắn kết vào nhau. Cái mối gắn kết này khiến công an người ta khó chịu lắm, người ta căm thù cái sự gắn kết đó và tìm mọi cách phân tán ra mà phân tán không được, người ta khai thác sự khác nhau giữa chúng tôi và đã nhiều phen đánh phá, đặc biệt là tách anh Cự anh Quốc ra khỏi tôi với anh Lĩnh nhưng không tách được, chúng tôi có cơ sở quá vững cho nên đánh không ăn thua. Mới vừa rồi thôi, ngày 22/4 là ngày sinh nhật tôi, trùng với sinh nhật ông Lênin, bốn người chúng tôi cùng ngồi với anh em ở đây rất là vui vẻ.
(Còn tiếp 2 kì)
© 2014 Lý Kiến Trúc, Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh & pro&contra
Share SHARE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.