Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Bố… không ăn muối, bố ươn!.

Bố… không ăn muối, bố ươn!.

Hẳn trong chúng ta, không mấy ai không biết đến câu ngạn ngữ: “cá không ăn muối, cá ươn, con không nghe mẹ, trăm đường con hư” rồi.
Điều này đã đúng trong một chiều dài đằng đẵng của lịch sử cho đến một ngày giữa năm 2002.

Đời cha ăn mặn, đời con… không ăn mặn.

Tại xã XT huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai.

Ông K, vốn là một cán bộ địa chính xã mới bị thất sủng khỏi cái ghế xem như khá “thơm” trong UBND xã vì một lí do lãng nhách: Trình độ có hạn.

Đúng, trình độ ông chỉ qua lớp bảy nhưng gần chục năm qua, ông làm việc khá chu toàn, không xảy ra sơ sót gì.

Nay bỗng chốc ông mất chức để nhường cho “lớp trẻ” theo chủ trương chung.

Lớp trẻ ở đây là một cậu mà ông gọi là “chưa sạch máu đầu”, chỉ hơn thằng con út ông ba tuổi và có tấm bằng đại học mỏng tang, trình độ quản lý, nghiệp vụ thực tế chưa đủ để …xách dép cho ông.

Lý do chính chỉ là cậu này là cháu ruột của tay chủ tịch, người vừa bị ông đá văng khỏi chức vụ vì tham nhũng.

Câu chuyện lẽ ra đến đây kết thúc thì cũng ổn, ông cũng còn nhiều việc khác vui vẻ hơn, thu nhập khá để làm nhưng một vấn đề nảy sinh là thằng út nhà ông lại chơi thân với thằng cán bộ địa chính mới kia, nó cũng sinh hoạt cùng hội bóng chuyền với con trai tay chủ tịch vừa thất sủng. Có lần cậu út kéo cả thằng thanh niên nhiều thói tật xấu kia về nhà ông nhậu nhẹt. Ông tham gia góp ý với nó nhiều lần, nó chỉ cười cười nhưng mọi việc không thay đổi.

Đến nước này thì ông phải dùng quyền lực. Ông yêu cầu cấm con ông giao du với những “đối tượng xấu” kia. Thằng út thẳng thừng từ chối. Điên tiết lên ông dọa: Nếu không nghe ông, ông sẽ đuổi nó ra khỏi nhà.

Đến nước này, thằng bé không chịu nổi và ra gần cổng trường dạy nghề kiếm mặt bằng làm nghề sửa xe đạp xe máy của nó..

Từ ngày nó có “Vương quốc” riêng, tình hình càng tệ. Có hôm ông đi qua, thấy chính tay chủ tịch, kẻ “Tử thù” của ông ngồi chơi, đợi sửa xe trong đó, vừa uống trà, vừa đàm đạo với thằng con ông, họ rất vui.

Nửa năm sau, ở địa phương có vài biến động.

Tay cán bộ địa chính mới kéo theo tay trưởng ban Thuế xã và vài người liên quan vào tù ngồi bóc lịch.

Tay chủ tịch sau khi bị đá văng khỏi xã lại “bị” đẩy lên một chức vụ cao hơn, nay có đơn thư xác đáng nêu một loạt tội lỗi mới gửi cấp thẩm quyền, đã bị “Rớt” thảm hại xuống làm anh tổng quản một tổ khuyến nông ở cụm xã phía tây huyện.

Ông K nhận thấy đây là một dịp tốt để ông “Giáo dục” con, kêu gọi nó quay về với “chính nghĩa” của ông.

Sau khi chỉ rõ việc “dại dột” của cậu út, đã giao du với toàn bọn không ra gì ông chờ đợi ở con một tình cảm ăn năn, tâm phục khẩu phục bố nó rồi quay về nhà làm ăn, ông sẽ mở rộng vòng tay đón nó với điều kiện cấm chỉ nó giao du với lũ kia, kể cả khi chúng ra tù.

Bản lĩnh cậu út.

Nghe xong buổi huấn thị của bố, thằng bé khẳng khái nói không!.

Đến lúc này ông không chịu nổi nữa, ông chỉ thẳng vào mặt con: 

Con mà không nghe bố, về nhà vừa làm vừa học thêm, bố sẽ vận dụng “ngoại giao” thêm cho con kiếm mảnh bằng đại học tại chức gì đó thì đời con khổ lắm con ơi. Cá không ăn muối cá ươn, con không nghe cha mẹ trăm đường con hư…!

Nghe xong, thằng út điềm đạm rót cho ông một li trà rồi từ tốn nói:

Bố ạ, có lẽ đến lúc này, con phải thẳng thắn nói để bố biết, bố sai từ đầu đến cuối trong vụ này đấy.

Trước hết, chỉ vì cay cú chuyện thất học của chính mình mà bố muốn cày cục bằng được cho con vào đại học bằng mọi giá trong khi con đã có một tay nghề sửa chữa máy công cụ gần như nhất vùng này rồi. Con chưa tiện nói cho bố biết, ba năm nay bằng lao động, năng lực của mình con đã dành dụm được hơn ba trăm triệu, con sắp nhờ bố giúp sức để mua cái nhà riêng ngoài huyện để lập nghiệp sẽ tốt hơn ở đây.

Trong lúc đó, anh hai con và chị gái con ai nấy đã tốt nghiệp đại học đàng hoàng nay họ vẫn chưa nuôi nổi họ mặc dù, để có những tấm bằng đó, bố mẹ đã oằn lưng chịu trận trong gần chục năm qua đến mức nhà ta không khá lên nổi. Mới đây con vừa phải bí mật chi cho em gái con ba chục triệu để xin việc cho ra hồn kẻo học xong đại học, cứ cắm đầu vào chăn gà với mẹ không biết đến khi nào.

Về chuyện giao du với người xấu thì chính bố là người giao du trước. Ông chủ tịch trước đây là bạn thân với bố. Suốt ngày kè kè bên nhau, sau đó vì lợi ích phe nhóm, ông ta đã đá văng bố ra rất thảm hại.

Là con trai bố, con đâu có vô tư như anh con, em gái con được. Con không thể ngồi nhìn kẻ xấu thanh trừng cha mình một cách vô lý như vậy được. Việc con kết thân với con cháu họ là để luồn thật sâu vào hang động tối tăm của họ, phăng ra những cái tệ hại nhất của họ và chính con đã “giúp” họ vào tù, mất chức đợt này đấy. Lát nữa con sẽ cho bố xem tấm giấy khen “Vì an ninh tổ quốc” năm nay do cơ quan chức năng tặng con, bố sẽ thấy rõ hơn.

Bố nên hiểu, cuộc sống ngày nay có rất nhiều thay đổi. Thời bố không có tấm bằng đại học khổ như thế nào, dễ bị mất chức như thế nào thì thời nay, có tấm bằng mỏng tang như anh con, em con cũng khổ không kém, nếu không có đủ “lực” để theo vẫn tụt hậu , vẫn thất nghiệp như chơi.

Với con, chỉ ba triệu chi phí và ba tháng học nghề với thời gian khổ luyện vài năm nay, nay con đã là tay thợ đình đám ở xứ này. Một lần khách hàng đón con xách đồ nghề vào rừng cứu một cái máy ủi hạng nặng kẹt trong đó là đã thu nửa tháng lương kỹ sư của mấy anh chị như anh con rồi.

Bố đã già, lại đem trong mình nhiều thiên kiến nên việc tránh đòn thiên hạ cũng kém, khi thua rồi cách phản đòn của bố cũng chỉ là kiểu chấp vặt, tủn mủn của kẻ tiểu nhân nên chỉ gây nên mệt mỏi và làm cho người ta ghét, không giải quyết được gì.
Những thiên kiến tồn tại một thời dài trong cuộc sống nay đã dần hết hiệu lực.

Ngày xưa cá không ăn muối cá ươn thật, nhưng ngày nay, người ta chở hàng trăm tấn cá từ miền nam sang tận Trung Quốc vẫn tươi nguyên phải không bố!?.
Ông K ngồi thừ ra, không biết phải nói gì nữa.

Trong lòng ông xốn sang nhiều cảm giác buồn vui lẫn lộn nhưng cảm giác lớn nhất là ý nghĩ vừa nảy sinh: Cá không ăn muối cá ươn là chuyện xưa rồi.

Câu chuyện hôm nay là bố, con trai yêu quý ơi, con đã đúng, Bố không “ăn muối”, bố sẽ ươn, sẽ xuống cấp là điều rõ ràng.

Nguyễn Huy Cường.

Không có nhận xét nào:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.