Vũ khí Mỹ để tự vệ, niềm mong ước lớn lao của người Việt
Jackhammer Nguyễn
2-4-2022
Ngày 31/3/2022, tác giả Trần Đại Thanh, có bài viết đăng trên trang web của Đài Á châu tự do, với tựa đề: Đã đến lúc Việt Nam tìm mua vũ khí của Mỹ thay cho Nga. Sau khi đọc bài này, giáo sư Trần Hữu Dũng của trang Viet-Studies bình luận: “Không phải đơn giản như thế!”
Ngoài thiếu sót không đề cập tới sự tệ hại của vũ khí Nga trên chiến trường Ukraine trong hơn một tháng qua, dễ dàng đồng ý với tác giả Trần Đại Thanh rằng, cấm vận của phương Tây, trên cả hai phương diện kinh tế và quốc phòng đối với Nga sẽ làm cho Việt Nam đối diện ngay lập tức với viễn cảnh kho vũ khí của mình sẽ là đống đồng nát trong tương lai gần.
Không ai muốn chiến tranh xảy ra nhưng các nước đều nghĩ tới việc phòng thủ nếu nó xảy ra và các cuộc chiến tranh trong tương lai sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, tác chiến điện tử… mà nước Nga đang chứng minh rằng nền quốc phòng điện tử của họ tệ hại như thế nào.
Một vấn đề khác cần quan tâm mà tác giả không đề cập trong bài, đó là trang bị quốc phòng của Việt Nam giống hệt như của người “anh em láng giềng” phương bắc, nhưng lại ở mức thấp hơn. Hơn nữa, với sức mạnh kinh tế và khoa học kỹ thuật của mình, Bắc Kinh có thể copy vũ khí Nga, rồi tự tạo cho mình một nền công nghiệp quốc phòng, trong khi đó, Việt Nam không thể và không có khả năng làm được điều này.
Nhưng lời đề tựa của bài viết: “Đã đến lúc Việt Nam tìm mua vũ khí của Mỹ thay cho Nga”, phần kết luận về những rào cản làm Hà Nội không mua vũ khí Mỹ, có phần không đúng, hay nói như giáo sư Trần Hữu Dũng: Không phải đơn giản như thế!
Bạn đọc có thể tìm hiểu dễ dàng về những quy định ngặt nghèo của luật pháp Mỹ khi chính quyền nước này muốn bán vũ khí cho quốc gia nào đó. Nhìn lại sự kiện lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua các hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan cách đây mấy năm, không hề dễ dàng chút nào. Gần đây nhất, sự kiện ấn tượng nhất là cựu tổng thống Donald Trump đòi tổng thống Ukraine phải … điều tra đối thủ chính trị của ông ta, thì mới tháo khoán mấy trăm triệu tiền viện trợ hỏa tiễn cho Ukraine!
Có thể chúng ta bị ấn tượng nhiều quá về các đại công ty tư bản sản xuất vũ khí của Mỹ, về quyền lực “vô đối” của họ trong các bài tuyên truyền chống chủ nghĩa tư bản của cơ quan tuyên giáo. Đúng là họ rất mạnh và rất muốn bán vũ khí, nhưng còn có mấy trăm người đại diện cho người dân Mỹ ở Quốc hội cũng có quyền lực không kém. Kẻ mua vũ khí phải được xét tới xét lui rất tỉ mỉ, và trong trường hợp Việt Nam, vấn đề nhân quyền sẽ chắc chắn được cột vào, nếu Hà Nội muốn ký những hợp đồng lớn về vũ khí với Washington.
Bạn đọc có thể nói là Mỹ chẳng phải từng cung cấp vũ khí cho các chế độ độc tài hay sao! Đúng là như vậy, có thể kể nhiều lắm: Pinochet, Suharto, Park Chung Hy, Tưởng Giới Thạch… Nhưng nên nhớ rằng các chế độ này, lúc đó phục vụ cho mục tiêu chiến lược toàn cầu của Mỹ, vậy nên họ có thể bỏ qua chuyện nhân quyền.
Việt Nam hiện nay là một đối tác quan trọng trong chiến lược của Mỹ (theo một số nguồn tin thì có thể sang năm 2023 hai nước sẽ chính thức nâng quan hệ lên đến mức chiến lược?!), nhưng mối quan hệ giữa Mỹ và Bắc Kinh không phải như thời chiến tranh lạnh. Trung Quốc có một sức ảnh hưởng rất đáng kể để Mỹ và phương Tây phải cân nhắc.
Hà Nội đã phải đi đường vòng trong mấy năm qua, mà quan trọng nhất là tiếp cận Israel, đồng minh vô điều kiện của Mỹ để mua vũ khí. Nhiều sĩ quan Việt Nam đang được đào tạo ở Mỹ, trong đó có các phi công. Điều đó có nghĩa là gì nếu không phải là tạo sẵn nguồn nhân lực cho máy bay Mỹ?
Hà Nội cũng tìm những cách để có vũ khí Mỹ một cách vô hại, không làm Bắc Kinh lo ngại, chẳng hạn như nhận hai chiếc tàu tuần tra Hamilton cũ. Hai chiếc tàu này làm giảm bớt hẳn những xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên biển của các đội dân quân biển trá hình là tàu cá của Trung Quốc.
Không phải Hà Nội không thấy vũ khí Mỹ lợi hại như thế nào, cũng như không phải họ không thấy sự tương đồng rất nguy hiểm của quân đội Việt Nam và Bát lộ quân Trung Quốc, nhưng để có thể có được những lô vũ khí có đầu có đuôi, có bảo trì, có huấn luyện,… với Mỹ là chuyện không dễ có ngay lập tức.
Nay sự xâm lăng của Nga vào Ukraine, cho thấy rõ vũ khí Nga tệ hại ra sao, nước Nga điêu đứng ra sao khi đối mặt với cấm vận, hẳn là Hà Nội càng sốt ruột trong việc tìm nguồn vũ khí từ Mỹ.
Ý kiến của tác giả Trần Đại Thanh đại diện cho khá nhiều người Việt Nam hiện nay, nhưng có lẽ nó không thực tế, mà là niềm mong ước thì đúng hơn.
Tôi nghĩ, trong đại hội kỳ tới của trung ương đảng cộng sản cầm quyền, nếu Đảng CSVN tuyên bố thả tù chính trị, bầu cử tự do, đa đảng… thì may ra, sau đó sẽ có hàng tỷ đô la vũ khí Mỹ được ký kết.
Nhưng có lẽ mong ước đó của tôi quá lớn, hơn cả mong ước vũ khí Mỹ của tác giả Trần Đại Thanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.