“Đem yêu thương về nơi oán thù”
Nghe một lần mà lời ca thật ấn tượng, đầy xúc cảm, ghi nhớ trong tôi không thể nào quên. Tôi cứ nghĩ, làm sao để con người “đem yêu thương vào nơi oán thù”? Được như thế mới có thể hoá giải hận thù, mới hoà hợp dân tộc trong yêu thương, tin cậy, sống cùng nhau trong an lành, hạnh phúc.
1. Hoa Kỳ đã kết thúc cuộc nội chiến bằng yêu thương thay vì oán thù
Chuyện kể rằng, cuộc nội chiến Nam – Bắc Hoa Kỳ bắt đầu vào ngày 12-4-1861. Cuộc chiến tranh với hàng trăm trận đánh trong 4 năm đã làm cho quân hai bên chết 620 ngàn người và hàng triệu người bị thương.
Trong trận đánh cuối cùng Appomattox Court House, quân miền Bắc chiếm được Richmond là thủ đô của miền Nam vào ngày 2-4-1865. Hai ngày sau, Tổng Thống Abraham Lincoln của Hoa Thịnh Ðốn đến thị sát Richmond, bước vào dinh tổng thống miền Nam đã bỏ chạy. Tiếp theo là Tướng Robert E. Lee đầu hàng tướng Ulysses S. Grant của miền Bắc vào ngày 9-4-1865.
Bài học tuyệt vời là cách xử sự của hai vị tướng quân kẻ thắng, người thua trong kết thúc chiến tranh.
Thấy quân miền Nam đang lâm nguy, ngày 7 tháng 4, tướng Grant gửi một lá thư đến tướng Lee, nói rằng đã đến lúc cho Binh đoàn Bắc Virginia đầu hàng.
Trong thư trả lời, tướng Lee từ chối yêu cầu này nhưng lại hỏi Grant về các điều kiện đầu hàng như thế nào?
Tướng Grant một mặt trả lời thư của tướng Lee, một mặt cho quân đánh chặn đường tiếp viện lương thực, khiến quân miền Nam càng nguy khốn.
Sáng ngày 9 tháng 4, tướng Grant nhận được thư đầu hàng của tướng Lee. Grant nhớ lại rằng, chứng đau đầu của ông dường như biến mất khi ông đọc thư của tướng Lee. Trong thư phúc đáp, tướng Grant đặc biệt cho phép bại tướng Lee chọn lựa nơi họp để ký văn bản đầu hàng.
Sau vài tiếng đồng hồ thư từ phúc đáp giữa tướng Grant và tướng Lee, lệnh ngừng bắn được thiết lập. Tướng Grant tiếp nhận lời yêu cầu thảo luận về các điều kiện đầu hàng của tướng Lee.
Tướng Grant đã ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc, không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với ông tướng tư lệnh miền Nam bại trận.
Trưa ngày lịch sử 9-4-1865, tướng Lee và mấy tùy tùng cưỡi ngựa vượt qua phòng tuyến đến nơi hẹn ước. Hình ảnh ghi lại mấy người đi qua đoàn quân nhạc của lính miền Bắc thổi kèn chào đón. Các sĩ quan miền Bắc đưa vị tư lệnh miền Nam vào phòng họp. Nửa giờ sau, tướng Grant và đoàn tùy tùng miền Bắc đến. Cuộc thảo luận và ký kết các văn bản diễn ra chỉ trong mấy giờ.
Khi tướng Lee rời phòng họp và cưỡi ngựa đi thì binh sĩ của Grant bắt đầu hò reo vui mừng, nhưng tướng Grant ra lệnh ngừng ngay lập tức. Ông nói “Những người miền Nam bây giờ là nhân dân của chúng ta, và chúng ta không muốn đắc chí trên sự suy sụp của họ“.
Điều kiện đầu hàng do tướng Lee yêu cầu, hầu như được đáp ứng hết.
Sĩ quan các cấp phải đưa ra văn bản hứa danh dự cá nhân mình là sẽ không cầm vũ khí chống lại Chính phủ Hoa Kỳ cho đến khi được bàn giao hợp lý, và mỗi chỉ huy đại đội hay trung đoàn ký một văn bản như lời hứa danh dự thay mặt các binh sĩ dưới quyền của mình. Các vũ khí và tài sản công phải nộp lại.
“Điều này không bao gồm các vũ khí cá nhân của các sĩ quan, cũng không bao gồm ngựa và hành trang cá nhân của họ. Xong xuôi, mỗi sĩ quan và binh sĩ được phép quay trở về nhà của mình, không bị các giới chức chính phủ Hoa Kỳ quấy nhiễu, miễn sao họ tuân thủ đúng lời hứa danh dự của mình và luật pháp có hiệu lực tại nơi mà họ cư trú” (1).
Sau lễ đầu hàng, 27.805 binh sĩ miền Nam đã đi qua và xếp đống vũ khí của mình trao cho bên thắng cuộc.
Ngoài các điều kiện trên, tướng Grant cũng cho phép các binh sĩ bại trận mang ngựa và lừa của họ về nhà để giúp trồng trọt vào mùa xuân và tạo điều kiện để nguồn tiếp tế lương thực cho binh đoàn đang đói của tướng Lee. Tướng Lee nói, việc này sẽ có một hiệu quả rất hài lòng cho binh sĩ của ông và giúp ích rất nhiều trong việc hòa giải quốc gia.
Sau khi binh đoàn chủ lực của tướng Lee đầu hàng, các cánh quân khác cũng lần lượt đầu hàng, chấm dứt cuộc nội chiến thảm khốc, mở ra kỷ nguyên mới: Giải phóng nô lệ, hoà hợp quốc gia, đưa đất nước phát triển rực rỡ.
“Sau này khi viết về văn bản đầu hàng, lịch sử ghi rằng đây là thỏa hiệp của những người quân tử (The Gentlemen’s Agreement). Trên các bảo tàng viện và đặc biệt là bảo tàng viện ở Appomattox Virginia có tranh sơn dầu hình tướng Lee hiên ngang quắc thước trong bộ quân phục xanh dương, tóc và râu bạc, thể hiện hình ảnh người Mỹ anh hùng không bị khuất phục dù thua trận. Toàn thể nước Mỹ hiểu rằng khi một người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay Mỹ miền Bắc cũng vẫn là một người Mỹ bị sỉ nhục” (2).
“Thực vậy, 140 năm sau, cô Mary quản thủ ‘Viện bảo tàng Đầu hàng’ đã nói rằng dù hình ảnh của miền Nam hay miền Bắc, lịch sử không muốn ghi lại các hình ảnh xấu xa của bất cứ phe nào.
Ở đây là nơi lưu giữ hình ảnh của các anh hùng miền Nam lẫn miền Bắc. Ðặc biệt là hình ảnh của phe bại trận lại được lưu ý hơn cả phe chiến thắng. Lá cờ rách của miền Nam thua trận treo tại thủ đô Richmond bây giờ lại là bảo vật hào hùng của “Bảo tàng Viện Đầu hàng”…(2)
Nhưng chỉ vui chiến thắng chưa được một tuần lễ, ngày 15/8/1865, Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát chết. Vị tổng thống thứ 16 trở thành vĩ nhân thống nhất đất nước và giải phóng nô lệ.
Bài học lịch sử như vậy, học sinh nào chẳng muốn học để làm người tử tế.
2. Ba Lan đem yêu thương xóa bỏ hận thù với Ukraine
Theo lệnh của tổng thống Putin, ngày 24/2/2022 quân Nga đã tấn công tổng lực trên toàn lãnh thổ Ukraine, một quốc gia độc lập, có chủ quyền, thành viên Liên Hiệp quốc. Cuộc chiến bất ngờ và vô cùng tàn khốc khiến nhiều người dân Ukraine bỏ hết tất cả, cốt sao chạy thoát thân. Dòng người đổ về Ba Lan hơn 2 triệu người chỉ trong một tháng.
“Ba Lan đang cưu mang 2 triệu người Ukraine. Họ được học hành miễn phí, khám chữa bệnh miễn phí, đi tàu xe công cộng miễn phí, được trợ cấp mỗi người 40zl (10 USD/ngày), trẻ em đến 18 tuổi được thêm 125 USD/ tháng, như các trẻ Ba Lan. Ngoài ra, tuỳ theo thiện chí của các nhà hàng, quán ăn, người Ukraine cũng được bán giảm giá, thậm chí có chỗ tới 90%.
Có thể với các nước giàu, như thế là không nhiều, nhưng người Ukraine vẫn chọn ở lại Ba Lan vì gần nhà, vì tương đồng văn hoá, ngôn ngữ; đặc biệt vì sự nồng ấm của người dân và chính phủ Ba Lan dành cho họ. Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh, đây là những người KHÁCH của Ba Lan. Họ được đối xử trân trọng như những thượng khách của đất nước.
Chính phủ mới đây còn tuyên bố đầy kiêu hãnh rằng, từ giờ tới cuối năm, Ba Lan cần 2 tỉ Euro để lo cho người tị nạn, nhưng EU cho thì lấy, còn không Ba Lan tự lo được, không cần xin.
Cựu đại sứ Mỹ ở Ba Lan, bà Georgette Mosbacher mới đây nói: EU và Mỹ phải xin lỗi Ba Lan vì đã hiểu sai về đất nước này, Ba Lan thông minh hơn, họ đã nhìn thấy những vấn đề mà Mỹ và EU không nhìn ra. Ý bà đề cập tới việc, Ba Lan nhìn ra nguy cơ của Nga và đã cảnh báo rất nhiều lần, nhưng không ai nghe.
Hôm nọ có bạn hỏi, nếu sau này người Ukraine không về nước thì sao? Nếu số người (trong đó có một nửa trẻ em) này không về thì Ba Lan coi như… trúng số độc đắc. Mấy chục năm nay, dùng đủ mọi cách khuyến khích, Ba Lan cũng không tăng được dân số, không tăng được tỉ lệ sinh. Nói vậy thôi, người Ukraine rất nóng lòng về nhà, vừa ngơi tiếng súng, một số người đã lục tục về rồi đấy.
Đáp lại thịnh tình của phía Ba Lan, nhiều người dân Ukraine tự nguyện tham gia dọn dẹp, làm sạch các khu vực công cộng của thành phố nơi họ tạm trú” (3). Nhiều người Ukraine có chuyên môn cũng mau chóng được nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Ba Lan. Nhiều người Ba Lan nói, không thấy phiền phức mà thấy vui hơn vì phố xá thêm tấp nập.
“Thực ra người Ba Lan chưa bao giờ là bạn của người Ukraine. Trong lịch sử, đã có rất nhiều những đụng độ đẫm máu giữa người Ba Lan và người Ukraine, đỉnh điểm là vụ quân đội nổi dậy Ukraine đã giết từ 35.000 đến 60.000 dân thường Ba Lan ở Volhynia, 25.000 đến 40.000 người ở Đông Galicja, vào tháng 7 năm 1943, mà hầu hết là phụ nữ và trẻ em, chỉ vì muốn: “làm sạch lãnh thổ Ukraine khỏi người ngoại quốc, xóa sự hiện diện của người Ba Lan trong khu vực” (4).
“Trong khi đó, chính quyền Ukraine hiện nay vẫn chưa công nhận sự kiện này, thậm chí năm 2016, chính thị trưởng thành phố Kyiv, Vitali Klitschko còn đặt tên một đại lộ chính ở Kyiv mang tên của Stefan Bandera, người được coi là chịu trách nhiệm chính cho vụ thảm sát này”.
“Nhưng khi quân Nga xâm lược Ukraine, truyền thông, nhà thờ, chính phủ, dân chúng… đều truyền đi thông điệp: “Phải gác những bất đồng trong quá khứ trước thảm kịch của dân tộc Ukraine”. Và họ đã làm đúng điều đó, chứ không chỉ nói mồm, họ đón nhận người Ukraine tị nạn, cho họ sống dưới cùng mái nhà; Ba Lan sẵn sàng đón nhận thêm nhiều triệu người nữa và chính phủ Ba Lan là một trong những nước cung cấp vũ khí, viện trợ kinh tế nhiều nhất cho Ukraine.
Sự hỗ trợ vô điều kiện khi khó khăn đó đã làm quan hệ giữa hai nước hoàn toàn thay đổi, hiện nay, Ukraine coi Ba Lan là đồng minh thân cận nhất, thậm chí những người mang tư tưởng “bài Ba Lan” như Vitali Klitschko, thị trưởng Kyiv, cũng đã công khai thay đổi quan điểm, trái ngược hẳn với trước đây. Ông đã quyết định lên kế hoạch đổi tên bến tàu điện ngầm Minsk thành “Warsaw Metro Station” để vinh danh sự giúp đỡ của người Ba Lan” (3)
“Đem yêu thương vào nơi oán thù”, Ba Lan đã gây dựng được lòng biết ơn chân thành và niềm tin yêu từ người Ukraine, hai dân tộc có thể hoá giải được hận thù để trở thành bạn bè tin cậy.
Trong họa có phúc. Phúc lớn cho muôn đời con cháu của hai dân tộc.
3. Tại sao Việt Nam?
Càng nghĩ càng thấy lạ lùng và buồn cho não trạng người Việt chúng ta. Cuộc nội chiến Bắc – Nam đã chấm dứt gần 50 năm mà vẫn không thể hoà hợp dân tộc, lòng người vẫn ly tán, bên này vẫn coi bên kia là thù địch. Đặc biệt trong xã hội ngày nay, những người có mong muốn thay đổi xã hội theo hướng hòa hợp dân tộc, xây dựng xã hội dân sự, có tự do, dân chủ, nhân quyền, thực hiện đúng Hiến Pháp (2013), nhất là Điều 14, 20, 21, 22, 23, 24, 25, thì bị coi như “thế lực thù địch”(?).
Có người cho rằng, “căn tính” đó của người Việt có từ xưa: “Yêu nhau yêu cả đường đi/ Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng”…; triều đại sau lên đều tìm cách tận diệt thân thích của triều đại trước…
Rồi khi chủ nghĩa cộng sản được du nhập vào Việt Nam, cái “căn tính” ấy càng được “phát huy” cao độ bởi “lý luận đấu tranh giai cấp, một mất, một còn”! Lòng căm thù trở thành “động lực cách mạng”; phương pháp “giác ngộ quần chúng” là “ba cùng với tầng lớp vô sản” để “ôn nghèo, gợi khổ, nhớ thù xưa” nhằm kích hoạt, phát động lòng căm thù.
Người cộng sản coi lòng căm thù là sức mạnh cần được nuôi dưỡng: “Nuôi đi em, cho đến lớn, đến già/ Mầm hận ấy trong lồng xương ống máu” và “Thù muôn đời muôn kiếp không tan”, Căm hờn lại giục căm hờn/ Máu kêu trả máu, đầu van trả đầu!… (Tố Hữu).
Có kích động lòng căm thù giai cấp mới tạo ra cuộc “cải cách ruộng đất long trời lở đất”…
“Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu
Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp!” (Tố Hữu)
Thôi, chuyện thời Tố Hữu xưa rồi, có thể gác lại, nhưng ngày nay trong nhà trường vẫn nhấn mạnh giáo dục lòng căm thù cho học sinh, và ông tướng Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương vẫn nói: “Đấu tranh với thế lực thù địch là cuộc đấu tranh một mất một còn” thì kinh quá. Vì bất kỳ người dân nào cũng có thể trở thành “thế lực thù địch” khi đòi thực hiện các quyền ghi trong Hiến pháp; hàng nghìn dân oan bị khủng bố, đoạ đầy; hàng trăm người bị tra tấn, tù đày khắc nghiệt; hàng trăm người khác bị các phương tiện truyền thông nhà nước bêu riếu, lăng nhục như những “kẻ phản động”, “thế lực thù địch”. Đỉnh điểm là hàng ngàn công an vũ trang đang đêm tấn công vào thôn Hoành xã Đồng Tâm, Hà Nội, giết hại Cụ Lê Đình Kình, cựu chiến binh, cựu Bí thư Đảng uỷ, 56 tuổi đảng và bắt đi tra tấn, bỏ tù mấy con cháu cụ Kình, y như thời phong kiến “chu di ba đời”! Mà sự việc chỉ từ tranh chấp đất đai, lẽ ra thấy có hành vi phạm pháp thì phải truy tố, đưa ra Toà xét xử công minh.
Không, quyết đem hung tàn mổ bụng phanh thây một cụ già bướng bỉnh để gây khiếp đảm cho toàn dân. Một hành động vô thiên, vô pháp tàn ác chỉ nhằm chứng minh cho nhân loại thấy “đấu tranh một mất một còn của cộng sản” là như thế đó!
Lạ lùng cái nhà nước này, đối với kẻ thù ngoại bang thì luôn phát huy “truyền thống hòa hiếu”, “đem nhân nghĩa thắng hung tàn, Lấy chí nhân thay cường bạo”…, nhưng đối với đồng bào, chỉ khác ý mình là luôn dùng những lời lẽ thô bỉ, những hành động tàn ác bất nhân, bất nghĩa để ứng xử. Cái “não trạng” đó ngày càng lan truyền trong đời sống xã hội.
Mới đây trên Facebook của đại tá QĐNDVN Trịnh Lê Hoài Nam (đã nghỉ hưu), nêu rõ “mục tiêu” là “VẠCH MẶT KẺ THÙ – THỨC TỈNH NHÂN DÂN”, trong đó ông coi tất cả những ai phản biện chế độ, trái ý ông ta đều là “phản động”, thậm chí là “phản quốc”, là “kẻ thù”(!) Ngày 12/4/2022, ông ta viết những dòng đầy khát máu: “Đã ủng hộ TIỀN cho Tân phát xít Ukraine thì chỉ có quân phản động.
Đối với tôi, những kẻ đã, đang ủng hộ nhà nước Tân phát xít Ukraine bằng tinh thần, vật chất, đặc biệt là bằng TIỀN BẠC đều là loài phản quốc cần phải đấu tranh loại trừ” (5). Loại trừ theo cách nói của quân đội là bắn bỏ!
Được sự khuyến khích và bảo kê bởi Tuyên giáo, nên lực lượng dư luận viên và “hơn 10.000 chiến sĩ lực lượng 47 tác nghiệp 24/24 để đấu tranh với các luận điệu của các thế lực thù địch”, tha hồ vu khống, bịa đặt, bôi nhọ, chửi rủa những người mà tự họ cho là “chống phá chế độ”. Thật chẳng còn đạo đức, nhân nghĩa, luật pháp gì nữa!
Trên không gian mạng cũng như trong đời sống xã hội Việt Nam, đầy những tâm địa ác độc, đe dọa khủng bố gieo rắc lòng thù hận, chia rẽ, kích thích bạo lực…
Một chế độ mang bản chất hoàn toàn trái ngược với những giá trị cốt lõi của nhân loại là Thành thật, Nhân ái, Bao dung, Hoà hợp… thì hy vọng gì cho con cháu chúng ta?
_____
Tham khảo:
1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%ADn_Appomattox_Court_House
2. https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nuoc-my-sau-noi-chien-va-bai-hoc-hoa-hop-dan-toc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.