Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

Bài học từ chiến tranh Nga – Ukraine: Tham vọng lãnh thổ và kẻ xâm lược

 

Bài học từ chiến tranh Nga – Ukraine: Tham vọng lãnh thổ và kẻ xâm lược

Nguyễn Ngọc Chu

23-4-2022

1. DÃ TÂM XÂM CHIẾM LÃNH THỔ

Cuối cùng thì lãnh đạo LB Nga không còn úp mở về dã tâm. Tướng Nga đã tuyên bố công khai, rằng mục tiêu giai đoạn hai là chiếm toàn bộ Donbass gồm Luhansk (26.683 km²) và Donetsk (26.517 km²) cùng miền Nam Ukraine, tạo thành một dải liền gồm Donbass, Nam Ukraine, Crimea (27.000 km²) và thông với vùng Pridnestrovie (4.163 km²) của Moldova. Pridnestrovie (Transnistria) là lãnh thổ của Moldavia, nơi quân đội Nga chiếm đóng từ năm 1992, tự thành lập nước cộng hoà, và tự tuyên bố ly khai khỏi Moldova.

Miền nam Ukraine được hiểu, tối thiểu là 4 tỉnh (vùng) Zaporizhia (27.183 km²), Kherson (28.461 km²), Mykolaiv (24.598 km²), Odessa (33.314 km²), chưa nói đến các tỉnh Dnepropetrovsk (31.923 km²) và Kirovohrad (24.588 km²). Với mục tiêu giai đoạn 2, chính quyền Putin đang toan tính chiếm đoạt 32,1% lãnh thổ Ukraine, phần lãnh thổ giàu có nhất về công nghiệp và khoáng sản của Ukraine với diện tích của 7 tỉnh là 193.756 km².

Nếu khát vọng đất đai của kẻ xâm lược còn bao gồm thêm 2 tỉnh Dnepropetrovsk (31.923 km²) và Kirovohrad (24.588 km²), thì chính quyền Putin toan cướp đi 250.267 km² trên tổng số 603.548 km² lãnh thổ Ukraine, tức là 41,47%.

Cùng với mục tiêu chiếm đoạt lãnh thổ Ukraine, chia cắt lâu dài đất nước Ukraine, chính quyền Putin còn muốn kéo dài biên giới Nga tiếp nối với biên giới Moldova, đồng nghĩa với việc Moldova (33.700 km²) sẽ mất vùng đất Pridnestrovie (4.163 km²), là mất đi 12,35% lãnh thổ.

Mới hay, xâm chiếm lãnh thổ Ukraine mới là mục tiêu lớn nhất của chính quyền Putin. Trung lập, NATO, phát xít… tất cả chỉ cái cớ để phát động chiến tranh nhằm cướp đoạt đất đai, mở rộng lãnh thổ. Cuối cùng thì kẻ xâm lược tự mình lật tẩy dã tâm.

2. BAO GIỜ THÌ KẾT THÚC GIAI ĐOẠN 2?

Chiến lược ban đầu của ông Putin là tiến hành một cuộc chiến tranh chớp nhoáng, “đánh nhanh thắng nhanh”. Mục tiêu “toàn cục” của Putin là chiếm trọn Ukraine qua việc khuất phục Kyiv cùng các thành phố lớn của Ukraine trong vòng 72 giờ để thành lập chính phủ thân Nga. Nhưng chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của ông Putin đã thất bại. Sau 1 tháng giao chiến khốc liệt, với tổn thất rất lớn, khoảng 25% năng lực chiến đấu của 20 vạn quân Nga, ông Putin buộc phải rút khỏi các tỉnh Kyiv, Chernihiv, Sumy cùng với tuyên bố kết thúc giai đoạn 1 để chuyển sang giai đoạn 2.

Ở giai đoạn 2 mục tiêu về lãnh thổ đã thay đổi. Từ mục tiêu “toàn cục”, quân Nga đã phải chuyển sang mục tiêu “địa phương”: Không chiếm toàn bộ Ukraine mà chiếm một phần lãnh thổ phía Đông và phía Nam của Ukraine như đã nói ở trên.

Còn về chiến lươc “đánh nhanh thắng nhanh” đã thất bại thì có lẽ tương tự như chiến dịch Điện Biên Phủ, quân Nga sẽ ở trong tình thế “đánh chắc, tiến chắc”(?). Nhưng rõ ràng là cả ông Putin lẫn các tướng lĩnh Nga đều muốn kết thúc giai đoạn 2 càng sớm càng tốt. Còn sớm như thế nào thì ông Putin và các tướng lĩnh Nga không thể tự quyết định được, vì còn phụ thuộc vào phía Ukraine. Cho nên cả ông Putin lẫn các tướng lĩnh Nga chưa công khai về thời hạn kết thúc giai đoạn 2 của chiến tranh Nga- Ukraine.

Vũ khí hạng nặng bắt đầu đến với quân đội Ukraine. Cuộc chiến ở Đông và Nam Ukraine sẽ vô cùng khốc liệt. Người Ukraine sẽ không chịu mất đi 1/3 lãnh thổ. Nếu quân Nga chiếm được vùng nào thì cũng chỉ tạm thời. Các cuộc phục kích sẽ không bao giờ chấm dứt trên vùng đất bị quân Nga chiếm đóng.

Quân đội Nga không phải là nguồn vô tận để ông Putin tiêu phí hàng vạn sinh mệnh người Nga cho mục tiêu chiếm đất. Nước Nga không thể tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài nhiều năm.

Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine nhất định phải kết thúc bằng một hoà ước. Hoà ước đến sớm hay muộn phụ thuộc vào tình thế trên chiến trường. Quân Nga càng tổn thất nặng, hoà ước càng đến sớm.

Có một thời hạn biết chắc là chiến tranh Nga – Ukraine phải kết thúc. Đó là lúc nước Nga không có Putin.

3. THAM VỌNG LÃNH THỔ VÀ KẺ XÂM LƯỢC

Các cuộc chiến tranh có thể không giống nhau về bản chất. Thế nào là chiến tranh xâm lược? Các định nghĩa có thể khác nhau. Nhưng có một nhân tố bất di bất dịch cho muôn đời để xác định bản chất của chiến tranh xâm lược. Đó là chiếm đất. Tiến hành chiến tranh để chiếm đoạt đất đai của nước khác thì mãi mãi là kẻ xâm lược, bất kể đội lốt dưới hình thức nào.

Trong nhiều bài học mà người Việt có được từ chiến tranh Nga – Ukraine, có bài học về tham vọng lãnh thổ và kẻ xâm lược. Kẻ xâm lược không bao giờ ngừng tham vọng lãnh thổ. Kẻ tham vọng lãnh thổ sớm muộn cũng trở thành kẻ xâm lược. Từ đó mà xác định kẻ xâm lược và kẻ sẽ trở thành xâm lược.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.