Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Ngân hàng sân sau, chứng khoán người nhà

 

Ngân hàng sân sau, chứng khoán người nhà

TTO - "Ngân hàng sân sau" là gì? Là một số doanh nhân tìm cách sở hữu nhiều cổ phiếu sau đó biến ngân hàng thành "két sắt" phục vụ cho các doanh nghiệp của mình.

Mã FLC của Tập đoàn FLC tiếp tục rơi xuống giá sàn 11.800 đồng/cổ phiếu trong phiên 30-3, với gần 102 triệu cổ phiếu dư bán sàn, tương đương với tổng giá trị hơn 1.200 tỉ đồng - Ảnh: BÔNG MAI

Còn "chứng khoán người nhà"? Đó là những doanh nghiệp nắm công ty chứng khoán để từ đó phục vụ cho mục tiêu của mình, chẳng hạn như "mông má" và tung hứng giá cổ phiếu, tư vấn phát hành ẩu... để hưởng lợi. Các ý đồ của những ông chủ này đều gây hại cho thị trường và xa hơn là nền kinh tế.

Nhiều năm trước, tình trạng ngân hàng sân sau rộ lên ít nhiều đã gây ra hệ lụy. Vốn do ngân hàng huy động thay vì cho cá nhân, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề vay lại tập trung vào số ít doanh nghiệp của "ông chủ" ngân hàng đó. 

Vì người nhà nên việc cấp tín dụng nhiều lúc dễ dãi, không có tài sản thế chấp, không quản lý dòng tiền... Điều này trái với nguyên tắc của ngân hàng là phân tán rủi ro, không dồn vốn vào một vài ngành, vài doanh nghiệp, để lỡ họ có khó khăn, nợ xấu không dềnh lên. 

Vì thế từ hơn chục năm trước, Luật tổ chức tín dụng đã quy định rất chặt để ngăn tình trạng ngân hàng sân sau. 

Luật ràng buộc rất nhiều, nhưng hiểu đơn giản là anh đang nắm vị trí có quyền quyết định ở ngân hàng, đừng nghĩ đến vay vốn ở ngân hàng đó. Và cho đến nay, việc ngăn chặn ngân hàng sân sau hay cấp tín dụng cho người nhà vẫn luôn được giám sát và cảnh giác cao.

Những gì đã diễn ra với thị trường chứng khoán gần đây là lời cảnh báo vì thế cũng cần phải soi kỹ, nhất là với công ty chứng khoán. 

Thị trường chứng khoán ngày càng giữ vai trò quan trọng trong đời sống doanh nghiệp và nền kinh tế, đến cuối năm 2021 quy mô đạt tương đương trên 120% GDP. Chứng khoán được "bình dân hóa" với hàng triệu người mở tài khoản để bỏ vốn đầu tư. 

Càng bình dân, càng thêm rủi ro cho người mới bước vào thị trường. Và khi lợi nhuận càng cao, các chiêu trò, thủ thuật ngày càng tinh vi, thậm chí táo tợn, kể cả liều lĩnh nếu cơ quan quản lý lơ là, pháp luật không chặt chẽ.

Vụ ông Trịnh Văn Quyết dùng công ty chứng khoán để tung hứng giá cổ phiếu khiến nhiều nhà đầu tư sập bẫy là một lời cảnh báo. 

Hay như trái phiếu doanh nghiệp, dù chỉ mới "chạy đà" thôi, hoạt động này đã có vấn đề, buộc Bộ Tài chính phải tuýt còi. Đã xảy ra tình trạng tránh thủ tục vay chặt chẽ của ngân hàng, doanh nghiệp chạy qua thị trường khoán vay cho... dễ! 

Rồi phát hành trái phiếu khi chưa được phép, lỗ vẫn vô tư phát hành trái phiếu để vay, vốn tự có ít lại vay nhiều. Mặc dù nhiều trái phiếu có tài sản đảm bảo nhưng chất lượng tài sản đảm bảo chưa chắc chắn, chủ yếu là dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp giá dễ biến động có thể không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu... Những tồn tại này ít nhiều đều có liên quan công ty chứng khoán người nhà, sân sau.

Đừng lặp lại những cú sốc như vụ FLC. Cũng như trong hoạt động ngân hàng, việc quản lý thị trường chứng khoán trong đó có các công ty chứng khoán phải đi trước một bước. Bởi "ao ước" có được ngân hàng để làm sân sau, nắm công ty chứng khoán để dễ dàng thu lợi cho mình của nhiều cá nhân, doanh nhân vẫn còn đó, thậm chí "cháy bỏng" vì lợi nhuận quá lớn. Không để mất bò mới lo làm chuồng.

Nguồn: Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.