Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Nga - Ukraine: Việt Nam có nên ‘sợ cô lập’ vì chủ trương ‘4 không, 4 tránh’? Nga xâm lược Ukraine Chính sách 4 không

 

Nga - Ukraine: Việt Nam có nên ‘sợ cô lập’ vì chủ trương ‘4 không, 4 tránh’? Nga xâm lược Ukraine Chính sách 4 không

BBC tiếng Việt

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đến Đà Nẵng ngày 5/3

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đến Đà Nẵng ngày 5/3/2020. Ảnh: REUTERS

Một cây bút người Philippines vừa đăng bài báo cho rằng chứng kiến xung đột vũ trang tại Ukraine hiện nay, Việt Nam sẽ lo lắng hơn Đài Loan.

"Xung đột Ukraine đã gây ra làn sóng chấn động khắp thế giới, đặc biệt là ở châu Á. Theo cách hiểu thông thường, tương tự gần nhất với Ukraine là Đài Loan."

"Vì rằng Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng sử dụng "mọi phương tiện cần thiết" để thống nhất hòn đảo tự trị. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, rõ ràng là Việt Nam chứ không phải Đài Loan, đối mặt với kiểu cô lập chiến lược giống như Ukraine."

Richard Heydarian biện luận: "Đài Loan đã có quan hệ hợp tác quốc phòng mạnh mẽ với Hoa Kỳ, và họ đã có hiệp ước phòng thủ chung từ năm 1955 đến năm 1980. Ngược lại, Việt Nam, theo học thuyết "ba không", đã tránh xa các liên kết địa chính trị công khai với các cường quốc nước ngoài."

Việt Nam và Nga hiện có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện bắt đầu từ 2012.

Hợp tác trên các lĩnh vực quân sự và kỹ thuật quân sự, an ninh có vị trí đặc biệt trong quan hệ Việt Nam-Nga.

Trong tuyên bố chung cuối năm 2021, hai nước nói: "Việt Nam và LB Nga không liên minh hoặc thỏa thuận với bên thứ ba nhằm có các hành động phương hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như lợi ích cơ bản của nhau. Việc phát triển quan hệ Việt Nam-LB Nga không nhằm chống lại bất kỳ bên thứ ba khác."

Việt Nam thường nói có chính sách ngoại giao mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt

Việt Nam thường nói có chính sách ngoại giao mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt. Ảnh: REUTERS

Richard Heydarian nói: "Xung đột Ukraine có thể gây rắc rối cho Việt Nam. Đầu tiên, Hà Nội có thể gặp khó khăn trong việc duy trì hợp tác quốc phòng quy mô lớn với Moscow, quốc gia đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt chưa từng có về tài chính và quốc phòng."

"Hơn nữa, Việt Nam có nguy cơ đối mặt các biện pháp trừng phạt của phương Tây nếu nước này tiến hành các thỏa thuận quốc phòng lớn với Nga trong tương lai."

"Chính sách đối ngoại "Dân chủ trên hết" của chính quyền Biden, nhấn mạnh sự thống nhất giữa các nền dân chủ trong cuộc chiến ý thức hệ toàn cầu chống lại các cường quốc độc tài, củng cố thêm sự nghi ngờ của chế độ cộng sản Việt Nam về bất kỳ mối liên kết địa chính trị nào với phương Tây."

"Nếu không có sự hỗ trợ chiến lược đáng kể từ Nga hoặc phương Tây, Việt Nam sẽ ngày càng phải đơn độc đối mặt với Trung Quốc."

"Trong khi thế giới chứng kiến sự kháng cự dũng cảm của Ukraine, Việt Nam đang lặng lẽ đối mặt với nguy cơ vì bị cô lập chiến lược."

Việt Nam luôn khẳng định tôn trọng quan hệ láng giềng và liên đảng với Trung Quốc

Việt Nam luôn khẳng định tôn trọng quan hệ láng giềng và liên đảng với Trung Quốc. Ảnh: GETTY IMAGES

Chính sách 'Bốn không' của Việt Nam

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 nói, Việt Nam không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Tài liệu này cũng nói: "Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, chúng ta sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau."

Quan hệ Mỹ - Việt

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris gặp gỡ Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Văn phòng Chính phủ Việt Nam ở Hà Nội hôm 25/8/2021. Ảnh: GETTY IMAGES

Sau khi Nga xâm lược Ukraine, trên phương tiện truyền thông nhà nước Việt Nam cũng xuất hiện một số bài viết khẳng định lại quan điểm quốc phòng - ngoại giao Việt Nam.

TS Nguyễn Văn Sơn (Học viện An ninh nhân dân) viết: "Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ phát ngôn và hành động nào của Việt Nam đề cập đến việc ủng hộ việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine và Việt Nam cũng không "thiên vị" hay đứng về bất kỳ một bên nào xoay quanh xung đột giữa Nga và Ukraine. Những luận điệu cho rằng Việt Nam đứng bên này để chống bên kia, "cổ suý chiến tranh" là hoàn toàn sai trái, bịa đặt."

Hôm 23/3, Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng nói: "Chúng ta không đứng về bên nào, chúng ta bảo vệ lẽ phải, bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Đồng thời, Việt Nam không chấp nhận để nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, hoặc là sử dụng một phần lãnh thổ Việt Nam để phát động chiến tranh xâm lược nước thứ ba."

Tương tự, Pgs, Ts Phan Trọng Hào (Hội đồng Lý luận Trung ương) nói về 'bốn không' và 'bốn tránh': "Cùng với thực hiện chính sách quốc phòng "bốn không", Việt Nam cũng chủ trương "bốn tránh": (1) Tránh xung đột về quân sự; (2) Tránh bị cô lập về kinh tế; (3) Tránh bị cô lập về ngoại giao; (4) Tránh bị lệ thuộc về chính trị. Có thể nói đây là hệ thống đồng bộ các quan điểm chiến lược của Việt Nam về chính sách quốc phòng và đối ngoại nhằm tạo lập và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, góp phần huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN."

Nguồn: bbc.com/vietnamese

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.