Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Chuyên gia tiết lộ cách Ukraine khiến quân đội Putin phải chịu thất bại ở Kyiv

 

Chuyên gia tiết lộ cách Ukraine khiến quân đội Putin phải chịu thất bại ở Kyiv

Focus

Phan Ba, dịch

28-4-2022

Ảnh: Một chiếc xe tăng chiến đấu T-72 của Nga bị phá hủy hoàn toàn tại Kyiv Oblast. Nguồn: Alex Chan Tsz Yuk/SOPA Images via ZUMA Press Wire/dpa

Quân đội Nga đã thất bại lớn trong trận Kyiv. Hai nhà nghiên cứu chiến tranh đã xác định được 4 thảm bại mà binh lính của Putin đã trải qua. Chúng đều liên quan đến sự chuẩn bị không tốt.

Ngày 24 tháng 2 năm 2022, Nga xâm lược Ukraine. Mục tiêu chính của cuộc xâm lược: thủ đô Kyiv. Cuộc chinh phục chỉ kéo dài vài ngày. Nhưng quân Nga đã gặp phải sự chống trả quyết liệt. Cuối cùng thì họ đã thất bại. Hai nhà nghiên cứu chiến tranh Jack Watling và Nick Reynolds thuộc Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh (Royal United Services Institute for Defence and Security Studies), một tổ chức tư vấn quốc phòng của Anh, đã phân tích cách người Ukraine đẩy quân đội vào Nga thế bại trận ở quanh Kyiv.

Thảm bại 1: Trận chiến giành sân bay Hostomel

Sáng sớm ngày 24 tháng 2, radar phòng không Ukraine bị nhiễu nặng. Khi lực lượng phòng không muốn bắt đầu cuộc chiến, họ đã bị bắn phá. Theo một chuyên gia tác chiến điện tử Ukraine, các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo đầu tiên của Nga đã tạo gián đoạn đủ để xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Ukraine. Điểm đến: Sân bay Quốc tế Antonov ở Hostomel, phía tây bắc Kyiv. Lính dù Nga được cho là đã đánh chiếm sân bay. Từ đó, quân mặt đất có thể di chuyển đến Kyiv.

Các đơn vị đổ bộ đường không của Nga đã nhận kế hoạch hoạt động của họ ba ngày trước cuộc tấn công. Những ngày sau đó, họ bàn về hoạt động táo bạo của mình và mục tiêu chính, Hostomel. Khi vừa đổ bộ, họ vấp phải đòn phản công trực tiếp từ pháo binh Ukraine. Nga đã có thể đánh chiếm sân bay này với những tổn thất lớn. Tuy nhiên, quân đội của Putin đã thất bại trong việc sử dụng nó như một bãi đáp. Ukraine cuối cùng đã chiếm lại được sân bay.

Thảm bại 2: Lực lượng đặc biệt mất phương hướng

Cùng lúc với cuộc tấn công vào sân bay Hostomel, quân đội từ Belarus được cho là sẽ di chuyển lên và hỗ trợ cuộc tấn công vào Kyiv. Họ có nhiệm vụ di chuyển về phía nam trên hai con đường, qua vùng có rừng rậm, một phần là đầm lầy. Hai nhóm lực lượng đặc biệt của Nga đã đóng một vai trò quan trọng trong việc này: Russian Motor Rifle (Súng trường Cơ giới Nga) và Rosgvardia, Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga.

Các đơn vị đặc biệt chỉ nhận được nhiệm vụ của họ 24 giờ trước khi bắt đầu cuộc chiến. Kết quả là, đã có những vấn đề lớn trong việc phối hợp với các lực lượng trên mặt đất của Nga. Hậu quả: Họ không tiến lên theo từng đội liên tiếp nhau như thường lệ, cũng như không có đủ pháo binh bảo vệ. Các đoàn quân thường di chuyển mà không hề biết điều gì sắp xảy ra.

Đặc biệt là Rosgvardia, lực lượng thường có nhiệm vụ che chắn cho quân đội ở phía sau, đôi khi lại tiến hàng km trước quân đội của họ. Họ đến vùng ngoại ô của Kyiv trong vòng 48 giờ. Nhưng họ đã đi trước các lực lượng mặt đất nhiều km. Do thiếu kế hoạch, các đơn vị đặc biệt đã bị cô lập và bị tiêu diệt phần lớn.

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu chiến tranh coi việc thiếu thời gian chuẩn bị là một yếu tố thất bại quan trọng đối với quân đội Nga. Thường thì họ sẽ không sớm biết rằng họ sẽ tham chiến. Và đã bị đánh tan ở đó trong trận đánh kháng cự đầu tiên.

Thảm bại 3: Cuộc hành quân từ Belarus đến Kyiv

Như đã nói, người Nga, đến từ phía bắc, đã di chuyển theo hai trục chính qua khu vực phía bắc của Kyiv. Người ta vẫn còn nhớ đến đoàn xe quân sự dài hàng chục km được thấy trong nhiều hình ảnh. Nhưng đoàn xe này sớm bị nghẽn lại. Bị hạn chế bởi rừng và đầm lầy, người Nga không có nhiều con đường nên nhanh chóng bị tắc nghẽn.

Mặt khác, người Ukraine có lợi thế về thông tin. Người Nga thường không biết các vị trí đóng quân rải rác của Ukraine nằm ở đâu. Về phần mình, người Ukraine để người dân địa phương thông báo cho họ biết khi người Nga xuất hiện trong làng của họ. Lực lượng đặc biệt và máy bay không người lái sau đó xác định vị trí các mục tiêu cho pháo binh Ukraine.

Một cố vấn cho Tư lệnh Các Lực lượng vũ trang Ukraine được trích dẫn trong nghiên cứu: “Tên lửa chống tăng đã làm chậm bước tiến của Nga. Nhưng thứ đã giết họ là pháo binh của chúng tôi. Đó là những gì đã phá hủy các đơn vị của họ“. Ngay cả khi quân đội Nga đã rút ra khỏi vùng, họ vẫn phải hứng chịu đạn pháo tàn khốc và kéo dài.

Thảm bại 4: Vấn đề hậu cần

Hậu cần cho quân đội đã là một vấn đề lớn trong cuộc tấn công đầu tiên của Nga. Các đơn vị của Nga không thể sử dụng đường sắt để đưa lương thực và nhiên liệu vào như thường lệ. Điều này một phần là do những người phá hoại ở Belarus và Ukraine đã phá hủy các tuyến đường sắt và khiến chúng không thể sử dụng được.

Tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường khiến việc cung cấp đủ hàng hóa cho mặt trận gần như không thể. Điều này đặc biệt đã hạ thấp tinh thần của các chiến binh, những người phải đối mặt với sự kháng cự gay gắt của người Ukraine.

Cũng quan trọng không kém: người Nga không thể mang thiết bị vào Ukraine để làm gián đoạn liên lạc của đối phương mà tự mình không bị ảnh hưởng. Vì vậy, thật khó để giải quyết sự nhầm lẫn trong hàng ngũ của chính họ. Kết quả là việc gây nhiễu radar và thông tin liên lạc đã được chấm dứt. Điều này đã làm cho kẻ thù dễ dàng hơn để tự vệ.

Đồng thời, các viên chỉ huy quan trọng đã được cử ra tiền tuyến thay vì dàn xếp cuộc tấn công từ phía sau. Họ trở thành mục tiêu cho các tay súng bắn tỉa. Trong giai đoạn này, nhiều quân nhân cấp cao của Nga đã thiệt mạng.

Kết quả là Nga tiếp tục cuộc tấn công vào Kyiv. Nhưng quân đội đã yếu đi và tinh thần của người Ukraine được nâng cao. Nga đã cố gắng bao vây thủ đô, nhưng bị pháo binh Ukraine áp sát quá gần và thậm chí còn mất thêm nhiều binh lính. Cuối cùng họ đã bị đẩy lùi khỏi chính những nơi đã chiếm được.

Mặt trái lần sụp đổ của Nga xung quanh Kyiv

Trong nghiên cứu của mình, hai nhà nghiên cứu chiến tranh đã đi đến kết luận rằng, Ukraine đã đưa việc bảo vệ Kyiv lên hàng đầu tiên. Họ cũng thành công ở đó vì họ đưa quân lính và vật liệu từ các vùng khác đến đó.

Kết quả là người Ukraine đã làm suy yếu các vị trí của chính họ ở phía đông và phía nam, ví dụ như ở khu vực xung quanh Mariupol. Một nhà lập kế hoạch cấp cao của Ukraine đã tuyên bố trước cuộc xâm lược: “Chúng tôi không có gì ở đó để ngăn chận họ. Họ sẽ chiếm được nhiều vùng đất ở đó”.

Lực lượng phòng thủ Mariupol và các thành phố khác của Ukraine ở phía đông đã vượt xa hy vọng của Bộ Tổng tham mưu. Tuy nhiên, Mariupol gần như đã bị Nga thâu tóm. Một số phận mà Kyiv đã tránh khỏi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.