Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Để cơn mộng du không kích hoạt chiến tranh hạt nhân Nga xâm lược Ukraine

 


Để cơn mộng du không kích hoạt chiến tranh hạt nhân Nga xâm lược Ukraine

Lê Tây Sơn

Một cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến Ukraine của Putin tại London (ảnh: Kristian Buus/In Pictures via Getty Images)

Các nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của Nga liên tục từ chối các cuộc gọi từ đồng cấp Mỹ, gây ra lo ngại có thể một phản ứng “mộng du” (sleepwalking) mất kiểm soát sẽ kích hoạt một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Thiếu thông tin liên lạc khiến hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới gần như phải mày mò trong bóng tối khi các quan chức cấp cao cố giải thích về các bước đi tiếp theo của đối phương. Trong Tháng Hai, nhiều nỗ lực liên tục của các nhà lãnh đạo quốc phòng và quân sự hàng đầu của Mỹ để tiếp xúc với những đồng cấp Nga đã bị Moscow từ chối thẳng thừng. Điều này làm dấy lên lo ngại về một tính toán sai lầm lớn hoặc “tai nạn chiến trường” mà hậu quả không thể tưởng tượng được.

“Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã cố gắng thiết lập đường dây điện thoại trực tiếp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tướng Valery Gerasimov (Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Liên bang Nga, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng) nhưng người Nga không phản hồi” – Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby cho biết ngày 23 Tháng Ba.

Các nỗ lực của Austin và Milley, bây giờ mới tiết lộ, được thực hiện khi Nga đang bắn tên lửa và ném bom gần biên giới của hai thành viên NATO Ba Lan và Romania; trong lúc Mỹ và các đồng minh châu Âu tiến hành các hoạt động kiểm soát không phận trên Biển Baltic và đưa vũ khí, thiết bị vào Ukraine bằng phương tiện giao thông mặt đất. Hiện Moscow và Washington vẫn duy trì kênh thông tin cấp thấp nhưng các quan chức hiện tại và cựu quan chức nói rằng cần có liên lạc từ các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao nhất để tránh leo thang hoặc nhầm lẫn không cần thiết.

James Stavridis, Cựu Tư lệnh Bộ tư lệnh Tối cao Đồng minh của NATO (Supreme Allied Commander) từ 2009-2013, cho biết:

“Có nhiều nguy cơ leo thang nếu không có sự tiếp xúc trực tiếp mang tính đột phá giữa các quan chức cấp cao nhất. Rất nhiều người trẻ đang lái máy bay chiến đấu hay vận hành các tàu chiến và tham gia chiến đấu tại Ukraine. Họ không phải là nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm nên những hành động xốc nổi của họ trên chiến trường có thể bị hiểu nhầm là cố ý khiêu khích. Chúng ta phải làm mọi cách để tránh xảy ra kịch bản NATO và Nga bị đẩy vào cuộc chiến tranh toàn diện chỉ vì lý do các lãnh đạo cấp cao không thể nhấc máy và giải thích cho nhau về những gì đang xảy ra”.

Việc Nga gần đây sử dụng tên lửa siêu thanh và các loại vũ khí hiện đại khác để tấn công các mục tiêu có liên quan đến lực lượng tình nguyện nước ngoài và vũ khí viện trợ nước ngoài ở miền Tây Ukraine đã cho thấy “có mối đe dọa thực sự về một cuộc đối đầu rộng lớn hơn và ra ngoài tầm kiểm soát”.

Rob Lee, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy Research Institute) giải thích: “Rủi ro rõ ràng là đang tăng cao khi Nga tấn công các mục tiêu ở miền Tây Ukraine, cách không xa biên giới NATO, và Không quân Ukraine vẫn tiếp tục hoạt động trên khu vực đó. Điều này có nghĩa là máy bay của Ukraine có thể bị phía Nga nhìn nhầm là máy bay của NATO vượt qua biên giới và tấn công”. Đường dây điện thoại “giảm xung đột” hiện có được xem là một “cơ chế chiến thuật” (tactical mechanism) để tránh tính toán sai lầm, đặc biệt khi nói đến việc bảo vệ không phận hoặc lãnh thổ của NATO. Tuy nhiên, chức năng của nó có thể bị hạn chế và nguy hiểm vẫn còn.

Không có giao tiếp ở cấp độ chóp bu, trong trường hợp xấu nhất, những giả định thường dựa trên thông tin nghèo nàn của phía bên kia có nhiều khả năng đẩy cuộc chiến đi xa đến mức không còn kiểm soát được. Khi những thất bại trên chiến trường của Nga ngày càng rõ rệt và cuộc xung đột bước sang tháng thứ hai, các quan chức Mỹ lo ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể leo thang quân sự với hy vọng thay đổi cục diện chiến trường. Lúc đó, các vũ khí siêu hủy diệt và chiến thuật nguy hiểm hơn sẽ được triển khai, nguy cơ chiến tranh lan rộng ra ngoài biên giới Ukraine là hoàn toàn có thể.

Dựa vào những gì đang diễn ra chiến trường Ukraine, các nhà phân tích quân sự tin rằng cuộc xâm lược của Nga đang đi dần vào bế tắc. Hầu như tất cả vũ khí qui ước đã được sử dụng và các chiến thuật cũ kiểu “đánh nhanh rút gọn”, bắn phá bừa bãi hoặc “bao vây để chờ đầu hàng” không còn hiệu quả trước một lực lượng phòng thủ gan dạ, cơ động và linh hoạt.

Kịch bản ác mộng có thể là một tên lửa hoặc máy bay Nga phá hủy một sở chỉ huy của Mỹ ở bên kia biên giới Ba Lan-Ukraine. Một chỉ huy địa phương có thể phản ứng ngay lập tức, vì tưởng rằng vụ đây là mở đầu cho cuộc tấn công rộng lớn hơn vào lãnh thổ NATO. Hệ quả, chiến tranh leo thang nhanh chóng và không thể đảo ngược, từ Nga-Ukraine chuyển sang Nga-NATO, và không loại trừ sử dụng vũ khí hạt nhân. Cựu Đô đốc Hoa Kỳ James Stavridis cho biết khi còn là Tư lệnh Bộ tư lệnh Tối cao Đồng minh, ông có thể gọi điện trực tiếp cho người đồng cấp Nga bất cứ lúc nào và đã thực hiện vài lần để làm rõ một tình huống dễ gây hiểu nhầm nhằm giảm leo thang.

Bên cạnh kênh giảm xung đột, Mỹ và Nga cũng có thể liên lạc thông qua tùy viên quốc phòng tại Đại sứ quán Mỹ ở Moscow hoặc chuyển tiếp thông điệp của Mỹ đến Bộ Quốc phòng Nga. Liên lạc giữa Mỹ và Nga đã giảm rất nhiều kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược vào tháng trước. Đại sứ Mỹ tại Nga, John J. Sullivan, là người gặp gỡ các quan chức Nga thường xuyên nhất với các chuyến thăm và gọi điện tại Moscow. Kể từ khi bắt đầu xung đột, Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Joe Biden, chỉ nói chuyện với người đồng cấp Nga Nikolay Patrushev lần đầu tiên vào tuần trước. Một số quan chức quân sự Mỹ và Nga cũng chỉ gặp nhau vào tuần trước tại Bộ Quốc phòng Nga.

Ngoại trưởng Antony Blinken đã không trao đổi với người đồng cấp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, kể từ khi xung đột nổ ra. Hiện vẫn chưa rõ lý do tại sao các tướng lĩnh hàng đầu của Nga không phản hồi đề nghị điện đàm trực tiếp với đồng cấp Mỹ. Angela Stent, một học giả về Nga tại Đại học Georgetown, từng là sĩ quan tình báo cấp cao của chính quyền George W. Bush, nêu ý kiến rằng vấn đề có thể ở chỗ, cho đến nay, Nga vẫn kiên trì xem cuộc xâm lược là “chiến dịch quân sự đặc biệt” và không muốn thừa nhận tình hình thực tế rằng họ đang thất bại thảm hại.

Hơn nữa, có thể các tướng Nga phải chờ đợi sự chấp thuận của Putin để phản hồi các cuộc gọi của Mỹ nhưng có vẻ ông ta chưa đồng ý. Putin giờ đã xem Mỹ là một đối thủ truyền kiếp đang chờ ông ta bị loại nên có thể vì vậy mà Putin không muốn liên lạc. Việc Nga kịch liệt phản đối việc Biden gọi Putin là “tội phạm chiến tranh” càng tăng thêm rạn nứt, dù việc “định danh” này không phải chỉ mỗi Tổng thống Biden.

L.T.S.

Nguồn: Saigonnhonews

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.