'Ủng hộ Ukraine chống Nga xâm lăng, nhưng đừng lạc quan tếu'
Katty Kay
Phóng viên BBC tại Hoa Kỳ
Volodymyr Zelensky trở thành Tổng thống Ukraine vào tháng 4 năm 2019. Ảnh: GETTY IMAGES
Trong tập thứ hai của loạt phim hài rất vui nhộn của Volodymyr Zelensky, Đầy tớ nhân dân, một trong những kẻ xấu đã nói về nhân vật của Zelensky, Tổng thống mới đắc cử của Ukraine: "Anh ta nổi tiếng là người sắt đá và dũng cảm."
Tôi lấy điều khiển từ xa, nhấn tạm dừng và hít thở sâu.
Bộ phim năm 2015 chỉ mới bắt đầu phát sóng ở Mỹ, và đối với những người mới làm quen với phim, có một chút kỳ quái. Mỗi khi bạn cười khúc khích, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy buồn. Cạn kiệt cảm xúc. Tôi thấy mình mỗi lần chỉ có thể xem xong một tập rồi phải nghỉ.
Thực ra đây là một chương trình hay và Zelensky là một diễn viên tài năng. Nhưng rất khó để theo dõi, bởi vì chúng tôi lo sợ điều gì sẽ xảy ra với Tổng thống thực sự của Ukraine.
Có một cảnh khác trong cùng một tập phim, nơi tổng thống mới, Vasyl Petrovych Holoborodko, được giới thiệu về việc bảo vệ an ninh. Một kẻ nói, "Sẽ có người đóng thế chết vì một viên đạn bắn tỉa nhắm tổng thống, nhưng đừng lo, chắc không xảy ra đâu."
Xem đến đó, tôi thấy lo, bởi vì ngay bây giờ có cảm giác như cả thế giới phương Tây đang theo dõi Ukraine và chỉ cầu nguyện rằng vụ bắn tỉa sẽ không xảy ra.
Không ai mong muốn có bất kỳ sự đau khổ đối với Ukraine. Nhưng hiện tại, Zelensky và những người dũng cảm mà ông dẫn dắt đều là những anh hùng trong một thế giới thiếu vắng anh hùng.
44 triệu người Ukraine dũng cảm dường như đã đáp trả thách thức và cho chúng ta niềm hy vọng vào sức mạnh của kẻ yếu.
Chúng ta mong họ sống sót và tự do. Vì vậy, có thể hiểu được rằng chúng ta có thể trở thành nạn nhân của "tư duy mơ mộng của phương Tây", hay nói khác đi là lạc quan tếu.
Khu căn hộ bị hư hại ở Mariupol, Ukraine, ngày 17 tháng 3 năm 2022. Ảnh: REUTERS
Sau cuộc xâm lược, một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã nói với tôi một cách tự tin rằng dù bất cứ điều gì xảy ra, người dân Ukraine sẽ được tự do. Đó là sự lạc quan mà tôi mong đợi và đánh giá cao từ các chính trị gia Hoa Kỳ. Và chúng tôi hy vọng sẽ là sự thật.
Tuy nhiên, lịch sử nhắc nhở chúng ta rằng điều tốt không phải lúc nào cũng chiếm ưu thế.
Hãy hỏi những người Syria, vẫn còn mắc kẹt dưới chế độ Assad, các thành phố của họ bị bom Nga phá hủy. Hãy hỏi những người Chechnya, những người đã thấy thủ đô của họ bị san phẳng theo lệnh của Vladimir Putin. Hoặc, hãy hỏi vô số người Ả Rập, Iran, Belarus và Myanmar dũng cảm, những người đã liều mạng để phản đối những kẻ thống trị áp bức mà chưa đi tới đâu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày tháng 9 năm 2021. Ảnh: GETTY IMAGES
Đừng nhầm, Nga vẫn là một đối thủ đáng sợ.
Một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu, người hiểu Putin tin rằng Tổng thống Nga không quan tâm đến việc đàm phán bất kỳ giải pháp nào. Thay vào đó, ông nghĩ, Putin đang sử dụng thời điểm này để tập hợp lại và tiếp tế, sẵn sàng cho một cuộc tấn công khác, có khả năng tàn khốc hơn.
Tôi hỏi, những người phương Tây có nguy cơ đánh giá thấp cơ hội quân sự của Nga không? Người này gật đầu.
Quân đội Nga tự hào có 900.000 binh sĩ đang phục vụ và hai triệu quân dự bị - nhiều hơn 8 lần so với Ukraine.
Nga vẫn có một kho vũ khí khổng lồ và một nhà nước vệ tinh ở Belarus, để Nga có thể thu hút thêm quân đội, cũng như khả năng tuyển dụng lính đánh thuê từ các quốc gia như Georgia hoặc Syria.
Nga có khả năng chiến tranh mạng mà vẫn chưa phát huy hết. Nước này có 4.500 vũ khí hạt nhân được đe dọa sử dụng và vũ khí hóa học mà phương Tây đã cảnh báo là có thể dùng.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gặp gỡ Sư đoàn Dù số 82, tại Ba Lan vào ngày 25 tháng 3 năm 2022. Ảnh: AFP
Lính Nga đã trình diễn tồi tệ hơn nhiều so với mong đợi, nhưng họ đã đạt được một số lợi ích về lãnh thổ, tiến bộ chậm nhưng ổn định xung quanh Mariupol và đe dọa cắt đứt các lực lượng Ukraine gần các khu vực ly khai phía đông Donetsk và Luhansk.
Thành công của người Ukraine phụ thuộc vào hai điều, đó là sự dũng cảm phi thường của họ, và cũng quan trọng không kém, nguồn cung cấp khí tài quân sự ổn định mà họ nhận được từ các nước phương Tây. Nếu những quốc gia đó, hoặc công chúng ở những quốc gia đó, bắt đầu nghĩ rằng David nhỏ yếu đã đánh bại Goliath thì luồng vũ khí có thể chậm lại hoặc dừng lại. Đó sẽ là một thảm họa cho cuộc kháng chiến của người Ukraine.
Tổng thống Biden đã dành tuần này ở châu Âu để củng cố liên minh phương Tây. Nhưng ngày càng có nhiều sự công nhận rằng cuộc chiến này sẽ diễn ra lâu hơn cả Nga và phương Tây dự đoán.
Người Ukraine có thể cần cung cấp vũ khí trong nhiều tháng tới. Liên minh sẽ cần phải giữ quyết tâm của mình để ngang bằng với quyết tâm của Putin.
Đây không phải là lúc để viển vông. Chủ nghĩa hiện thực tỉnh táo sẽ giúp Zelensky nhiều hơn là mơ tưởng.
K.K.
Nguồn: bbc.com/vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.