Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

Hồi tưởng về cưỡng chế đất Văn Giang – Hưng Yên (Phần 2)

 

Hồi tưởng về cưỡng chế đất Văn Giang – Hưng Yên (Phần 2)

Đặng Bích Phượng

24-4-2022

Tiếp theo Phần 1

Bà con Văn Giang lên Hà Nội khiếu kiện. Ảnh trên mạng

Nhiều cuộc cưỡng chế để lại những dư âm rất xót xa” – Đấy là tiêu đề bài đăng trên báo Dan Trí ngày 13/5/2012.

Sau cuộc cưỡng chế năm 2012, truyền thông khi đó mới biết đến cuộc chiến giữ đất của bà con Văn Giang, nên đưa tin khá rầm rộ. Điều duy nhất truyền thông làm được, là để dư luận biết về cuộc cưỡng chế, và để bà con không còn cảm thấy cô độc. Bà con thường xuyên sang Hà Nội đi khiếu nại. Hết vườn hoa Mai Xuân Thưởng, đến 46 Tràng Thi (Mặt trận tổ quốc), số 1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) – kéo dài hàng năm trời. Trong thời gian đó, chủ đầu tư thuê côn đồ vào tận làng, truy sát người dân.

Những năm đầu, bà con vẫn giữ vững khí thế. Còn ra đồng cấy lúa, trồng chuối để giữ đất.

Đường xa, đi mãi cũng mỏi. Những năm sau đó, nhiều sự kiện xảy ra, truyền thông không thể đưa tin mãi về một sự kiện. Cuộc đấu tranh lúc này chỉ dựa vào chính mình. Ba năm trước, bà con dựng rạp, tổ chức kỷ niệm 7 năm cuộc cưỡng chế, mời một số anh chị em ở Hà Nội sang dự mít tinh. Trời nắng như đổ lửa, điện bị cắt, bà con đã lường trước, đem ngay máy phát điện ra. An ninh ngồi vạ vật xung quanh, chẳng hiểu để làm gì. Bà con bảo, muốn vào ăn thì góp 150k/suất (bà con ai cũng đóng), thế là bọn nó chuồn. Bảy năm là một quãng đường dài, rất dài, đầy gian khổ.

Từ hơn một ngàn hộ không nhận tiền, giờ chỉ còn 300 hộ của cả 3 xã, kiên quyết không nhận tiền đền bù với giá rẻ mạt.

Bẵng đi mấy năm, có người hỏi về tình hình bà con Văn Giang, nhà em cùng thằng cháu TN sang Văn Giang, thăm và hỏi chuyện bà con. Gặp bác Lê Văn Dũng, bác ấy vẫn như ngày nào, ôn lại câu chuyện từ đầu, không cần nhìn văn bản, đọc vanh vách từng số văn bản, ngày tháng ra văn bản của từng cơ quan. Trong mấy năm qua, do covid, nên việc khiếu nại có phần gián đoạn. Nhưng hiện nay 300 hộ vẫn tiếp tục con đường của mình.

Thằng cháu TN hỏi: vậy những người mất hết đất, làm gì để sống?

Bà con bảo, thì đi thuê đất của người khác để làm, mà phải thuê xa lắm. Có người chuyển nghề, sang việc chạy chợ, làm bánh v.v…

Nhà em nói, muốn ra thăm lại những nơi xưa từng cùng bà con trồng lúa, trồng chuối. Bà con bảo: Làm gì còn mà ra? Ôi chao!

Bà con chỉ những tòa nhà lừng lững trước mặt, bảo đó chính là nơi xưa anh chị em ở Hà Nội sang, hay được bà con dẫn ra thăm đồng. Cảm giác thật cay đắng.

Hai cô cháu tạm biệt bà con để ra về. Một mình nhà em lộn lại chỗ nhà văn hóa, nghĩa trang liệt sỹ, nơi một số anh em Hà Nội quay được cảnh, công an nhảy qua tường nghĩa trang liệt sĩ sang nhà văn hóa, để đuổi đánh nhà báo và người dân. Trước đây, từ nơi này có con đường dẫn ra cánh đồng, giờ đây đã bị bịt kín. Bên kia là Ecopark rồi. Không còn ruộng đồng nữa.

Trưa nắng, nhà em bâng khuâng đứng nhìn cảnh cũ, bần thần, nuối tiếc. Mình chỉ là người qua đường, đến đây vài ba bận, còn buồn thế, nói gì đến người dân gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất này.

Điểm lại những cuộc chiến giữ đất ở Văn Giang, Dương Nội, Đồng Tâm v.v… không có cuộc chiến nào lại không có máu, nước mắt, và tù đày. Còn hàng trăm hàng ngàn cuộc cướp đất trên khắp đất nước này mà không ai biết đến nữa. Viết đến đây lại muốn khóc quá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.