Văn chương bao cấp
18-4-2022
Tôi đọc thấy không ít thắc mắc hoặc chê trách về việc phần lớn nhà văn nhà thơ Việt Nam im lặng trước vụ việc một lãnh đạo văn nghệ bị một nhà thơ nữ tố hiếp hiếp đang gây rúng động dư luận hơn 10 ngày qua. Tìm đỏ mắt mới thấy lác đác vài tiếng động nhỏ. Có lẽ, trừ một số (tôi nghĩ là rất ít) có quan điểm riêng liên quan đến góc nhìn khoa học hoặc một lý do chính đáng nào đó, thì phần lớn còn lại là im vì sợ đụng chạm.
Cần nói rõ là tôi không có yêu cầu là phải bênh bên nào cả, đứng về phía Dạ Thảo Phương hay Lương Ngọc An hay về phía công lý cũng bình đẳng như nhau, miễn đừng tấn công vô lối đối với phía còn lại là được. Cái tôi đang nói ở đây là thái độ im lặng hoặc nhập nhèm, lờ đờ nước hến.
Tại sao thế. Là văn chương bao cấp, từ thiết chế đến quan niệm. Các nhà văn nhà thơ nếu không đăng ở báo và tạp chí nhà nước thì biết đăng đâu? Facebook thì kém sang. Mấy trang ở hải ngoại như kiểu Tiền vệ, Da màu trước đây… thì cũng không dễ, và lại còn hay bị quy kết nữa. Còn mỗi cái “ao ta” để chơi/bơi mà giờ làm mếch lòng nhau thì thôi, hỏng. Im cho lành. Một số ở trạng thái lờ đờ thì khỏi bàn, vì nó theo đúng triết lý cây tre, đợi thời. Ngồi chờ cho hai 5 rõ 10 là khôn ngoan nhất, cứ ăn cỗ đi trước lội nước đi sau cho chắc.
Việc được đăng hay không được đăng (báo Hội) ở ta cũng có nhiều cái… “đặc thù”. Lắm khi nó là một sự ban ơn, khi khác nó là chia phần. Quen biết nhau thì đăng cho nhau để tỏ tình thương mến. Cứ xà quần miết với nhau, anh duyệt cho tôi, tôi khen anh; anh chiếu cố tôi, tôi xúc động. “Chúng ta” cứ tự chơi với nhau mãi, ca tụng nhau, trao thưởng lẫn nhau, rưng rưng với nhau. Chả biết và chả cần biết bên ngoài người ta đã đi tới đâu rồi.
Cái chiếu văn chương ở ta thì hẹp, nên người được ngồi thì ít, kẻ đứng chầu xung quanh thì vô số kể. Mà cái bã văn chương, nó ma mị lắm, dù hữu danh vô thực, thành ra cứ “im lặng là vàng”, may ra tới phiên mình được ghé mông ngồi vào đôi ba bận, cũng là vẻ vang lắm lắm. Thế là từ nhà văn, nhà thơ, cho đến nhà phê bình, nhà nghiên cứu, chẳng ai bảo ai nhưng nhất loạt tương thông.
Cái ao đã nhỏ, lâu ngày không có nước vào nước ra, thành ao tù. Cá thì nhiều mà nước thì đục, nhìn không thấy. Lâu lâu có cái bòng nhờ nhờ, rồi lại lặn mất, chẳng biết đi đâu.
Trước một sự kiện dữ dội ngay trong giới, những người từng được mệnh danh là “kỹ sư tâm hồn”, là “cây đàn muôn điệu”, là “sợi tơ của thời đại” là lương tri của dân tộc mà không một lần rung lên, dù chỉ hơi hơi, thì kể cũng lạ, nếu không nói là kỳ quái. Ấy thế mà nó lại đang diễn ra. Điềm nhiên, vô sự, tỉnh ráo.
Nhớ, những cuộc tranh luận văn nghệ, những sự kiện trong văn giới từ đầu thế kỷ, sôi nổi biết bao nhiêu. Người ta thấy hơi thở văn chương, hơi thở của người nghệ sĩ giữa thời cuộc. Bây giờ thì khác, khác hẳn, người ta nín thở quan sát, cho đến khi trời yên biển lặng, sẽ tỉa lại râu, xỏ giày, bận đồ jean cả cây, làm khách văn chương lãng tử, làm giang hồ bốn biển. Lại nói những chuyện vá trời lấp biển, ngâm thơ và cua gái. Lại trao giải cho nhau…
Khi kinh tế bao cấp đã cáo chung từ 1987, vì cái dạ dày thì dữ dội, sống chết rất phân minh, không thay đổi gấp sẽ tiêu ma; thì văn chương bao cấp vẫn còn sống tới bây giờ, sau 1/3 thế kỷ. Mà oái oăm là, người giữ phiếu-lương-thực-văn-chương thì chẳng có gì để ban phát, ngoài một manh chiếu làng; trong khi cái sống dai dẳng nhất của sự bao cấp lại đồng thời được nuôi dưỡng mãnh liệt ngay trong đầu óc của chính những người được bao cấp.
Văn chương, chậm tiến thì đã đành, nhưng hơn cả, nó bày ra một bức tranh hết sức nhếch nhác, và lếch thếch lôi thôi về nền văn học nước nhà suốt nhiều chục năm qua, mà chưa có dấu hiệu gì cho thấy rằng sẽ sớm có sự đổi thay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.