Thế giới vẫn làm, sao ta phải bỏ?
Có những bạn lý luận bỏ trường chuyên, bỏ thi học sinh giỏi (không thấy nói đến thi giáo viên giỏi) thế nào được vì “Trên thế giới vẫn có trường chuyên, thi học sinh giỏi”.
Lý luận này tương đương với lý luận “Bỏ dạy thêm làm sao được. Vấn đề nằm ở phụ huynh. Trên thế giới người ta vẫn dạy thêm học thêm đầy”.
Lý luận kiểu này tỏ ra vô cùng… nguy hiểm, vì đánh lận con đen. Nó lồng ghép đúng và sai để đánh lừa người đọc.
Đúng là ở Nhật, Hàn, Mỹ vẫn có học thêm thậm chí ở Nhật học thêm ầm ầm. Nhưng họ không hiểu hay cố tính lờ đi rằng HỌC THÊM Ở CÁC NƯỚC ĐÓ TÁCH RỜI VÀ ĐỘC LẬP VỚI GIÁO DỤC CÔNG LẬP VÀ KHÔNG NẰM TRONG CÁC TRƯỜNG CÔNG LẬP.
Luật ở đó cấm ngặt giáo viên trường công dạy thêm ở trường, ở nhà, ở bất cứ trung tâm nào khi đã là giáo viên biên chế, hợp đồng dài hạn. Phát hiện ra thì bị đuổi việc ngay lập tức!
Đối với giáo viên trường tư thì không có luật cấm nhưng thường khi đã là giáo viên cơ hữu của trường tư đó thì chủ sử dụng lao động là nhà trường cũng có chế tài để giáo viên phải tập trung vào việc ở trường và không có thời gian để làm việc khác.
Dạy thêm – học thêm khi đó sẽ được đưa ra khỏi trường phổ thông. Nó là hoạt động của các trung tâm. Ở Nhật là các juku. Giáo viên ở đó là giáo viên độc lập, giáo viên đã về hưu, giáo viên có hợp đồng ngắn hạn ở các trường.
Vì vậy nó tránh được những lùm xùm về đạo đức nghề giáo như ép học sinh học thêm, đối xử bất công bằng với học sinh học thêm và không, phụ huynh dùng học thêm như món quà hối lộ…
Trường chuyên cũng vậy. Trường chuyên của người ta nếu có là chuyên về thể thao, nghệ thuật hoặc nghề và thường dành cho một thiểu số rất nhỏ có tài năng đặc biệt. Nó không phải là “siêu lò luyện thi” để cuối năm báo cáo thành tích.
Về chuyện thi học sinh giỏi thì nó không phải là kiểu thi luyện gà rồi đi chọi và được áp đặt bởi cơ quan quản lý hành chính. Nó là tự nguyện, ai thích thì tham gia.
Hơn nữa, điều này RẤT QUAN TRỌNG mà người lý luận như trên LỜ ĐI hoặc KHÔNG HIỂU.
Đó là các cuộc thi đó phần lớn nằm ngoài hệ thống hành chính giáo dục và đào tạo. Nó do các tổ chức chuyên môn, hội chuyên môn, hội nghề nghiệp, câu lạc bộ, liên minh hội… nằm ở bên ngoài bộ giáo dục, trường học, sở giáo dục tổ chức.
Khi làm như vậy, tính chất học thuật, giao lưu, thi tài, khuyến khích nhân tài, phát hiện tài năng được mở rộng tối đa và hạn chế được những tiêu cực quanh chuyện ra đề, chấm thi, luyện thi, đua thành tích… như ta thường thấy.
Trong các loại lý luận, lý luận kiểu trên là nguy hiểm hạng một cho sự tiến bộ nói chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.