Thứ Hai, 18 tháng 4, 2022

Tháng Tư đen

 

Tháng Tư đen

Dương Quốc Chính

18-4-2022

Tháng tư thường cả nước tập trung kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, toàn quên tịt đi một biến cố cũng quan trọng không kém, đó là sự kiện Pháp chiếm HN lần thứ hai vào ngày 25/4/1882, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử VN, Trung và Bắc Kỳ thành xứ bảo hộ, Hà Nội và Hải Phòng, Đà Nẵng thành nhượng địa. Trước đó thì Nam Kỳ đã là thuộc địa của Pháp rồi. Đối với người Pháp thì Henri Rivière cũng là một anh hùng khi chiếm được thành HN trong vòng một tiếng rưỡi, khiến tổng đốc Hoàng Diệu phải tự vẫn vào ngày 26/4.

Tương quan lực lượng:

Phía Đại Nam: Tình hình phòng thủ Thành Hà nội, tổng số lính ghi trong sổ quân: Số lính chính quy: 7.496 gồm – Mười tiểu đoàn chính quy: 5.922 – Thủy binh: 541 – Hai trung đội thu thuế thương chính: 108 – Pháo binh giữ tường thành: 151 (hai trung đội). Số lính phụ binh: 1.574 gồm – Một tiểu đoàn lính vệ (tình nguyện): 442 – Lính giám thành: 500 – Lính chạy trạm: 632

Phía Pháp: Tổng số quân Pháp đóng ở ngoài thành Hà Nội lúc này là 600 lính gồm 450 lính thủy quân lục chiến, 130 lính thủy và 20 lính bản xứ.

Diễn biến tóm tắt:

Đúng 8:15, các pháo thuyền Fanfare, Surprise, Massue và Carbine từ bờ sông Hồng bắn đại bác vào thành. Tới 10:45, quân Pháp đổ bộ tấn công vào thành. Vào lúc 11 giờ thì quân Pháp chiếm được thành. Thiếu tá Berthe des Villers và 3 binh sĩ Pháp bị thương, Villers bị thương do đạn lạc, 3 lính còn lại bị thương nhẹ. Trong thành Hà Nội, Hoàng Diệu cùng lãnh binh Hồ Văn Phong chỉ huy phòng thủ cửa Bắc, đề đốc Lê Văn Trinh giữ của Đông, lãnh binh Lê Trực giữ cửa Tây và lãnh binh Nguyễn Đình Đường giữ cửa Nam. Phía quân triều đình có 40 tử trận và chỉ có 20 bị thương, vì đa số đã binh lính đều bỏ thành chạy trốn. Ở cửa Đông và cửa Nam, Lê Văn Trinh và Nguyễn Đình Đường sợ hãi bỏ trốn. Tổng đốc Hoàng Diệu cố gắng chống cự nhưng quân Pháp đã tràn vào thành, đành treo cổ tự vẫn dưới một cái cây trước Võ Miếu (Võ Miếu, sau bị phá hủy cùng thành Hà Nội, nằm tại góc tây nam thành ở vị trí đầu phố Chu Văn An trước mặt trụ sở Bộ Ngoại giao ngày nay. Có tài liệu bảo Hoàng Diệu tự vẫn ở đền Trung Liệt chỗ gò Đống Đa bây giờ).

Có một sự khác biệt giữa tháng 4/1975 và tháng 4/1882 là ngày 29/4/1882 Pháp trao trả lại thành HN cho Đại Nam để sau đó ký hòa ước Quý Mùi 1883 và Giáp Thân 1884, chính thức biến Bắc và Trung Kỳ thành xứ bảo hộ. Còn tháng 4/1975 thì không có hòa ước nào được ký cho dù phía VNCH có đề nghị, sau đó VNCH không được bàn giao chính quyền mà phải đầu hàng vô điều kiện vào ngày 30/4/1975.

Mình kèm theo đây các báo cáo của H.Rivière gửi Thống đốc Nam Kỳ (bản tóm tắt) và gửi Bộ trưởng Bộ thuộc địa (bản chi tiết).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.