Thứ Hai, 18 tháng 4, 2022

Góp ý cho Đảng về nền tảng tư tưởng

 

Góp ý cho Đảng về nền tảng tư tưởng

Nguyễn Đình Cng

17-4-2022

Từ tháng 3/2022 đến nay, các phương tiện truyền thông ra sức tuyên truyền cho cuộc thi “Viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới”. Đây là cuộc thi lần thứ hai. Cuộc thi lần thứ nhất từ năm 2020, đã kết thúc và trao giải vào tháng 10 năm 2021. Các cuộc thi này là để triển khai việc thực hiện Nghị quyết 35-Nghị quyết Trung ương (NQ35-NQTW) ngày 22/10/2018 về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Cuộc thi lần thứ nhất được đặt tên “Viết chính luận khoa học”. Lần này không hiểu vì sao lại bỏ từ ‘khoa học’, chỉ giữ lại từ ‘chính luận’. Phải chăng trong lần thi trước chẳng có bài dự thi nào có được tính khoa học như mong ước hão huyền của ai đó. Mà hình như nhiều bài lại chứa đầy nội dung và phương pháp phản khoa học.

Tôi phát hiện rằng, người ta đã phạm sai lầm lớn khi dùng một số biện pháp phản khoa học, phản đạo lý trong việc tổ chức cuộc thi như thế. Họ tưởng rằng cuộc thi sẽ có đóng góp tích cực vào việc thực hiện NQ35, nhưng thực chất không phải vậy, nó chỉ lừa dối được một số ít người mà thôi. Đại đa số đảng viên và dân chúng không khó khăn gì để nhận thấy những điều dối trá, những thủ đoạn trong cuộc thi này. Tuy cuộc thi được tuyên truyền rất mạnh, rất rộng nhưng nó thiếu mất tính chất “Chính nghĩa”. Có thể vạch ra nhiều điều sai, nhưng chỉ xin nêu ba điều chính.

Thư nhất là nhận định “Đảng càng thành công, càng thắng lợi thì thế lực thù địch càng chống phá”. Đó là một phán đoán giả dối. Đảng cho rằng họ gắn chặt với dân tộc, thành công của họ là của dân tộc. Nhưng không hẳn như vậy. Dân tộc là cây chủ còn Đảng là cành tầm gửi bám vào đó. Có những việc làm lợi cho dân tộc thì cũng có lợi cho Đảng, nhưng có những việc lợi cho Đảng thì lại hại cho dân. Những việc như thế bị một số người tinh hoa trong dân phản biện và bị cho là thù địch, chống lại. Phải chăng đa số thù địch là do Đảng dựng lên. Tại sao Đảng không tự hỏi rằng mình tốt đẹp mà trong Đảng có lắm kẻ thoái hóa biến chất, mà nhiều người dân mất lòng tin. Hình như lãnh đạo Đảng rất ngại đặt ra câu hỏi này.

Thứ hai là nền tảng tư tưởng của Đảng phải chăng là Chủ nghĩa Mác – Lê, một thứ đã quá lỗi thời. Nếu Đảng tin chắc chính nghĩa của Mác – Lê thì sao không để cho dân có quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Hãy để cho các trường phái tư tưởng tháo luận công khai xem nào. Tại sao lại độc quyền về tư tưởng, áp đặt quan điểm?

Thứ ba là hình thức tổ chức cuộc thi mang tính áp đặt, thiếu khoa học, chỉ lôi kéo được một số người biết lợi dụng, hướng theo chiều gió để mưu cầu danh lợi.

Nếu Đảng có tự tin, muốn chiến thắng vẻ vang thế lực phản biện thì sao không triệu tập vài người, đối thoại công khai, dùng thực tế và lý luận làm cho họ “Tâm phục khẩu phục”. Việc tổ chức cuộc thi để một mình một diễn đàn, không cho ai nói chen vào thì đó chỉ là sự huênh hoang của kẻ có quyền mà thiếu trí tuệ. Còn kèm thêm việc vu cáo, bắt bớ, khủng bố, bỏ tù một số người vô tội thì chỉ chứng tỏ sự độc ác của những kẻ mất nhân tính.

Vậy phải làm thế nào?

Để trở thành một Đảng chính trị, đảng cầm quyền thì phải đổi mới, phải cải cách cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ chứ không phải bảo vệ những nền tảng tư tưởng đã lỗi thời. Tổ chức và việc làm trong quá khứ là của một Đảng Cách mạng, nó không còn thích hợp với một Đảng Chính trị cầm quyền. Nếu lãnh đạo Đảng không nhận thức ra để tiến hành những cải cách cần thiết thì chỉ tốn công vào những chuyện có tính chất gãi ngứa để tuyên truyền. Như vậy, không chóng thì chầy, tất yếu sẽ bị sụp đổ, sẽ bị đào thải.

Sẽ có người phản bác, cho rằng Trung Quốc vẫn theo Mác – Lê mà phát triển vượt bậc, đang muốn làm bá chủ. Không phải, Trung Cộng giương Mác – Lê lên chỉ để lừa bịp, còn bản chất của họ là độc tài Đại Hán. Còn một số lãnh đạo cao cấp Cộng sản Việt Nam thì mê muội, cố kiên trì Mác – Lê vì bị nhồi sọ quá nặng, số khác, tuy biết Mác – Lê sai nhưng chưa dám nói vì còn chờ đợi thời cơ.

Xin cầu mong cho những cán bộ lãnh đạo còn có thiện lương được tiếp thêm trí tuệ và lòng dũng cảm, nhận ra và nói lên được những sai lầm của Mác – Lê để mạnh dạn từ bỏ nó, chứ không phải xem nó như nền tảng tư tưởng cần bảo vệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.