Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2022

Chiến tranh Ukraine làm giảm 1% các triển vọng tăng trưởng toàn cầu

 

Chiến tranh Ukraine làm giảm 1% các triển vọng tăng trưởng toàn cầu

UNCTAD

Đỗ Kim Thêm, dịch

24-3-2022

Một chung cư bị hư hại nặng trong cuộc chiến ở Kyiv, Ukraine © UNICEF/ Anton Skyba (the Globe and Mail)

Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Mậu dịch và Phát triển (UNCTAD) cảnh báo, mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ 3,6%  xuống 2,6% cho năm 2022 và các nước đang phát triển sẽ cần 310 tỷ đô la Mỹ để đáp ứng các yêu cầu cho dịch vụ nợ công nước ngoài trong năm nay.

UNCTAD đã hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2022 từ 3,6% xuống còn 2,6% do chiến tranh Ukraine và những thay đổi trong chính sách kinh tế vĩ mô của các quốc gia trong những tháng gần đây.

Trong một bản báo cáo cập nhật cho dành cho Mậu dịch và Phát triển được công bố vào ngày 24/3, UNCTAD nói, trong khi Nga sẽ trải nghiệm một cuộc suy thoái nặng nề trong năm nay, tăng trưởng sẽ trì trệ đáng kể ở Tây Âu, Trung, Nam và Đông Nam Á.

Cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine có khả năng củng cố xu hướng thắt chặt tiền tệ ở các nước tiên tiến sau những hành động tương tự mà nó bắt đầu vào cuối năm 2021 trong một số nước đang phát triển do các áp lực lạm phát, cùng với việc cắt giảm chi tiêu cũng được dự đoán trong các ngân sách sắp tới.

UNCTAD lo ngại rằng, sự kết hợp của nhu cầu trên toàn cầu đang suy yếu, sự phối hợp về chính sách không đầy đủ ở cấp độ quốc tế và mức nợ tăng cao từ trận đại dịch, sẽ tạo ra làn sóng các cú sốc tài chính mà nó có thể đẩy một số nước đang phát triển vào vòng xoáy về tình trạng phá sản, suy thoái và trì trệ phát triển.

Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan nói: “Những tác động kinh tế của cuộc chiến Ukraine sẽ làm phức tạp thêm sự trì trệ kinh tế đang diễn ra trên toàn cầu và làm suy yếu sự phục hồi từ đại dịch COVID-19“.

Nhiều nước đang phát triển đã tranh đấu để đạt được lực kéo kinh tế thoát khỏi cuộc suy thoái do COVID-19 và hiện đang phải đối mặt với những trận cuồng phong từ chiến tranh. Cho dù tình trạng này có dẫn đến bất ổn hay không, thì một sự lo lắng trầm trọng trong xã hội đã lan rộng“.

Ngay cả khi không có sự gián đoạn trong thị trường tài chính kéo dài, các nền kinh tế đang phát triển sẽ phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng về tăng trưởng. Trong trận đại dịch, cổ phiếu về nợ công và tư nhân của các nước đã tăng lên. Và các vấn đề thoát khỏi từ tầm nhìn trong trận đại dịch, bao gồm việc đòn bẫy doanh nghiệp và nợ gia đình gia tăng ở các nước đang phát triển có thu nhập trung bình, sẽ xuất hiện trở lại khi chính sách thắt chặt.

Giá cả tăng vọt và sự bất ổn tỷ giá hối đoái

Cuộc chiến đã gây thêm áp lực lên giá năng lượng quốc tế và hàng hóa chủ yếu, kéo dài gánh nặng ngân sách gia đình và gia tăng các chi phí sản xuất, trong khi sự gián đoạn thương mại và ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt có thể sẽ có tác động đáng lo sợ đến đầu tư dài hạn.

Ngay khi sự gián đoạn do đại dịch gây ra dường như lắng xuống, cuộc khủng hoảng địa chính trị đã giáng một đòn mạnh vào niềm tin trong nước. “Áp lực do việc tăng giá đang đẩy mạnh các lời kêu gọi cho một đối sách ở các nền kinh tế tiên tiến, bao gồm cả mặt trận tài chính, đe dọa tình trạng trì trệ cho tăng trưởng, trầm trọng hơn dự kiến“, báo cáo của UNCTAD cho biết.

Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt sẽ có tác động tức thời đến những người dễ bị tổn thương nhất ở các nước đang phát triển, dẫn đến nạn đói và khó khăn cho các gia đình mà phần lớn thu nhập của họ là dành cho cho thực phẩm. Nhưng cuối cùng  mọi người sẽ cảm nhận được việc suy giảm trong sức mua và chi tiêu thực sự.

Đối với nhiều nước đang phát triển, mối nguy hiểm khi lệ thuộc nặng nề trong việc nhập khẩu thực phẩm và nhiên liệu thì trầm trọng hơn khi giá tăng cao, đe dọa sinh kế, không khuyến khích đầu tư và gia tăng lo sợ cho tương lai về việc thâm hụt thương mại ngày càng lan rộng“, bản báo cáo cho biết.

Bảng liệt kê giá thực phẩm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ (FAO) từ tháng 1-1961 đến tháng 2-2022:

Chú thích: Mức trung bình thường niên năm 2022 của FAO chỉ dựa trên số liệu của tháng 1 và 2-2022. Nguồn: The Food and Agriculture Organization of the United Nations (FAO)

Báo cáo cho biết thêm, tình trạng bất ổn là mối quan tâm ngày càng tăng, nó được tạo ra bởi cuộc chiến ở các thị trường quốc tế quan trọng: một môi trường của các dòng vốn biến động, tình trạng bất ổn về tỷ giá hối đoái và chi phí vay tăng, đặc biệt là đối với các nước đang kém phát triển và thu nhập trung bình, có nguy cơ  khó khăn khi thanh toán nợ quan trọng cho nước ngoài.

Bản báo cáo cảnh báo, việc tăng lãi suất ở các nền kinh tế tiên tiến, cùng với những biến động mất trật tự trên thị trường tài chính toàn cầu, có thể chứng minh sự kết hợp gây tàn khốc đối với các nền kinh tế đang phát triển. Sự biến động trong thị trường hàng hóa, tiền tệ và trái phiếu, khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn, đã kích hoạt sự tháo chạy vốn cùng với rủi ro cao hơn đối với các khoản nợ tài chính của các nền kinh tế đang phát triển.

Doanh thu từ trái phiếu của các nước đang phát triển đã tăng kể từ tháng 9-2021. Sự gia tăng này lan rộng và là một tín hiệu rõ ràng về các điều kiện tài chính thắt chặt hơn. Kể từ khi cuộc xung đột Ukaine bùng nổ, doanh thu đã tăng trung bình thêm 36 điểm cơ bản cho các nước đang phát triển, với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thực phẩm có mức tăng cao hơn.

Báo cáo cảnh báo rằng các chỉ số tài chính truyền thống như tình trạng tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối không đưa ra một bức tranh đầy đủ về tính dễ bị tổn thương khi thay đổi các điều kiện tài chính bên ngoài. Các biện pháp hội nhập tài chính là thước đo chính xác hơn với nhiều nền kinh tế đang phát triển lớn, dễ bị đảo ngược đột ngột trong lưu lượng tài chính.

Báo cáo chỉ ra nhu cầu phục vụ nợ công trong ngắn hạn khi mối quan tâm ngày càng tăng. Các nước đang phát triển dự kiến sẽ cần 310 tỷ đô la để đáp ứng các yêu cầu dịch vụ nợ công bên ngoài vào năm 2022, tương đương 9,2% mức nợ công nước ngoài còn tồn đọng vào cuối năm 2020.

Các quốc gia dường như dễ bị tổn thương do sự ngưng trệ đột ngột bắt nguồn từ việc kết hợp của áp lực chuyển đổi nặng nề và tỷ lệ nợ cao so với xuất khẩu bao gồm Pakistan, Mông Cổ, Sri Lanka, Ai Cập và Angola. Ba trong số các nước này, Pakistan, Ai Cập và Angola, có sử dụng các chương trình dài hạn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế

Chính sách của các nền kinh tế tiên tiến thúc đẩy việc giảm tốc kinh tế

Theo bản báo cáo, các nền kinh tế tiên tiến chủ yếu đang trên đường đảo ngược các kích thích được ban hành trong thời đại dịch, bằng chính sách thắt chặt lãi suất, tháo gỡ mua tài sản của ngân hàng trung ương và đóng cửa các chương trình nghỉ phép tạm thời, các biện pháp chuyển nhượng và hỗ trợ cho các doanh nghiệp và gia đình. Điều này đang xảy ra mặc dù lạm phát vẫn chưa dẫn đến tăng trưởng tiền lương bền vững, làm cho mối đe dọa của vòng xoáy giá cả và tiền lương là không có cơ sở.

Báo cáo cảnh báo rằng, những thay đổi này sẽ làm suy yếu nhu cầu trên toàn cầu và làm giảm tăng trưởng, với đầu tư đã bị đình trệ ở một số quốc gia. Không thể loại trừ mối đe dọa về sự sụt giảm mạnh hơn trong đầu tư và tăng trưởng nếu lãi suất tăng quá nhanh và với thách thức khí hậu đã làm thay đổi các tin tức hàng đầu. Đây là xu hướng chính sách sai lầm vào thời điểm sai lầm.

Báo cáo lưu ý rằng, các nước đang phát triển, vốn đã phải chịu chi phí nặng nề hơn để đối phó với đại dịch, phải đối mặt với những hạn chế bổ sung về nhu cầu và nghĩa vụ cán cân thanh toán do sự thay đổi chính sách gần đây trong các nền kinh tế tiên tiến.

Các khuyến nghị về chính sách

UNCTAD khuyến nghị các hành động sau đây về mặt chính sách để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu:

1- Hỗ trợ tài chính đa phương cho các nước đang phát triển với nhiều ưu đãi hơn và ít có điều kiện hơn để cho phép các nước này chịu được các cú sốc tài chính và kinh tế, và tăng đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

2- Giảm nợ ngay lập tức cho Ukraine cùng các cuộc thảo luận mới về một cơ chế đa phương nhằm thúc đẩy tái cơ cấu công bằng và trật tự của các nước đang phát triển trong thời kỳ căng thẳng tài chính nghiêm trọng.

3- Sử dụng nhiều quyền rút vốn đặc biệt (SDR) để bổ sung dự trữ chính thức và cung cấp thanh khoản kịp thời để tránh các biện pháp điều chỉnh giảm phát nghiêm trọng.

4- Các thỏa thuận hoán đổi hiệu quả hơn và ít đặc biệt hơn giữa các ngân hàng trung ương để hỗ trợ các loại tiền tệ của các nước đang phát triển và giải quyết các cuộc khủng hoảng tài chính.

5- Các chính sách cụ thể cho từng ngành, bao gồm kiểm soát giá cả và trợ cấp, để giải quyết áp lực về phía cung và làm tăng thêm áp lực lạm phát.

Đánh giá trước mắt của UNCTAD về tác động của chiến tranh Ukraine đối với thương mại và phát triển, xác nhận triển vọng xấu đi nhanh chóng của nền kinh tế thế giới, do tăng giá lương thực, nhiên liệu và phân bón, biến động tài chính tăng cao, thoái vốn trong các chương trình phát triển bền vững, tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp và các chi phí thương mại đang gia tăng.

Bài liên quan: Chiến tranh Nga và nền kinh tế toàn cầu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.