Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2021

Chơi zậy hông ngon!

 

Chơi zậy hông ngon!

Lê Huyền Ái Mỹ

3-10-2021

Ảnh chụp màn hình

Tuổi Trẻ ngày 3.10 đưa tin ông Trần Văn Lâu – chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng – cho biết ông cùng lãnh đạo 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đề nghị tạm ngưng cho người dân tự về quê.

“Thời gian tạm ngưng tiếp nhận 15 ngày. Trong thời gian này, các địa phương chuẩn bị mọi mặt và lo chu đáo cho số bà con đã về. Sau khi ổn định, tỉnh sẽ xin ý kiến tiếp”, ông Lâu nói.

Bốn tháng trời, Sài Gòn tả tơi bệnh, tức tưởi chết. Rồi dịch bệnh lan dần ra, Bình Dương cũng te tua, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An cũng tan tác. Ông là quan đầu tỉnh, chẳng thấy mối họa lơ lửng, sao không lo từ trước, dự phòng các cách; nay đòi 15 ngày mà “chuẩn bị mọi mặt và lo chu đáo”? 30.000 người tự về quê Sóc Trăng, “nếu bà con về thêm nữa sẽ vỡ trận” – lời ông Lâu; ấy vậy mà 15 ngày đã đảm bảo “mọi mặt, chu đáo” thì quả là… thần kỳ!

Bốn tháng trời, bài học “26 người dân về tới Huế mà không được xuống ga Huế” chả nhẽ ông không học?

Nửa tháng cầm cự thêm, chẳng biết người Sóc Trăng có chịu nổi. Nhưng 4 tháng trời, “quan phụ mẫu” Sóc Trăng đã làm gì để nước dâng tới mép đê, vẫn còn xin thêm 15 ngày, lại mãi đánh tổ tôm mà “sống chết mặc bây” chăng?

Người Sóc Trăng nói riêng, người đồng bằng nói chung mưu sinh khắp chốn, từ Sài Gòn lên Bình Dương, Đồng Nai, từ khu công nghiệp ra vỉa hè, con hẻm. Nay, trong cảnh khốn cùng, họ cầm cự 4 tháng qua, giờ, Sài Gòn “trân trọng mời ở lại” họ cũng từ chối vì lớp đói, lớp mất việc, lớp có việc thì cũng chưa có lương, lớp nơm nớp hên xui nhiễm bệnh. Nên họ mới cùng quẫn mà chạy về. Nhưng thay cho “phụ mẫu chi dân”, lại chối từ “tạm ngưng cho người dân tự về quê”.

Chặn đường về của dân. Chất nỗi bất an, sợ hãi lên dân. Đẩy ngược gánh nặng lại cho Sài Gòn, Bình Dương… đã quá khốn khổ. Chơi zậy hông ngon!

Mà nhân ông Lâu nói chuyện “dân tự về quê”, nhắc lại dòng di dân thời mở cõi, một là tự động đi, đi lẻ tẻ, theo nhóm, gia đình; hai là tham gia vào các đợt di dân khẩn hoang do nhà nước (nhà Nguyễn) đảm trách tổ chức, bảo trợ.

Đấy là thời phong kiến. Đấy là đi trong hoàn cảnh… không dịch bệnh. Dù tai ương, dịch bệnh nơi miền đất lạ luôn rình rập. Nay, nếu nghĩ cho dân, các ông phải cậy nhờ chính phủ, các bộ ngành ngoài ngoải mà mở lòng đi đón, đón bằng vaccine, đón bằng an sinh, đón bằng nhiều cách như Tiền Giang, Bến Tre đang làm. Miễn đừng để dân lang thang, vạ vật, sợ hãi, thiếu đói.

Có câu kiến nghĩa bất vi/Làm người thế ấy cũng phi anh hùng” là đã tự răn mình bằng chính cái tự tánh từ thuở di dân mở cõi. Đi tìm sự sống, lẽ sống giữa muôn ngàn cái chết và sự rình rập hiểm nguy, truy bức, những lưu dân thuở ấy đã trọng nghĩa khinh tài. Huống gì là “đày tớ của nhân dân”.

Dịch bệnh, mới thấy một lũ hậu sinh bạc nhược.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.