Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2021

Bức tường Berlin (Phần 5): Sụp đổ

 

Bức tường Berlin (Phần 5): Sụp đổ

Ngày 09.11.1989, bức tường Berlin bị chính người dân Đông Đức phá bỏ một cách ôn hòa, mở đầu cho công cuộc thống nhất nước Đức. Ảnh tư liệu

Người Tây Đức coi công lao phá bức tường Berlin là của hàng triệu người Đông Đức. Chính những người dân Đông Đức bình dị mà trước ngày 9.11.1989 không hề tham gia tổ chức chính trị nào đã tự tay xóa bỏ bức tường. Chính họ là người đã mở đường cho công cuộc thống nhất trong hòa bình chứ không phải thế lực phương tây nào.

Trước mùa thu 1989, những người Đông Đức này đều là công nhân, viên chức, bộ đội, cảnh sát, giáo viên, mậu dịch viên v.v. trong một nhà nước mà quyền công dân bị thu hẹp đến mức tối thiểu. Áp bức, lừa dối, xuyên tạc ngự trị sinh hoạt xã hội. Mọi người dân vẫn sống và thực hiện nghĩa vụ công dân trong cái khuôn đó. Chúng tôi, những người Việt ở CHDC Đức trong những năm 1960-1980 có rất nhiều kỷ niệm đẹp về những Đông Đức tử tế.

Vì vậy cái khuôn khổ chật hẹp, sặc mùi STASI đó không thể tiệu diệt được khát vọng được sống tự do trong họ. Người Đông Đức thấy đã đến lúc phải thay đổi, thế thôi.

Mọi việc bắt đầu vào ngày 7.5.1989, khi một số sinh viên Leipzig phát hiện ra vài vụ gian lận bầu cử hội đồng địa phương. Các bạn kêu gọi biểu tình và tối hôm đó chỉ có 50 bạn trẻ đến dự ở quảng trường thành phố. Lập tức cảnh sát ra tay đánh đập đám sinh viên. Không ngờ bên cạnh đó có rất đông dân chúng đang dự một lễ hội. Chứng kiến cảnh đông đảo cảnh sát đánh đập một nhóm thanh niên nhỏ ôn hòa, dân chúng bỗng thịnh nộ đứng về phía 50 sinh viên. Sự áp đảo của dân chúng khiến cảnh sát phải lùi bước.

Ngay tối hôm sau 8.5, sự việc tái diễn. Lần này dân chúng không ai bảo ai kéo đến bảo vệ những người làm lễ thánh trong nhà thờ Nikolai bị công an bao vây. Lý do bao vây vẫn là đề tài “Gian lận bầu cử” được thuyết trình trong nhà thờ.

Cuộc biểu tình lớn nhất xảy ra tại Berlin hôm 06.11.1989 với một triệu người tham dự. Bí thư thành ủy Berlin, ủy viên bộ chính trị đảng SED là ông Günther Schabowski thay mặt đảng ra đối thoại với dân trong tiếng la ó, phản đối. Ảnh tư liệu

Ngọn lửa từ những người bất đồng chính kiến ít ỏi đã lây sang đám đông quần chúng xưa nay chẳng quan tâm đến thời cuộc. Cứ như thế làn sóng dâng lên dần, dẫn đến các cuộc “Biểu tình ngày thứ hai” [1].

STASI càng ra tay, sự tức giận càng tăng. Lúc đầu chỉ có 1.200 người đi biểu tình, dần tăng lên đến hàng trăm ngàn người. Đỉnh điểm là cuộc biểu tình ngày 6.11.1989 tại quảng trường Alexander ở Berlin với gần 1 triệu người tham dự [2].

Ba ngày sau bức tường “sập”.

Bức tường sập, đơn giản chỉ vì có nhiều người Đông Đức bình thường không muốn công an đánh con cháu mình, đơn giản vì nhiều nhà giáo không muốn phải nói dối mãi về lịch sử, đơn giản vì những cô cậu thanh niên không muốn cứ phải nghe kết quả bầu cử 99% năm này qua năm khác. Bức tường sập mà không đổ máu vì có những phóng viên truyền hình đã quyết nói lên sự thật, bất chấp lệnh trên [3].

Bức tường sập mà không tốn viên đạn vì chính người sỹ quan biên phòng Đông Đức, đảng viên cộng sản Harald Jäger đã mở thanh chắn, đánh dấu cho sự sụp đổ của các chế độ chuyên chế ở Đông Âu. [4]

Lúc đầu, người biểu tình Đông Đức chỉ mong phá bức tường để tự do đi lại. Họ biểu tình chống bầu cử gian lận chỉ để xây dựng Đông Đức thành một nhà nước XHCN nhân đạo, bình đẳng với nước CHLB Đức tư bản ở phía tây. Nhưng sau khi hàng triệu người từ hai miền qua lại thăm viếng nhau, tình cảm dân tộc phục hồi, nguyện vọng thống nhất trỗi dậy.

Chỉ 11 tháng sau ngày bức tường đổ, nước Đức thống nhất.

Mặc dù sau khi thống nhất, dân Đông Đức đã được hưởng những quyền con người mà tạo hóa ban cho, dù bức tường bê tông đã bị đâp thành các mảnh nhỏ để làm đồ lưu niệm cho du khách, nhưng hơn 30 năm sau, người Đức hai miền vẫn chưa xóa được sự ngăn cách mà người ta gọi là “bức tường trong đầu” (Mauer im Kopf).

Sau ngày thống nhất, mức sống của người Đông Đức thay đổi một cách ngoạn mục. Cuối năm 1989, thu nhập của người dân CHDC Đức chỉ xấp xỉ 30% đồng bào miền Tây. Sau đổi tiền gần như với tỷ số 1:1 hôm 1.7.1990, tỷ lệ này được nâng lên ngay thành 50%. Trong vòng 5 năm sau đó, mức thu nhập của người miền Đông đã đạt 80% của miền Tây.

Toàn bộ khu vực công cộng: Bệnh viện, trường học, nhà trẻ, công chính được nhà nước giữ nguyên và mở rộng. Các thầy cô của tôi dạy ở trường Bưu điện Königs Wusterhausen đều được giữ lại làm việc trong ngành, lương cao như các đồng nghiệp Tây Đức. Bệnh viện Charité của CHDC Đức được đầu tư thành trung tâm y học lớn nhất nước Đức.

Khu kỹ nghệ điện ảnh DEFA Babelsberg lại được khôi phục thành thủ đô điện ảnh của Đức, lấn át trung tâm điện ảnh miên Tây ở Bavaria. Trường đại học điện ảnh Babelsberg, lò đào tạo nhiều đạo diễn, quay phim cho các nước XHCN, trong đó có Việt Nam, nay trở thành trường đại học điện ảnh lớn nhất nước Đức. Ở Berlin, đại lộ Karl-Marx vẫn là một trong những phố lớn nhất thủ đô.

Hệ thống vườn trẻ, hệ thống trường học cả ngày (học 2 buổi), thành quả của chế độ XHCN, nay được miền Tây TBCN học tập triệt để. Hệ giáo dục phổ thông 12 năm của Đông Đức cũng được Tây đức áp dụng phổ cập vào năm 1998. Dân lái xe Tây Đức vui mừng vào đầu năm 1994 vì được rẽ phải ở những ngã tư có mũi tên xanh, không phải chờ đèn đỏ tắt.

Phản xạ này dân Đông Đức đã có từ năm 1978. Các kênh TV lâu lâu lại khui chương trình Đông Đức ra chiếu, dân cười bể bụng.Toàn bộ kho phim, kho sách, kho băng nhạc của CHDC Đức, được tự do khai thác, kể cả kho hồ sơ mật vụ STASI.

Ở Đức, khái niệm “văn hóa đồi trụy” chỉ dành cho những kẻ đốt sách.

Phải chăng không còn gì đẹp hơn quá trình thống nhất hài hòa này?

Nhưng trên thực tế, thống nhất nước Đức bắt đầu bằng sự giải thể một nhà nước lỗi thời để tạo ra 5 bang miền Đông. Các bang này tự sát nhập vào nhà nước liên bang của 11 bang miền Tây, chấp nhận hiến pháp CHLB Đức. Đây là tiền đề cho sự áp đảo (Dominance) về chính trị, xã hội, văn hóa và kinh tế của miền Tây lên miền Đông.

CHDC Đức từng là một cường quốc thể thao, chỉ kém Mỹ và Liên Xô trong các thế vận hội. Nền thể thao nhà nước được chỉ đạo bằng các chính sách cực đoan, kể cả Doping, đã biến mất sau vài tháng vì các vận động viên không có biên chế nữa. Các CLB bóng đá Đông Đức như Carl-Zeiss Jena, FC- Magdeburg, FC-Hansa Rostock, từng thi đấu nghiêng ngửa với các CLB phương tây, lần lượt tụt từ hạng một xuống hạng hai và nay đang ngoi ngóp ở hạng ba. Lý do là cầu thủ giỏi đều bỏ đi đầu quân cho các CLB miền Tây giàu có hoặc ra ra nước ngoài hết….

Vì những cán bộ từng điều hành nhà nước XHCN trước đây không thể tiếp tục lãnh đạo thể chế mới theo hiến pháp dân chủ nên đa số các cơ quan nhà nước và nhiều vị trí trong các đảng phái chính trị đều do người ở Tây Đức sang nắm. Các thủ tướng Kurt Biedenkopf, Lothar Späth hay Werner Münch là những nhà kỹ trị miền Tây đã lãnh đạo thành công công cuộc cải tạo kinh tế ở 3 bang công nghiệp miền Đông trong những năm 90. Chỉ hai bang sống bằng nông nghiệp là Mecklenburg-Vorpommern và Brandenburg được lãnh đạo bởi các chính khách miền Đông. Thủ đô Berlin nằm trọn trong tay người Tây Berlin suốt gần 30 năm qua.

Nhiều nhà bất đồng chính kiến từng vào tù ra tội dưới chế độ cũ, nay phải lãnh đạo các tổ chức chính trị mới ở miền Đông cũng chới với trong sinh hoạt chính trị và kiểm soát nhà nước theo cơ chế đa đảng. Họ phải nhường chỗ cho các “đồng chí tây học”.

Mặc dù không bị cưỡng bức đóng cửa, nhưng đa số các cơ sở văn hóa, nhà hát, báo chí, nhà xuất bản từng được bao cấp của nhà nước XHCN cũ đã không sống sót qua vài tháng kinh tế thị trường. Các văn nghệ sỹ từng hạnh phúc với tư do mới giành được, nay chợt hiểu: Tự do là hai chữ ngọt ngào, nhưng không thể ăn được.

Tâm lý người thua cuộc bắt đầu hình thành trong một bộ phận dân chúng, kèm theo đó là bức tường vô hình trong đầu.

(Còn tiếp)

_____

[1] Montagsdemonstration https://en.wikipedia.org/…/Monday_demonstrations_in

[2] Ủy viên bộ chính trị đảng SED Günter Schabowski hôm đó cũng thay mặt đảng SED đến đối thoại với phe đối lâp. Phe đối lập thì chưa hình thành, chẳng có ai lãnh đạo cả

[3] Trung tâm truyền hình Rostock bắt đầu đưa tin về các cuộc biểu tình từ tháng 10.1989, bất chấp lệnh của đài chủ quản từ Berlin.

[4] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/1414934981857904

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.