Tản mạn việc phòng chống đại dịch Covid-19: Hãy trả về cho xã hội dân sự
Trần Văn Chánh
Đại dịch Covid-19 gây chết người hàng loạt đã đến với loài người hiện đại trong khoảng hai năm gần đây như một giấc mộng kinh hoàng! Nếu đem gộp chung với chiến tranh và các loại thiên tai truyền thống khác (như lũ lụt, động đất, ô nhiễm sinh giới…) thì có thể coi Đại dịch Covid-19 như một cuộc “tiểu tận thế” hay “tận thế từng phần”. Điều đáng lưu ý là trận đại dịch hiện nay phát tác phần lớn ở một số nước tiền tiến và các quốc gia đang phát triển, nên cũng có thể coi nó là hậu quả tất yếu của nền văn minh khoa học-kỹ thuật; còn tại những quốc gia chậm tiến, con người lại chết chủ yếu vì những loại bệnh khác-phi Covid, đi cùng với tình trạng suy dinh dưỡng theo kiểu chết dần chết mòn vì nạn đói.
Tính đến hôm nay, theo các số liệu được công bố, số người tử vong trên toàn thế giới đã lên tới 4,55 triệu trên tổng số 219 triệu ca nhiễm. Riêng tại Việt Nam, tính chung cả 4 đợt dịch bệnh (khởi từ tháng 1.2020), số liệu công bố chính thức trong ngày 22.9.2021 đã có 17.781 người chết trên tống số 718.963 ca nhiễm, chiếm 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỉ lệ tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới (2,1%). Mức lây nhiễm và tử vong cao này đã gây nên tình trạng hoảng loạn cho toàn thể nhân dân trong nước, vì ai cũng sợ rồi có lúc sẽ đến lượt mình đối diện với tử thần. Trong khoảng thời gian diễn biến của Đợt IV kinh khủng, các bệnh viện đều quá tải, số ca nhiễm và tử vong tăng lên hàng ngày, người chết nhiều không kịp hỏa táng phải bó xác chờ mang đi trong những thùng xe đông lạnh…
Thật ra chỉ đến Đợt IV khởi đầu từ 24.4.2021 mới đáng gọi “bùng phát”, còn cả 3 đợt trước đó chỉ diễn ra lai rai thôi, với số người tử vong trên dưới 30, không đáng kể, thậm chí còn thấp hơn cả số tử vong trung bình trong 2 ngày vì tai nạn giao thông trên cả nước. Cho nên có thể nói, ở cả 3 đợt trước, đó là Việt Nam còn may mắn chưa bị vỡ trận như vài nước khác, chứ nếu vỡ trận (như ở Mỹ, Ấn Độ… chẳng hạn) thì nhà cầm quyền có lẽ cũng lúng ta lúng túng y như Đợt IV đang diễn ra này thôi, chứ chẳng phải do tài năng chỉ đạo diệt dịch của bất kỳ ông lớn nào cả. Nói ra như vậy không phải phủ nhận ai, mà chỉ để cho thấy tự hào quá đáng về thành tích là một điều nguy hiểm.
Đến đợt dịch bệnh thứ IV lần này thì điều vừa nói trên đã được chứng nghiệm rõ nét, cho thấy nhà cầm quyền chủ quan, không có khả năng dự đoán tình thế nên hoàn toàn thiếu chuẩn bị, và phải đợi đến mất trâu mới lo rào chuồng, thể hiện qua việc cho dân chúng thả cửa tập trung đông người trong các dịp tổ chức rầm rộ bầu cử Quốc hội (đã cơ cấu sẵn người trúng cử), thi tốt nghiệp PTTH, du lịch vui chơi lễ 30.4 và 1.5.
Khi đại dịch bùng phát tại TP.HCM, Nhà nước mới cho rào chuồng bằng giải pháp gắt gao hơn, tương đương với phong tỏa hoặc giới nghiêm (thực hiện Chỉ thị 16 từ 9.7.2021), cho cách ly tập trung các ca nhiễm (gọi là F0) và cận nhiễm (gọi là F1), song song với việc mở gấp thêm nhiều bệnh viện dã chiến trong điều kiện thiếu cả nhân viên phục vụ lẫn thiết bị - vật tư y tế (oxy, máy thở, ngân hàng máu…).
Một trong những sai lầm nghiêm trọng tiếp theo mà một người không thuộc giới chuyên môn cũng trông thấy rõ, đó là việc vội vã cho chuyển công năng các bệnh viện sang tập trung chữa Covid-19, khiến cho số bệnh nhân đang mắc các bệnh truyền thống-phi Covid bị bỏ rơi (như tim mạch, ung thư, đột quỵ, các bệnh khác thuộc ngũ tạng…) không nhập viện được, trong khi con số tử vong hàng năm của các loại bệnh này vốn dĩ luôn nhiều gấp trăm gấp ngàn lần số ca bệnh Covid-19 (tính theo thời điểm cuối tháng 4.2021). Rồi nào là cấm chợ, hạn chế lưu thông hàng hóa, với khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, “mỗi đơn vị là một pháo đài”, “mỗi người dân là một chiến sĩ”…, toàn là những khẩu hiệu trống rỗng kiểu thời chiến rất dễ gây phản cảm. Ngôn ngữ phản ánh tư duy, nên chỉ cần nghe cách nói, người tinh tế đã có thể đoán ra được gần đúng cách làm.
Bắt người dân “ai ở đâu ở đó” có thể là phương pháp thử nghiệm đúng, nhưng chỉ đúng trên lý thuyết chứ không đúng theo hiện thực. Muốn ai ở đâu ở đó để phòng dịch lây lan thì người dân chấp nhận vì họ cũng sợ chết, nhưng phải đảm bảo cung ứng miễn phí lương thực-thực phẩm tương đối đủ cho họ (không phân biệt thành phần) trong những ngày bị phong tỏa cấm đi ra ngoài. Thực tế cho thấy khâu cung ứng này tuy có vẻ bề ngoài cố gắng nhưng hầu như thất bại 50-60%, dẫn tới thảm cảnh cả triệu người dân nghèo nhập cư làm thuê ở nhà thuê lâm vào nạn thiếu đói phải kéo nhau hàng đàn hàng lũ về quê để thực hiện “mục tiêu kép” của họ là vừa trốn dịch vừa tránh đói!
Thêm nữa việc chấp hành Chỉ thị 16, 16+ đã bị hầu hết các tỉnh thành áp dụng một cách cực đoan cứng nhắc, theo kiểu “nội bất xuất ngoại bất nhập”, cũng do bệnh thành tích và óc cục bộ địa phương cố hữu, đã gây nên biết bao tình trạng lúng túng bế tắc dở khóc dở cười cho mọi thành phần dân chúng, không thể kể xiết.
Trong khi đó mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế của Chính phủ cũng chỉ là một khẩu hiệu suông, căn bản vì hai vế này tự chúng mâu thuẫn nhau. Cho nên thà cứ nói ưu tiên bảo vệ tính mạng người dân thì còn có chỗ đủ lý đủ tình để được thông cảm. Để thực hiện khẩu hiệu mục tiêu kép, người ta lại khiên cưỡng đẻ ra sáng kiến “ba tại chỗ”, cũng không nhiều công ty xí nghiệp hãng xưởng làm được. Chưa nói đến ngành giáo dục cho khai giảng năm học đầu tháng 9 dưới hình thức học online, làm như thể mọi gia đình học sinh đều có sẵn thiết bị công nghệ cao tại nhà và biết cách sử dụng thuần thục. Đột xuất muốn mua máy vi tính cho con em học cũng không mua được do gặp phải “trở ngại tam trùng” (hơn cả “kép/ nhị trùng”): người nghèo vừa không có tiền vừa không có chỗ mua và không được đi ra ngoài mua vì nạn phong tỏa! Thay vì, nếu muốn mở cửa trường tại các vùng dịch có nguy cơ cao, Nhà nước phải cung cấp miễn phí cho mỗi nhà ít nhất một máy vi tính, trước khi tuyên bố khai giảng…
Khởi đầu giai đoạn bùng phát (lấy mốc 27.4.2021), việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống Bệnh viêm đường hô hấp cấp (30.1.2020, ngày 25.8.2021 kiện toàn thành Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 do thủ tướng đứng đầu) theo tôi cũng là một việc làm có phần dư thừa trùng lắp không thật sự cần thiết. Vì như thế chẳng khác nào đẻ ra thêm một bộ máy trung ương song song với nội các chính phủ đã có sẵn, trong đó hầu hết các bộ trưởng, thứ trưởng cũng vừa là thành viên của Ban chỉ đạo, trong khi việc phòng chống dịch bệnh chỉ cần giao đúng địa chỉ cho cơ quan chức năng trung ương Bộ Y tế là đủ, từ đó triển khai nghiên cứu, định ra chiến lược/ kế hoạch với sự tư vấn của các nhà chuyên môn dịch tễ học, y học dự phòng cùng một số liên ngành khác. Những chức vụ cao hơn bộ trưởng chỉ nên đóng vai trò đứng sau lưng động viên, kiểm soát, góp ý, với hai bên tả hữu là một nhóm chuyên viên y tế giỏi làm tư vấn, một ban thư ký tổng hợp báo cáo/ soạn thảo văn bản, để sau đó chỉ cần gật đầu nhanh chóng ban hành mệnh lệnh phổ biến ra toàn dân thi hành dựa trên cơ sở ý kiến đề xuất của cấp bộ chuyên môn. Các nhà chính trị chỉ huy cấp cao này chẳng cần đi đâu xa cho mệt, không khéo lại nhiễm bệnh thêm phiền mà lỡ tử vong chưa chắc có người dân nào thương cảm.
Muốn theo dõi kỹ tình hình dịch bệnh, và nắm chắc dân tình, các ưu và khuyết điểm trong quá trình chống dịch của ngành y tế, họ không cần lăng xăng đi thị sát, mà chỉ cần có trong tay một máy điện thoại thông minh (giá chừng 4-5 triệu đồng) là đủ; từ đó có thể ngồi yên một chỗ quan sát bao quát hết các hiện tình sinh động trong cán bộ thực hiện ở các cấp và trong dân, đã diễn ra trên phạm vi cả nước. Đây là thuật “bất hành nhi chí” (không đi đâu mà như đã đến nơi) mà dữ liệu thu thập sẽ còn xác thực hơn gấp trăm lần những bản báo cáo được gởi từ dưới lên, những bản báo cáo vốn chịu ảnh hưởng thâm căn cố đế của bệnh thành tích và nạn quan liêu giấy tờ XHCN. Cũng với chiếc máy điện thoại thông minh trong tay, các nhà lãnh đạo cấp trung ương sẽ biết rõ các y sĩ, bác sĩ, hộ lý, lực lượng công an cảnh sát bộ đội đã làm việc nặng nhọc thế nào, dân nghèo thiếu đói vì chưa nhận được trợ cấp gạo tiền do Chính phủ hứa đã kêu gào ra sao, và họ đã bỏ của chạy lấy người về quê thê thảm ra sao, cũng như một số hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong quá trình chống dịch (do các mạng xã hội phản ảnh)…, để kịp thời uốn nắn nhắc nhở hoạt động của các bộ ngành liên quan. Nếu các ông vẫn cứ đi đây đi đó chống dịch như một anh cán bộ cấp phường xã đi sát dân, rất có thể sẽ bị hiểu lầm là cũng mắc bệnh thành tích, cố ý trình diễn để đánh bóng uy tín cá nhân hơn là thật sự vì dân vì nước. Trái lại, nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo cấp trung ương trước sau vẫn là tập trung lo vấn đề ngân sách đủ để cung ứng với hiệu quả cao nhất cho kế hoạch tổng thể, bao gồm vaccin, các loại thuốc men, thiết bị-vật tư y tế cần dùng cho các bệnh viện, trạm y tế trên toàn quốc, theo hướng tập trung nguồn lực cho các vùng có nguy cơ cao như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…; cũng như phải chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng cho việc trợ cấp nạn thất nghiệp lâm thời từ việc phong tỏa chống dịch gây nên. Nếu cứ đi lung tung chỉ đạo như đã làm, các nhà lãnh đạo cấp trung ương còn dễ gặp phải một số tình huống khó xử, như khi phát hiện cấp tỉnh/ thành phố, phường xã có người làm việc không vừa ý thì sinh ra bực tức đập bàn đập ghế, gây mâu thuẫn mất đoàn kết, mà quên rằng các người lãnh đạo cấp dưới đó với các ông cũng đồng một thể tính và nguồn xuất phát vì đều do tổ chức lãnh đạo cấp trên chọn lựa bố trí chức vụ theo đúng quy trình, chứ chẳng ai là người do dân trực tiếp bầu ra cả. Họ có lỗi chính là các ông lớn cũng có lỗi, mà ai lớn hơn thì phải chịu trách nhiệm nhiều hơn.
Dịch bệnh Covid-19 là một hiện tượng mới mẻ đầu tiên xuất hiện trên trái đất, nên cho đến nay, tính trên phạm vi toàn thế giới, chưa ai biết một cách chắc chắn 100% bản chất cũng như cơ chế lây lan của Sars- Covi 2, và hiện vẫn còn tồn tại không ít ý kiến bất đồng giữa các nhà khoa học. Tình trạng lúng túng ban đầu trong việc chống dịch ở một số nước là điều có thể hiểu được. Vì vậy không ai đòi hỏi các nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam phải am hiểu y khoa và biết cách phòng chống Covid-19, tuy nhiên người ta có quyền đòi hỏi họ không được lẫn lộn giữa mệnh lệnh chính trị có tính quan liêu với lĩnh vực chuyên môn, và yêu cầu họ phải khiêm tốn biết lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học. Việc Chính phủ ấn định đến ngày 15.9 TP.HCM phải kiểm soát được dịch bệnh là một quyết định hoàn toàn chủ quan duy ý chí và đầy nét cảm tính. Ngay như việc chống quốc nạn tham nhũng thuộc lĩnh vực nhà nghề của các nhà hoạt động chính trị mà các ông làm mãi còn chẳng nên thân, để cho đất nước rách tầy quầy ra, thì việc các ông tham gia trực tiếp chỉ đạo toàn quốc chống Covid-19, nếu không hư bột hư đường mới là chuyện lạ.
Phải làm theo ý kiến và kế hoạch của giới chuyên môn mà cơ quan chức năng đứng đầu là Bộ Y tế. Trong quá trình chống dịch vừa rồi, ngay khi bắt đầu xuất hiện một số sai lầm (như cách ly tập trung, xét nghiệm toàn dân số…), đã có ngay ý kiến đóng góp trung thực của một số bác sĩ, chuyên gia y tế độc lập cả trong lẫn ngoài nước, như có thể kể các bác sĩ Phạm Hữu Thắng, Võ Xuân Sơn, Phan Xuân Trung… (ở VN), Nguyễn Văn Tuấn (ở Úc), cùng với nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu khác (như Tuấn Khanh, Nguyễn Đình Bổn, Mai Bá Kiếm, Cù Mai Công, và cả chục tác giả khác tôi không nhớ tên đủ), mỗi người đều đóng góp nhiệt tình trên các khía cạnh chuyên môn và xã hội. Tất cả những ý kiến này cơ bản đều chính xác, đáng được tham khảo để đề ra kế hoạch chống dịch Covid-19. Ban đầu loạt ý kiến này, trong các giới chính quyền, có người nghe theo để tham khảo một cách trân trọng (như trường hợp Bí thư TP.HCM viết thư hồi đáp cám ơn BS Thắng…), nhưng nhiều người cũng phớt lờ; thậm chí dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo trung ương, một vài tờ báo còn đăng bài chỉ trích, đại khái cho rằng họ gây rối khiến hoang mang dư luận này khác.
Nội dung của những bài góp ý nêu trên, phần nhiều đã được đăng tải trên các trang mạng xã hội, nên đây xin không lặp lại. Càng về sau, khi mô hình chống dịch quan phương đã tỏ ra thất bại, người ta mới chịu quay lại thực hành theo ý kiến của các chuyên viên và nhà báo kể trên. Đó là chưa kể đến ý kiến đóng góp xây dựng, kể cả chỉ trích, bêu riếu, kêu gào của những người dân thường thể hiện trong hàng trăm hàng ngàn trang facebook, video clip được đưa ra mỗi ngày mà ta đều có thể truy cập dễ dàng. Tổng hợp lại tất cả các loại ý kiến vừa nêu, chính quyền và ngành y tế sẽ có sẵn trong tay một tập tập hồ sơ, một bản báo cáo đáng gọi tài nguyên/ tài sản vô giá nhưng không mất tiền mua để làm tài liệu làm căn cứ chỉ đạo chống dịch, mà không cần phải mở đến hàng trăm buổi họp đủ kiểu ở các cấp vừa mất thời gian vừa tốn tiền vô ích.
Tại đây, tôi xin mở một dấu ngoặc đề nghị: Trong thời gian vừa qua, có một số người dân bị đóng phạt hoặc bị khởi tố vì họ bức xúc viết facebook chửi nặng Nhà nước về những khuyết điểm trong quá trình chống dịch, thì nay nên trả lại tiền phạt hoặc đình chỉ khởi tố, bởi vì một chính quyền nếu thật sự của dân do dân vì dân thật tâm muốn cứu dân qua cơn nước lửa trong cuộc đại nạn chung này, phải có đủ trình độ, tâm hồn, sự nhạy cảm và tính bao dung để biết lắng nghe những tiếng nói khác, và nhận khuyết điểm về phía mình trước. Không nên coi số ít người dân bực bội chửi bới này là “thế lực thù địch”, trái lại luôn biết lắng nghe mọi ý kiến phát biểu đa dạng của mọi hạng quần chúng cho dù ý kiến đó không được bùi tai. Ngay cả như Lênin là một ông cộng sản gộc khá độc tài, thế mà cũng thường biết chú ý lắng nghe ý kiến của những người đối lập, chịu khó đọc các sách báo của kẻ thù viết về cuộc cách mạng ở Nga lúc đó đang gặp nhiều khó khăn, và tự nhủ: “Những người này đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều. Họ nhắc chúng ta chú ý đến tất cả những sai lầm và hành động ngốc nghếch mà chúng ta mắc phải. Chúng ta phải cám ơn họ”. Ông không ưa kẻ khác tán tụng mình hoặc thêu dệt thêm những thành tích đã đạt được ở Nga, đủ chỉ là để tuyên truyền (xem Lênin, Về văn học nghệ thuật, NXB Văn Hoá Nghệ Thuật, Hà Nội, 1963, tr. 114).
Người xưa nói, “cuồng phu chi ngôn khả dĩ trạch yên”, nghĩa là lời nói của kẻ khùng còn có chỗ xài được kia mà! Trái lại chúng ta phải luôn cảnh giác trước những lời ngon ngọt có cánh kiểu tốt này tốt nọ, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao với vài nước lân cận, để tránh đưa đất nước đến tình cảnh vong gia thất thổ lúc nào không hay.
Phải công nhận rằng, nhờ những ý kiến phản biện từ nhiều phía đủ kiểu, chính quyền đã có sửa sai điều chỉnh sách lược chống dịch Covid-19 theo hướng tốt hơn, như trước cách ly tập trung F0, F1, giờ cho cách ly chăm sóc sức khỏe tại nhà; trước chặn đuổi đám dân nghèo khổ thất nghiệp tháo chạy về quê, sau tổ chức hỗ trợ cho họ trở về trong vòng trật tự an toàn; trước coi việc dân chở giao hũ cốt cho thân nhân người chết, hoặc chở xác người chết đem về tỉnh chôn là có tội, giờ thấy việc làm này là có phần hữu lý vì lò thiêu tại TP.HCM đã thật sự quá tải…
Trung thực mà nói, hầu hết các giải pháp, chỉ thị tùy tiện của chính quyền trong quá trình chống dịch ban đầu đều phạm sai lầm dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng mà không một ai đứng ra chịu trách nhiệm cụ thể: xấp xỉ 18.000 ca tử vong, hơn 1.500 trẻ em mồ côi cha mẹ, hàng trăm ngàn người dân lâm vào cảnh thất nghiệp, đói nghèo, thiếu trợ cấp; chưa kể cũng có đến hàng trăm ngàn người khác mắc các bệnh nền truyền thống-phi Covid không được nhập viện chữa trị, dẫn đến bị ủ bệnh nặng thêm hoặc chết oan uổng... Đối lại với hầu hết ý kiến đóng góp, phản ảnh đều đúng của các chuyên viên y tế và của người dân.
Đến đây, đã bắt đầu cho thấy rõ vai trò và giá trị của xã hội dân sự, vì thế để chống dịch có hiệu quả, và tiếp tục phát triển đất nước trong giai đoạn hậu dịch trên tất cả các phương diện của đời sống, phải căn bản trả lại hết mọi việc về cho xã hội dân sự dưới sự điều tiết của chính quyền vận động theo hướng dân chủ hóa và trên cơ sở một nền luật pháp minh bạch.
Thời gian qua, việc thực hiện giản cách sai trái và cứng nhắc áp dụng trên toàn quốc đã gây nên tình trạng tắc nghẽn trong lưu thông phân phối khiến cho nền kinh tế bị tê liệt, trong điều kiện ngân sách nhà nước đang cạn kiệt, đời sống nhân dân đã thật sự lâm vào cảnh khốn cùng. Hàng chục ngàn xí nghiệp trong nước phá sản, các công ty ngoại quốc rục rịch rút khỏi để chuyển vốn đầu tư sang nước khác. Muốn khắc phục hậu quả là việc không chút dễ dàng và phải mất thời gian lâu, vì công nhân các hãng xưởng đã bỏ về quê trốn dịch trốn đói hết rồi. Không khéo lại khiến nước ta bị rơi vào cái bẫy của các thế lực thù địch nào đó bên ngoài vốn đã và đang lâm le tìm mọi cách xâm nhập mềm để đặt nước ta vào tình trạng nô lệ hóa ngày một sâu thêm sâu nặng cả về kinh tế lẫn chính trị, với kết quả xấu cuối cùng là gì thì ai cũng có thể đoán ra được…
Căn bản của xã hội dân sự giờ đây là chủ thể người dân, ai cũng sợ lây bệnh sợ chết, nên tính tự giác của họ rất cao. Không cần phải đặt quá nhiều chốt chặn một cách máy móc như đã làm trong suốt 5-6 tháng nay, nên việc dỡ bỏ các rào cản phải là một trong những ưu tiên hàng đầu cần tiến hành gấp. Điều này không có nghĩa xả cảng một cách vô tội vạ, trái lại thay vào đó cần tái cấu trúc lại hệ thống y tế, bình thường hóa hoạt động của tất cả các bệnh viện để có thể thu nhận không bỏ sót bệnh nhân, với những khu đặc trị đi cổng riêng dành riêng cho người mắc bệnh Covid-19 từ thể vừa đến nặng. Một vài bệnh viện dã chiến chữa Covid-19 có sẵn vẫn tiếp tục duy trì, trong tương lai gần sẽ biến thành bệnh viện chuyên khoa, được tập trung các nguồn lực từ y - bác sĩ, hộ lý, cho đến xe cứu thương, thuốc men và các trang thiết bị-vật tư y tế cần thiết khác. Đặc biệt chú trọng củng cố hệ thống y tế cơ sở cấp xã phường để chuyên lo tư vấn sức khỏe và chăm sóc thuốc men cho những bệnh nhân dương tính không triệu chứng hoặc ở thể nhẹ cách ly tại nhà.
Ngoài việc tổ chức đào tạo y-bác sĩ chuyên khoa Covid, Chính phủ trung ương thông qua Bộ Y tế cần tăng cường công tác giáo dục sức khỏe bằng cách in ra phát không hàng trăm triệu tập tài liệu mỏng (từ 1 đến 4 trang) đưa đến từng hộ gia đình, hướng dẫn người dân những kiến thức cơ bản liên quan, như cách tự xét nghiệm âm/ dương tính, cách tự chăm sóc cho trường hợp dương tính không triệu chứng hoặc chỉ bộc phát ở thể nhẹ, nhất là biết rõ khi nào thì người dân cần đến nhu cầu nhập viện… Những kiến thức tương tự như vậy cũng sẽ được đưa vào sinh hoạt vài lần trong mọi nhà trường từ cấp phổ thông cơ sở đến đại học. Chi phí cho vài công việc vừa kể sẽ chỉ tốn một ngân khoản không đáng kể, giỏi lắm chỉ bằng số lẻ so với số chi phí người ta đã và đang dùng một cách vô ích thậm chí có hại cho việc xét nghiệm lặp đi lặp lại trăm phần trăm dân số.
Phải để cho báo chí (gồm cả báo giấy, báo đài, báo điện tử) được công khai đăng đúng sự thật tình hình diễn biến của dịch bệnh, không giấu giếm, đặc biệt đối với số ca tử vong hàng ngày. Nếu chẳng may số tử vong cao thì việc công bố đúng sự thật sẽ có tác dụng tích cực răn đe-giáo dục hiệu quả tốt nhất, vì người dân ai cũng sợ chết, sẽ sợ luôn cả việc lưu thông tụ tập ngoài đường một cách tự giác mà không cần đến các chốt chặn kiểm dịch.
Sắp tới, tiêu biểu tại TP.HCM và Bình Dương, số ca lây nhiễm chưa thể dự đoán được nhưng số ca tử vong có cơ sẽ giảm dần, ngoài việc sẽ tăng cường tiêm chủng vaccin, còn có lý do những người thời gian qua bị nguy cơ cao đến mức phải chết cũng đã chết gần hết rồi! Thật là một điều hết sức đáng ân hận mà không còn cách gì cứu vãn được!
Trước mắt tiếp tục áp dụng 5K nhưng có thể bỏ bớt khâu khai báo y tế, rất ít tác dụng thực tế. Bãi bỏ việc cấp giấy đi đường để tránh phiền hà cho người dân.
Cuối cùng và cũng đương nhiên là việc tiêm vaccin miễn phí cho khoảng 75% dân số để đạt tình trạng miễn dịch cộng đồng. Đây mới là trách nhiệm chính của một Chính phủ vì dân, cũng giao cho Bộ Y tế chủ trì. Cho phép các bệnh viện tư nhân đủ điều kiện về thiết bị và chuyên môn được tiêm vaccin dịch vụ có thu phí theo giá thỏa thuận. Trong quá trình thực hiện, nếu để xảy ra những hiện tượng tiêu cực gây tổn hại cho người dân thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm cụ thể, với mức chế tài có thể cách chức hoặc bỏ tù ông bộ trưởng trong những trường hợp sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng do chính ông hoặc do các cấp dưới. Nếu các bộ trưởng, thứ trưởng tỏ ra thiếu khả năng thì phải mạnh dạn kịp thời thay người khác.
Tóm lại, theo sự trình bày và phân tích như trên, hãy trả lại hầu hết công việc phòng chống Covid-19 về cho xã hội dân sự, dựa trên căn bản tính tự giác của người dân, và giao lại cho các giới chuyên môn thuộc quyền quản lý của ngành y tế. Đặc biệt chú ý tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia y tế độc lập cả trong lẫn ngoài nước. Loại bỏ nếp tư duy cổ hủ và thái độ hành động bằng mệnh lệnh chỉ đạo chủ quan quan liêu duy ý chí. Các chức vụ chính quyền từ bậc phó thủ tướng trở lên bấy giờ có thể được phân công giám sát công việc từ xa, thỉnh thoảng mới cần đi xuống các địa phương để ủy lạo cán bộ và động viên tinh thần làm việc, số thì giờ còn lại tập trung chăm lo những việc lớn thuộc tầm vĩ mô, chuẩn bị ngân sách dồi dào dành cho các khoản chi tiêu trong kế hoạch tổng thể phòng chống dịch bệnh, bao gồm việc mua vaccin, mua trang thiết bị-vật tư y tế, chi phí trợ cấp ngoài lương cho cán bộ y tế, cũng như đảm bảo giữ đúng lời hứa về các khoản trợ cấp dân sinh trong điều kiện chống dịch căng thẳng.
Nếu làm được như vậy để xoay chuyển tình thế khắc phục hậu quả, những gì chính quyền lỡ sai với nhân dân trong quá trình chống dịch thì cuối cùng cũng sẽ bị nhân dân truy cứu trách nhiệm, nhưng cho hưởng tội với mức độ giảm khinh…
T.V.C.
23.9.2021
Nguồn: viet-studies.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.