Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

Vài thắc mắc dành cho sứ quán Trung Quốc

 

Vài thắc mắc dành cho sứ quán Trung Quốc

Đặng Sơn Duân

27-8-2021

Sau khi Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris kết thúc chuyến thăm Việt Nam, Đại sứ quán quý quốc nhanh chóng ra tuyên bố bày tỏ lập trường đối với các phát biểu được cho là công kích Trung Quốc.

Đầu tiên, không rõ tuyên bố bày tỏ lập trường này hướng đến đối tượng độc giả nào. Nếu là lời đáp trả Phó tổng thống Harris lẽ ra quý quốc nên viết bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, vì tuyên bố chỉ viết bằng tiếng Việt và tiếng Trung nên có lẽ chủ ý của sứ quán là hướng đến nhân dân Việt Nam hơn là vị khách đến từ nước Mỹ.

Ảnh chụp màn hình một phần tuyên bố của ĐSQ Trung Quốc.

Điều này càng thể hiện rõ hơn qua các luận điệu ly gián quan hệ Việt – Mỹ. Nó cho thấy ý đồ khích bác, chia rẽ tình cảm của người dân Việt Nam dành cho nước Mỹ hơn là nỗi phẫn uất vì bị công kích. Cũng vì thông điệp này hướng đến người dân Việt Nam nên là một người dân bình thường, tôi cũng cảm thấy muốn có đôi lời với quý quốc.

Những ai từng trải qua chiến tranh chắc chắn không bao giờ quên những ký ức về nó và cũng không có lý do gì để quên. Nhưng khơi gợi lại những nỗi đau chiến tranh mà các bên đều đang cố gắng khép lại mới đích thực là kẻ chia rẽ ác ý và hiểm độc.

Hậu quả chất độc màu da cam là không gì bù đắp nổi, nhưng ít nhất người Mỹ đã có thành tâm quay lại triển khai các dự án tẩy độc ở Đà Nẵng, Biên Hòa, song song đó là các sáng kiến tìm kiếm người mất tích của cả hai bên.

Chúng chắc chắn không xóa bỏ nhưng sẽ làm vơi bớt nỗi đau chiến tranh. Đó mới là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai đích thực. Xin hỏi quý quốc đã làm gì để sám hối trước những tội ác chiến tranh của mình, từ biên giới phía bắc đến thảm sát Trường Sa?

Quý quốc khơi lại “khoảnh khắc Sài Gòn”, xin thưa “khoảnh khắc Sài Gòn” bao gồm cả những nỗ lực vào phút chót của quý quốc để ngăn cản thống nhất đất nước. Không biết quý quốc có quên không chứ người dân Việt Nam như chúng tôi cam kết sẽ không bao giờ quên.

Dễ thấy phát biểu của Phó tổng thống Harris khiến quý quốc bức xúc là câu: “Chúng ta cần phải tìm cách gây áp lực và gia tăng áp lực lên Bắc Kinh để họ phải tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển và thách thức các hành vi bắt nạt và yêu sách biển quá mức của họ”.

Thế nhưng, trong đoạn mở đầu quý quốc chỉ trích dẫn cụm từ “tăng áp lực” mà giấu đi mục đích tăng áp lực để làm gì. Tăng áp lực để quý quốc tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Đây há chẳng phải là điều mà quốc gia có trách nhiệm nào cũng nên làm hay sao?

Giả như tăng sức ép để buộc quý quốc làm điều xằng bậy thì phản ứng của quý quốc có thể hiểu được. Đằng này, quý quốc giãy nảy như đỉa phải vôi trước một yêu cầu bình thường há chẳng phải là thú nhận lạy ông tôi ở bụi này, rằng bấy lâu nay chúng tôi chẳng đếm xỉa đến UNCLOS và cũng không có kế hoạch làm thế.

Tương tự, nếu quang minh chính đại chẳng có các hành vi bắt nạt và yêu sách biển quá mức, thiết nghĩ quý quốc cũng chẳng nhất thiết phải lồng lộn như đã thể hiện.

Về vấn đề Biển Đông mà quý quốc gọi là Nam Hải, quý quốc viết “Sự thật không thể phủ nhận được là, lập trường và chủ trương của Chính phủ Trung Quốc về vấn đề Nam Hải là nhất quán và rõ ràng, trước sau như một, không bao giờ thay đổi, phía Trung Quốc không có ý định đề xuất yêu sách mới, cũng tuyệt đối không từ bỏ quyền lợi vốn có và hợp pháp của mình”.

Lập trường nhất quán và rõ ràng, không bao giờ thay đổi này có phải là “Đường lưỡi bò” khi thì 9 đoạn, khi thì 10 đoạn, khi 11 đoạn không có tọa độ cụ thể, khi thì vùng biển lịch sử, khi thì biến hóa thành Tứ Sa? Nó là lập trường rõ ràng hay chỉ là lời quanh co biện bạch để chạy tội của kẻ gian manh bị vạch mặt hết lần này đến lần khác, vốn đã được kết liễu bằng phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016? Liệu có bao giờ quý quốc tự ngẫm những hoa ngôn xảo ngữ của mình sẽ lừa bịp được ai chưa, kể cả chính bản thân mình?

Trong vấn đề này, nỗ lực kiểm soát và xử lý ổn thỏa bất đồng của quý quốc có phải là ngày đêm triển khai tàu nghiên cứu, tàu khảo sát vào vùng biển các nước trong khu vực, trao quyền nổ súng cho hải cảnh, đe dọa tấn công quân sự và triển khai hải cảnh quấy phá hoạt động khai thác tài nguyên hợp pháp của các nước khác? Nỗ lực đó cũng có phải là nỗ lực chây ỳ, trì hoãn việc đàm phán thông qua Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông sau gần 20 năm kể từ khi Tuyên bố Ứng xử Biển Đông được thông qua?

Quý quốc tố cáo “Mỹ mới là kẻ thúc đẩy quân sự hóa tại Nam Hải”, vậy xin hỏi thời gian qua ai mới là kẻ triển khai chiến đấu cơ, oanh tạc cơ, tên lửa tấn công ra các thực thể chiếm đóng phi pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa? Ai là kẻ ngày đêm khoanh vùng Biển Đông để tập trận diễu võ dương oai, bắn tên lửa đạn đạo ra khu vực hết lần này đến lần khác?

Nếu Mỹ là kẻ thật sự cưỡng ép và bắt nạt, tại sao người Mỹ đến đâu cũng được hoan nghênh, tàu chiến Mỹ đến đâu cũng được chào đón? Sự đời lẽ nào ngược ngạo có chuyện người ta nồng hậu với kẻ bắt nạt chính mình?

Vốn dĩ tôi chẳng quan tâm đến những khuyến cáo của quý quốc dành cho nước Mỹ, nhưng vì quý quốc nhắc nhở rằng “Đừng cọi nhẹ tính quan trọng của việc độc lập tự chủ trong tấm lòng nhân dân các nước trong khu vực”, nên tôi cũng muốn dành ngược lại câu này cho quý quốc. Bởi chẳng phải chính ở bên quý quốc từng một có quan chức cấp cao từng phát biểu hống hách rằng: “Chúng tôi là nước lớn, các anh là nước nhỏ. Đó là thực tế!” hay sao?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.