Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

Sài Gòn ngày phong tỏa thứ bốn mươi chín

 

Sài Gòn ngày phong tỏa thứ bốn mươi chín

Đỗ Duy Ngọc

26-8-2021

Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5  phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15 — phần 16 — phần 17 — phần 18 — phần 19 — phần 20 — phần 21 — phần 22 — phần 23 — phần 24 — phần 25 — phần 26 — phần 27 — phần 28 — phần 29 — phần 30 — phần 31 — phần 32 — phần 33 — phần 34 — phần 35 — phần 36 — phần 37 — phần 38 — phần 39 — phần 40 — phần 41 — phần 42  phần 43  phần 44  — phần 45 — phần 46 — phần 47 — phần 48

Tôi là người lạc quan, ngay trong những thời kỳ đen tối, bế tắc nhất của cuộc đời, tôi vẫn vững lòng tin. Ngay từ khi dịch bùng phát mạnh ở Sài Gòn, trong bài viết đầu tiên trong Nhật ký Sài Gòn lockdown, tôi vẫn tin là Sài Gòn rồi sẽ sớm qua cơn bệnh nặng.

Thế nhưng nhật ký đến hôm nay đã đến con số bốn chín, vẫn chưa thấy lối thoát nào, vẫn con số người nhiễm và tử vong càng lúc càng nhiều. Bạn bè, người thân, người quen biết nhiều người đã ra đi. Trong giới nghệ sĩ, anh em chơi nhạc và nhiều giới khác đã chết vì virus Vũ Hán. Toàn là những người tài hoa, là những người cống hiến nhiều cho xã hội. Tiếc nuối, buồn đau và giận dữ nhưng đành bất lực, chẳng còn biết trách ai.

Con số tử vong ở thành phố lên đến 7.568 ca trên 190.166 người nhiễm bệnh, chiếm tỷ lệ 3,98%, có lẽ là cao nhất thế giới tính đến hôm nay. Tin trên báo hôm qua chạy tít “Thêm 335 bệnh nhân tử vong, tỷ lệ ca chết do COVID-19 tại Việt Nam cao hơn thế giới“. Một con số lạnh lùng mang nhiều bi thương.

Và chắc chắn con số ấy sẽ không dừng lại đấy. Thành phố đang tiến hành xét nghiệm mở rộng, và kết quả mấy ngày qua làm cho nhiều người khó mà lạc quan. Trong ngày 25.8, ca F0 trong cộng đồng tại thành phố vẫn ở mức rất cao, tỷ lệ này chiếm gần 84% tổng số F0 mới, trong đó nhiều quận, huyện ghi nhận hầu hết F0 mới đều là ca cộng đồng.

Theo dữ liệu từ Cổng thông tin TP.HCM lúc 20h ngày 25.8, xét nghiệm 146.079 mẫu, ghi nhận 5.268 ca mắc mới, trong đó có đến 4.413 ca cộng đồng.

Như vậy, tỉ lệ F0 trong tổng số mẫu xét nghiệm được lấy chiếm 3,6% nhưng tỉ lệ ca cộng đồng chiếm gần 84% so với tổng số ca mắc. So với ngày 24.8, số mẫu xét nghiệm được lấy trong hôm nay tăng hơn 8.100 mẫu, tỉ lệ F0 trong cộng đồng không giảm.

Đáng chú ý, tại quận Bình Tân, trong ngày 25.8, quận phát sinh 388 ca dương tính thì tất cả đều là ca tầm soát ngoài cộng đồng và trong bệnh viện (chiếm 100%).

Ở các quận 4, 5, 7, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Hóc Môn… tỉ lệ F0 trong cộng đồng so với tổng ca mắc cũng chiếm trên 90% đến gần 100%.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm toàn thành trong thời gian thực hiện biện pháp tăng cường giãn cách xã hội từ 0h ngày 23.8. Lãnh đạo y tế thành phố lưu ý, con số phát hiện dương tính sẽ không ngừng lại mà sẽ tăng nhiều hơn trong thời gian tới và khuyên nhân dân nên bình tĩnh vì nó nằm trong kịch bản đã được dự báo. Nhưng dân thì không thể không hoang mang vì như thế là chúng ta đang sống chung với F0.

Điều kiện sinh hoạt của đa số người dân thành phố trong các khu dân cư vốn san sát nhau, sinh hoạt cận kề nhau thì không thể không dính dịch khi chung quanh đầy F0. Con số người dương tính càng ngày càng cao dù nhà nước đã ban bố rất nhiều chỉ thị, văn bản để hạn chế người dân ra đường. Có thể là do xét nghiệm mở rộng, nhưng con số đó cũng là kết quả của những lần đổ xô chen lấn mua hàng khi nghe lệnh siết chặt của thành phố.

Lại thêm tình trạng ùn ứ nơi các chốt chặn, giao lộ khi kiểm tra giấy đi đường, cài đặt app để lấy mã code. Rồi tập trung xét nghiệm, tiêm chủng. Rồi bộ phận y tế không thực hiện đúng yêu cầu khi test hay tiêm chích, không sát trùng, không thay găng, sử dụng thiết bị cho quá nhiều người… F0 cao xuất phát từ những lý do này.

Bây giờ, vấn đề đặt ra là số lượng F0 quá nhiều như thế, chỗ nào cho bệnh nhân nằm để điều trị. Một số chưa có triệu chứng thì có thể cách ly điều trị tại nhà, nhưng những người trở nặng thì cầm chắc cái chết. Vậy thì bóc, tách F0 để làm gì nữa khi nó đã tràn lan và không có một biện pháp khả thi để giải quyết? Tôi trở lại ý kiến tập trung vào đối tượng dễ nguy hiểm nhất là người già và có bệnh nền thay vì tốn nhiều nhân lực và tiền của để bóc, tách F0. Việc quan trọng nhất bây giờ là giảm tử vong và người bệnh nặng có được giường để nằm, có oxy để thở, có bác sĩ để theo dõi.

Lực lượng y tế đã kiệt sức, nhiều người đã rút lui, vẫn có người gắng trụ lại nhưng tỷ lệ một bác sĩ với vài trăm người bệnh thì bất khả, không làm sao xử lý kịp thời. Báo cáo tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, hiện tỉnh có 74.000 ca F0, tập trung chủ yếu ở 15 phường của 2 huyện “vùng đỏ” với khoảng 1 triệu dân. Khó khăn lớn nhất của tỉnh lúc này là quá tải về y tế.

“Cơ sở vật chất thì tỉnh xây được nhưng lực lượng y tế, bác sĩ thì không có”, ông Minh nói. Ông cho biết, tỉnh đã xây 58 khu thu dung ở vùng xanh với 17.000 chỗ nhưng hiện mới chỉ bố trí được 17 bác sĩ.

“Như vậy, 1 bác sĩ phụ trách 1.000 người ở cả 3 cơ sở thu dung”, ông chia sẻ khó khăn của tỉnh.

Một bác sĩ phụ trách 1.000 người thì chỉ có nước nằm chờ chết thôi, không còn cách nào khác. Theo các bác sĩ, bệnh dịch này trở nặng rất nhanh, chỉ cần không kịp theo dõi là bệnh nhân đi đến cái chết ngay.

Thành phố đã trải qua chỉ thị 10, 12, đến 15, 16, 16+ và giới nghiêm toàn phần với nhiều lúng túng và các chỉ thị chồng chéo, bất nhất. Lãnh đạo cũng khó khăn, dân cũng khổ mà đội ngũ y tế cũng lao đao. Giờ có thêm quân đội hỗ trợ bảo vệ trật tự an ninh và lưu thông lương thực. Không biết bao giờ mới hết giăng dây, kéo hàng rào dây kẽm. F0 nhiều như thế thì dây giăng với kẽm gai ngăn chận trở thành vô ích.

Người dân trông chờ vaccine, đa số đã tiêm mũi 1, băn khoăn không biết bao giờ được tiêm mũi 2. Nhìn ra thế giới, nhiều nước đã tiến hành tiêm mũi thứ 3 mà nóng ruột. Tại họp báo chiều 25.8, ông Nguyễn Hoài Nam, phó giám đốc Sở Y tế cho biết hiện nay thành phố đã tiêm mũi 1 cho hơn 76% người dân trên 18 tuổi, 3,1% dân số đã tiêm đủ 2 mũi. Kế hoạch của TP là nhanh chóng phủ mũi 1 vắc xin.

Ông cũng cho hay, hiện nay kế hoạch tiêm mũi 2 đã lồng vào kế hoạch tiêm mũi 1, theo thời hạn khuyến cáo của nhà sản xuất.

Nếu người dân tiêm vắc xin ở đợt 4 bắt đầu từ ngày 21.6 thì theo hướng dẫn của nhà sản xuất, vắc xin AstraZeneca tiêm mũi 2 từ 8-12 tuần. Nhưng theo đánh giá, thời điểm sau 12 tuần là hiệu quả nhất của vắc xin, tạo kháng thể cao nhất. Theo đó, việc tiêm mũi 2 vắc xin này rơi vào giữa tháng 9.

Tương tự đối với mũi 2 vắc xin Pfizer là từ 3-4 tuần, Moderna là 4 tuần và Vero Cell là 4 tuần. Thế nên cứ chờ thôi. Hiện đã có nhiều vaccine về tới Việt Nam, hi vọng thành phố sẽ được phân phối đúng với nhu cầu để mau chóng kềm hãm được dịch.

Khi đã được tiêm chủng đủ hai liều, như thế giới hiện nay chủ trương là sống chung với dịch. Bởi không thể nào tách hay xoá được con virus. Nó sẽ hiện diện tiếp tục trong đời sống của chúng ta. Như vậy, vẫn tiếp tục tự bảo vệ mình bằng những biện pháp của y tế yêu cầu. Không thể chủ quan sau khi đã tiêm chủng. Tình hình dịch bệnh của thế giới hiện nay đã cho thấy rõ điều đó.

***

Trở lại việc lưu thông hàng hoá, dù chính phủ đã nhiều lần yêu cầu bỏ việc kiểm tra với xe QR Code, thông suốt vận chuyển hàng hoá, song nhiều địa phương vẫn tiếp tục quy định các giấy phép con, “làm khó” doanh nghiệp. Trong văn bản hoả tốc gửi các địa phương hôm 25.8, Bộ GTVT đề nghị bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp trong kiểm soát hàng hoá, gây bức xúc cho lái xe, doanh nghiệp. Tuy nhiên, mỗi tỉnh làm mỗi cách, loạn sứ quân chẳng thèm nghe theo một chỉ thị nào.

Hàng hoá bị ngăn chận khiến doanh nghiệp gặp khó mà dân cũng khổ. Không hiểu có nhiều siêu thị, doanh nghiệp chạy được cửa nào mà họ đi thong dong, chở hàng về đều đều để tăng giá vô tội vạ. Ngay ngày bắt đầu chương trình đi chợ hộ, Sở Công thương cũng cảnh báo có dấu hiệu lừa đảo người dân khi yêu cầu chuyển tiền đăng ký mua hàng “đi chợ hộ”, nhưng không phải những trang bán hàng được lập bởi các tổ dân phố và hệ thống phân phối.

Sở cảnh báo người dân nên liên hệ với các tổ trưởng tổ dân phố, hội phụ nữ và các đoàn thể trong phường để đăng ký “đi chợ hộ” bảo đảm an toàn, hàng hóa bán đúng giá hơn. Như vậy, đã có chuyện lừa đảo xuất hiện. Người dân cũng chưa mặn mà lắm với gói combo bởi giá cao, nhiều món không có nhu cầu nhưng phải mua kèm. Bên cạnh đó nhiều gia đình đã mua sắm đầy đủ trước đó nên combo đang ế khách.

Hiện nay nhiều người dân khổ sở vì thiếu gaz để đun nấu. Những cửa hàng cung cấp gaz cho biết là họ không thể chuyển gaz cho người mua vì không được phép lưu thông. Chưa kể tình trạng giá gaz thả nổi, tăng giá vô tội vạ làm nhiều người tiêu dùng điêu đứng. Sở Công thương thành phố nên lưu ý mặt hàng này bên cạnh lương thực và thực phẩm vì đa số dân thành phố hiện giờ đều dùng gaz để làm chất đốt đun nấu hàng ngày.

Trong mùa dịch tang thương thế này, nhiều tổ chức từ thiện lập ra với mục đích trục lợi. Có nhiều tổ chức từ thiện rất tiếng tăm với ban bệ cố vấn và tham gia toàn người nổi tiếng của xã hội, tiền thu được hàng chục, hàng trăm tỷ nhưng đều nằm trong tài khoản cá nhân. Việc đi chợ giúp dân vừa mới bắt đầu đã ló mặt, nhiều trang giúp dân nhưng nhận xong tiền là mất hút.

Lũ người như thế yêu cầu nhà nước phải có biện pháp mạnh tay xử lý, nếu cần khép vào tội hình sự vì đó là sự lừa gạt có tổ chức. Biết bao người dè xẻn từng đồng bạc có được để góp phần xoa dịu cơn đau của người nghèo. Biết bao người không sợ nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng lăn vào cuộc để giúp dân. Rất nhiều người có thể nằm nhà, xem phim, đọc sách, vui chơi với gia đình. Chẳng có ai trách họ cả. Bởi nằm yên một chỗ cũng đã là góp phần chống dịch. Nhưng rồi vì lương tâm, vì lòng nhân đạo, họ lăn vào chốn hiểm nguy với con virus để cứu giúp người.

Đã có nhiều người hi sinh mạng sống của mình trong khi làm thiện nguyện như cô gái tình nguyện viên, như anh Cường béo, như Soeur Maria Trần Ngọc Thảo Linh vừa qua đời hôm trước. Còn lũ từ thiện kền kền chỉ việc ngồi máy lạnh, vẽ ra những chuyện thương tâm để đếm tiền bỏ túi, sắm nhà, sắm xe. Ăn của máu xương dân nghèo rồi cũng bị quả báo thôi, chẳng chóng thì chầy. Chỉ thương cho những người đáng được gọi là anh hùng trong mùa dịch đã ra đi trong lặng lẽ.

Người dân phản ánh giá combo tại một số siêu thị có mức giá khá cao so với giá hàng hóa thực tế và giá bán tại các siêu thị cũng có khác nhau, chênh lệch về giá. Xem nhiều combo đặt hàng ta cũng thấy sự khác biệt của mỗi địa phương. Ngay trong một quận mà có phường combo chỉ lèo tèo chục món, có tổ dân phố hàng hoá cả mấy trang giấy. Có chỗ thì bắt mua combo, nhiều người gọi là mua kèm. Có chỗ thì niêm yết từng món hàng, thích gì mua đấy. Có nơi bản hàng toàn thịt cá, có nơi lại toàn rau với những món rẻ tiền.

Thì ra đời khó công bằng, khu nhà giàu thì bán hàng toàn món ngon, khu bị xem là khu nhà nghèo thì toàn rau cải. Điều đó khiến người dân cũng gặp khó khi lựa chọn cho mình những hàng hoá thiết yếu phù hợp hoàn cảnh của mỗi gia đình.

***

Ngày 24.8 cũng có tin vui khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala D. Harris đến VN đêm 24.8, sau khi kết thúc chuyến thăm Singapore. Chuyến công du của bà tại VN kéo dài từ ngày 24 đến 26.8. Trong ngày bà Harris sẽ khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) tại Hà Nội. Đồng thời, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thông báo Mỹ tài trợ thêm 1 triệu liều vaccine Pfizer cho Việt Nam, nâng tổng số vaccine Mỹ dành cho Việt Nam lên 6 triệu liều. Hãng tin AP cho hay, số vaccine này bắt đầu được cung cấp ngay trong vòng 24 giờ tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.