Phân bổ vaccine: “Giận cá, chém thớt”, “quýt làm, cam chịu”
Lê Uy Linh
(KTSG Online) - Có thể hiểu được tuyên bố mới đây của Bộ Y tế, mà theo người viết là bộ trong tâm trạng bức xúc và sốt ruột khi “hiện vẫn còn một số đơn vị rất chậm trễ tiếp nhận vaccine, tổ chức triển khai tiêm chủng”. Nhưng, có lẽ không chỉ người viết mà nhiều người dân có cảm giác “sốc” với biện pháp tiếp theo của bộ: “Nếu sau ngày 8-8 đơn vị không đến nhận vaccine, Bộ Y tế sẽ điều chuyển cho đơn vị khác và xem xét việc phân bổ trong các đợt tiếp theo”.
Bộ Y tế còn nhấn mạnh: “Đến ngày 10-8, nếu đơn vị nào triển khai tiêm chủng chậm, Bộ Y tế sẽ công bố kết quả tiêm chủng của đơn vị trên phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, báo cáo Thủ tướng, điều phối vaccine cho các đơn vị khác và sẽ tạm dừng việc phân bổ vaccine cho đơn vị trong các đợt tiếp theo”.
Hỏi một số người đã đọc các thông tin trên qua báo chí, tất cả đều nói “rất sốc” và “rất lo ngại” trước cách suy nghĩ của một nhà tổ chức và điều hành một chiến dịch quan trọng, liên quan đến sự an nguy trong dịch bệnh đối với người dân. Những tuyên bố đó, có thể chỉ là “dọa”, nhưng khiến người nghe cảm thấy một kiểu “giận cá, chém thớt”, và họ - giống như đang rơi vào hoàn cảnh “quýt làm, cam chịu”.
Đúng là phần nào đó phải đồng cảm với những bức xúc của Bộ Y tế. Bức xúc đó trước hết và trên hết là nhìn thấy diễn biến dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng, đã lan rộng khắp các tỉnh, thành cả nước, số ca nhiễm tăng chóng mặt, chưa kể số tử vong cũng tăng lên. Trong tình cảnh này, việc tiêm ngừa vaccine là giải pháp hữu hiệu nhất để chấm dứt sự bùng phát đại dịch; Chính phủ, Bộ Y tế, cũng như bộ, ngành, địa phương liên quan, kể cả doanh nghiệp, đang tìm mọi cách để có đủ lượng vaccine hầu tăng độ phủ tiêm ngừa trong toàn dân. Và như vậy, Bộ Y tế, cơ quan được giao trách nhiệm chính, không khỏi nóng ruột trước sự chậm trễ của những địa phương trong việc triển khai tiêm ngừa, khi mà vaccine đã được phân bổ, đã nằm sẵn tại kho chờ tiếp nhận.
Tuy nhiên, bức xúc, nóng ruột là một lẽ, nhưng với tư cách là nhà tổ chức, và phần nào được giao trách nhiệm chỉ huy trực tiếp, vị chỉ huy đó cần xác định đúng địa chỉ chịu trách nhiệm, hơn nữa cần tìm hiểu vì sao tắc trách, từ đó đưa ra biện pháp xử lý hợp lý, hợp tình. Địa chỉ ban đầu đã tìm ra, đó là những địa phương chậm trễ trong việc triển khai tiêm ngừa. Vậy thì ai là người chịu trách nhiệm, nếu chẳng phải là người đứng đầu địa phương đó cũng như những người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện?
Kế đến, những người chịu trách nhiệm phải đứng ra giải trình vì sao chậm thực hiện. Nếu vì hoàn cảnh hay vướng mắc khách quan nào đó, sau khi đã được chứng minh, thì Bộ Y tế cùng địa phương ngồi lại bàn cách nhanh chóng tháo gỡ. Tin rằng có thể có lý do chứ thực sự các địa phương cũng nóng lòng tiêm vaccine để nhanh chóng khôi phục lại hoạt động, chấm dứt cách ly xã hội. Lý do có thể là thiếu nhân lực y tế trầm trọng, và thậm chí có những lý do rất “trời ơi” như người đi tiêm phải chứng minh cái sự “ra đường chính đáng” của mình bằng đủ loại giấy tờ có đóng dấu (trong khi cứ luôn nói chuyển đổi số)…
Còn nếu xác định đúng nguyên nhân chậm trễ là do sự quan liêu, vô trách nhiệm thì rõ ràng người “bị xử” phải là những người có trách nhiệm tại địa phương đó. Trong trường hợp này, thiết nghĩ Bộ Y tế đừng nên “báo cáo Thủ tướng, điều phối vaccine cho các đơn vị khác và sẽ tạm dừng việc phân bổ vaccine cho đơn vị trong các đợt tiếp theo”. Cái sai của “quan” không thể bắt “dân” gánh chịu. Bộ Y tế vẫn nên tiếp tục phân bổ vaccine để tiêm cho dân – họ là những người trong vùng dịch – rất cần tiêm ngừa để bảo toàn sinh mạng; đồng thời địa phương nhanh chóng khôi phục hoạt động đã bị đình trệ để người dân ổn định cuộc sống. Việc các ông quan làm sai sẽ bị kỷ luật sau.
Tin rằng tuyên bố của Bộ Y tế chỉ là “dọa” thôi, nhưng đối với dân, nghe như vậy dẫu sao cũng thấy hơi “phản cảm”.
L.U.L.
Nguồn: Thesaigontimes
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.