Thứ Ba, 24 tháng 8, 2021

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh có tạo nên một xu thế tự từ chức?

 

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh có tạo nên một xu thế tự từ chức?

Nguyễn Ngọc Chu

24-8-2021

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh. Ảnh: Báo SGGP

1. Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh tuyên bố “Sẽ từ chức nếu để người dân đói trong thời gian giãn cách xã hội” – có lẽ là trường hợp hy hữu trong lịch sử nước CHXHCNVN.

Tuyên bố của ông Nguyễn Hồng Lĩnh khác với trường hợp ông Lê Huy Ngọ xin từ chức để tránh phải thảo luận về trách nhiệm.

Tuyên bố của ông Nguyễn Hồng Lĩnh cũng khác với tuyên bố của cựu TT Nguyễn Tấn Dũng khi nhận chức “Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay”. Ông Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trong hoàn cảnh ông Phan Văn Khải khi rời chức Thủ tướng trước nhiệm kỳ và tiến cử ông Nguyễn tấn Dũng, đã nhận lỗi: “Để tham nhũng nghiêm trọng, tôi nhận lỗi trước nhân dân”. Tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng là một “nước cờ chính trị”.

Nay không ai bắt buộc, lại không có vị thế như ông Nguyễn Tấn Dũng để khuynh đảo mà thoái thác trách nhiệm, nhưng ông Nguyễn Hồng Lĩnh đã tự treo vào mình “án” tự từ chức khi để “dân đói trong giãn cách xã hội”.

Tuyên bố của ông Nguyễn Hồng Lĩnh không phải là một “nước cờ chính trị”. Bởi thí dụ ở TP.HCM cho thấy số người dân bị đói trong giãn cách xã hội là cả triệu người, đến mức hàng vạn người phải ra đi. Và thực tế ở TP.HCM thì vì chống dịch Covid không thành công mà ông Nguyễn Thành Phong phải rời chức Chủ tịch UBND TP.HCM. Cho nên, có thể tiên liệu, ở Đồng Nai cũng có đến hàng vạn người đối mặt với đói khi thực hiện giãn cách. Mà việc xác định dân có bị đói hay không cũng không khó, vì ai bị đói cũng có thể kêu lên qua MXH.

Cho nên tuyên bố của ông Nguyễn Hồng Lĩnh sẽ phải đối mặt với sự kiểm chứng thực tiễn. Ở phương diện khác, cũng chưa thấy ông Nguyễn Hồng Lĩnh có cơ hội để bước lên một chức vụ mới – đến mức phải mạo hiểm đánh đổi chức bí thư tỉnh uỷ. Tuyên bố của ông Nguyễn Hồng Lĩnh nghiêng về chân thật, xuất phát từ lòng thương dân, từ trách nhiệm, chứ không nghiêng về “nước cờ chính trị”.

2. Nhưng đáng nể phục hơn, tuyên bố của ông Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định trách nhiệm của bí thư tỉnh uỷ là người đứng đầu tỉnh, chứ không đổ lỗi trách nhiệm cho Chủ tịch UBND tỉnh. Trong 62 tỉnh thành chưa có vị bí thư nào dám dũng cảm dám đứng ra nhận trách nhiệm rõ ràng như ông Nguyễn Hồng Lĩnh.

Phải thêm một lần nhắc lại, bất cứ ở tổ chức nào, đơn vị nào, địa phương nào, thì người có chức vụ cao nhất phải chịu trách nhiệm lớn nhất. Ở phương diện tỉnh thành là bí thư tỉnh thành chứ không phải chủ tịch UBND. Ở phương diện quốc gia là TBT, rồi sau mới đến TT và các chức vụ khác. Phân công hay không phân công thì người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm lớn nhất. Phân công cho Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban phòng chống Covid-19, thì trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về Bí thư tỉnh uỷ. Phân công cho Phó thủ tướng làm trưởng Ban phòng chống dịch Covid -19 thì trách nhiệm lớn hơn là của Thủ tướng.

Trường hợp TP.HCM, dù ông Nguyễn Thành Phong có là Trưởng ban chống dịch thì trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về ông Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên. Ông Phan Văn Mãi thay ông Nguyễn Thành Phong – có làm Trưởng ban phòng chống dịch thì trách nhiệm lớn nhất ở TP.HCM vẫn thuộc về Bí thư thành uỷ chứ không phải là Chủ tịch UBND TP. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định chức vụ và trách nhiệm cao nhất của các bí thư tỉnh thành. Đó là sự sòng phẳng đáng nể của ông Nguyễn Hồng Lĩnh. Đáng nể vì trong cả bộ máy chưa thấy ai dám tuyên bố sòng phẳng như ông Nguyễn Hồng Lĩnh.

Ở nước ta đảng cầm quyền. Chính quyền không phải là nơi để người có chức vụ đảng cao nhất chối bỏ trách nhiệm. Chính việc người có chức vụ cao nhất trong đơn vị không đứng ra nhận trách nhiệm, nên không kỷ luật được ai khi thất bại. Thành ra, hoặc là phê bình, hoặc nhận lỗi tập thể, hoặc lấy một ai đó cấp dưới để kỷ luật thay thế.

Nói đến kỷ luật thay thế thì nhớ đến tích “Tào Tháo cắt tóc thay đầu”. Nhưng tóc từ đầu của Tào Tháo, chứ không từ đầu của người khác. Trong trường hợp phải thế mạng, thì Tào Tháo cũng sòng phẳng – báo trước cho Vương Hậu là mượn đầu của Vương Hậu để yên lòng quân, xin phụng dưỡng mẹ già và gia đình Vương Hậu.

Việc nhận lỗi tập thể, và kỷ luật cấp dưới thay thế, xem ra còn thua sự sòng phẳng so với “cắt tóc thay đầu” và “mượn đầu Vương Hậu” của Tào Tháo.

Cho nên, nể phục ông Nguyễn Hồng Lĩnh – là may có ông Nguyễn Hồng Lĩnh khảng khái nhận trách nhiệm để không phải đẩy lỗi sang cho chính quyền, che đậy trách nhiệm bằng nhận lỗi tập thể, hay kỷ luật cấp dưới thay thế, để đỡ khó coi với tiền nhân. Vì không có lẽ ở thế kỷ 21 rồi, với dân số 100 triệu mà không có ai khảng khái dám chịu trách nhiệm?

Điều lăn tăn là ông Nguyễn Hồng Lĩnh muốn từ chức chưa chắc đã được từ chức. Vì nó tạo tiền lệ buộc người không muốn từ chức phải từ chức. Những người dựa vào “tổ chức phân công”, “tổ chức giao nhiệm vụ” chắc chắn không phấn khởi khi nghe lời dám nhận trách nhiệm của ông Nguyễn Hồng Lĩnh. Ở phương diện “tổ chức phân công”, “tổ chức giao nhiệm vụ” – chưa thấy ai kiên quyết từ chối để mà nể phục.

Hy vọng rằng với tính cách thẳng thắng quyết liệt, ông Nguyễn Hồng Lĩnh sẽ không để dân đói trong giãn cách xã hội, và tỉnh Đồng Nai sẽ đẩy lùi được dịch bệnh.

Muốn đất nước không tụt hậu thì trước hết phải có những người lãnh đạo dám chịu trách nhiệm, dám tự nguyện từ bỏ quyền lực. Trong khung cảnh cả bộ máy đã hàng chục năm không có ai chịu tự nguyện rời bỏ quyền lực, dẫu chỉ mới tuyên bố thôi, thì trường hợp ông Nguyễn Hồng Lĩnh cũng đã là quý hiếm. Rất mong có thêm một người dám tuyên bố như ông Nguyễn Hồng Lĩnh nữa để mà nể phục.

Nếu hàng ngũ lãnh đạo từ tỉnh thành cho đến trung ương có nhiều người dám tuyên bố như ông Nguyễn Hồng Lĩnh thì nhiều điều mới có lợi cho đất nước sẽ xuất hiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.