Đổi mới giáo dục, bắt đầu từ đâu?
Chương trình giáo dục mới (2018) đặt cả quyền tự quyết lẫn trọng trách lên vai người thầy bằng những ngôn từ rất đẹp. Tuy nhiên, ngay trước thềm năm học mới khi mà chương trình này chuẩn bị áp dụng cho lớp 6 thì một hành xử thô bạo, đi ngược lại hoàn toàn chủ trương của “đổi mới căn bản toàn diện giáo dục” đã công nhiên diễn ra nơi một giảng đường đại học.
Khi một giảng viên chỉ đơn thuần thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của mình về nỗi khổ của đồng bào mà lập tức bị báo công an và sa thải thì đồng nghĩa với không có tự do, không có tự chủ, không có cả những quyền con người sơ đẳng nhất chứ đừng nói đến sự tôn trọng người thầy.
Điều ấy hơn ngàn vạn lời nói, hơn cả trăm trang sách đẹp đẽ mà chương trình mới đang tuyên xưng. Nó là một cú tát, hay là một sự cười nhạo đầy mỉa mai, rút kiệt niềm tin vốn đã mong manh của dân chúng từ những cải cách liên miên mấy chục năm qua.
Thân phạn người thầy một lần nữa lại được gióng lên, và chìm đi, mờ mờ nhân ảnh giữa những thấp thỏi và chà đạp, khinh khi. Vẫn là câu chuyện cũ: tình trạng mất dân chủ trong giáo dục. Với lối quản lý bởi bàn tay chuyên chế học đường, người thầy luôn ở trong nguy cơ bị đe dọa tước đoạt cả suy nghĩ lẫn lời nói. Với lối chính trị hóa giáo dục ấy, tự do học thuật trở thành bánh vẽ. Nghĩa là sẽ không có tư duy độc lập, sẽ không có phát triển năng lực, không có sự theo đuổi cá tính nào cả như chương trình 2018 đã đề xướng. Ở Đại học mà còn như thế thì thử hỏi, phổ thông sẽ thế nào?
Vẫn là thân phận ấy, những kẻ làm thuê, những “người thợ khéo tay, “làm theo vài kiểu mẫu đưa cho” và luôn luôn có thể bị sa thải bất cứ lúc nào nếu trái ý chủ.
Bộ Giáo dục ở đâu trong sự vụ ghê gớm này? Cho dù tất cả có quay lưng với nhà giáo thì vẫn phải còn đó Bộ Giáo dục đứng ra bênh vực và bảo vệ, bảo vệ tự do học thuật và danh dự nhà giáo. Hơn bao giờ hết, đây chính là cơ hội để Bộ chủ quản lấy lại niềm tin của nhân dân, và đặc biệt là tạo dựng sự vững tâm cho hơn nửa triệu nhà giáo trên đất nước chúng ta. Hơn nửa triệu con người ấy chính là lực lượng sẽ quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới lần này. Ai là người đã đề xướng Đổi mới giáo dục, hãy đứng về phía nhà giáo trong sự việc này!
Một khi họ (giáo viên) không còn biết dựa vào đâu giữa sự bủa vây của những nguy cơ và bất an, thì một giải pháp an toàn sẽ là ưu tiên, thậm chí là duy nhất. Và thế là sẽ không có tự chủ, không có sáng tạo, không có điều chỉnh nào cả. Cứ “lối cũ ta về” cho lành, mà “lối cũ” ấy là gì thì Bộ giáo dục đã biết rồi.
Không biết Bộ có hình dung ra cái viễn cảnh này không? Bộ có muốn lại quy định chi tiết mẫu giáo án, lại tiếp tục viết văn mẫu, lại “cầm tay chỉ việc”?
Hãy bắt đầu từ Duy Tân. Hàng triệu con mắt đang nhìn chằm chằm vào Bộ Giáo dục, nửa triệu nhà giáo đang nín thở quan sát. Thái độ và hành đồng của họ sẽ do Bộ quyết định. Nghĩa là tương lai của của công cuộc Đổi mới đang nằm ở vị trí nhạy cảm nhất của nó: Đại học Duy Tân.
Chúng tôi, những người tha thiết với nền giáo dục nước nhà, đang chờ một tiếng nói công bằng của Bộ Giáo dục!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.